TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

TẾT MẬU THÂN, TỪ MỘT GÓC PHỐ

 

TẾT MẬU THÂN, TỪ MỘT GÓC PHỐ

(Võ Thị Điềm Đạm)

 

 

Cuộc chiếc kéo dài gần mười năm như chìm quên hẳn trong những ngày thành phố Phan Thiết rộn ràng đón xuân về. Nhất là nơi lòng những đứa trẻ tuy được sanh ra và lớn lên với cuộc chiến, những đứa trẻ dầu có bà con tham gia cả hai đầu chiến tuyến, thì chiến trận thỉnh thoảng nghe đến này, hoàn toàn vắng bóng trong tâm trí luôn bận rộn với hương thơm bánh mứt, với cảnh chợ đêm ngày càng đông rộn và nhất là nỗi mong chờ anh chị đi học hay đi làm tuốt trong Sài Gòn về nhà ăn Tết.

 

Sau tiệc Tất Niên, cũng là ngày cúng đưa Ông Táo về Trời, được nghỉ học, những đứa trẻ phố Ba Mươi Căn chiều chiều rong chơi ngoài đường để được hòa mình với quang cảnh nhộn nhịp chuẩn bị Tết của con đường Hải Thượng Lãn Ông. Không làm gì hết ! Chỉ ngắm, trầm trồ, đánh giá và rộn vui trong quang cảnh tất bật mà hân hoan của người lớn. Đường Nguyễn Hoàng, Trần Quý Cáp, Lương Ngọc Quyến, Hải Thượng Lãn Ông là những con đường nối liền thành phố Phan Thiết với các làng quê Lại An, Phú Long, Ngã Hai, Xuân Phong, Đại Nẫm, Phú Hội… đó là những con đường nhộp nhịp nhất vào mùa Tết. Xe đạp chất những cành mai mang đầy mầm nụ còn ửng xanh. Chậu hoa cúc, thược dược, vạn thọ… sắc màu rực rỡ chất đầy xe ngựa, xe lam và hai đầu thúng kéo cong cái đòn gánh nhịp nhành theo bước chân các dì, các chị. Cam, bưởi, quýt, chuối… tươi mát mượt mà xếp ngay ngắn trong hai đầu thúng làm trĩu nặng bước chân chị thôn nữ.

 

Hôm nay đêm 27, bà Tư Xuân vừa xay xong phiên lúa cuối năm, hai túi áo lót phía sau cánh áo bà ba dầy cộm nên lũ con được phát tiền đi chợ đêm. Đường xá càng đông, nỗi mong chờ được tiền đi chợ đêm càng thôi thúc, nên vừa được tiền là hai chị em Thi và Thông đèo nhau trên chiếc xe đạp màu bạc thẳng đường Hải Thượng Lãn Ông, tới ngả tư Kho Bạc, quẹo phải.

 

Thi nhảy xuống, phụ đẩy cho Thông gồng sức đạp lên dốc cầu. Cầu gỗ lỏng lẻo, bánh xe đạp tưng tưng, chưa kịp ê mông thì Thi lại gồng hai tay giữ chặt yên xe khi Thông gác chân lên sườn xe thả nhanh xuống dốc cầu. Vèo một cái là Thi và Thông đã bỏ lại sau lưng tiệm vàng Thành Kim, tiệm sách Vui Vui và nhiều tiệm nữa nằm dọc dốc cầu.

 

Gởi xe đạp ở rạp ciné Bình Thuận ngay ngã Năm Quốc Tế, Thi và Thông, mỗi người một nẻo, len lỏi theo dòng người từ đầu đường Gia Long, con đường chính của phố Phan Thiết, con đường tập trung những tiệm hàng quan trọng. Thường ngày, đây là đường một chiều. Khoảng một tuần lễ trước Tết, chợ đêm được nhóm họp ở từ đầu vườn bông cho hết con đường Gia Long nên xe cộ bị chận để nhường chỗ cho hai dãy hàng xạp đâu lưng nhau, nằm giữa.

 

Dùng cây kim băng má đưa, Thi cài cẩn thận nắp cái túi quần bộ đồ màu tím xậm điểm hoa trắng nhỏ li ti.  Không chắc lắm, thỉnh thoảng Thi rờ cái túi nhỏ bên hông bụng, rờ coi tờ giấy bạc má mới cho còn nằm đó không. Mắt ngắm nhìn hàng quán, đầu Thi tính toán, cân nhắc, so đo và ước mơ…

 

Mơ … Cái bóp nylon màu xanh có hình cô gái cười thiệt đẹp bên ngoài, mở ra có ít nhất bốn ngăn và phải có ngăn plastis trắng trong để bỏ tấm hình đã được cắt từ báo Thế Giới Ngày Nay của ba. Cái khăn mù xoa màu trắng, thêu viền chung quanh và cành hoa in ở góc. Cây viết nguyên tử giống của nhỏ Thanh được người cậu từ Sài Gòn về cho, khi bấm nút xanh xuống thì viết được mực xanh, khi bấm nút đỏ xuống thì viết được mực đỏ. Cái kẹp tóc có nơ sa-teng bóng mượt, chỉ cần bấm ở một đầu là tóc được kẹp chắc in. Cái băng đô co dãn được cho dễ mở xuống, mang lên, phải màu xanh mới đẹp. Một quai nón lá bằng vải nhung mượt mà màu đen hay màu xanh giống của chị Thảo. Một đôi dép mủ màu vàng lợt lợt, quai có nhiều lỗ li ti… Phải ăn một ly chè đậu đỏ bùi bùi của hàng nước đá ông Tàu ngay ngã tư gần tiệm sách Hiệp Thành. Phải mua hộp kẹo bạc hà màu xanh lá cây, ngậm viên kẹo tròn mềm trên lưỡi, hít một cái là hơi mát chạy xuống cuống họng, xuống tới bụng. Phải ăn một tô phở tiệm ông Tàu và bỏ thật nhiều tương đen cũng như tương đỏ, rau quế, ớt lát. Phải mua gói hột dưa để khi cắn nhớ thấm nước miếng ươn ướt cho môi đo đỏ. Phải…

 

Tiệm hàng hai bên đường có thêm nhiều mặt hàng nên người ra người vô nườm nượp. Đặt biệt là hai hàng sạp giữa đường với những hàng hóa chỉ đặt biệt cho Tết. Bánh in bột trắng tinh chen lớp đậu xanh mỏng ở giữa, phải nhai từ từ vì nếu cố ngốn là dễ bị nghẹn cổ. Những hộc cốm khối chữ nhật có lớp giấy kiếng đủ màu sắc bọc phía ngoài và hai đầu được điểm trang bằng cánh hoa giấy. Bánh đậu xanh khô màu vàng lợt lợt chỉ cần đưa lên mũi là mùi vani lẫn với mùi đậu xanh rang thơm chạy thẳng xuống cổ họng, được gói thành từng gói vuông vức bằng giấy kiếng trắng trong. Bánh bột năng thơm mùi vani hay nước cốt dừa cũng được gói ghém thẩm mỹ… Tất cả được xếp ngay ngắn bên cạnh những chai rượu, hộp trà, hộp bánh Tây bọc bằng giấy kiếng vàng, đỏ.

 

Và mứt ! Mứt mãng cầu trắng đục ngọt ngọt chua chua và dẻo đẹo nên phải liếm sạch lớp giấy kiếng trắng bao. Mứt dừa cọng dài quăn quăn vừa béo vừa ngọt đủ màu sắc ẩn dưới lớp đường trắng tinh. Mứt bí đao trắng tươi chỉ toàn vị đường ngọt tận kẽ răng nên thường còn xót lại trên dĩa. Mứt khoai lang lát to có nhiều lỗ, vàng vàng bùi bùi với lớp đường trắng bao quanh. Mứt gừng lát vàng vàng có hình dáng kỳ cục không miếng nào giống miếng nào, khi ăn phải nhai thật nhanh để vị cay không kịp làm cuống họng nóng bưng bưng. Mứt gừng nguyên củ chỉ nhìn thấy là hít hà nhưng trông hấp dẫn quá nên con nít hay lén lén cắn một chút ở đầu hay liếm lớp đường bên ngoài. Mứt hột sen tròn trĩnh kiêu sang, bùi bùi mùi vani, vì đắt tiền nên chỉ để dành cho người lớn hay lâu lâu được má chia cho vài hột đỡ thèm. Mứt me trái dài cong cong có vị chua thanh thanh hòa với vị ngọt đậm, vừa dẻo lớp đường, vừa sừn sựt cơm me sống thấm hàn the cho nên ăn một trái cũng chưa đã, phải mút sạch gân và cuống… Hơn chục loại mứt, nằm kế nhau trên những cái thúng lớn, đầy vun, khêu gợi tuyến nước miếng lũ trẻ con luôn thèm ngọt và chỉ dám đứng ngắm nhìn. Quần áo, giày dép, nón, đồ chơi… trăm thứ, ngàn kiểu, treo bày ngập mắt, mặc sức mà ngắm, mà lựa, mà ước mơ.

 

Người lên kẻ xuống, người xách giỏ kẻ tay không, tay xăm xoi món hàng, miệng chuyện trò rôn rả, lời mời mua dẻo đẹo, tiếng trả hàng kèo nài… không khí rộn ràng đêm chợ ngày 27 giảm dần, giảm dần… khi bầu trời đầy trăng sao xuống thấp. Chân chưa mỏi, mắt chưa no nhưng túi thì không còn một xu, Thi đi ngược đường Gia long, hướng đến chỗ gởi xe đạp, dáo dác tìm Thông.

 

Chưa tới đầu đường, Thi thấy Thông tay vịn ghi đong xe đạp, chân nhón cao, ráng chúi đầu vô đám đông con nít đang bao quanh một hàng đồ chơi bày trên một tấm nylon bên lề đường. Tay giữ chặt cái bóp màu xanh có nhiều ngăn đã được chọn mua với bao nhiêu tính toán hơn thiệt, Thi chen vô đám đông. Tưởng gì ! Té ra hàng đồ chơi giống hàng ở đầu chợ phía bên vườn bông ! Con khỉ bận áo cánh đỏ, tay đánh trống lia lịa. Con gà trống đi đi, đầu gục xuống ngẩng lên. Con cóc xanh khi nhấn nút thì nhảy chồm vài bước. Con chó mủ cái đầu lắc qua lắc lại, cái đuôi quẫy quẫy… Từng món, từng món một được ông chủ hàng vặn dây thiều, biểu diễn. Búp bê, súng mủ, súng gỗ, bộ tô chén nhỏ li ti đủ màu, con vịt mủ, con heo đất… tất cả ra hết sức để quyến níu bước chân đám trẻ với vài đồng dính túi mà ước mơ thì cả bao bố đầy.

 

Tay vịn chặt yên xe đạp, Thi ngồi yên sau, đang tập ngồi một bên, hồi hộp không kém khi Thông thả xuống dốc cầu. Con dốc cầu dài ngàn-dặm! Lần nào cũng vậy, cứ đạp xe từ phố về nhà, thả cái dốc cầu này là cả Thi và Thông đều mang cảm giác vừa sợ vừa khoái. Sợ, muốn dắt xe xuống dốc thì lại tiếc cái cảm giác gió mát thổi vào mặt, tiếc cảm giác hồi hộp khi bánh xe đang vù vù thì phải thắng lại ngay ngã tư Kho Bạc để quẹo cua. Nhưng nếu dắt xe đi bộ xuống dốc thì phải liếc ngó vô vườn bông lớn tối om có mấy cây vông cao ngất trời và biết đâu có ma thòng vòng treo mớ ruột lủng lẳng trên đó. Liếc mắt bên trái, Tiểu Khu có vòng rào kẽm gai bao quanh, có gương mặt những ông lính lúc nào cũng nghiêm nghiêm nghị nghị, bước chân khẩn cấp, nhìn cũng đủ thấy ơn ớn. Ánh sáng từ bên Tiểu Khu không đủ để phá xuyên những bóng đen bao trùm vườn bông bên kia đường đầy bí hiểm ban đêm và làm tăng trí tò mò nhiều tưởng tượng của những đứa trẻ thích đọc truyện ma Người Thứ Tám.

 

***

 

Năm nay lệnh đình chiến ba ngày nên Phan Thiết có nhiều công chức, quân nhân về nhà ăn Tết. Nhà Thi có anh Ánh con cô Ba của Thi dẫn cả bé Bi và bé Ti từ Sài Gòn về. Mấy nhà hàng xóm có vài chú đi lính xa, anh chị đi học tuốt trong Sài Gòn hay ngoài Qui Nhơn… cũng lần lượt về. Nhà nhà vui cảnh xum vầy có xoong măng kho vàng tươi, có bánh tét nhân đậu xanh với miếng mỡ béo ngậy treo lủng lẳng trong bếp, có những hộc cốm khối chữ nhật thơm mùi gừng cay, có chồng bánh tráng mè đen chất cao cả mét, có xoong thịt kho nước dừa được điểm thêm chục trứng vịt trắng mơn mơn, có cành mai đầy nụ vàng ưng ửng nôn nao bung nở… Khí xuân mát mẻ khiến lòng người hân hoan rộng mở. Bàn thờ đầy bông trái và nhang đèn không bao giờ tắt làm tăng thêm lòng kính trọng hướng về tổ tiên trong những ngày trọng đại của năm. Và từ ngày mai, lời chúc tụng thật lòng cho nhau ngày đầu xuân khiến người người cảm thấy thương yêu nhau hơn, xóa đi những bon chen tranh dành trong năm qua…

 

Như thường lệ, sáng mồng một, chị em Thi theo ông Tư Xuân về Đại Nẫm để thăm ông bà ngoại, bà nội, ông nội Tám, ông nội Mười, bác Tư Hoành và nhiều bà con khác. Tiếng là theo ba nhưng Thi và Thông một chiếc xe đạp, chị Thảo chở Thanh, hai chiếc xe đạp thi nhau, bỏ ông Tư Xuân chở thằng con trai út thủng tha thủng thỉnh phía sau. Đến cuối con đường đất rộng dọc đường rày, băng qua đường rày là tới khu tập trung, nơi bà nội đã được đưa về căn nhà nhỏ ở với cô Sáu.

 

Như tất cả dân Đại Nẫm trên, bà nội được đoàn Xây Dựng Nông Thôn chia một phần đất nhỏ, cấp nhu liệu xây nhà, và di chuyển vào khu tập trung này. Người dân Đại Nẫm, ai cũng mang tâm trạng nửa mừng, nửa bực tức khi phải vào ở trong vòng đai khu tập trung nằm dọc đường rày xe lửa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Mừng vì không còn sống trong cảnh ngày-lính-đêm-mấy-ổng và không phải cung cấp lương thực thuốc men theo lời nửa xin nửa yêu cầu của mấy ổng. Bực tức vì bị bắt buộc ở nơi nhà cửa chật hẹp với chỉ chút đất vườn bao quanh, mặc dù ban ngày ai cũng được phép về chăm bón ruộng vườn, thâu hoa lợi. Mừng vì không còn lo sợ nằm giữa hai lằn đạn trong những trận chạm súng. Bực vì cảnh sống tập trung, trái với bản chất người nông dân. Muốn hay không, mừng hay bực, thì ai ai cũng hiểu đây là cách ly gián Việt Cộng với dân, để Việt Cộng không còn cơ hội dùng dân làm bình phong. Nhà ông bà ngoại Thi cũng như nhiều nhà ở Đại Nẫm dưới không phải di chuyển vào khu tập trung vì gần vòng đai bao quanh khu tập trung và có Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn thường xuyên tới lui.

 

Cũng từ đó, sau khi bác Xã mất, bàn thờ ông nội dời về nhà Thi, bà nội yếu nhanh, nhà bà nội không còn rộn rịp cảnh Tết như trước. Cây cối trong vườn không được dán giấy điều đỏ mừng xuân. Bàn thờ đơn sơ ba ngày Tết. Con cháu tản mác khắp nơi. Tết là về chỉ để thăm bà nội theo phong tục chứ lũ cháu không còn chờ lì xì, cũng không mong bánh mứt. Ở khu tập trung, nhà chật hẹp, vườn không có cây khế, cây me nên lũ cháu mau chán. Chơi được nửa tiếng là bốn chị em rủ nhau băng ngã sau, ra khỏi khu tập trung, về nhà ngoại cách đó năm phút đạp xe cẩn thận trên bờ ruộng khô chật hẹp.

 

Đống rơm cao vẫn nằm trên đám ruộng khô rạ không còn quyến rũ những đôi chân ham vui. Căn nhà chòi gần con mương trước nhà không còn kêu giữ bước chân con trẻ. Mặc dù thường xuyên về ngoại, hầu như mỗi tuần, nhưng ngày Tết sao tự nhiên làm lòng nôn nao. Ông giáo Tâm, ông ngoại Thi sống thật bình dị, sáng chiều trên chiếc võng đong đưa dưới gốc me ngâm nga đọc tới đọc lui mấy tập thơ xưa, cần mẫn đan cái rổ, cái sàng không bao giờ tròn trịa. Ông bà Giáo sống với hai đứa cháu nội có người cha tập kết chết từ lâu và người mẹ đã bước thêm bước nữa. Đạm bạc thường ngày nhưng Tết nhất thì rộn ràng không kém ai. Bản chất nghệ sĩ của ông Giáo được bà Giáo nuông chiều những ngày vui xuân nên máy hát dĩa được vặn giây thiểu liên tục, cả ngày vang vang câu vọng cổ. Hoa bình, hoa chậu và cả hoa trong tranh điểm tô cảnh Tết từ nhà bếp lên tới nhà trên.

 

Buổi điểm tâm trang trọng ngày mồng một ở nhà chưa kịp tiêu. Bỏ dép, ngồi xếp bằng trên bộ ván, bốn đứa cháu ngoại lại được thưởng thức món bánh tráng cuốn măng kho có thêm nửa cái trứng vịt bùi bùi. Dĩa mứt trên bàn trước tủ thờ cẩn xa cừ có hai chân đèn bóng loáng và nhang đèn ấm cúng, sạch trơn sau khi lũ cháu làm một vòng ngắm nhìn những tấm tranh giấy vẽ hoa màu rực rỡ được ông ngoại treo trên tường. Theo cố tật, chơi trong nhà được một lúc là lũ cháu rảo ra vườn tìm trái mãng cầu chín mùi núp sau chùm lá xanh, kiếm những trái ổi trái mùa nằm chót vót trên cành cây cao…

 

Thảo, chị kế Thi, vừa bước vòng khỏi chuồng heo sau nhà, giật mình khi thoáng thấy một bóng đen bỗng dưng biến mất sau bụi chuối hột lá to xanh gần giếng nước phía nhà ông Hương. Tự nhiên, Thảo rợn người. Nãy giờ, mang cái cảm giác bị theo dõi bởi những ánh mắt đâu đó quanh vườn, nay cái bóng đen như một bằng chứng cho cảm giác, làm Thảo mất vui, kêu Thi về. Ngay lúc đó, Thi cũng có cảm tưởng như vườn nhà ngoại hôm nay sao bỗng dưng rộng quá, vắng quá và hình như có ánh mắt ai đó bám lưng mình, bám bước chân mình. Không hẹn, hai chị em không dám nhìn quanh, chạy vụt vô nhà, thưa ngoại về.

 

Cẩn thận vượt mấy bờ ruộng, băng qua đường rày xe lửa, bốn chị em, hai chiếc xe, đạp vội đạp vã. Bóng đen, cảm giác bị theo dõi, ánh mắt bám sau lưng, cả Thảo và Thi đều sờ sợ nhưng không kể cho nhau nghe vì chỉ là mang máng. Về đến đầu đường, trước bệnh viện Phan Thiết, quang cảnh rộn rịp những nhóm người tụ quanh bàn tài xỉu, bàn bầu cua làm tiêu nhanh cảm giác ơn ớn trong vườn nhà ngoại.

 

Một ngày quá bận rộn ! Ăn uống thả giàn, hết đánh bài xì dách thì xoay ra đánh bài cào, phé tố… Mê chơi, trời xập tối cũng chẳng màng. Bụng no, chân mỏi, cười to nói lớn… mệt mà vui nên không đợi nhắc biểu, chị em Thi mạnh ai nấy lo tìm gối, tìm chỗ ngủ. Tiền lì xì của ba má, bà nội, bà ngoại, được Thi xếp ngăn ngắn trong cái bóp xanh có hình ca sĩ Giáng Thu nghiêng đầu cười duyên chiếm cả ngăn bọc plastic trong suốt. Dấu cái bóp thiệt sâu trong ngăn tủ riêng dưới bàn thờ ông nội, Thi yên tâm rửa chân leo lên bộ ván gõ nâu bóng, dành được cái gối ôm, lăn đại vô góc gần cửa số, ngủ như mê. Ngày mồng một đẫm hương khói trang trọng trên bàn thờ qua mau trong hân hoan và hương vị yên bình mùa Tết tràn đầy giấc ngủ cô bé đang học lớp đệ lục háu ăn, ham chơi.

 

***

 

Tiếng pháo nhà ai đốt dữ quá làm Thi dụi mắt ngồi dậy mà cái đầu còn ngất ngư giấc ngủ nồng. Mơ mơ theo bàn tay ai đó kéo xuống nền xi măng mát, bước chân loạng choạng vô nhà trong. Lại đùng đùng, cụp cụp, liên tục nhưng không liên tu như pháo dây đêm giao thừa ! Lần này thì không phải pháo. Tiếng súng ! Gần lắm ! Giọng bà Tư Xuân gay gắt kêu hối hai đứa con gái lớn, vô nhà trong khi hai người này còn dùng dằng vì bị phá giấc mơ nhiều mộng đẹp của tuổi mới biết liếc mắt. Thi tỉnh hẳn. Cả nhà nhốn nháo khi tiếng người kêu nhau ơi ới ngoài đường. Ông Tư Xuân chậm rãi nhấc cây đà ngang để mở cánh cửa gỗ lớn có nhiều lớp xếp.

 

Chưa kịp đẩy cửa thì có tiếng đập cánh cửa sắt bên ngoài, tiếng cô Tám, cô Mười:

- Anh Tư, chị Tư… chạy… chạy anh chị…

Vẫn thái độ điềm tĩnh, đẩy hé một cánh cửa gỗ, ông Tư Xuân hỏi:

- Sao mà chạy ? Chạy đi đâu vậy ?

Cô Tám làm việc bên tòa Tỉnh, cô Mười học ở Sài Gòn về ăn Tết, nhà ở đầu chợ Gò, tay xách bị mang, trả lời hấp tấp:

- Việt Cộng, Việt Cộng nhiều lắm… chạy vô nhà thương…

- Đụng ở đâu ?

- Phía trong chợ Gò, phía cầu Bà Bác Xì, Việt Cộng đào hầm vô tới chợ Gò… Việt Cộng nhiều lắm… nhiều lắm… chắc Việt Cộng đào hầm trong xóm từ lâu mà không ai biết gì hết… nhiều lắm… khắp xóm…

- Mấy cô đi trước đi.

 

Đứng sau lớp lưới sắt bao trước hàng ba, chen giữa ba má, chị em Thi ngóng ra đường vẫn còn sáng trưng dưới ánh đèn từ cây cột trụ xi măng kiên cố. Từng gia đình, kẻ gánh, người mang bao bị, dẫn dắt nhau, kêu nhau. Dòng người từ chợ Gò, đầu đường Hải Thượng Lãn Ông đổ dồn vê bệnh viện Phan Thiết tìm nơi ẩn náu qua đêm. Giọng kêu không mấy gì hoảng hốt cho lắm. Tiếng chân cũng chẳng dồn dập.

 

Lòng Thi vui vui vì tưởng "được chạy giặc" như mọi người nhưng xìu ngay xuống khi ông Tư Xuân dồn cả mấy đứa con vô hầm trú ở nhà trong. Cả năm nay, Việt Cộng pháo kích liên tục. Pháo kích vô đồn lính, Tiểu Khu thì ít mà trúng nhằm nhà dân thì quá thường. Lạ một điều: Quanh Tiểu Khu, Tòa Tỉnh, ty Cảnh Sát, Phòng Nhì, trại Đinh Công Tráng, trại Trinh Tường… nói chung những khu quân sự đáng là mục tiêu cho những trận pháo kích của Việt Cộng đều cách xa khu dân cư, hay chung quanh có bãi đất trống rộng. Vậy mà nhà dân bị trúng pháo kích đều đều, nhiều đến nỗi mỗi nhà có điều kiện đều xây hầm trú. Phố Hải Thượng Lãn Ông nằm xa trại gia binh, xa Phòng Nhì, xa đồn Đinh Công Tráng và có một ưu điểm là gần sát bệnh viện Phan Thiết, vậy mà ông bà Tư Xuân cũng như đa số đều xây hầm trú vì xóm trong bị trúng pháo kích mấy lần.

 

Nhà ở phố Ba Mươi Căn, nguyên thủy nhà nào cũng giống như nhau, bên ngoài cũng như bên trong. Hàng ba, phòng khách, phòng trong, một khoảng trống có hồ nước và nơi tắm giặt, phòng sau, nhà bếp, vuờn đất bồi nên chẳng trồng được cây trái gì nhiều. Phòng khách và phòng trong có mái đúc xi măng, nằm giữa những căn nhà, coi như bốn bề kiên cố. Nhưng muốn an toàn hơn, ông bà Tư Xuân dùng bộ ván gõ dầy được tấn cao để dễ chui ra chui vô, phía trên, những bao cát nhà binh được tấn chung quanh, trên bộ ván. Tối tối, ông bà bắt lũ con cũng như người làm ngủ trong hầm vừa đủ hai chiếc chiếu. Ông bà nằm ở cái giường kế bên. Được ngủ chung, lúc đầu thì vui lắm, lũ con giỡn chơi cả đêm mới chịu yên. Được vài hôm, nóng quá, lũ con tự động tìm đường thoát thân, ra nhà sau ngủ cho thoáng mát. Nhưng đêm nào nghe tiếng pháo kích đâu đó là ông bà dựng đầu lũ con dậy, lôi vô hầm. Một cực hình ! Lũ con cằn nhằn nhèo nhẹo vì giấc mơ lượm được tiền bị cắt đứt.

 

Ngoài đường láo xáo mà ông bà Tư Xuân thì điềm tĩnh bàn tán làm sự náo nức của lũ con trước sự kiện quá ư là hấp dẫn giữa đêm mồng một xìu xuống từ từ. Xìu nhưng tai vẫn vểnh cao. Gọi là lớn lên trong chiến tranh, ở gần nhà thương nên chứng kiến thường xuyên những người mẹ, người vợ trẻ than khóc mỗi lần xe cứu thương chở lính bị thương về bệnh viện sau một trận đụng độ, chị em Thi chưa bao giờ thực sự đối diện trực tiếp với chiến tranh như đêm nay. Nhất là khi nghe Việt Cộng tràn về đầy xóm Chợ Gò, không xa nhà mình bao nhiêu. Việt Cộng ! Thi nghe nói thường ngày. Họ hàng nội ngoại Thi ở Đại Nẫm có nhiều người theo Việt Cộng lắm. Anh Chín Òn, chị Năm Thống, anh Ngọc… bỗng nhiên biến mất. Nghe nói theo Việt Cộng, vài năm là nghe nói chết, chết hết. Ba má cấm tiệt chị em Thi ngủ lại nhà nội, nhà ngoại vì sợ bị Việt Cộng bắt hay dụ dỗ. Việt Cộng ám sát dượng Mười, tịch thu lúa của má Thi, pháo kích vô đám hát bội, giựt mìn sập cầu… nhưng chị em Thi chưa thấy Việt Cộng bao giờ.

 

Ông Tư Xuân khép cửa từ lâu, bắt lũ con ngủ lại. Dễ gì ! Một tai lắng nghe lời ba má bàn tán, một tai lắng nghe tiếng người xôn xao ngoài đường, lòng nôn nôn nao nao nên mắt không chịu khép. Đầu óc người mẹ hoạt động chớp nhoáng. Một sáng kiến nẩy nhanh trong đầu bà Tư Xuân. Sáng kiến là vị thần cứu tinh cho lũ con. Sáng kiến làm không khí dưới ánh đèn néon thêm hào hứng vui nhộn hẳn lên, quên đi cảnh chạy giặc "hấp dẫn" bên ngoài cánh cửa gỗ dầy. Bà Tư Xuân quyết định: "Phải cho tụi nhỏ ăn no bụng, bảo đảm, lỡ có chạy…"

 

Miệng nói tay làm, không dám nấu nướng, bà Tư Xuân xuống bếp khiêng thúng bánh tét vô nhà trong. Sau khi cắt chia cho mỗi đứa con một lát bánh tét dầy, bà Tư Xuân dặn: ”Nếu có gì phải chạy thì mỗi đứa cầm theo hai đòn bánh tét mà phòng thân.” Nghe sao vui quá ! Càng hấp dẫn hơn khi lũ con nghe ba má bàn: “Chia sẵn cho mỗi đứa một ít tiền !”

 

Giấc ngủ đến mau khi cái bụng căng cứng chất nếp béo thơm và nỗi náo nức lẫn trong tiếng súng đì đùng đâu đó đi vào cơn mơ có túi tiền đầy, một số tiền lớn chưa bao giờ được cầm trong tay. Ngoài phòng khách, ông Tư Xuân châm tách trà nóng, bà Tư Xuân têm thêm miếng trầu, hai người ngồi bên cái radio Philip màu đen, lóng tai nghe tin tức, thì thào bàn tán.

 

Mùng hai, chưa bửng sáng, bà Tư Xuân vội hâm măng kho, thịt kho, cắt bánh tét… Ông Tư Xuân nấu trà cúng. Bữa ăn sáng mùng hai hôm nay cũng trang trọng như sáng mùng một nhưng hơi im lặng hơn và kết thúc nhanh hơn. Dĩa bánh tét nhiều lớp, tô măng kho vàng bóng, tô thịt kho nâu nâu có mấy trứng vịt luộc trắng xen lẫn, dĩa đồ chua có củ kiệu cay cay, rổ bánh tránh mè đen… không làm lũ con quên được chuyện chạy giặc ngoài đường đêm qua.

 

Bụng vừa no cứng thì tiếng xôn xao ngoài đường rõ dần, dồn dập dần. Cánh cửa gỗ lớn mở, nhưng cánh cửa lưới sắt ngoài hàng ba vẫn cài chặt. Ngoài đường, người gánh, kẻ đeo, lũ lượt đi ngang nhà. Nhưng lần này thì ngược chiều và không có tiếng kêu gọi nhau, bình tĩnh hơn, như đã chuẩn bị cả đêm, chỉ chờ trời sáng là lên đường. Người từ xóm Tỉnh, Đại Tài di tản vô thành phố.

 

Trên ghế salong gỗ nâu, ông Tư Xuân vẫn điềm tĩnh bên ly trà khói lờ mờ và dĩa mứt gừng vàng ẩn dưới lớp đường trắng tinh, thờ ơ nhìn ra đường. Dường như chuyện di tản này diễn theo đúng như ông đã suy đoán. Hay đầu óc ông đang lo tính nhưng không muốn để lộ ra ngoài. Năng động hơn, náo nức hơn, bà Tư Xuân mở cánh cửa lưới sắt, ra đường hỏi thăm:

- Đụng lớn không ?

- Chưa đụng.

- Sao mà chạy ?

- Việt Cộng nhiều lắm.

- Việt Cộng nhiều lắm. Mấy ổng không cho dân chạy vô thành phố.

- Sao lại không cho dân chạy ?

- Chắc sợ dân chạy là Mỹ bỏ bom, bị pháo đại bác.

- Tụi tui cứ chạy đại. Cũng may là mấy ổng không bắn theo.

- Mấy ổng cấm thì cấm, mình chạy cứ chạy. Thế nào Mỹ cũng bỏ bom.

- Tết mà bỏ bom gì.

- Tết nhứt gì tụi Mỹ.

 

Nắng càng lên, người di tản càng lúc càng nhiều. Đến khi đoàn người từ Đại Nẫm vai gánh vai mang đi ngang qua nhà, ông Tư Xuân mới ra đường hỏi thăm. Như hàng xóm, ông bà Tư Xuân đón bà con vô nhà, những người không có họ hàng bên phố. Từ phòng khách xuống nhà bếp, người ra, người vô, chật nêm. Thế là… bánh tét, xoong măng kho, xoong thịt kho… hết sạch !

 

Cảnh nhà nhộn nhịp chưa từng thấy. Người lớn lo âu bàn bàn tán tán. Con nít háo hức ngóng chuyện, lòng vui rộn ràng không chút âu lo. Không còn nghe tiếng súng, ham vui với anh chị em họ hàng bên nội lẫn bên ngoại bỗng dưng tụ tập về nhà mình, Thi không hề thắc mắc tại sao ông bà ngoại không di tản như mọi người.

 

Anh chị em bà con tụ tập càng lúc càng đông, chú bác bàn bạc, cô dì diễn suy, người di tản ngoài đường từng tốp ngừng chân kể chuyện… nên quay qua, quẩn lại là trời sụp tối. Và cơn mê đánh bài ngày Tết bị quên nhanh, quần áo mới cũng không thiết tha diện khoe, ngay cả hàng phở ông Tàu hay ciné bên phố cũng chẳng hề nghĩ tới.

 

Liên tiếp mấy ngày, rau cải, thịt thà bà con đem theo cứ thế mà xào nấu, cứ thế mà dọn ra, nồi cơm này tiếp nối nồi cơm kia. Tới bữa cơm, không ai mời ai, không ai phân chia, vậy mà tự động đàn ông vào ngồi ở bàn ăn, đàn bà xếp bằng ngồi trên bộ ván, con nít mỗi đứa một tô cơm rủ nhau ra gốc cây bần nhà sau vừa ăn vừa tán dóc. Bà con lui tới đông đảo trong nhà nhưng không rộn ràng tiếng nói cười như ngày đám giỗ.

 

Dầu có bệnh viện Phan Thiết nằm trước mặt như một bình phong cho những trận pháo kích của Việt Cộng vào ban đêm, nhưng vì cách vài trăm mét là Phòng Nhì, cách độ năm trăm mét là đồn Đinh Công Tráng nên vị thế phố Ba Mươi Căn không được coi là nơi an toàn cho lắm. Đêm đêm, tiếng pháo kích dọa dẫm, tiếng đạn đì đùng đây đó khiến phố Ba Mươi Căn càng ngày càng vắng vẻ và bà con từ từ tìm nơi tạm trú bên phố, xóm Cồn gần biển. Gia đình ông bà Tư Xuân vẫn kiên trì, không chịu di tản.

 

***

 

Gần sáng, tiếng lao xao ngoài đường làm chị em Thi thức dậy, vội chen nhau giữa ba má đang đứng phía sau cửa lưới sắt, để ngóng chuyện. Giữa đường lộ và tường rào sơn vôi trắng dọc theo bệnh viện là đường mương rộng, sâu. Sâu đến nỗi con nít bị cấm không được chơi bên đó vào mùa mưa vì sợ chết đuối. Nghe ba má hỏi chuyện, bàn tán, Thi hiểu là những người lính lom khom dưới đường mương bên kia đường đang tiến về sân vận động Quang Trung để làm vòng đai phòng thủ thành phố và tăng lực lượng phòng thủ cho đồn Đinh Công Tráng nằm cách phố Ba Mươi Căn độ năm trăm mét.

 

Cảm giác bình an và niềm cảm kích dấy trong lòng khi Thi nhìn những gương mặt đăm đăm nghiêm trọng dưới nón sắt hướng về phía sân vận động. Thấy một vài người quăng những hộc cốm qua bên kia đường, bà Tư Xuân nhanh chóng chạy vô nhà, lấy mấy hộc cốm quăng tiếp viện. Thế là, nhà nào còn bánh tét, còn cốm đều thay nhau quăng về hướng những người lính đang dấn thân giải thoát khu phố. Gương mặt những người lính lom khom dưới đường mương bên kia vui lên thấy rõ. Tiếng thì thào cám ơn, tiếng hỏi thăm nho nhỏ, không khí thân mật tình quân dân làm giảm đi tâm trạng âu lo vì đang nằm giữa hai chiến tuyến.

 

Tiếng người cô, con ông nội Tám, ở tạm nhà ông bà Tư Xuân mấy ngày nay, nói nho nhỏ: "Đừng cho !" làm Thảo ngạc nhiên. Đầu óc Thảo đánh một dấu hỏi thật to: "Sao lại biểu đừng cho ? Lính là phe mình mà ! Lính đánh đuổi Việt Cộng mà !" Thắc mắc đó, rồi quên đó vì người cô này không nói gì thêm nữa.

 

Ngoài đường êm re, không khí hơi rờn rợn, không cần bị cấm đoán, lũ con tự hiểu là phải ở nhà, mấy ngày nay. Lạ một điều là lần đụng trận này, không hề có tiếng xe cứu thương, không tiếng người kêu khóc. Như vậy là không ai bị thương ?

 

Chị Hai Cao nóng lòng tìm mọi cách trở lại nhà ông bà Tư Xuân làm chị em Thi mừng như lâu ngày mới gặp lại. Không phải mừng vì có người dọn dẹp rửa chén mà vì trong hoàn cảnh hiểm nguy ai cũng muốn có những người thân yêu của mình bên cạnh như để chia sẻ, như để bảo bọc nhau, để thấy yên lòng hơn, cho mình, cho người.

 

Pháo kích liên tục mấy ngày, mỗi đêm, quang cảnh vắng hoe từ ngoài đường cho tới trong nhà vì bà con đã di tản vô thành phố. Tin thằng Thanh con bác Hòa Hưng cách nhà ông bà Tư Xuân một căn bị trúng đạn pháo kích mất một hòn giái không làm chị em Thi cười khoái chí mặc dù thằng này ưa gây chuyện đánh lộn với mình. Chị em Thi lo lắng bàn tán: "Vậy là thằng Thanh sẽ không có con sau này hở ? Tội nghiệp nó !” Đang sống trải cùng hoàn cảnh mà hoạn nạn dọa dẫm sát bên lưng, con nít quên hết mọi thù hằn nhỏ nhặt, tự nhiên thấy thương nhau, thấy lo cho nhau.

 

Tin yêu cầu đồng bào di tản vào thành phố vì Mỹ sẽ bắt đầu bỏ bom ngày mai làm rúng động những gia đình ở phố Ba Mươi Căn, những gia đình kiên trì còn bám trụ. Đêm chưa khuya lắm, ông bà Tư Xuân quyết định đưa gia đình vô nhà thương ẩn náu qua đêm. Bà Tư Xuân nhét vô túi quần mỗi người con một ít tiền, cài kim băng, dặn tới dặn lui không được mở ra. Bánh tét không còn nữa nhưng gạo dự trữ ra giêng bán còn cả chục bao bố. Bà Tư Xuân dồn nhét nước nắm, đường muối, gạo vô tất cả các giỏ xách, chia cho bốn đứa con lớn, mỗi đứa một giỏ. Chị Hai Cao gánh một đầu thúng là gạo, một đầu thúng là bé Út mới được hai tuổi.

 

Khu bảo sanh lầu đúc an toàn nên những người di tản đều dồn đến, chen nhau tìm chỗ ngủ. Không đủ chỗ ngủ chung phòng, ông Tư Xuân và hai thằng con trai phải ngủ phòng kế bên, phòng sanh. Bây giờ Thi mới hiểu là tại sao đụng trận mấy ngày nay mà không có tiếng xe cứu thương. Toàn bộ nhà thương, nhân viên, bệnh nhân đã được âm thầm di tản từ lâu. Đến nỗi khi đi ngang nhà xác, sợ, nhưng Thi và Thông vẫn tò mò nhìn vô, tìm nhìn xác chết thường nằm trên bậc xi măng chờ người thân đem về nhà. Vắng hoe !

 

Nửa đêm, rầm… rầm…! Pháo kích, pháo kích ngay cả nhà thương, ngay cả nhà bảo sanh, ngay phòng bên cạnh, ngay phòng sanh. Tiếng bà Tư Xuân hoảng hốt: “Ba mày đâu… có sao không ?” Tiếng người xao xáo, tiếng chân chạy tới chạy lui, tiếng bà Tư Xuân đẫm nước mắt: “Thằng Năm bị thương… ba mày…” Nghe đến đó, Thi chạy ra hành lang, nhanh chân chen được tới nơi chị Thảo đang đứng thút thít khóc. Trên bàn sanh, Thông nằm đó, nằm im re trong quanh cảnh náo loạn của phòng sanh.

 

Hai trái pháo kích nổ ngay cửa sổ phòng sanh, mảnh đạn, kiếng vỡ, văng tứ hướng nhưng không gây thương tích nặng nề chi cho lắm. May mà dụng cụ cứu thương còn trong tủ nên ông Tư Xuân dầu không phải là y tá nhưng cũng biết băng bó nên đi tới đi lui chỉ người này cầm máu, người kia sát trùng, người nọ băng bó… Thái độ bình tĩnh, điềm tĩnh trong công việc của ba làm chị em Thi an lòng. Quay nhìn kỹ bệnh nhân trên bàn sanh, Thi thở nhẹ nhõm. Thông ngồi dậy từ lâu, nhe răng cười, nụ cười cố nở ra như để làm an lòng mọi người, như để chứng minh rằng vết thương bên hông không dễ gì làm thằng con trai đang tuổi đổi giọng đớn đau lâu.

 

***

 

Trời hơi bưng bửng sáng, đoàn người ẩn náu trong bệnh viện bắt đầu khăn gói trong khi tiếng phóng thanh từ chiếc trực thanh lượn qua lượn lại khu phố Ba Mươi Căn yêu cầu tất cả phải di tản qua phố, bên kia sông Cà Ty. Khi đi ngang nhà mình, Thảo nằng nặc đòi cho chạy vô một chút. Nhanh mắt, Thảo chợp ngay cái bàn chải đánh răng, chạy ra. Thấy chuyện vô lý như vậy mà ông bà Tư Xuân không buồn la đứa con gái “lắm chuyện” làm chậm bước chân di tản. Hình như khi một đứa con vừa thoát nạn, khi nỗi hiểm nguy gần kề, lòng cha mẹ bao dung hơn, chiều con hơn.

 

Băng qua ngã ba, đoàn di tản đi dọc sát theo dãy nhà phía trái đường Hải Thượng Lãn Ông. Vừa tới đầu đường chợ Gò, một chiếc xe nhà binh nằm chơ vơ chận ngang bờ lề. Xác người lính ngồi ngoẹo đầu ở băng trước, trông như chết từ lâu là hình ảnh chết chóc đầu tiên Thi thấy trong những ngày giặc giã này. Con đường vắng hoe, nhà cửa bỏ ngỏ, khí xuân sáng sớm lành lạnh rợn người hối thúc bước chân vừa đi vừa chạy.

 

Vượt qua Tiểu Khu vắng vẻ, đến đầu cầu, mọi người thở nhẹ nhõm khi thấy đoàn lính đứng kiểm soát xem coi chừng Việt Cộng đi chen giữa dân. Ai cũng phải trình thẻ căn cước, khai rõ nhà ở đâu. Bên kia đầu cầu, nhiều đám đông đứng chờ để hỏi thăm tình hình và đón bà con về nhà tạm trú. Con sông Cà Ty vẫn bình thản trôi như mọi ngày nhưng hôm nay thêm trọng trách chia đôi phố thị, bên hậu phương, bên chiến tuyến.

 

Ông trưởng ty trẻ tuổi độc thân nhường phòng mình trong tòa nhà ty Ngư Nghiệp cho gia đình ông Tư Xuân. Có phòng riêng chỉ để ngủ ban đêm, cả ngày, ông Tư Xuân và lũ con canh chờ để leo bên đứng trên ban-công xem máy bay thả bom. Bà Tư Xuân và chị Hai Cao lo cơm nước dưới nhà bếp, thỉnh thoảng chạy lên hỏi thăm coi khu nhà mình có bị bom chưa.

 

Khi thì leo lên thành ban công, khi thì chen giữa đám đông tụ tập ở đầu cầu, chị em Thi hồi hộp theo dõi trận thả bom bên kia sông. Cổ nhóng cao chờ máy bay quần trở lại, tai vểnh rộng nghe người lớn bàn tán, Thi quên đói. Không phải quên đói vì lo cho số mạng nhà mình dưới trận mưa bom mà vì tò mò chuyện người lớn bàn tới luận lui. Người đoán Việt Cộng hết đường chạy thoát, người trách Việt Cộng đào hầm trong xóm nên Mỹ bỏ bom, người trách Mỹ không kiêng cữ ba ngày Tết… Trách thì trách, máy bay cứ lượn trên không trung.

 

Hết chiếc này đến chiếc kia, nối tiếp nhau, liên tiếp mấy ngày, máy bay quần thảo khu vực bên kia sông Cà Ty, khu vực Phú Trinh có con đường Hải Thượng Lãn Ông là chính. Không biết nơi phát xuất máy bay, chỉ cần nghe tiếng rền rền vang lên là mọi người nhốn nháo nhóng cổ nhìn về hướng Phú Trinh. Trên không, máy bay tiến tới, bình thản và ngang nhiên. Phần bụng dưới mở ra từ từ, cả chục trái bom dài nhẹ nhàng rơi, rơi từ từ trong khi máy bay vẫn tiếp tục bay tới. Bùng… bùng… khói bụi bốc cao trước khi tiếng đất rung chuyển kịp làm náo động đám đông bên nay sông đang hồi họp theo dõi. Trên không cao hơn, khi phần bụng dưới từ từ khép lại, máy bay bình thản và ngang nhiên bay đi.

 

Từng tấm tole bay cao, nhìn xa như những tấm giấy vụn bị gió chiều thổi tung. Thế là đồng bào bên đây sông tụ từng đám đông, bắt đầu bàn đoán khu nhà nào bị trúng bom. Êm êm được mười phút, tiếng máy bay quần trở lại, vẫn bình thản, vẫn ngang nhiên. Và… những trái bom lại nhẹ nhàng rơi. Đất Trời lại rung chuyển, nhao động. Tole trắng bụi mờ lại tung bay. Lòng người dân bên đây sông lại nhói đau khi biết rằng trong đám tole trắng đó có mái nhà thân yêu của mình, trong đám bụi mù đó có sách vở, có chén tô men xanh đời ông cố để lại, có dĩa nhạc, có hình ảnh gia đình chụp những dịp giỗ Tết… Tiếng thở dài không dấu diếm trong đám người nhóng cổ trông về bên kia bờ sông khi máy bay thản nhiên mất hút trên không. Giọt nước mắt không muốn giữ lại trong đám người di tản đang dõi nhìn những trái bom nhẹ nhàng rơi ngay khu nhà mình.

 

Cả ấp Phú Trinh trở thành tử địa của Việt Cộng. Lính kiểm soát chặt chẽ dọc sông Cà Ty, làng Đại Tài, Đại Nẫm, Xuân Phong, Trinh Tường… Việt Cộng đang ẩn núp trong các đường hầm quanh khu chợ Gò, cầu Bác Xì không có đường thoát. Đất Trời không bao dung được mạng người nữa.

 

***

 

Quân đội dọn xác Việt Cộng bày hàng dài ở sân vận động Quang Trung trước khi cho đồng bào tạm hồi cư. Tạm hồi cư nghĩa là được về xem coi nhà cửa, thu dọn, chiều tối phải trở qua bên đây sông vì tình hình chưa được yên hẳn. Bước chân vừa đi vừa chạy, cả gia đình đi dọc đường bờ sông để về nhà. Những ngôi nhà trên ngọn đồi cao gần trường Nữ tiểu học, tường ngói đổ nát, là hình ảnh đập vào mắt, làm mọi người càng lo âu cho số phận căn nhà của mình.

 

Cứ thế, sưốt con đường về nhà, những hố bom sâu rộng như ao rau muống, những căn nhà chỉ còn phần mái lửng lơ, những đống gạch nát ngổn ngang bên cạnh những ngôi nhà may mắn chỉ long cánh cửa hay sập cái cổng… tất cả làm cho bước chân người hồi cư thêm hồi hộp. Thật lạ ! Cả phố Ba Mươi Căn vẫn còn nguyên, máy bay bỏ bom hướng này nhiều lắm mà. Những cây cột đèn vẫn đứng vững dầu cho thân cột xi măng cốt sắt đang mang trăm ngàn cây đinh dài bốn centimet của đạn “rắc kết”, loại đạn nổ tung là bắn ra cả ngàn cây đinh, loại đạn chống trận chiến biển người. Thi nghe nói vậy !

 

Nhưng… khi vào nhà, qua phòng khách và phòng trong, cảnh tượng đổ nát hiện ngay trước mắt: Nhà bếp và vuờn sau bị bom. Không phải chỉ nhà Thi, nhà nào cũng vậy, chỉ bị bom phần sau. Hay thật ! Máy bay bỏ bom bay tuốt trên trời cao cũng biết nhắm, biết canh. Phía sau khu phố Ba Mươi Căn là khu sình lầy, tiếp nối với vùng cầu Bác Xì, nơi Việt Cộng làm ổ, đào hầm. Máy bay chỉ việc bỏ bom ở khu sình lầy đó để chận đường rút chạy của Việt Cộng, đâu cần phải bỏ bom cả con đường. Thế là, bề mặt ba mươi căn nhà của dãy phố chỉ bị lởm chởm những cây đinh của đạn “rắc kết”, tường bên trong loang lổ vì hơi bom làm rung chuyển và chỉ có nhà bếp với vườn sau mới chính là nạn nhân chiến tranh.

 

Kế bên nhà Thi là nhà ông Lân, công an thứ lớn thời ông Diệm. Sau năm 63, ông Lân di chuyển ra Trung, để lại bà vợ và mấy người con cỡ tuổi Thông và Thi, sống trong âm thầm khép kín. Gia đình ông bà Tư Xuân ngấm ngầm không ưa ông Lân vì ông thuộc phe đàn áp Phật Tử, đàn em của ông dòm ngó nghi ngờ những người bà con của Thi là Việt Cộng, đám con của ông chuyên nghề chê cười đạo Phật và không thèm ăn bánh trái sau đám giỗ ông nội. Cả xóm hồi cư nhưng thiếu gia đình ông Lân. Đáng mừng !

 

Đáng mừng là vì căn gác phía sau nhà ông Lân bị bom, sách báo bay tơi tả, bay qua vườn nhà ông bà Tư Xuân. Cả một món quà quí báu ! Chị em Thi tranh nhau lượm, thèm thuồng nhìn sân sau nhà hàng xóm trống vắng bóng người nhưng nhan nhản sách báo. Thèm đọc lắm nhưng không dám leo rào qua lượm. Thông và Thi lấy cây khều khều mấy quyển tạp chí gần hàng rào mà lòng run, mắt dáo dác. Run vì sợ ba má rày, vì sợ người nhà ông Lân về bất ngờ.

 

Một tuần, ngày về nhà, đêm qua ty Ngư Nghiệp ngủ, ai dọn dẹp mặc ai, chị em Thi say mê ngấu nghiến mớ sách báo “lượm được” ngoài sân sau. Đến khi hồi cư hẳn, chờ thêm vài ngày vẫn không thấy ai trong nhà ông Lân trở về, Thông và Thi rủ nhau “thám hiểm” căn gác phía sau. Căn gác rộng, chỉ có cái giường đơn, bàn viết và báo chí… ôi ôi là báo, tuần báo, nguyệt san… ngập sàn, ngập mắt hai đứa trẻ háu đọc. Thế là, mắt trước mắt sau, quơ nhét vô lưng quần, nhảy rào, chạy vô nhà, ngả lưng, đọc.

 

Một ngày làm vài chuyến “thám hiểm” vẫn không thỏa lòng tham, thấy ba không la rày, Thông và Thi đi đến quyết định: Dọn chớ không nhét lưng quần nữa. Thế là, thùng nguyệt san Quê Hương, thùng tạp chí Phổ Thông, thùng tạp chí Bách Khoa, thùng nguyện san Thế Giới Ngày Nay… lần lượt về nằm ở phòng trong, dưới bộ ván. Thưởng thức mớ sách báo hiếm quí mà ông Tư Xuân lâu lâu mới mua, lòng kính phục chủ nhân, tức ông công an đáng ghét tên Lân nẩy nở dần dần trong lòng chị em Thi. Đáng quí trọng lắm chớ, người đã bỏ tiền đặt mua những loại tạp chí giá trị như vầy, người đã đọc hết những tờ báo đáng quí này, người biết quí trọng sách báo nên mới xếp gọn gàng vô từng thùng... Và cũng là một bài học cho chị em Thi: Công an của ông Diệm cũng có thể là một trí thức thứ thiệt vậy !

 

Đời sống nhanh chóng trở lại bình thường. Nhưng không bình thường cho dân quê, họ chưa được về chăm sóc vườn tược nên rau cải trở nên hiếm hoi và lên giá. Và cũng không bình thường cho con trẻ vì trường học vẫn đóng cửa nên lũ con mặc sức ngày đêm say mê với những thùng sách báo.

 

***

 

Anh Phúc, đang học lớp đệ nhị trường Phan Bội Châu, người anh bà con có chung ba đời ông cố nên chị em Thi kêu má anh khi thì cô Năm, khi thì dì Năm, khi là mợ. Anh ít nói, nhưng Thi thích anh vì lần nào ghé nhà ông Giáo Ba, dầu đang ngồi học, anh đều ra vườn tìm cho Thi khi thì trái mãng cầu chín ngọt bị chim ăn một phía, khi thì chùm mận hồng ưng ửng. Anh đưa cho mà không hỏi, không đùa, không nói chi cả làm Thi vừa thích vừa ngán ông anh cả ngày cắm cổ học. Nhà ông nội của anh ở Đại Nẵm dưới nên không bị đưa vô trại tập trung. Ba anh mới mất việc nên gia đình phải dọn về Đại Nẫm và sống nhờ vào luống cải, đám rau.

 

Mấy ngày nay, cả gia đình anh tá túc nhà Thi, chờ lệnh được hồi cư. Nóng ruột cho đám bắp cải chắc xanh mướt mà không thu hoạch được, anh Phúc, chị Danh và cô Năm tranh thủ về lại Đại Nẫm để cắt cải. Ỷ y lần đầu an toàn, thâu hoạch được hai gánh bắp cải, ba má con cô Năm về Đại Nẫm lần thứ hai.

 

Chị em Thi rơm rớm nước mắt khi nghe tiếng cô Năm khóc ưng ức, nước mắt chị Danh chảy dài trên gương mặt trắng hồng, những người em của anh Phúc thút thít khóc. Anh Phúc bị bắn chết ! Người lớn bàn tán, mấy người nhỏ loay hoay từ nhà trước ra nhà sau để ngóng chuyện, rồi suy diễn theo khả năng hạn hẹp của minh.

 

Cô Năm hít nước mũi, kể:

- Nghe tiếng súng, bốp… bốp… đang lui cui gần bếp nên tui với con Danh chạy lẹ vô hầm. Thằng Phúc đang gánh nước tưới đám bắp cải ở ngoài.

- Đụng trận hả ?

- Không. Chỉ hai tiếng súng. Nghe tiếng súng gần quá, bụng cũng lo, chờ không thấy động tịch, tui chạy ra thì thấy nó nằm đó, máu đỏ cả ngực áo sơ mi trắng có huy hiệu trường trung học Phan Bội Châu. Nó nằm giữa đám cải bẹ xanh. Tui với con Danh sợ run khi thấy mắt nó nhìn trừng trừng về hướng con suối phía hông vườn.

- Có ai ở gần đó không?

- Không, im re. Nhìn về hướng suối thì thấy hai thùng nước đổ ngổn ngang, cây đòn gánh nằm cách bờ suối mấy bước.

- Chắc nó bỏ chạy.

- Chết liền há ?

- Tui lay, tui kêu mà nó không ư không hử, đầu quẹo qua một bên.

- Ai bắn ?

- Không biết !

- Bị trúng mấy viên ?

- Tui không biết, nhưng tui nghe chỉ có hai tiếng súng bộp… bộp.

- Nó tưới cải chớ có làm gì đâu mà bắn nó.

- Ai bắn ?

- Không biết !

- Bây giờ nó nằm ở đâu ?

- Tui chạy qua kêu dượng Tư phụ khiêng nó vô nhà.

- Cầu trời mấy ổng cho yên đặng còn về mà chôn nó.

 

Ngày hôm sau, dì Năm và chị Danh sắm sửa nhang đèn, ít bánh trái về lại Đại Nẫm để chôn anh Phúc. Một đám tang không có người đưa, không tiếng mõ câu kinh, không dám khóc than thương tiếc. Ngôi mộ đào vội vã, đắp vừa cao hơn mặt đất được gang tay, chôn vùi người con trai tuổi mới mười tám đang sách đèn chuẩn bị thi tú tài một, vì chết tức tưởi nên mắt vuốt hoài không chịu khép.

 

***

 

Toán công chức Bình Thuận đi từng nhà để đánh giá sự thiệt hại sau vụ bỏ bom để Mỹ bồi thường. Số tiền bồi thường sẽ được tính theo mức độ hư hại để chủ nhân đủ khả năng sửa nhà lại như cũ. Ngồi dậy, thưa chào đoàn thanh tra, chị em Thi lại ngả lưng trên bộ ván, chân vắt chéo, tiếp tục say mê với tạp chí Phổ Thông, Quê Hương… Đoàn thanh tra ra nhà sau, xem qua sự hư hại, trở lại, đi qua nhà kế và đám trẻ vẫn tiếp tục nằm dài trên bộ ván say mê đọc.

 

Không biết vì ông Tư Xuân cũng là công chức của tỉnh hay lòng rộng rãi, đoàn thanh tra đánh giá hư hại của nhà Thi là 80% trong khi mức hư hại thật sự chừng 20%. Được món tiền bồi thường lớn, ông bà Tư Xuân sửa nhà sau khang trang hơn cả trước khi bị bỏ bom mà vẫn còn dư tiền đóng thêm bàn ghế, tủ kiếng.

 

Được bồi thường, nhà nào cũng được bồi thường, có nhà cất lại trang trọng hơn, lên lầu cao hơn, nhưng cũng có gia đình không chịu sửa chữa nên mấy năm qua đi mà dư tích trận bỏ bom Tết Mậu Thân vẫn còn.

 

Năm sau, nghe tin đồn Việt Cộng rút kinh nghiệm thất bại Tết Mậu Thân, sẽ tấn công lần nữa, bà Tư Xuân cho gia đình ăn một cái Tết mini vào giữa tháng mười một. Cũng đầy đủ cốm, bánh tét, măng kho, thịt kho nhưng không trang trọng náo nức như những năm trước vì chung quanh không ai ăn Tết chung. Thế là năm đó, gia đình ông bà Tư Xuân ăn Tết hai lần.

 

 

 

Võ Thị Điềm Đạm

 

(Bai Chuyen)


website counter