Cuộc Hồi Sinh
(T.Vấn)
1.
Đã cuối tháng 3. Thời điểm của
tiết Lập Xuân. Vậy mà khu vực trung
Tây nước Mỹ vẫn có nơi bị lũ
lụt, mưa to nhiều ngày, có nơi tuyết
phủ trắng xóa ngập lên đến ngang
đầu gối. Dù vậy, học trò vẫn cứ
được nghỉ học để chào
đón mùa xuân đến như thường
lệ hàng năm (Spring Break). Các cửa hàng sáng
rực lên nhờ những chậu hoa đầu
mùa mừng Phục Sinh (Easter). Có thật là
đã qua rồi những ngày đông u trầm
lạnh lẽo không ? tôi tự hỏi mình khi
bước chân ra khu vườn sau nhà săm soi
những bụi tulips vừa nhú lên chút chồi
màu xanh. Có năm tháng 4 rồi mà vẫn
còn những trận tuyết rét cóng giết
sạch những cành cây non vừa chớm nụ.
Tôi có cảm tưởng như mùa
đông luôn luôn có lối chào từ
biệt rất “đáng ghét“. Nó khiến
cho người ta phải nhắc đến nó cả
khi buổi sáng mùa xuân thức dậy thấy
nắng đã chói chang trước thềm
nhà. Có lẽ đó cũng là sự nhắc
nhở của phục sinh, của hồi sinh. Từ trong
bóng tối ảm đạm của chết chóc,
của hủy diệt, bước ra cái bóng
sáng lòa của sự sống. Và, tuy
đã đắm mình trong cái ánh
sáng chói lọi của hồi sinh rồi, vẫn
không thể cưỡng lại được ý
muốn ngoái nhìn lại chỗ bóng tối
mình vừa bước ra khỏi mà hân hoan
tin rằng mình đã được cứu rỗi,
thế giới đã được cứu rỗi,
loài người đã được cứu rỗi.
Chẳng những con người được hồi
sinh, cả cây cỏ muôn loài cũng đang
tưng bừng sống lại. Dù rằng bóng dáng
của mùa đông vẫn còn lẩn khuất
đâu đó, những trận tuyết rơi muộn,
những cơn mưa băng đổ vội vã, những
ngọn gió buốt giá nấn ná chưa chịu
bay đi vào quá khứ.
Đã qua chưa những ngày đông u
trầm lạnh lẽo ?
Mùa Phục Sinh. Chúa sống lại. Sự
sống ngự trị. Sự chết lui dần vào
bóng tốị Từ hơn hai ngàn năm nay, thế
giới đã chết đi và sống lại
cùng với sự chết đi và sống lại
của Chúa. Với vạn vật muôn loài,
mùa đông và mùa xuân vẫn thường
xuyên đổi chỗ cho nhau. Tuyết giá đến
rồi đi. Nắng ấm bỏ đi rồi lại trở
về. Đó là chu kỳ chuyển động của
thời gian và vạn vật muôn loài cũng
theo với thời gian mà chuyển động.
Nhưng con người chết đi mà không sống
lại, theo ý nghĩa tồn tại một xác
thân biết vui buồn sướng khổ của kiếp
nhân sinh.
Nếu sự khổ nạn của Chúa là
để cứu chuộc cho nhân loại, thì sự
thống khổ của con người là để cứu
lấy điều gì ? Chiến tranh, thiên tai, sinh,
lão, bệnh, tử. Những tai họa ấy
không chừa một ai trên con đường
chúng càn quét. Cả kẻ có tội lẫn
người vô tội. Cả những người
già đã sống quá đủ một đời
người đến những em bé sơ sinh chưa
một lần biết đến vị ngọt của
yêu thương, vị đắng của thù hận,
vị cay của nước mắt, vị ấm của nụ
cười. Để chịu đựng những nỗi
thống khổ ấy, người ta cần có một
lý do. Một lý do đủ sức mạnh để
nâng đỡ những nỗi đau nặng nề nhất.
Chúng ta đang sống trong một thế
giới ngự trị bởi bạo lực. Bạo lực vô hình và bạo
lực hữu hình. Chỉ trong khoảnh khắc,
người ta có thể mất hết tất cả.
Gia đình, người thân, tài sản, sự
sống của chính mình. Ai là người
có thể giải thích được điều
tốt đẹp mà những cuộc chiến tranh hiện
đang xảy ra trên thế giới có thể mang
lại cho con người ? Ai là người có thể
chứng minh được cứu cánh của những
chế độ hà khắc, đàn áp,
đè nén quyền sống của những con
người bình thường nhất là để
cho những con người ấy có một sự sống
tốt đẹp hơn, đáng sống hơn ? Ai
là người có thể thuyết phục
được những con người đang đau khổ
hãy cố chịu đựng nỗi đau khổ của
mình để chờ cho đến ngày sẽ
được giải thoát khỏi mọi sự
đau khổ. Con người, xét cho cùng, chỉ
như một đứa bé bơ vơ một
mình giữa sa mạc. Sẽ chẳng có viên
kẹo nào làm dịu được nỗi sợ
hãi đang dâng lên trong lòng nó khi trời
đang dần dần tối. Con người, cả kẻ
giàu có lẫn người nghèo hèn, kẻ
thống trị đầy quyền lực lẫn người
bị trị thân phận như con giun con dế, đều
bị giam cầm trong nhà tù của sợ
hãi, và kẻ đau khổ sẽ là kẻ
ý thức được thân phận tù tội
của mình. Như đứa bé nhìn thấy
cái mênh mông của sa mạc và sự
thăm thẳm của bóng tối. (*)
2.
Phục Sinh, đồng thời, còn gợi cho
tôi cảm giác hồi sinh. Về những con
người đã vượt qua bao nhiêu gian nan,
thống khổ, để cuối cùng, đã
làm lại đời mình, như những
cành cây vươn lên giữa bầu trời
xanh sau phong ba bão táp. Chúng ta chỉ có
tương lai làm gia tài để lại cho con
cháu mai sau. Mà tương lai phải bắt đầu
từ hôm nay, từ hiện tại. Một hiện tại
không vẩn đục vì những nhọc nhằn
gian khổ của quá khứ. Từ bóng tối
quá khứ, nhiều con người đã vượt
qua được sự thống khổ của chính
mình và đặt những bước chân
tươi rói như chưa hề biết đến
thống khổ vào mảnh đất của hiện
tại. Đó là món quà hào
phóng và đầy ý nghĩa gởi đến
các thế hệ tương lai, nếu như
chúng ta muốn để lại chút gì cho họ,
trước khi nhắm mắt lìa đời. Nếu
câu hỏi "con người chịu thống khổ
để được điều gì ?" vẫn
chưa có câu trả lời xác đáng,
thì hành động vượt qua sự thống
khổ ấy sẽ mang lại ý nghĩa trọn vẹn
cho Phục Sinh, cả sự Phục Sinh của Chúa lẫn
sự Hồi sinh của con người. Cùng một
lúc, người ta sẽ học được
bài học đắt giá là nếu con người
không tìm được cách để chung sống
hòa bình với nhau thì mặt đất
loài người chỉ là hỏa ngục,
và sự hủy diệt sẽ là một
phương cách để giải thoát con người
khỏi hỏa ngục đó. Khi ấy, hồi sinh chỉ
là khái niệm trừu tượng tồn tại
qua những trang sách còn giữ lại được
sau cơn hồng thủy. Chính con người, nếu không
hòa giải được với nhau, chồng
không hòa giải được với vợ, cha
không hòa giải được với con, anh
không hòa giải được với em, thì
làm sao nói đến chuyện hòa giải với
thần linh để được nhận ơn cứu
chuộc ? (**)
Sau trận bão ở vùng biển Nam Á
cuối năm 2004 giết chết hơn 250 ngàn người,
hủy diệt nhiều làng mạc nằm dọc theo
những bờ biển nhiều quốc gia, tôi
đã ghi nhận được một hình ảnh
có tính cách tiên tri như sau :
Buổi chiều hôm Chủ Nhật sau khi cơn
sóng thần làm giảm đi hơn 250 ngàn mạng
sống trong tổng số dân cư của thế giới,
trong khi cả thế giới khóc than cho người
chết, thì trên bờ biển ở một
làng đánh cá thuộc miền Đông Ấn
Độ, có một người già, lẹp kẹp
lê đôi dép vẹt mòn ra ngồi nhặt
những con cá đã chết ươn do
sóng thần đánh vào bờ từ buổi
sáng. Dẫu có thế nào, người ta cũng
phải sống cho hết đời mình, dù chỉ
còn những ngày cuối cùng. Dù
ngày mai, một cơn hồng thủy khác lại
đổ xuống, một ngọn núi lửa
khác lại phun lên, một trận động
đất khác lại diễn ra nuốt chửng nhiều
thành phố làng mạc. Dẫu cho cả gia
đình ông, con cháu, hàng xóm
đã nằm cứng đơ một chỗ như
những con cá ươn kia, nhưng ông, kẻ sống
sót - tự nguyện hay bắt buộc - vẫn cần
phải ăn, để lấy sức mà chôn cất
người chết, xây dựng lại xóm
làng.
Giữa ngổn ngang của đổ vỡ và
mênh mông của đất trời, ông già
nhúm lên một ngọn lửa trên bãi biển,
xiên những con cá chết vào một
cành cây gẫy, chuẩn bị nướng
chúng cho bữa ăn chiều.
Ngày mai, ông còn rất nhiều việc
phải làm. (Ngày xưa, ở một vùng biển
Nam Á - T.Vấn - Tháng 1-2005)
Nhiều năm đã trôi qua. Không biết
ông già người Ấn Độ ấy nay
còn sống hay đã chết, nhưng hình ảnh
một người già can đảm đứng thẳng
người giữa bao đổ vỡ, cả đổ
vỡ của đất trời lẫn đổ vỡ
trong lòng mình, là một biểu tượng
thật mạnh mẽ của hồi sinh. Nỗi thống
khổ, quá to lớn vì ông không còn
ai để chia sẻ, hay nếu có còn ai
chăng nữa thì người ấy hẳn cũng
đã oằn vai với gánh nặng của
riêng mình, khiến ông già biết
mình phải chuẩn bị để đi cho trọn
đoạn đường nhân sinh. Và ông
đã "... nhúm lên một
ngọn lửa trên bãi biển, xiên những
con cá chết vào một cành cây gẫy,
chuẩn bị nướng chúng cho bữa ăn chiều.
Ngày mai, ông còn rất nhiều việc phải
làm."
Việc phải làm của ông già
có lẽ không phải là hàng đêm
ngồi chắp tay chất vấn thần linh rằng
chúng tôi chịu thống khổ như vậy
để được điều gì cho thân phận
làm người, mà chính là xăn tay
áo lên, lăn xả vào đối diện với
chính sự đau khổ, để rồi sau khi dọn
dẹp những đổ nát, chôn cất những
người chết, ông sẽ làm lại cuộc
đời mình. Bởi vì thật vô lý
khi để mặc cho sự đau khổ hủy hoại
thêm một mạng sống, dù mạng sống ấy
đang đếm những ngày cuối cùng
còn sót lại trên mặt đất trần
gian.
3.
Hôm chủ nhật lễ Phục Sinh (Easter)
nơi thành phố tôi ở, nắng ấm
áp chan hòa, dù đêm hôm trước
có dấu hiệu cho thấy một đợt lạnh
nữa có thể tràn về. Tiếng chuông
nhà thờ khắp thành phố đổ dồn,
rộn rã mừng Chúa sống lại. Giữa tiếng
nhã nhạc tưng bừng trong thánh lễ buổi
sáng hôm đó, nhìn mọi người
nghiêm trang trong những bộ quần áo thật
đẹp, nhưng nét hân hoan vẫn toát ra từ
ánh mắt, từ những câu chúc tụng
quen thuộc (Happy Easter !), tôi hiểu được hết
ý nghĩa của những ước lệ, những
nghi thức được lặp đi lặp lại
hàng ngàn năm mà vẫn không mất
đi tính cách thiêng liêng cần thiết.
Những thứ mà khi tôi còn trẻ, rất
khó có ai thuyết phục được tôi
tin ở những giá trị mà ngày hôm
nay, sau khi đã sống gần hết một đời
người, sau khi đã trải qua bao nhiêu những
khổ đau hoạn nạn, sau khi đã bước
vào ánh sáng từ đống tro tàn
đổ nát của quá khứ, tôi nhìn
thấy trọn vẹn ý nghĩa trong sự phục
sinh của Chúa, trong sự hồi sinh của con
người.
Hơn bao giờ hết, tôi toàn tâm
toàn ý trân trọng ánh sáng chói
lọi của phục sinh, dù bên Iraq vẫn
có mấy chục người chết mỗi
ngày, dù ở Tây Tạng, những thây
người hiền hòa vẫn ngã xuống
trước họng súng bạo lực, và mỗi
ngày qua đi, lại thêm một vũ khí tối
tân dùng để giết người được
đưa vào sản xuất hàng loạt trong
các nhà máy.
Rồi thì con người cũng sẽ sống
lại, như từ mấy ngàn năm nay con người
đã bao lần chết đi và sống lại.
T.Vấn
Mùa Phục Sinh 2008
--------------------------------------------------------------------------------
(*) Thế giới
có đầy dẫy những chứng cớ cụ thể
cho nỗi sợ hãi đang cầm tù chính
con người ấy. Sự kiện chính quyền
Trung Quốc với guồng máy đàn áp khổng
lồ trong tay, một dân số hơn một tỷ
người chiếm một phần tám dân số
tòan cầu, đã biểu lộ sự sợ
hãi của mình qua hành động
đàn áp đẫm máu một dân tộc
thật nhỏ bé là Tây Tạng, dù họ
chỉ đòi hỏi những quyền sơ đẳng
nhất của con người một cách ôn
hòa. Hay sự kiện xảy ra vào cuối tháng
9 năm 2007 tại Miến Điện, nhà cầm quyền
quân sự với lực lượng quân đội
gần 400 ngàn binh lính đã thẳng tay xả
súng bắn vào hàng ngàn sư sãi xuống
đường biểu tình yêu cầu một chế
độ dân chủ hơn cho người dân Miến
Điện. Người dân Tây Tạng hay các
vị sư sãi Miến Điện, về
tương quan bạo lực, không thể nào
là đối thủ tương xứng để cho
những nhà cầm quyền độc tài sợ
hãi. Thế nhưng, những
phản ứng bạo lực để đối
phó với những lực lượng hiền
hòa chính là hậu quả của sự sợ hãi. Nếu không, họ đã chẳng
liều lĩnh phạm phải những tội ác
khó tha thứ. Một thí dụ khác nữa ở
Việt Nam rất điển hình, là việc tập
thơ Trần Dần- Thơ, dù đã được
phép in và xuất bản sau khi bị cắt
xén khoảng 4o trang, bỏ đi một số
bài viết và bài thơ theo yêu cầu
“biên tập “, dự trù cho phát hành
ngày 21-02-2008 tại Hội Thơ Việt Nam lần thứ
6 tổ chức ở Văn Miếu (Hà Nội)
nhưng vào giờ chót, bằng một “lệnh
miệng từ trên cao “, tập thơ đã
không được phép xuất hiện ở
Văn Miếu, và giấy phép phát hành cũng
đã bị thu hồi. Trần Dần là một
nhà thơ thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm,
hoạt động vào những năm 1955 và 1956 ở
miền Bắc, đòi hỏi văn nghệ sĩ phải
được tự do sáng tác, không chịu
sự chỉ đạo của đảng CS. Sau
đó, ông và các bạn bè trong
nhóm bị chính quyền CS trù dập trong suốt
hơn 30 năm. Mãi đến năm 1994, ông mới
được cho phép xuất bản tập thơ
“Cổng tỉnh “, được truy tặng giải
thưởng văn học của nhà nước
năm 2007 (Trần Dần qua đời ngày 17-01-1997).
Nhà thơ Trần Dần đã chết hơn 10
năm, vậy mà "ông nhà nước",
kẻ nắm đủ thứ quyền sinh sát trong
tay, vẫn còn "nỗi sợ" ám ảnh họ
từ hơn 30 năm nay, dù người bị sợ
ấy chỉ có chữ, chỉ có thơ trong tay,
những câu thơ nghe cứ rờn rợn cả
người :
Càng chết tôi
càng bất tử,
Eo ơi
Chết vẫn không yên
(Trần Dần -
Xổ Bụi 1988)
Ông nhà nước “sợ” cũng
chẳng có gì ngạc nhiên. (T.Vấn)
(**) Khái
niệm “hòa giải”, trong hiện tại,
còn mang theo với nó rất nhiều nghiệp
chướng. Với kẻ cầm quyền trong nước,
nó vẫn được sử dụng như một
sách lược chính trị nhằm đạt mục
đích giết chết chính khái niệm
“hòa giải”. Với người ngoài
nước, nó hiện thân là một cái
thước đo lòng trung thành của một con
người với cộng đồng của mình. Bất
cứ ai vượt ra ngoài định nghĩa ấy
của “hòa giải”, kẻ đó sẽ
bị ném đá về tội phản bội. Bi
kịch của thời đại nằm ở chỗ mỗi
con người không chịu thừa nhận rằng họ
chỉ trách nhiệm cho việc cứu rỗi của
chính bản thân họ. Thật là vô lý khi người
ta tìm cách áp đặt cái cách
người ta nhìn thế giới lên đồng
loại, tự xưng mình là thượng đế,
giải quyết các vấn đề của
thế giới theo cách nhìn riêng của
mình. Karl Marx, một trí
thức chỉ biết có sách vở và những
tham vọng, tự giam mình trong 4 bức tường
thư viện, rồi từ 4 bức tường
khép kín đó, ông ta rao giảng cái
cách mà ông ta tin rằng sẽ cứu rỗi
được thế giới. Từ mớ lý thuyết
bệnh hoạn ấy, hàng trăm triệu con người
đã chết. Nhiều thế hệ tương lai
còn lãnh chịu những hệ quả tồi tệ
của nó. Nhưng hình như người ta chỉ
biết lên án Karl Marx, mà không nhìn ra
nguyên nhân gốc của những trang sử đẫm
máu : đó là tâm thức bệnh họan
muốn giải quyết việc của người
khác theo cách suy nghĩ của mình. Ngày
nay, hình như chính một số trong những kẻ
lên án Marx mạnh mẽ nhất, lại là những
kẻ đang mang tâm thức bệnh hoạn của
Marx. Dù ở bất cứ thời đại
nào, loài người không bao giờ thiếu
những kẻ điên. (T.Vấn)
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)