PHÙ VÂN II

Home | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 91 | PHÙ VÂN 92 | PHÙ VÂN 93 | PHÙ VÂN 94 | PHÙ VÂN 95 | PHÙ VÂN 96 | PHÙ VÂN 97 | PHÙ VÂN 98 | PHÙ VÂN 99 | PHÙ VÂN 100 | PHÙ VÂN 101 | PHÙ VÂN 102 | PHÙ VÂN 103 | PHÙ VÂN 104 | PHÙ VÂN 105 | PHÙ VÂN 105* | PHÙ VÂN 106 | PHÙ VÂN 107 | PHÙ VÂN 108 | PHÙ VÂN 109 | PHÙ VÂN 110 | PHÙ VÂN 111 | PHÙ VÂN 112 | PHÙ VÂN 113 | PHÙ VÂN 114 | PHÙ VÂN 115 | PHÙ VÂN 116 | PHÙ VÂN 117 | PHÙ VÂN 118 | PHÙ VÂN 119 | PHÙ VÂN 120 | PHÙ VÂN 121 | PHÙ VÂN 122 | PHÙ VÂN 123 | PHÙ VÂN 124 | PHÙ VÂN 125 | PHÙ VÂN 126 | PHÙ VÂN 127 | PHÙ VÂN 128 | PHÙ VÂN 129 | PHÙ VÂN 130 | PHÙ VÂN 131 | PHÙ VÂN 132 | PHÙ VÂN 133 | PHÙ VÂN 134 | PHÙ VÂN 135 | PHÙ VÂN 136 | PHÙ VÂN 137 | PHÙ VÂN 138 | PHÙ VÂN 139 | PHÙ VÂN 140 | PHÙ VÂN 141 | PHÙ VÂN 142 | PHÙ VÂN 143 | PHÙ VÂN 144 | PHÙ VÂN 145 | PHÙ VÂN 146 | PHÙ VÂN 147 | PHÙ VÂN 148 | PHÙ VÂN 148 * | PHÙ VÂN 149 | PHÙ VÂN 150 | PHÙ VÂN 151 | PHÙ VÂN 152 | PHÙ VÂN 153 | PHÙ VÂN 154 | PHÙ VÂN 155 | PHÙ VÂN 156 | PHÙ VÂN 157 | PHÙ VÂN 158 | PHÙ VÂN 159 | PHÙ VÂN 160 | PHÙ VÂN 161 | PHÙ VÂN 162 | PHÙ VÂN 163 | PHÙ VÂN 164 | PHÙ VÂN 165 | PHÙ VÂN 166 | PHÙ VÂN 167 | PHÙ VÂN 168 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 170 | PHÙ VÂN 171 | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 173 | PHÙ VÂN 174 | PHÙ VÂN 175 | PHÙ VÂN 176 | PHÙ VÂN 177 | PHÙ VÂN 178 | PHÙ VÂN 179 | PHÙ VÂN 180 | PHÙ VÂN 181 | PHÙ VÂN 182 | PHÙ VÂN 183 | PHÙ VÂN 184 | PHÙ VÂN 185 | PHÙ VÂN 186 | PHÙ VÂN 187 | PHÙ VÂN 188 | PHÙ VÂN 189 | PHÙ VÂN 190 | PHÙ VÂN 191 | PHÙ VÂN 192 | PHÙ VÂN 193 | PHÙ VÂN 194 | PHÙ VÂN 195

PHÙ VÂN 102

balao_nguguc.jpg

1sen_ve_nhieumau.jpg

 

* VIDEO : Một Đời Tần Tảo VN *

 

- PHẠM HỒNG-TRẦN góp nhặt -

 

1sen_ve_nhieumau.jpg

 

MT ĐỜI TN TO

 

 

Hễ mỗi lần thấy hình ảnh người phụ nữ VN, vai gồng vai gánh (gánh lúa, gánh rau, gánh cá, gánh nước, gánh gạch, gánh muối hoặc gánh chè, gánh xôi, gánh cháo, gánh bún, gánh rau trái hoa quả .. đi bán rong) là tôi lại nhớ má tôi - cô bé mồ côi mồ cút lúc 13 tuổi đầu, với gánh ốc làm bật máu đôi vai non, đau nổ đom đóm mắt - .. Nhớ ơi là nhớ. Bởi vậy khi làm Video Một Đời Tần Tảo VN, tôi đã nói liền một mạch, không một chút ngần ngừ, hổ thẹn:

 

"Tôi nhìn thấy MÁ TÔI trong những người PHỤ NỮ VIỆT NAM tần tảo, lam lũ một đời vì con, vì cháu .. Tôi nhìn thấy MÁ TÔI trong hết thảy những người ĐÀN BÀ VN vai gồng vai gánh đường xa, nắng lửa, mưa dầu .. Tôi nhìn thấy MÁ và thương biết bao nhiêu NGƯỜI DÂN QUÊ TÔI, chân lấm, tay bùn, dầu dãi gió sương: mặt nám, tay chai, nón lá rách thâm đen, áo phá lấu, quần phèn mốc kến, ống thấp ống cao, cả đời nào biết phấn son, son phấn là gì !!!"

 

Có người hỏi lại, mắc mớ gì hổ thẹn ??? - Đúng quá, má mình mình nhớ. Má quê mùa. Má nghèo nàn. Má dốt nát. Má xấu xí. Vẫn là má của mình, rứt ruột đẻ ra mình, cả đời chịu thương chịu khó nuôi nấng cho mình khôn lớn, nên người. Không có Má làm sao có mình. Mắc gì hổ thẹn ??? - Phải quá chớ. Nhưng vẫn có người, bạn à, ngày nay danh gia vọng tộc, ông nọ bà kia, không muốn nhớ lại cái ngày xưa bần hàn, gian khổ đâu, họ không muốn "khoe nghèo" đâu !!!

 

Khi đọc văn TIỂU TỬ, tôi quí tác giả này không biết chừng nào mà nói, bởi ông có tấm lòng đẹp quá, dù ông là kỹ sư, người học thức này nọ chớ có phải chơi đâu, dân Tây lận, mà ông vẫn mạnh miệng nói hết về cái quá khứ không hề "khá giả" gì mấy của mình:

 

.. Nhớ hoài , thời tôi học tiểu học . Sáng nào , sau khi húp tô cháo với miếng đường thẻ , tôi ôm cặp đựng sách vở mà ông nội tôi làm bằng giấy dầu để khỏi bị ướt nước mưa , đi theo mẹ tôi ra chợ . Vì phải đem thằng Cu theo - lúc đó nó được hơn hai tuổi - mẹ để nó ngồi trong một cái thúng , gióng ở đầu đòn gánh phía trước , còn lá chuối , xôi , nhưn , dừa nạo . v . v .. dồn trong một thúng gióng ở đầu sau . Mẹ gánh như vậy mà bước chân đi sai sải . Đòn gánh nhún lên nhún xuống làm thằng Cu khoái lắm . Lâu lâu , mẹ đổi vai , đầu đòn gánh nhún xuống hơi sâu và tưng lên hơi cao làm anh ta cười hắc hắc để lòi bốn cái răng cửa nhỏ xíu . Những lúc đó , anh ta thuờng gọi tôi để khoe : "Hai ! Hai ! Coi nhè ! Coi nhè !" .

Tôi học chỉ có buổi sáng . Mẹ tôi bán ở chợ cũng vậy . Trưa , chợ tan sớm hơn trường học , mẹ gánh thằng Cu đến ngồi đợi tôi dưới cây trứng cá gần cổng trường . Thấy tôi ra , thằng Cu đứng lên , vừa nhảy tưng tưng trong cái thúng vừa la : "Hai ! Hai !" . Anh ta ở truồng - lúc nào cũng ở truồng - bên trên bận áo bà ba vải đen của bà nội may cho , đầu đội cái nón hình chóp bằng lá chuối mẹ xếp rồi ghim bằng cọng chân nhang .. Mẹ đưa tôi gói xôi (đã thành lệ , ngày nào mẹ cũng chừa cho tôi một gói) tôi ngồi xổm cạnh mẹ , vừa ăn vừa đút cho thằng Cu . Ăn xong , tôi chạy qua bên kia đường xin một gáo nước ở nhà thầy giáo Hiển , rồi mang cho ba mẹ con uống (vì trong trường chỉ có một lu nước , không đủ cho đám học trò nên thầy Hiển đặt trước nhà thêm một lu . Vào giờ ra chơi , học trò bu qua đó đông như kiến ). Uống xong , mẹ gánh thằng Cu bước đi thong thả , tôi lon ton chạy theo song song ..

 

Hồi đó , vì phải chạy lúp xúp nên có lần tôi nhìn xuống bước chân của mẹ , coi mẹ đi cách nào mà mình cứ phải chạy theo lúp xúp ! Mẹ đâu có bước lẹ , mẹ bước đều . Mẹ đi chân không , mỗi bước chân của mẹ giậm xuống làm tung lên một chút bụi đường . Tôi nhìn chỉ thấy có như vậy . Bây giờ , hơn 60 năm sau , ngồi ở trời Tây này , tôi đâu cần nhìn mà sao vẫn thấy được - thấy rõ - hai bàn chân của mẹ . Hai bàn chân to bề ngang , mấy ngón chân chè bè không bao giờ xếp lại được . Hai bàn chân xấu xí đó chưa từng đụng tới đôi giày đôi dép . Hai bàn chân chỉ biết có đôi guốc dong khi rửa chân đi ngủ , hay khi đi dự dám giỗ , đám tang .. Hai bàn chân đó đã bám lấy đất để đứng vững một mình nuôi hai thằng con , hỏi sao không chè bè cục mịch cho được ?" ( Đá Mòn Nhưng Dạ Chẳng Mòn - TIỂU TỬ)

 

Thiệt tình đọc tới đâu, nước mắt tôi chảy ngon lành tới đó, nhất là đoạn ông kể việc rửa chân cho mẹ:

 

.. Tôi bồi hồi nhớ lại lần tôi lau rửa đôi bàn chân của mẹ . Đó là hồi mẹ tôi mất sau một thời gian dài nằm bịnh ở nhà thương (Mẹ ngã bịnh từ ngày hay tin thằng Cu chết trận ở Đắc Lắc .. ). Tôi lau chân mẹ lần đó là lần đầu và dĩ nhiên cũng là lần cuối cùng . Tôi lau gót chân nứt nẻ . Tôi lau lòng bàn chân chai mòn . Tôi lau những ngón chân tròn cứng như những hòn sỏi . Tôi lau chân mẹ bằng suối nước mắt và bằng tất cả sự thận trọng như khi lau một món đồ thật là trân quý .. ( Đá Mòn Nhưng Dạ Chẳng Mòn - TIỂU TỬ)

 

Hay quá là hay, đúng quá là đúng, tác giả ơi ..

 

.. Mẹ tôi như vậy đó . Quê mùa mộc mạc như làng của tôi , vậy mà tôi vẫn thương . Tôi thương , đâu cần mẹ tôi phải đẹp , quê hương tôi phải sang . Tôi thương , vì tất cả đều gắn liền với tôi từ thuở tôi ra chào đời . Tôi đã quen thở , quen sống trong vòng tay của mẹ , giữa lòng quê hương ; đã lớn lên trong cái thật thà chân chất đó . Cho nên hình ảnh của mẹ , của quê hương đã ghi sâu vào lòng tôi đến độ khi thiếu vắng , tôi thương tôi nhớ . Và tình thương đó vẫn chưa thấy mòn , mặc dầu bây giờ tôi đã ngoài bảy mươi .. ( Đá Mòn Nhưng Dạ Chẳng Mòn - TIỂU TỬ)

 

Mẹ có nghĩa là duy nhất

Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng

Mẹ không sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát

 

Mẹ có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim

Mẹ có nghĩa là mãi mãi

Là cho đi không đòi lại bao giờ

(THANH NGUYÊN)

 

 

***

 

Lại có một nhà thơ mang tên XUÂN QUỲNH, bằng giọng thơ hết sức mộc mạc, dịu dàng mà tinh tế, hết sức thực mà vẫn rất thơ, chị nói về chị - người đàn bà bình thường - mà như nói về biết bao đời người phụ nữ khác trên mảnh đất tên gọi Việt Nam:

.. ..

Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi

Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây

Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ

Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa

Những quả cà, mớ tép, rau dưa

Đối với Nít [Nietzsche] và Kǎng [Kant], những siêu nhân nay và xưa

Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất

 

Ở một đoạn khác chị lại tâm tình, chị lại khẳng định những lo toan chính yếu của phụ nữ là chuyện bếp núc, chợ búa, là cái chuyện bao tử hàng ngày, không phải chuyện cao siêu xa vời như triết học, vũ khí, chiến tranh .. Đàn bà là bếp lửa, là thanh bình, là tình yêu, là câu ca ngàn đời bất diệt ..

 

.. ..

Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.

Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay

Càng không có hạt nhân nguyên tử

Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa

Có tình yêu và có lời ru

Những con cò con vạc từ xưa

Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép

Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp

Như trǎng lên, như hoa nở mỗi ngày ..

 

Trong dòng sống liên lỉ, miên viễn bất tận đó, cơm ăn, áo mặc, nhà ở đều trong tầm tay quán xuyến, chăm lo của người vợ, người mẹ, tảo tần năm nắng mười sương. Việc "quốc gia đại sự" không muốn lạm bàn. Thế nhưng cái cao cả tót vời nhất của người phụ nữ là phần vụ "làm mẹ", là truyền tử lưu tôn, là phát huy nòi giống, là sáng tạo nên một thế hệ mới, xứng đáng danh phận LÀM NGƯỜI !!!

 

.. ..

Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát

Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương

Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng

Là bác học .. hay là ai đi nữa

Vẫn là con của một người phụ nữ

Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên

(XUÂN QUỲNH)

 

Thế đấy, người phụ nữ bình thường nhưng chả bao giờ tầm thường là thế đấy.

 

"Mường tượng và trở lại với gia cảnh Việt Nam xưa, hình ảnh đầu tiên chúng ta bắt gặp sẽ là những người phụ nữ khuya sớm tảo tần và có chút gì đó cam chịu trên những gương mặt hồn hậu đã tạo nên dáng vẻ của một thế hệ làm vợ, làm mẹ của gia đình Việt Nam truyền thống. Không ai khác, chính thế hệ làm vợ, làm mẹ của những người phụ nữ này đã góp phần tạo nên một sắc thái của gia đình Việt Nam mang dấu ấn riêng biệt.

 

Gia đình Việt Nam xưa vẫn được nói đến như một "trường học" tốt nhất để con người trưởng thành và dưỡng dục nhiều nhân cách tốt đẹp. Bởi những nếp nhà truyền thống của gia đình Việt đã luôn gắn liền với đạo lý tốt đẹp của cội nguồn cha ông. Những giá trị tinh hoa của gia đình Việt Nam như thuộc về máu thịt của những người được sống và sinh ra trong nếp nhà Việt Nam. Tưởng như, mỗi người Việt sinh ra đều đã thấm nhuần nếp nhà và những thuần phong, mỹ tục của chính tổ tông mình". (Theo Phụ Nữ Việt Nam)

 

***

 

Tự hào làm người phụ nữ Việt Nam thì chả mấy ai là không tự hào. Được ngợi ca là cần cù, tần tảo thì tất cả mọi người dân ta đều đã xứng đáng từ "khuya" cơ. Xứng đáng có thừa lận. Thế nhưng, nếu cứ quanh quẩn trong vòng tròn nội địa, quẩn quanh hàng xóm, láng giềng, ngắm người trên cùng đất nước, thì những hình ảnh cơ cực quá đáng: gồng gánh, lặn lội, chịu nắng táp, mưa chan, mặt nám, tay chai, manh quần tấm áo vá víu của dân quê mình là chuyện thường ngày, rất ư "biết rồi, khổ lắm nói mãi" !!! Cũng như những căn nhà không thể gọi là nhà, các bữa ăn chả ra bữa ăn, những đồng tiền kiếm được từ những nguồn "buôn gánh, bán bưng", "cào cấu đất đai vườn ruộng" có khác nào những giọt sương ngày nắng hạ, như giọt mưa rào èo uột trên mảnh đất cằn khô, thế mà ai ai cũng dường như cam chịu một đời.

 

Từng vết sẹo chồng chéo lên đôi tay đen sì vì mủ chuối, mủ môn. Ở nông thôn nhà nào cũng có cây dao như thế, nó như chứng tích thời gian về cuộc đời tảo tần của kiếp đàn bà nông thôn! Nghe mưa nặng hạt cũng than, sợ con lũ lại về; nắng nóng như rang cũng sợ đồng cháy vì hạn, lúa chết là đồng nghĩa với cái đói sẽ đến. Buổi sáng tinh mơ đem khoai sắn ra chợ bán kiếm tiền, chưa trưa cứ sợ đàn lợn đói kêu inh ỏi đành về bên bếp núc, loay hoay quanh cái vần vũ của tạo hóa để rồi khi nhìn tro than bay trên tóc mà chẳng biết tóc đã bạc hay vì bụi than. Không còn thời gian để bới lại mái tóc buông xõa thì sao biết đến những đóa hoa hồng. Hầu như thời gian của chị ở bên bếp lửa của gian lều liêu xiêu nhiều hơn ở nhà trên. Phụ nữ cả làng đều là "người của gian bếp" chứ không riêng gì chị. (DÂN TRÍ)

 

Não lòng quá khi người sống thì vất va, vất vưởng, "bán sức người để có miếng cơm tươi", khi không còn sức lực, cơ bắp nữa thì bán máu chính mình để có tí tiền "còm" độ nhật !!! Và đến khi nhắm mắt xuôi tay, biết đâu lại chẳng thành "hồn ma, bóng quế" dật dờ:

.. ..

Dãi dầu trong bấy nhiêu năm

Khóc than dưới đất, ăn nằm trên sương

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra

Lơ thơ ẵm trẻ, dắt già ..

(NGUYỄN DU - Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh)

 

Bạn có cảm thấy bất nhẫn không, khi xem hình cụ bà lưng còng ngủ gục lúc đang bán rau bên đường xe cộ như mắc cửi ???  Quí vị có thấy đứt ruột không khi nhìn ảnh các cụ già lưng còng vì cả đời gánh gồng, vẫn cứ phải còng lưng gồng gánh ở cái tuổi đáng được ngồi nhà an dưỡng, nghỉ ngơi ??? Có lẽ chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay mới thực sự thanh thản đời đời ??? Mà cũng chưa biết ở bên kia cõi sống, người chết có chắc chắn được thanh nhàn, no cơm ấm áo ???

 

Cũng có kẻ đi về buôn bán,

Đòn gánh tre chín dạn hai vai,

Gặp cơn mưa nắng giữa trời,

Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?

.. ..

Sống đã chịu một đời phiền não

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,

Đau đớn thay phận đàn bà,

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

(NGUYỄN DU - Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh)

 

30/04/1975, là ngày đánh dấu sự buồn đau của miền Nam Việt Nam, là khởi đầu của chia lìa, tang tóc, điêu linh ..

Nhưng trong cái rủi có cái may. Trong tử có sinh. Trong tuyệt vọng có niềm hy vọng. Trong bóng đen có ánh sáng cuối đường hầm. Triệu triệu người dân Việt sau đó gặp duyên lành, được phước lớn, có cơ may sinh sống làm việc ở xứ người: Mỹ, Canada, Pháp, Úc,  Anh, Đức, Nhật .. (Thì vẫn phải đi làm mới có cái ăn, vẫn là tần tảo, vẫn rất cần cù, vẫn cực "thấy mẹ" !!! Nhiều khi cả vợ lẫn chồng "cày" 2,3 jobs cho con cái đến trường, để chúng đừng bị khổ đau, thua thiệt như cha mẹ chúng nó ngày xưa).

Thế nhưng, tuy cũng là lao động tay chân, cũng rã rời tứ chi, cũng quần quật tối tăm mắt mũi, cũng tần tảo, tảo tần thứ thiệt, chứ cái chuyện làm công nhân, làm cu li, hoặc chí ít làm người quét dọn trong các hãng xưởng, văn phòng ở bên Mỹ này nó "khác" gì đâu !!! Đi chùi rửa cầu tiêu chứ vẫn ăn mặc lịch sự (nhiều khi phấn son đỏm dáng ra gì), đi xe bus, hoặc lái xe hơi .. tập tàng hay đắt tiền (nếu đủ can đảm, hoặc đủ tiền trả nợ xe hàng tháng) đến chỗ làm chả khác "đại gia". Mỗi ngày làm 8 tiếng thì được nghỉ "xả hơi" [break] hai lần, mỗi lần 15', 20', đến giờ ăn bấm thẻ đi ăn 30'.  Thức ăn, thức uống ê hề, nếu thích cứ mua sữa tươi uống thay nước, thịt nướng bia lon cuối tuần tụ tập giải trí là thường .. Rẻ nhất thịt gà, đồ biển giá đắt, rau trái quí nhất hạng .. (Và tuyệt nhiên không hề có cảnh gồng gánh bán rong ngoài đường. Mọi thứ thịt cá, rau củ quả đều nằm trong chợ, trong siêu thị, cứ tự do lựa chọn, chả có ai nhìn ngó đặng "đốt phong long", cũng chả cần sợ bị nói thách, không có cảnh chen lấn giành giật để "chộp" món ngon, hoặc trả tiền trước người khác !!!)  .. Ngoài trời nóng như thiêu đốt, chợ búa, nơi làm việc có máy điều hòa không khí. Ngoài trời tuyết phủ giá băng, trong phòng, trong Mall có hệ thống sưởi ấm. Nếu chả may bệnh tật, ốm đau, đi bác sĩ có bảo hiểm sức khỏe lo (dĩ nhiên do mình mua, trả hàng tháng), có tiền nghỉ bệnh (nhiều ít tùy hãng giàu nghèo). Về già nghỉ hưu, có tiền bảo hiểm thuốc men, có tiền già ..

Dĩ nhiên không phải là thiên đường hạ giới cho hết thảy mọi người đâu, nhất là nếu bị "thất nghiệp", hoặc không tìm được việc làm nào, coi như .. "địa ngục a tì" chào đón tức thì !!! Những người lớn tuổi được con cái bảo lãnh qua "trông cháu" thì cũng chả vui vẻ gì. Vì khi con cái đi làm, các cháu đi học, các cụ quanh quẩn trong nhà bó rọ, rất thương tâm. Họ từng bảo: có mắt như mù - đâu biết đường sá. Có tai như điếc - làm sao nghe tiếng Mỹ. Có miệng như câm - làm sao nói được tiếng Anh. Có chân như què - đâu thể đi chợ, đi chùa, đi nhà thờ hoặc gần nhất là đi thăm hàng xóm láng giềng ..

 

Do đó, "trông người lại ngẫm đến ta".

Thấy người dân ở đây sung sướng là thế. Trong khi người dân mình khổ cực là thế - Đau chứ.

Việt Nam là quê mình mà - Thương chứ.

Hoàng Sa, Trường Sa mất - Thắt ruột chứ.

Người dân ở bển nghèo càng nghèo. "Bọn họ" giàu càng giàu.

Ôi. Sờ sờ chán vạn cảnh "muối xát, kim châm" !!!

 

 

Tôi vẫn còn đây trên đỉnh chon von

Giăng giăng tai ương, chập chùng thiện ác

Trong cõi người ta ngập tràn nước mắt

Sớm tối đi về .. lồng lộng càn khôn !!!

(Phạm Hồng-Trần)

 

 

 

 

VU LAN 2012

 

 

 

balao_cong_gongganh.jpg

website counter