Thiệt
tình đụng tới hai chữ "lang thang" như vầy
là trật lất bài bản hết trọi trơn. Tại
vì ..
Khi
còn ở Rạch Giá hoặc dời lên Sài Gòn, những khi ở
không, rảnh rỗi [ờ mà sao hồi đó "rảnh gì
đâu !"] tôi thường lang thang
lưới thưới .. Đi bộ mòn guốc, mỏng
dép. Đi bộ sút đế, đứt quai.
Đi rong rểu không mục đích. Đi chỉ để
mà đi. Đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược,
đi về chốn không mong, không cầu, không hò hẹn.
Không tới nhà bạn. Không đi thăm bà con. Không vào rạp
coi chiếu bóng. Không sà vào gánh hàng quà !!! Dĩ nhiên lúc còn má,
thời gian lang thang rất ư giới hạn, lúc má mất
rồi, ngựa chứng vô cương .. Thì, lang thang chỉ
để mà lang thang vậy thôi. Đầu óc có nghĩ ngợi
viển vông gì không, đâu có nhớ .
Không
lang thang đi bộ thì lang thang bằng cách long nhong trên yên
xe đạp, xe Vélo, xe PC, xe Honda [nói chung là xe 2 bánh chạy
bằng cơm nước hoặc bằng xăng] đi bốn
phương tám hướng đặng không đi đến
đâu, không đi về đâu, chỉ để chạy
miết lòng vòng, loanh quanh .. Mà hồi đó Rạch Giá nhỏ
téo, chạy xe đi hết một vòng cũng chả bao
lăm hơi. Nhưng nếu đi qua cầu đúc, qua khỏi
Cổng Tam Quan, đi về hướng Rạch Sỏi ..
chà hơi lớn chuyện à nha. Con gái con lứa đi
đâu nếu không phải là đi "tìm trai" (mà thói
thường "trâu đi tìm cọc, chớ cọc nào lại
tìm trâu" ???). Thôi thì mộng lang thang bèn "được"
ém nhẹm trong lòng con gái nhà lành, gói tròn vo tâm tình phiêu lãng
trong cái ốc đảo gọn lỏn giữa hai cây cầu:
cầu quay và cầu đúc . Ở Sài Gòn lại khác, đâu
có ai để ý mà dòm ngó mình là ai. Đi bát phố Lê Lợi,
Bô-Na, chợ Bến Thành .. thì phải có một anh nào đó
kè kè mới phải đạo .. tình. Đi mình ên chỗ
đó thì "không giống con giáp nào",nên tha hồ một mình vù vù giữa
đường phố cho "phẻ" thân gầy.
Đường Sài Gòn. Đường Bà Chiểu.
Đường Phú Nhuận. Đường Tân Định.
Đường Chợ Lớn. Đường Gò Vấp.
Đường Phú Thọ ..Đường nào cũng không
phải con-đường-tình-ta-đi !!!
Làm
gì có đượckiểu
lang thang thơ mộng của CUNG TIẾN:
"Chiều
hôm qua lang thang trên đường, Hoàng hôn xuống, chiều
thắm muôn hương" .. Cũng không hề
lang thang kiểu "giang hồ vặt" của PHẠM HỮU
QUANG: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt,
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà".
Dĩ nhiên cũng đâu có phải: "Trời còn
làm mây, mây trôi lang thang .." (TCS).
Nhớ
lại cũng ngộ thiệt chớ, mắc gì lang thang
lãng xẹt vậy trời !!!
Cứ gai góc cho biết
mình gai góc
Cứ lang thang cho hết nẻo
lang thang
Cứ cay độc
cho hết điều cay độc
Để dành cho anh
tất cả những dịu dàng
(HOÀNG THỊ HỒNG
HÀ)
Thiệt
tình, tác giả Hồng Hà làm tôi giật mình thảng thốt,
nhất là câu "cứ lang thang cho hết nẻo lang
thang". Nhưng suy đi nghĩ lại
vẫn không phải là tôi, cái tôi gai góc, cái tôi lang thang, cái tôi
cay độc của những ngày xưa thân ái !!! Ủa, mà
có thật là "không" không ta ???
Còn
"mùa xuân" mà tôi muốn nói là mùa xuân ở Mỹ thôi
nha. Xin nhớ cho mùa xuân ở đây bắt đầu ngày
21 tháng 03 (cái xứ gì kỳ cục thiệt, bắt đầu
xuân không phải ngày đầu tháng, cũng không phải
ngày đầu của một năm !!! Y như một ông
HO "phán" cho một câu xanh dờn: Xứ gì kỳ cục,
thịt gà rẻ hơn khoai lang hihihihi !!!)
Ôi,
vậy tôi lang thang .. mùa xuân kiểu nào đây cà ???
Những ngày còn ở Rạch
Giá thì bận học, bận "mộng mơ lãng
đãng" nên dù có "thèm muốn chết" được
viếng Hà Tiên cũng không tài nào thực hiện nổi. Rồi
lại còn chuyện "súng đạn, bom, mìn" nên lại
càng không dám rong chơi "xa xỉ" !!!
Mãi mấy chục năm
sau, bây giờ, cách xa quê xưa, chốn cũ cả nửa
vòng trái đất, mới được dịp vi va vi vu
thăm lại cảnh đẹp nức tiếng "danh
bất hư truyền"; mới lại được
thấm thía tâm tình Nhạc Sĩ Lê Dinh và ngưỡng mộ
người dù chỉ một lần ghé thăm HÀ TIÊN mà làm
địa danh này "đẹp mãi" với thời
gian !!!
Thế là tôi đã "bật mí" rồi phải không. Tôi "lang thang .. mùa xuân" trên chợ trời Internet đó mà !!!
"Muốn đem so sánh với những danh
lam thắng tích, muốn đem so sánh với những danh
sơn đại xuyên, thì phong cảnh Hà Tiên thực vẫn
còn kém nhiều nơi lắm. Nhưng mà Hà Tiên dễ yêu, dễ
cảm nhiễm người, vì ở đó núi rừng
không cao rậm lắm, đến cho người ngắm
hãi hùng; biển hồ không sâu rộng lắm, đến
cho người nhìn kinh sợ.
Ở đó như một cảnh giả
sơn thân mật, trong hoa viên, mỗi cảnh nhỏ nhỏ
xinh xinh vừa đủ để cho tầm ngoạn
thưởng, Ở đó kỳ thú thay, như hầu đủ
hết. Có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng
Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển
của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một
ít thạch thất, sơn môn của Hương Tích. Có một
ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền
của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một
ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải.
Ở đây không có một cảnh nào to lớn
đầy đủ, ở đây chỉ nhỏ nhắn
xinh xinh mà cảnh nào cũng có. Phân tích được
điều đó rồi mới biết vì sao, ai đến
thăm Hà Tiên, thoạt nhìn không thấy có cảnh nào đặc
sắc, mà cứ sao lòng lưu luyến đến say lòng.
Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của
danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ
cho hạt giống văn chương, văn học dễ
phát sinh" (ĐÔNG HỒ)
Tôi "ngõm ngọ" Hà
Tiên từ những ngày ở Xóm Biển Rạch Giá. Từ
những ngày nằm trên võng toòng teng ở căn nhà
đường Hoàng Diệu, mải mê ngắm: "..trời mây nước đẹp gì đâu
trên mặt biển trước nhà, có con Rùa bự tổ
như đang bơi đùa trên muôn trùng con sóng mênh mang. Ngó mê
mẩn, ngó mải miết chỉ sợ nước cuốn
nó đi mất tiêu thì buồn biết bao nhiêu !!!(PV 100 - Như rất bình
thường).
Tôi thèm được
đi đến cái xứ có tiên giáng trần, tắm trên
sông, trầm mình trong suối mát. Ít ra thì tiên có mắt lắm
mới "chọn chỗ" để giáng xuống,
để tắm táp tẩy trần. Chỗ đó phải
đẹp đẽ, thơ mộng, thanh tịnh, xinh
tươi, cảnh trí phải ngang ngang tầm cỡ thiên
thai chứ.
Tôi mơ được
đi đến nơi có "văn là vẻ đẹp, chương
là vẻ sáng", cái nơi đẹp
đẽ xán lạn, huy hoàng diễm lệ của nhóm Tao
Đàn
CHIÊU ANH CÁC[chiêu tập và mời gọi anh tài] sáng
lập bởi Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, và Mạc
Thiên Tứ làm Tao Đàn Nguyên Soái [1718-1780]. Trời, hơn
200 về trước (1736), từ nơi tí mù của VN này,
nơi vô danh tiểu tốt này mà đã lừng lẫy những
bậc hiền tài sáng rực trời Nam :
" .. Ta thử tưởng tượng một
nhóm người di cư qua một nước tuy là đồng
vănnhưng vẫn là lạ,
dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất,
mà chỉ nửa thế kỷ sau, làm cho nơi đó thành một
đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học
xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ
ngữ thì có lạ không chứ .. " (NGUYỄN HIẾN
LÊ)
CHÚT SÓNG HÀ TIÊN
Người dắt ta về nghe gió hát
Chút tình mơ đẹp với Hà Tiên
Sóng ở thật gần như chẳng có
Cát mịn dưới chân, cát thật hiền.
Thạch Động ta ngồi nghe nước
rớt
Ngỡ ngàng như tiếng vỡ xa xôi
Lên chùa ta nhặt vài bông sứ
Thấy cánh phù dung rụng xuống đời
!
Ta biết có ngày ta trở lại
Một mình bên gió với Hà Tiên
Sóng đã xa rồi .. sao biển mặn
Từng giọt cho mình khóc tự nhiên
(THU NGUYỆT)
"Ta biết có ngày ta trở lại, Một
mình bên gió với Hà Tiên" .. có thể nào
thành hiện thực không tôi ơi ..??? [Mà chưa "đến" lần nào
thì làm sao "trở lại"
được chứ nhỉ ?!?!?!]
***
-
COSTCO
Hồi
xưa. Còn trẻ. Tôi lang thang bằng chân, bằng xe. Bây giờ.
Già háp, xê-nho (senior). Tôi lang thang bằng mắt, bằng
đầu.
Tôi
sẽ còn "đi" nhiều nơi nữa về
thăm quê hương yêu dấu của tôi. Sẽ đi du
lịch. Không phải kiểu du-lịch-bụi. Cũng
không phải kiểu "Tây ba lô". Tôi sẽ đi lang
thang trên các miền đất nước VN mình và cả thế
giới nữa. Không tốn tiền. Hoàn toàn Free. Chỉ tốn
thời gian và công gõ .. keyboard !!!
Hồi
xưa lang thang hao xăng gìđâu (cho người và cho xe). Bây giờ, ở bên
đây, những ngày xăng lên giá, muốn đi đâu (ngoại
trừ đi làm) phải cân nhắc, phải tính toán như
lão già đại hà tiện. Có nhiều món ăn VN khoái khẩu
mà xa xôi diệu viễn quá. Thôi thì đành bóp hầu, khóa miệng,
nhịn thèm. Bởi vậy, nơi tôi thường lang thang
nhiều nhất là Costco, vừa gần chỗ làm, giá lại
hạ, nhất là trái cây để đặt lên bàn thờ.
Cái
trớ trêu, tréo ngoe tức cườilà lúc nhiều tiền thì không có
thì giờ mua sắm bởi bận bù đầu ở chỗ
làm. Đến lúc rảnh rang đi shopping nhiều thì lại
không có tiền vì chỗ làm quá ít việc. Mà càng ít việc
thì càng muốn "đi" cho đỡ nhàm, đỡ
cuồng chân, bó rọ, chán phèo. Càng đi thì càng tiêu xài phí phạm,
lăng nhăng ..
Tôi
không biết các hãng xưởng khác thế nào, chứ chỗ
làm tôi từ bắt đầu Tết tây đến giờ
.. thê thảm !!! Đã làm 4 ngày một tuần, mà mỗi
ngày như làm bán-thời-gian [part time] thôi. An ủi nhau, nâng
đỡ nhau bằng những câu rất sáo ngữ mà cũng
rất thật thà: "Mình vẫn may là còn job. Triệu triệu
người ngoài kia thất nghiệp kìa .."
Người khác thêm vào: "Còn Health Insurance là quí rồi" . "Vẫn
được trả tiền cho những ngày nghỉ lễ,
quá sướng" .. Nói thì nói vậy chứ
một tuần 20 tiếng thì sống làm sao, nhất là gia
đình 2, 3 con, chồng thất nghiệp, hoặc đi
lùng job hàng ngày ?!?!?!
Tôi
thường ngồi trong khu bán thức ăn của Costco (vừa
rẻ vừa ngon) để nhâm nhi một lát Pizza, một cái
Hot Dog, hoặc Chicken Bake .. trước khi lang thang vào khu bán
trái cây, đến chỗ "thịt gà rẻ hơn khoai
lang" .. Tôi ngồi đó như ngồi đồng. Miệng
nhai. Mắt chụp hình. Đầu óc lang thang như điện
xẹt. Chập chờn khi thực, khi mơ. Lức ở
thì hiện tại, lúc quá khứ, lúc lại tương lai.
Tôi thấy những mái tóc đen, tóc vàng, tóc nâu xoăn tít, nhớ
những mái tóc dài, kẹp, thắt bín ngày xưa.Ở
đây tóc thật, tóc giả khó phân: có những mái tóc giả
đủ kiểu, đủ màu y chang như thật; có những
mái tóc kiểu cọ, nhuộm màu y chang như giả. Dĩ
nhiên không thiếu những cái đầu không tóc, những
cái đầu trọc lóc bình vôi và những hình xâm [tatoo], xỏ,
đeo .. bắt nóng lạnh. Đủ loại y phục của
các nước. Mùa Đông thì dư thừa, bùm xùm, bự xự.
Mùa Hè lại quá thiếu, quá "nghèo", khoe những cái bụng
thon thả, nõn nường tuổi dậy thì, những cái
rốn đeo khoen ngộ nghĩnh. Cũng không thiếu những
cái bụng dầy úc núc mỡ của các mụ nạ dòng
không biết "tốt khoe, xấu che" gì ráo! Giày dép thì
ôi chao, không thiếu một kiểu nào, cứ là nom hoa cả
mắt ..
Tôi
ngồi đó. Đôi mắt lang thang hờ hững chạm
phải những lứa đôi chắc đang ăn tiền
già (chớ mấy cặp trẻ ai mà dzô đây,
"cheap" thấy bà !!!). Người đàn ông Mỹ trắng
run rẩy, lẩy bẩy bưng ly nước đến
cho bà vợ phương phi, đỏm dáng đang ngồi
chống càm chờ đợi sự phục vụ của
đức ông chồng. Ậy. Đừng nổi dóa nhen. Cũng
đừng tội nghiệp cho cái ông già bước chân
không vững đó nghen. Biết đâu ông ta đang hãnh diện
vì còn có thể tự lực tự cường không phải
để vợ nâng dắt như đứa trẻ con
nha. Mà biết đâu ông ta vừa sống sót sau một
cơn stroke nhẹ. Mới hôm qua, hôm kia nằm liệt trên
giường, giờ tự đứng được,
đi được, bưng thức ăn thức uống
cho vợ, vẫn còn đầy đủ tư cách "ga
lăng" của một người đàn ông. Chả
đáng sung sướng và hãnh diện lắm sao !!!
Tôi
ngồi đó. Đôi mắt lang thang gặp người
đàn ông đang ngồi chơi ô chữ [không dám chắc
người Tàu, Đại Hàn hay Nhật, chắc chắn
không phải VN]. Tướng ông có vẽ võ sư, hay ở
trong quân đội gì đó, mạnh khỏe, đô con, dĩ
nhiên là không cao. Ông ngồi đó thản nhiên, ung dung nhàn nhã,
mê mệt với cuốn ô chữ đặt trên bàn, cũng
chả khác mấy đứa trẻ mắt không rời cái
máy chơi game, nên tôi cũng không ngượng khi "theo
dõi" ông ta kỹ vậy. Tôi chờ coi ông có mua cái gì
ăn không, ai mà lại ngồi không ở cái chỗ thiếu
bàn cho những thực khách khác. Một lúc sau có người
đàn bà nom trạc tuổi ông, đẹp hơn ông,
đang bưng tới cho ông hot dog và nước uống.
Dáng nhanh nhẹn, cung kính, bà đặt xuống bàn, y hệt
những người hầu bàn ở các restaurant sang trọng.
Rồi bà chạy đi lấy thêm một dĩa hành tây xắt
nhỏ cho ông (thường người ta bỏ hành, rưới
ketchup, bỏ dưa leo chua ngọt vào sẵn trong cái hot dog
luôn). Sau cái lướt nhìn đầy kiểm soát "nhà
nghề", bà ta yên lòng ngồi xuống nói nhỏ nhẹ
gì đó (chắc là "mời anh xơi" ..), lúc đó
ông mới bắt đầu ra tay .. Tôi là dân Á Châu chính hiệu
con nai vàng, nên tôi hiểu cái tác phong "gia trưởng"
(chồng chúa vợ tôi) của mấy ổng. Và tôi nhìn bà vợ,
không có vẻ chịu đựng, không bực mình, mà tràn
đầy tình âu yếm, thương yêu. Rồi tôi nhìn len
lén xung quanh xem mấy ông bà Mỹ trắng, Mỹ đen có
nhăn mặt nhíu mày vì cái tên đàn ông khỏe mạnh mà
để phụ nữ hầu hạ nhãn tiền, lồ lộ
ở cái xứ "lady is first" đó không .. Á ngộ.
Không ai thèm để ý đến hai người đó một
chút xíu nào như tôi "dòm dỏ" nhất cử nhất
động của người ta đâu.Khi tôi chấm dứt thức
ăn và món uống của tôi, dợm đứng dậy
thì mới choáng váng khi thấy người đàn ông mạnh
khỏe, đô con đó, đang loay hoay cố gắng đứng
lên vì cái chân bên phải bị cụt, phải mang chân giả
làm ông khó bề xoay trở. (Ai mà biết bởi chiến
tranh, bởi tai nạn xe cộ, bị tàn tật bởi bệnh
hoạn hay bởi dị tật bẩm sinh ?!?!?)
Tôi
ngồi đó. Bốn cô gái thật trẻ, thật đẹp
đi ngang qua, thơm ngát, đến ngồi ở cái bàn
xéo xéo đàng kia. Ban đầu tôi cũng không chú ý, vì
đang đói bụng nên mê mải cắm cúi ăn. Đến
khi ngẩng lên, nhìn kỹ hơn tôi mới thấy các kiều
nữ của tôi, đẹp tuyệt trần luôn. Đẹp
như người mẫu, như những "ngôi sao" màn
ảnh. Vậy mà mấy cô này không ầm ĩ chuyện trò
như mấy cô khác nghe, chỉ nghe tiếng cười
khúc khích e lệ không à. Cô da nâu, đeo đôi bông tai
mô-đen lóng lánh, làm gương mặt đã đẹp
càng lộng lẫy hơn.Ba
cô Mỹ da trắng, nước da mịn màng như trứng
gà bóc. Má hồng phơn phớt phấn. Son bóng môi quí phái, dễ
mê. Mỗi khi mấy cô nhoẻn miệng cười để
lộ hàng răng trắng đều, đẹp như những
hàm răng kiểu mẫu thường quảng cáo trên TV.
Trời đất, sao mấy cô "quí tộc" này
đến ngự chỗ ni, chốn phàm trần, rẻ mạt
này.Vẫn lặng thinh như
là con nhà gia giáo được dạy dỗ "không ăn
to, nói lớn, cười lớn" trước đám
đông. Vẫn có những tiếng cười rúc rích, nghe
rất vui, và gương mặt cô nào cô nấy rạng ngời
thích thú. Nhưng tuyệt nhiên không nghe ai nói với ai một
tiếng nào. Không to tiếng, không thì thào, không một lời
nào tuôn ra từ những đôi môi xinh xắn. Tôi bỗng lạnh
toát cả người khi thấy những bàn tay "nói
chuyện" rất hăng. Thoăn thoắt. Hùng biện.
Dí dỏm. Nhanh nhẹn. Dẻo quẹo. Ôi. Những dấu
hiệu thay lời của những người câm điếc,
tật nguyền !!!
***
Tôi
đã, đang và sẽ còn lang thang vào những "trang sách
đời", vào những thước phim "sống thực".
Nhiều lúc tỉnh táo, lắm khi u u mê mê, nhiều khi muốn
khóc cười điên dại. Và đâu phải chỉ mùa
xuân tôi mới lang thang, phải không ???