TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 3

Cầu Đồn

 

Cầu Đồn

(Phan)

 

1.

Ông Tâm ngồi nhớ lại…

 

Năm 1972, tôi chạy chơi mệt phờ nên về nhà ngoại để uống nước - gần hơn về nhà mình. Tôi gặp cha tôi ở đó ! Ông mới hành quân về, trên người còn súng ngắn súng dài, đeo lựu đạn lủng lẳng thấy ớn ! Nghe cha nói với ông ngoại: “Ngoài Trung đánh dữ rồi ba ơi, con lo cho thằng Út nhà mình quá ! Vợ nó lại sắp sanh. Lần này nó về thì ba nói nó… Không thôi ! Ở lại nhà với vợ con, giúp anh em Nghĩa quân trong Đồn cũng vậy ! Ở đâu chẳng có Việt cộng. Cần gì phải ra tới ngoài Trung cho xa xôi…”

 

Ông ngoại tôi vuốt chòm râu dài và trắng như cước, thở dài… “Nó trai trẻ, chứ như mày đâu mà dễ nói !...”

 

Tôi đến bên ông ngoại để cố nghe hết chuyện, hòng học lại với mợ Út là có bánh kẹo, ăn. Nhưng cha tôi nghiêm khắc cảnh cáo: “Mày đi chỗ khác chơi. Cái tật… hóng chuyện người lớn là ăn đòn nha con.” Tôi quê quá ! Lặn xuống nhà sau thì thấy mợ Út mắt đỏ hoe. Tôi thoa bụng mợ Út như nựng em bé, làm mợ cũng bớt buồn. Mợ nhận lời cậu Út chăm sóc cho tôi là đứa cháu cưng của cậu. Tôi nhớ lời cậu gởi gắm hôm cậu về phép, rồi đi: “Mày bớt đi chơi, coi mợ Út cần gì thì làm cho mợ Út, mợ có em cho mày đó ! Biết hôn ?...”

 

Hai mợ cháu tôi thân hơn ai hết trong dòng họ. Chính xác là họ ngoại vì cha tôi là người Bắc di cư. Không biết sao, ông chỉ có một mình, không bà con thân thích hay gia đình, cha mẹ gì hết. Cha lưu lạc đến đây, gặp má tôi… rồi ở rể nơi này.

 

Tuổi 12 của đứa con trai nhà quê, tôi làm được gì hơn là leo cây dừa xiêm nhà ngoại, lựa trái cứng cạy, hái xuống. Tôi chặt trái dừa cho mợ Út giải khát. Mợ Út tôi mê dừa xiêm cứng cạy ở nhà ngoại mà lấy cậu Út ! Tôi nghe người ta nói vậy vì mợ tôi đẹp lắm, con nhà giàu mà đi ưng cậu Út-trời-gầm của tôi !

 

Sau đó, tôi đi chơi tiếp vì tình hình chiến sự trong đầu óc đứa nhỏ 12 tuổi rất lơ mơ. Xóm Cầu Đồn của tôi chỉ có tiếng lá dừa cây, dừa nước xào xạc ngày đêm, tiếng súng hiếm hoi là Nghĩa quân bắn con cá sấu ngủ quên trên bãi sình nào đó khi nước sông mới ròng. Bà con trong xóm chỉ việc cắp rổ ra chia thịt cá sấu về ăn.

 

Chiến tranh lan dần tới xóm tôi bằng những đêm bị Việt cộng pháo kích. Máy bay quân sự bay trên bầu trời nhiều hơn để thả trái châu… Tôi coi như vô can trước chiến cuộc phừng phừng vì đâu đã có ý thức, thậm chí thích máy bay thả nhiều trái châu để sáng hôm sau ra đồng nhặt dù trái sáng về che rạp đám cưới, đám ma…

 

Chuyện tôi nhớ nhất là mợ Út sanh con. Bà ngoại tôi với bà mụ vườn trực suốt trong phòng mợ Út, chưa nghe tiếng khóc em bé thì nghe tin cha tôi bị du kích (Việt cộng nằm vùng) bắn lén ! Ông bị hai viên vô lưng nhưng nhờ có áo giáp nên không sao ! Hai viên trúng đùi và bắp chân làm gãy xương chân bên phải. Mấy người lính đi hành quân chung với cha tôi, tử thương một người tại trận, một bị trật cổ vì đạn trúng nón sắt, nón xoay tới trật cổ mà không chết mới biết là người ta có số ! Bên địch cũng bỏ lại xác chết quen mặt là người đánh xe ngựa chứ lạ lẫm gì đâu ! Từ đó, xóm làng nhìn nhau thêm hoang mang vì không biết ai là Việt cộng !

 

Ông ngoại tôi theo trực thăng đưa cha tôi đi bệnh viện. Ở nhà, mợ Út sanh con gái. Bà ngoại tôi thắp nhang mù mịt từ trên bàn thờ trong nhà ra tới bàn thông thiên… Khấn vái Trời Phật, ông sui bà sui là ông bà nội tôi, che chở cho cha tôi tai qua nạn khỏi. Ngoại còn quá giang thêm… “Anh chị sui linh thiêng, che chở luôn cho thằng Út nhà tui bình an, sớm về nhà với vợ con nó mong đợi.”

 

Bà mụ vườn lính quýnh chạy ra chạy vô… tới má tôi đi chợ tỉnh về thì mọi chuyện tạm yên. Má nghe tin cha tôi bị thương nặng, nhưng đã có ông ngoại đi theo trực thăng tải thương thì má bớt lo. Má lo cho mợ Út nhiều hơn.

 

Rồi mọi chuyện êm xuôi. Tới hôm đầy tháng con nhỏ con cậu Út, cha tôi chống nạng đi ra đi vô… “Thương thằng Út quá ! Con nó đầy tháng rồi, còn chưa gặp mặt cha…” Nhưng con nhỏ em cô-cậu với tôi thì không bao giờ gặp mặt cha. Cậu Út tôi về trong quan tài phủ cờ Tổ quốc.

 

Đám tang cậu Út thiệt nhiều nước mắt khi mọi người nhìn thấy đứa em cô-cậu của tôi mới tròn tháng tuổi mà đã đeo tang trắng. Tôi chỉ mong mình mau lớn để đi lính, dù chưa từng thấy mặt mũi Việt cộng ra sao ? Hôm đám tang đưa qua Cầu Đồn để đi nghĩa trang. Nghĩa quân trong Đồn bắn súng đưa tiễn cậu Út như người anh hùng của xóm làng đã hy sinh cho Tổ quốc. Đó là lần cuối cùng trong đời cây cầu sắt, lót ván, làm được một việc ý nghĩa là đưa người anh hùng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bởi ngay đêm đó, Việt cộng gài mìn dưới cầu, gần sáng, nghĩa quân đi tuần đêm về, họ cho nổ để giết thêm vài mạng nữa. Cầu sập, chết người… xóm làng vĩnh viễn hết bình yên.

 

Xóm tôi đã xa cách với xóm Đồn từ khi cây cầu không còn nữa. Con đường Hương lộ từ ngã ba Ông Thạnh, ngoài tỉnh lộ, xuyên qua những cánh đồng, nghĩa địa, những xóm nhà, nhiều cây cầu sắt lót ván mà mỗi lần xe ngựa chạy qua lại gập ghềnh những miếng ván bong đinh, là âm thanh đã ăn sâu vào tiềm thức tôi. Con đường đất đỏ nắng bụi mưa sình chạy qua rạch đỉa thì có cầu Rạch Đỉa, qua rạch dơi có cầu Rạch Dơi, qua rạch dừa có cầu Dừa… tới cầu Đồn vì Đồn lính Nghĩa quân ngay chân cầu. Qua Cầu Đồn là xóm tôi… rồi đi về đâu thì 12 tuổi, tôi chưa biết ! (Sau này nghe kể là đi vô rừng đước, rừng tràm, vô bưng của phe bên kia.)

 

Chỉ biết sau hè 1972, tôi lên trường Quận để học Trung học vì xóm Cầu Đồn chỉ có trường Tiểu học. Tôi ăn ở luôn trên nhà má Hai vì dượng Hai làm việc trong Quận. (Nghe kể: Dượng Hai là thầy của cậu Tư tôi, dượng theo cậu Tư về nhà ngoại ăn đám giỗ, rồi gặp và làm quen với má tôi là cô ba. Ai dè, đụng ông kẹ là cha tôi nên dượng quẹo… mà quẹo xuống thì đụng cậu Út - ít nói mà uống như hũ chìm, nên cuối cùng quẹo lên… thành dượng Hai trong nhà ngoại.) Tôi lên ở nhà má Hai cũng là ý Dượng muốn tôi ăn học. Dượng với cha tôi và cậu Út thân thương nhau lắm. (Cậu Tư tôi đang học Đại học ở Sài gòn. Bỗng biến mất vô cớ mà dượng Hai, cha tôi tính với ông ngoại là cậu Tư vô bưng theo mấy ổng.) Dượng Hai buồn chuyện đó thật nhiều vì không dạy được cậu Tư như ý ông ngoại gởi gắm. Nên từ ngày tôi lớn. Dượng đem tôi lên Quận để kềm cặp, Dượng đi làm về thì dạy thêm cho tôi toán, lý, hoá là những môn mà học sinh miệt vườn ưa bị yếu.

 

Từ hôm cầu Đồn bị gài mìn, sập. Dượng không muốn tôi về nhà nhiều vì mất an ninh. Nhưng tôi cứ thích về vì mới có xe đạp. Dù bây giờ, một lần muốn qua sông cầu Đồn phải đi đò. Bắt đầu từ Quán nước của ông Hai Giao, đã có trước đó. Ông Hai Giao già rồi, nhưng thấy con nít đi học tới chân cầu, đứa nào cũng phải cởi trần truồng. Sau đó, bỏ quần áo với mấy cuốn tập vô bịch ny-lon. Tụi nhỏ đội bịch ny-lon lên đầu, một tay vịn bịch ny-lon cho đừng ướt tập với quần áo, một tay ôm bặp dừa nước để vượt sông cầu Đồn, sang bờ thì mặc lại quần áo và đến trường. Mấy đứa con gái không gan dạ như con trai thì nghỉ học. Ông Hai Giao tội nghiệp tụi nhỏ nên lấy cái xuồng ba lá đưa đón tụi nhỏ trong xóm qua sông cho khỏi mù chữ. Ông Hai không lấy tiền đò còn rầy đứa này không chịu ngồi yên; khuyên đứa kia ráng học. Bà con trong xóm cần qua sông để đi chợ, công chuyện… phát sinh nhu cầu phải có con đò thay thế cho chiếc cầu đã sập. Cũng vì nhu cầu mà lộ mặt người tham trong xóm là cha con ông sáu Ngộ. Họ có ghe lớn hơn, đem ra cầu sập làm đò, thu tiền qua lại của bà con cũng bộn. Có tiếng đồn họ cho nổ cầu để làm ăn thì không biết thực-hư ! Nhưng từ đó suy ra… Họ là ai ? Chắc phải sau “giải phóng” mới biết !

 

Ông Hai Giao là sui gia với ngoại tôi, cha của mợ Út. Mợ, bây giờ ẵm con về nhà ông Hai sống với gia đình; vô mùa lúa thì sang giúp ông bà ngoại tôi gặt lúa. Mợ đi lại, sống ở cả hai bên trong tình thương yêu, đùm bọc… Tôi càng lớn càng thương mợ tôi nhiều vì cứ nhớ lời cậu Út dặn dò lần cuối cậu đi… rồi không về.

 

Tôi đi trường Quận nên quần áo tề chỉnh hơn, má Hai tôi may mặc cho chứ nhà tôi nghèo lắm. Má sắm luôn cho xe đạp để tự về nhà khi tôi muốn về. Từ Quận về nhà tôi chừng 15 cây số. Con đường tuổi nhỏ của tôi là những vòng quay xe đạp có bom mìn theo chiến tranh leo thang. Nhưng tính tình lãng đãng của tôi không quan tâm thời sự nhiều. Tôi lơ mơ từ nhỏ. Mỗi tuần, tôi đi về trên chiếc xe đạp một mình và mơ mộng…

 

Tôi không đi đò của cha con ông sáu Ngộ không phải vì không tiền mà tôi chỉ thích được em mợ Út chở qua sông. Mỗi lần về tới cầu sập là tôi ghé thưa ông Hai Giao trước, thăm mợ Út (nếu có đó). Nhưng thực lòng tôi muốn gặp em mợ Út là dì Nhàn. Năm đó, dì 17 tuổi, tôi 13. Nhưng không biết sao tôi ưa nhìn dì không chớp mắt. Dì đưa tôi qua sông làm xao xuyến tâm hồn mới lớn còn hơn sóng sông cầu Đồn. Tôi nhớ từng lọn tóc dì Nhàn bay theo gió chướng; cười như sóng vỗ mạn ghe, nụ cười trắng nõn hai hàm răng đều như hạt bắp đã hớp hồn thằng nhỏ đi tỉnh về đã biết chút tivi, phim ảnh nước ngoài. Dì thương tôi như đứa em ngoan hiền ưa mua về cho chị những bản nhạc Bolero mà dì ưa thích, như “Căn nhà màu tím - Chiều nhìn ra đầu ngõ…” Biết dì có nghĩ tới tôi không? Tôi thắc thỏm mỗi chiều trên trường Quận khi chạng vạng cuối ngày…

 

Mùa hè năm Đệ thất (lớp 6). Tôi qua nhà ông Hai Giao thường như cơm bữa. Ai cũng nói cái thằng tình nghĩa từ nhỏ, nó thương mợ Út nó hơn má, nó thương em họ nó như anh em ruột… tôi coi con nhỏ bé con cho mợ làm công chuyện đầu tắt mặt tối bên gia đình mợ. Nhưng đâu ai biết tôi chỉ mong dì Nhàn thăm hỏi tới tôi. Tôi được ở bên dì lúc nào là tôi vui lúc đó. Hai dì cháu nhưng có lúc gọi nhau là chị em mà chị em thì đúng hơn dì cháu. Thỉnh thoảng, được lệnh đi chợ với dì là niềm vui lớn nhất lúc bấy giờ. Tôi ngồi đầu ghe, nhìn dì buông dầm, cười nói… là những lúc hồn tôi mơ màng nhất. Dì Nhàn đẹp nổi loạn hơn mợ Út tôi thùy mị, hơi nghiêm. Cứ mỗi nhịp chèo đôi, dì dang rộng hai cánh tay ra theo nhịp chèo, người rướn tới theo nhịp chèo làm loạn nhịp tim tôi, hồn vía tôi lên mây. Mới 13 tuổi đầu, tôi chưa biết nghĩ xa hơn… Chỉ biết dì tôi đẹp và đem dấu trong mơ.

 

Hết hè, tôi đi Đệ lục (lớp 7) trên trường Quận. Má Hai với dượng Hai cứ nói tôi lớn rồi ! Ít nói mà ưa trầm ngâm… không ai biết tôi nhớ dì Nhàn tha thiết ! Tôi cứ trông cuối tuần để dông về nhà mà chủ yếu là gặp dì Nhàn cho đỡ nhớ, rồi đi. Có hôm dì cháu ngồi cạy dừa nước ngoài hè nhà ông Hai Giao. Tôi nhìn dì trân trân tới quên trời đất ! Mợ Út nhìn tôi mà tôi đâu hay, mợ hỏi tôi: “Mày nhìn dì Nhàn mày cái gì mà nhìn trân trân vậy nhỏ ?” Tôi xấu hổ quá ! Đỏ mặt.

 

Từ đó, tôi không dám nhìn thẳng gương mặt dì Nhàn như trước, nhưng càng nhìn lén càng nhớ nhiều trong những buổi tối - học bài xong ở nhà má Hai tôi. (Có lần dì leo dừa vì không có tôi ở đó. Tôi đến thì dì đang vặn từng trái dừa trên ngọn cây, thả rơi. Tôi nhặt được cái kẹp tóc của dì rơi xuống. Dì quên luôn khi đã tuột xuống cây; tôi dấu luôn chứ không trả lại.) Tôi chỉ có cây kẹp tóc của dì Nhàn làm bùa hộ mệnh khi nắng khi mưa trên Quận lỵ buồn hiu. Tôi trông hè tới để về nhà. Trông mòn mỏi rồi hè cũng tới. Tôi về nhà với một cuốn tập dấu không chỗ dấu, đốt không nỡ đốt, mà trao không dám trao… Tôi viết hết nỗi lòng 14 thương thầm nhớ trộm dì tôi.

 

Tôi về phụ việc nhà cho má tôi cũng là ruộng vườn, sang phụ bên ngoại cũng ruộng vườn, sang phụ bên mợ Út là nhà ông Hai Giao cũng ruộng vườn nhưng tôi làm không biết mệt ! Tự có dì Nhàn vét ao - bồi bờ với tôi. Dì là con gái quê nên không ngại nắng mưa, sình đất… hai dì cháu cứ tò tò bên nhau mà mình đâu hay những đôi mắt trần gian ! Đang ngồi nghỉ xả hơi bên gốc dừa ở bờ ao, mợ Út tôi xách ra cho mấy cái bánh ít để ăn giở bữa. Bà Hai Giao đang gom cột lá dừa khô thành bó để chụm, ở bên kia bờ. Bà thả sang đây bờ tự mợ Út gọi “Má qua ăn bánh ít với tụi con”. Bà Hai nói trỏng không… “Thằng Tâm dạo này lớn bộn rồi nghe Thanh (mợ Út tôi tên Thanh) coi bộ nó mặn con Nhàn dữ rồi đa !...” Mợ Út trả lời: “Má nói gì kỳ vậy!...” Bà Hai không chịu: “Tao đẻ ra bay…” Tôi nhớ hoài gương mặt dì Nhàn thoáng mắc cỡ. Dì nhìn tôi hôm đó… khác khác làm sao ?!

 

Tôi đi nhập học Đệ ngũ (lớp 8) với cõi lòng tan nát ! Muốn bà Hai đừng nói ra lòng tôi nhưng lại muốn một mình dì Nhàn hiểu tôi thôi. Trong tuần thì tôi mong cuối tuần để về, cuối tuần thì tôi không dám về vì sợ bà Hai. Để rồi đầu tuần lại mong cuối tuần…

 

Má tôi trách tôi: “Mày lớn rồi ! Đừng ham chơi trên Quận. Cuối tuần thì về phụ giúp ba mày một tay. Ổng khập khiễng chân rưỡi mà lo hết ruộng nhà, còn cáng đáng luôn mọi chuyện bên ngoại. Cậu Út mày trông nhờ mày mà Tâm ! Mày biết suy nghĩ hôn?...” Tôi khóc một mình ngoài bờ sông tới tối. Tôi đâu có làm biếng bao giờ ! Tôi muốn về nhà và đâu muốn đi xa, nhất là từ khi dì Nhàn ló mặt ra đường thì hết người quen, kẻ lạ cứ bông đùa như kim chích vào lòng tôi đau lắm !

 

(Buồn quá ! Cho tôi xin ly rượu…) Ông Tâm làm ngụm rượu bạn đưa. Ông lại quay về dĩ vãng xa xưa…

 

Tôi đi miết tới tết năm 1975. Không ai biết tôi buồn tới muốn chết nhiều lần. Má tôi nhắn tin gọi về mà tôi không về ! Má tôi lên tới nhà má Hai, làm cho tôi một trận. Má Hai bênh tôi… “Thằng nhỏ học không kịp với với anh Hai mày, ổng bắt nó học thét nó điên ! Toán, lý, hoá… rồi Anh văn ngày đêm sáng tối. Mày ở lại đây đi ! Mày ở lại đây đi !... Chống mắt mày lên mà coi ! Ổng về là nói tiếng Anh với thằng Tâm chứ đâu thèm nói tiếng Việt. Nó trả lời không xong thì mặt ổng một đống như đống cứt trâu. Nó với con Nhiên (Con má Hai tôi) vừa học vừa khóc… tới tao khóc theo.” Má tôi dù gì cũng là em má Hai nên không dám cãi ! Má đi về, không ăn cơm trưa nhà má Hai. Tôi buồn có lý do lần đầu trong đời tôi.

 

Tết năm đó (1975) tôi về nhà vì không thể không về. Tôi không muốn về vì nghe dì Nhàn đã có người ta ! Tôi về quê với tâm khảm rã rời… Dì đưa tôi qua sông mà lòng tôi tan nát khi nghĩ tới ai ta ! Sao lại là ai mà không là tôi với tràn trề niềm mong nỗi nhớ. Sang tới bờ bên tôi, dì hỏi tôi: “Sao mày khóc ?” Tôi muốn nói lắm ! Nhưng rồi lại thôi.

 

Công việc của một thằng trai đã lớn trong những ngày giáp tết mà hoàn cảnh cha yếu, ngoại già. Tôi không còn hơi sức để buồn riêng. Đang tát đìa kiếm mớ cá ăn tết, dì Nhàn đâu trên trời rớt xuống, xắn quần, ùm xuống đìa giúp tôi mò lẹ để thôi người ta mò hết ! Dì giúp tôi một chập lâu, ào ra sông tắm rửa rồi về. Dì để lại cho tôi hy vọng mùa xuân… “Mai, mày quởn thì đi Sài gòn với tao. Tao đi mình… sợ quá !”

 

Tối đó, tôi uống rượu đế với cha tôi để say thì mới ngủ sớm được ! Không say, chắc tôi không ngủ. Cha không hiểu lòng tôi, cha chỉ dặn là đừng nói với dượng Hai về chuyện uống rượu. Dượng rầy luôn tao. Cha tôi quen tính lính-xả láng. Dượng tôi tính Thầy rồi bị động viên thành công chức chính phủ, nên anh em cột chèo thương nhau là một chuyện nhưng chén ông ông bưng; ly tui tui cụng ! Lần nào đám giỗ ở nhà ngoại thì ba tôi cũng say rượu; dượng Hai cự hoài.

 

Con đường đất đỏ, nắng bụi mưa sình mà tôi ngao ngán mỗi bận đi về. Đường về quê xa lắc lê thê vì chỉ mình tôi trên yên xe đạp. Khi gió chướng về báo tết, phải cúi người rạp xuống mà đạp. Khi mưa giông phải chừa một tay vuốt mặt mới thấy đường, tôi chở đi chở về nỗi nhớ dì tôi… Hôm nay là ngày trọng đại nhất trong đời tôi với con đường tuổi nhỏ. Dì ngồi yên sau, hai tay vịn hông tôi nói cười như nắng vỡ. Sụp ổ gà, dì ôm rịt lưng tôi làm nóng mặt thằng trai mới lớn. Tết này tôi 15, dì tôi đương độ xuân nồng…

 

Hai dì cháu gởi xe đạp ở quán nước quen ngoài ngã ba Ông Thạnh. Đón xe đò lên Sài gòn trong những ngày giáp tết đông vui. Đi xe bus vô chợ Sài gòn đông nghẹt người tới chen chân không lọt. Người ta lợi dụng xe đông mà ăn hiếp cô gái quê mùa. Dì đứng vào lòng tôi - đối mặt. “Mày tháo dây chuyền tao ra đi, để thôi người ta giật mất.” Tôi nhớ hoài làn da thiếu nữ - trong đời. Dì nhét hết tiền vô túi quần tôi vì sợ móc túi. Từ đó, dì đứng trong lòng tôi để cả đời thằng tôi nhớ hoài hơi thở, mùi da, hương tóc…

 

Chúng tôi tới chợ Sài gòn, ăn chơi thoả thích vì dì có nhiều tiền lắm ! Sau đó đi chơi mà cả hai cũng không biết đi đâu ? Đi bộ hết đường này qua lối khác để ra tới bùng binh Nguyễn Huệ, lớ ngớ hai mặt nhà quê. Ông thợ chụp hình gạ được mối bở, ông chụp cho dì vài tấm chân dung có hậu cảnh là rạp Rex, bồn nước phun giữa Sài gòn hoa lệ… một tấm chụp chung hai dì cháu đứng sát bên nhau nhưng không có quàng tay gì hết. Ông thợ chụp hình hẹn ba tiếng đồng sau trở lại lấy hình theo yêu cầu của dì, nhưng dì phải đồng ý trả tiền gấp ba vì lấy gấp.

 

Dì hỏi thăm ông thợ là muốn mua đồng hồ đeo tay thì phải đi tới đâu ? Ông thợ chụp hình gọi xích lô và dặn bác xích lô già đưa chúng tôi đi mua đồng hồ, xong trở lại đây. Dì tôi mua một cái đồng hồ đeo tay tự động của đàn ông mới khó hiểu ! Cái đồng hồ Seiko 5 tự động biết bao nhiêu tiền lúc đó. Tôi không mơ cái đồng hồ cho mình mà buồn vô phương vì dì sẽ tặng ai ? Cái đồng hồ nam thì không phải mua cho dì !

 

Bác xích lô hoàn thành nhiệm vụ, chở chúng tôi về lại rạp Rex. Bác chỉ qua đường, bảo vô Eden coi phim đi, phim hay lắm đó. Coi phim xong là tới giờ lấy hình. Chúng tôi nghe lời bác. Vô rạp hát tối thui… chưa bao giờ dì cháu tôi ngồi gần với nhau đến thế này. Dì nắm tay tôi khi sợ hãi bạo lực trên màn ảnh, dì ngả đầu lên vai tôi vì phim ngoại quốc coi không đã bằng coi tuồng cải lương… dì ngủ quên trên giấc mơ này. Tôi hôn lên gò má dì tôi theo bản năng gốc chứ không phải mình. Tôi biết mình không có trong tâm tưởng dì như ý muốn. Tôi chỉ hôn mối tình câm của mình trước lúc chia xa. Dì tặng ai cái đồng hồ trong dịp xuân này thì người đó… mới không cần hôn lén.

 

Dì mở trừng mắt nhìn tôi ! “Thằng quỷ, mày bắt chước người ta… tao giã mày bây giờ.” Tôi không xin lỗi mà ngồi im, hai dòng nước mắt tôi xin lỗi thật dài… Dì hiểu tôi, thương tôi. Nhưng không phải tình thương mà tôi mong muốn. Dì quàng tay qua tôi thật lâu. Tôi ngây ngất trong tóc hương của dì tôi mà nhiều năm sau tôi còn dị ứng mùi dầu dừa. Tôi ước gì hai người hoá đá để “đừng nói xa nhau cho tâm hồn đau khổ…” như bản nhạc tôi đã mua cho dì. Tôi đang nghĩ câu cảm ơn sao cho xứng đáng thì dì buông tôi ra… để hụt hẫng cả đời tôi về sau. “Mày khờ quá vậy Tâm. Mình là dì cháu. Tao thương mày như bà con ruột thịt. Sao mày làm vậy !...” Nói xong lòng dì mà chẳng biết cho lòng tôi. Dì đứng dậy, ra về. Tôi theo sau. Người nhân viên rạp hát rọi đèn pin cho chúng tôi ra khi phim chưa dứt. Tôi nhắc đi lấy hình nhưng dì không muốn lấy, dì muốn về.

 

Đường về thênh thang gió chướng mà tôi nghẹt thở theo từng vòng quay xe đạp. 15 cây số tương đương với 15 tuổi đời lê thê đường về để mãi mãi cách xa. Tôi đạp hoài không tới vì tôi đem về cho người khác niềm vui. Tôi đạp hoài cũng tới chỗ chấm hết tình tôi thuở nhỏ.

 

Những ngày tết cuối cùng ở quê xưa, cậu Công (con ông Xã trưởng) ghé chúc tết ngoại tôi. Cậu là bạn học với cậu Út tôi, cùng đi trường Sĩ quan Thủ Đức. Nay, cậu tôi không còn nên cậu Công cũng không màng địa vị xã hội của cậu ở địa phương (Cha làm Xã trưởng uy nghi, con là Sĩ quan quân lực, oai phong… thành tích chiến đấu oai hùng trên ngực áo cậu. Ở nhà ông Xã trưởng có tờ báo dán trên tường về trận đánh mà cậu Công chỉ huy). Cậu oai phong lẫm liệt hơn giấc mơ thôn nữ ở quê tôi nhiều lắm. Cậu trong mắt tôi là người cậu tôi thương mến thật lòng như tôi thương cậu Út và không bao giờ thay đổi. Cậu Công dễ thương và đáng kính như những ngày tôi còn cậu Út, tôi còn nhỏ lon ton theo cậu Út với cậu Công đi phá làng phá xóm dàng trời.

 

Cậu Công đến chúc tết ngoại tôi, tay đeo cái đồng hồ Seiko 5 mới toanh. Nhưng tôi thề không oán giận cậu tôi. Cậu Công với dì Nhàn như Rồng với Phụng ở nơi này. Tôi chỉ là con nít-không hơn.

 

2.

Biến động thời cuộc sau tết '75. Dượng Hai không cho tôi về nhà nữa vì lý do an ninh ở địa phương ngày càng tồi tệ. Tôi cũng không muốn về vì lòng tôi đã tan nát như xác pháo xuân sang. Tôi theo gia đình dượng Hai đi di tản vào những ngày cuối cùng của miền Nam thất thủ. Mới 15 tuổi đầu đã như cây dừa tróc gốc-mặc tình trôi. Cây dừa trôi là hình ảnh tôi 15 tuổi vĩnh biệt quê nhà, chưa biết về đâu ?

 

Cuộc sống mới với những đổi thay về thời tiết, ngôn ngữ, thực phẩm… không được càm ràm khi thấy dượng Hai tôi đi làm hai job, má Hai tôi cũng tất bật đi làm, về nhà thì tối mặt với đàn con còn thêm thằng cháu. Tôi muốn giúp dượng Hai bằng cách đi xin việc làm cũng không được vì mới 15 tuổi. (Trong gia đình tôi, con cô con cậu, con chú con bác, cứ đứa nào lớn hơn thì làm anh/ chị chứ không tính theo vai vế). Tôi với em Nhiên chịu sức ép kinh hồn trước những đổi thay. Chịu đựng khó khăn ở nhà không bằng chịu đựng sự kỳ thị trong trường học, tới khi hai đứa hoàn thành chương trình Trung học (High School) ở Mỹ. Nhiên học tiếp và học tới không biết bao nhiêu bằng Đại học. Tôi chỉ cầm được mảnh bằng 4 năm vì gia đình tôi vượt biên sang đảo năm 1978. Tôi bảo lãnh gia đình sang đây khá dễ vì năm đó tôi còn tuổi vị thành niên. Hoàn cảnh biến tôi thành lao động chính trong nhà nên việc học có khó khăn. Nhưng tới khi cha tôi hội nhập được thì tôi đã lười chứ không còn siêng học nữa.

 

Được đoàn tụ với gia đình thật là vui vẻ, dù hồi còn bên Việt Nam thì tôi cũng đã không sống với gia đình, nhưng không có cảm giác con mồ côi ! Những bữa ăn tạp nhạp mà má tôi đã cố công dùng nguyên liệu Mỹ để chế biến thành món Việt Nam trong hoàn cảnh chưa có nhiều người Việt nên chợ búa hiếm hoi. Sau những bữa ăn… trợn trừng mà nuốt ! Má tôi cho biết: “Ông ngoại tôi mất năm 1976 vì biến loạn bên ngoài mà nặng hơn là gia biến trong nhà. Bà ngoại tôi buồn cậu Tư không cho thờ cậu Út trong nhà nên bà ngoại biếng nói, biếng ăn… thăng luôn theo ông ngoại tôi, năm 1977. Cậu Tư ở bưng về, làm lớn vì cậu có học chứ không mù chữ như giải phóng quân nông dân. Cậu đã có vợ là một nữ đồng chí của cậu trong chiến khu. Bây giờ, cậu Tư ở nhà ông bà ngoại. Cậu không cho thờ cậu Út vì theo phe Quốc gia. Mợ tôi đem bát nhang với ảnh thờ cậu Út về nhà ông Hai Giao để thờ chồng.

 

Ngoài cửa nhà ngoại - chuyện xóm làng thì ông Xã trưởng đi tù, cậu Công đi cải tạo với cấp bậc Trung úy - không biết ngày về. Dì Nhàn đã quên cậu Công và sẽ làm đám cưới với con trai ông sáu Ngộ - Bây giờ, đang làm cán bộ địa phương vì có công với cách mạng. Cha con họ chính thức nhận công trạng giật mìn cầu Đồn năm xưa…”

 

Tôi giận dì Nhàn phụ bạc cậu Công, nhưng tôi thương nhớ dì trong tình cảm riêng tôi. Đời sống Mỹ thoáng hơn quê nhà về chuyện trai gái, phần tôi cũng trưởng thành rồi. Nhưng tôi không tìm được rung động nào ngoài nỗi nhớ dì tôi. Những người bạn gái đến với tôi đều lặng lẽ ra đi vì cái bóng dì Nhàn quá lớn làm họ tủi thân mà bỏ tôi. Một cô bạn Mỹ cho hay cô ta có bầu với tôi sau một đêm say mèm mà tôi ngủ lại nhà cô ta. Tôi không nghe lời bạn bè xui đem đứa nhỏ đi thử máu để xác định xem có đúng con tôi hay không ? Tôi không quan trọng chuyện đó vì đằng nào cô bạn cũng thuộc thành phần thích ăn chơi, mê cờ bạc, rượu chè… Tôi cung cấp tiền child support cho đứa bé tới trưởng thành cũng là giúp nó có cuộc đời. Tôi không cần biết nó là con ai ! Dĩ nhiên, tôi không sống với cô bạn Mỹ mà tôi không tin tưởng ở khả năng nuôi con của cô ta, nói gì tới lo cho tôi miếng ăn giấc ngủ. Đặc biệt là tình cảm thì chín phần không có; một phần bạn bè không đủ để xây dựng gia đình.

 

Những đứa em tôi thành tài, lập gia đình, để trơ trọi lại anh Hai Tâm đi về với ba má. Tôi vui được lần đầu - từ khi tới Mỹ là tin cậu Công được thả về. Thời gian sau, vui hơn với lá thơ hiếm hoi mà mợ tôi gởi cho má tôi: “… Ba má em đã mất vì tuổi già. Con Nhàn đã có hai con với thằng Nhân (con trai ông Sáu Ngộ). Anh Công đã về như cái bóng ma vì cha anh ấy cũng đã mất trong tù. Anh Công có tới thăm em nhưng cậu Tư cảnh cáo !...”

 

Cha tôi đoán việc như thần ! “Thằng Công với con Thanh ở địa phương bây giờ như hai cái gai trong mắt thằng Tư nhà mình. Thể nào nó cũng trù dập hai đứa tới chết…” Cuối cùng là má tôi với má Hai gởi tiền về cho mợ tôi tìm đường vượt biên. Mợ đi hoài không thoát vì như duyên nợ ở xứ cầu Đồn giữa cậu Út tôi, cậu Công, cậu Tư. Ba người cùng thời đều ngắm nghé mợ tôi nhưng cậu Út hên hơn. Bây giờ, hoàn cảnh của mợ tôi với cậu Công ở địa phương như hai người chết đuối, dựa vô nhau mà sống lay lắt qua ngày. Nghe nói: Mợ tôi giúp cậu Công cũng nhiều, sau khi cậu ra tù. Cậu chán nản một thời gian rồi làm lại từ đầu… Cậu tài giỏi hơn người thì hoàn cảnh cũng không làm khó được cậu nhiều. Tôi đoán tình cảm phát sinh giữa mợ tôi với cậu Công là lẽ tất nhiên. Nên khi có chương trình đi định cư diện H.O. thì cậu Công lập tức làm đám cưới với mợ Út tôi.

 

Cậu mợ tôi đến Mỹ trong sự hoan hỷ của gia đình. Tôi nhiệt tình giúp cậu mợ ổn định cuộc sống. Bao nhiêu tình cảm thương yêu, quý mến mợ tôi và cậu Công bị dồn nén lâu năm - tôi như cá gặp nước - chẳng tiếc gì công của với cậu mợ. Tôi sống vui không được bao lâu, rồi lại buồn hiu hắt khi cứ nhìn con em họ mà tôi ẵm nó thuở nhỏ, nó giống dì Nhàn như hai giọt nước. Tôi cứ tưởng tượng trên mình nó không phải là cái quần jean, áo thun mà là cái quần đen, áo bà ba, đội cái nón lá… thì tôi vỡ tim có ngày vì nó hệt như dì tôi.

 

Gia đình cậu mợ tôi mau đi vào ổn định vì cậu Công giỏi từ đó giờ, lại thêm sự giúp sức của toàn gia từ dượng Hai má hai, tới cha tôi má tôi, những đứa cháu đã lớn - luôn sẵn lòng với cậu mợ vì chúng tôi hiểu được cậu mợ thật sự là người nhà chứ không coi cậu Công như người dưng và mợ tôi chẳng còn quan hệ gì khi cậu Út tôi đã qua đời.

 

Tôi hiểu hơn về quan hệ người Việt mình khi nghe cha tôi nói câu… người dưng có ngãi ta đãi người dưng/ chị em vô ngãi thôi đừng chị em. Ý cha nói với má Hai và má tôi không phải bận lòng, khổ tâm về cậu Tư tôi ! Chị em ruột thịt nhưng cậu có coi mấy người chị ra chị đâu ?

 

Con đường cách mạng cong cong của cậu Tư đã tới hồi tịt lối theo luật đào thải là nói cho sang/ nói đúng với Việt cộng là vắt chanh bỏ vỏ. Cậu tung hoành ngang dọc gì ở Việt Nam thì tôi không biết ! Chỉ biết cậu muốn gia đình giúp cho con cậu sang đây du học. Ai cũng nhìn tôi như người có hoàn cảnh, điều kiện… tôi biết nhìn ai hơn là nhìn mợ tôi. Mợ tôi nhìn chỗ khác để cậu Công phải lên tiếng: “Thằng cha nó thế nào thì kệ cha nó. Thằng con nó vẫn là con cháu trong nhà…” Tôi không lầm cậu Công từ hồi tôi còn nhỏ là vậy ! Con người quảng đại của cậu không có lòng thù vặt như kẻ thù của cậu. Không lẽ đó là nền tảng của thất bại mà đời này cậu đã vô phương gỡ gạc.

 

Thằng con út của cậu Tư tôi qua Mỹ du học. Nó không được đón tiếp như cậu mợ tôi trước đây là lẽ thường. Ngoài tôi với cậu Công quan tâm đến nó vì liên hệ họ hàng chứ không có cái thâm tình như tôi với cậu Út, cậu Công, mợ tôi. Cố gắng bao nhiêu cũng không có được tình cảm như mình mong muốn là thật sự Quốc-Cộng trong một gia đình. Tôi không giải thích được tình cảm của mình thì làm sao giải thích được tình cảm của toàn gia ưu ái hai đứa con nhỏ của cậu Công với mợ tôi. Làm như chỉ có hai đứa nhỏ đó mới là con cháu trong nhà, con cậu Tư chỉ có chung họ chứ không chung gia tộc; không phải thân quyến. Đến là người Việt. Quốc-Cộng không đội trời chung ngay từ trong một gia đình.

 

Thằng Út con cậu Tư tôi có bản lãnh. Nó học hành khá, tham gia sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại. Nó mang tư tưởng cấp tiến, thời đại hơn thế hệ cách mạng hồng hơn chuyên của cậu Tư. Tôi cũng hy vọng đến thế hệ nó lãnh đạo đất nước thì Việt Nam có thể khá hơn vì nó quan tâm tới dân trí, kinh tế xã hội hơn tư tưởng Mác-Lê. Tôi có thể ngồi nói chuyện với nó hàng giờ, cậu Công giúp đỡ nó tiền bạc còn tình cảm của cậu giành cho nó thì thầm lặng trong lòng cậu thôi.

 

Thế là tôi nghe lời bọn xấu ! Con nhỏ em - con mợ tôi nói thế ! Nó trách tôi bao năm không về, sao tết này lại theo thằng con cậu Tư về quê ăn tết ? Tôi nghĩ kỹ thì con em nói phải ! Tôi chả có gì đề về ngoài lý do tạm chấp nhận được là cũng về một lần để thắp cho ông bà ngoại cây nhang. Nếu có lòng như thế thì sao không về từ nhiều năm trước ?! Nhỏ em không hiểu chính nó mang hình hài dì Nhàn làm xao xuyến lòng tôi vô cớ mỗi khi ghé nhà cậu mợ tôi ăn cơm hay vui chơi. Thì thôi. Tôi cũng về một lần để nhìn lại cây cầu đã gãy, tuổi nhỏ không còn và tình tôi dạo nọ !

 

… Con đường nắng bụi mưa sình của hơn ba mươi năm về trước đã trải nhựa đen để không còn cái ổ gà nào cho tôi cỡi xe đạp bương qua, cho dì Nhàn cười như nắng vỡ, cho lưng tôi cảm giác lạ kỳ. Hai bên đường không còn những cánh đồng gió chướng, nghĩa địa, hàng dừa… không còn cây cầu nào để nghe tiếng bánh xe ngựa cán qua miếng ván bong đinh mà nhớ đến một thời thơ ấu. Con đường tuổi nhỏ của tôi đã lột xác nắng bụi mưa sình, nhưng lớp nhựa đường đen thủi đen thui phải gánh vác quá nhiều xe gắn máy và người điều khiển xe không tôn trọng luật giao thông. Họ nghĩ sao lái vậy như tranh nhau lên Thiên Đàng ! Tôi nhìn đám nhỏ đi học, những vòng quay xe đạp của con nít đến trường bây giờ không còn lăn trên đường mòn, không có bom mìn và chiến tranh leo thang như xưa. Nhưng liệu âm nhạc nhảm nhí từ hàng hà quán xá bên đường vọng ra, có làm cho tuổi nhỏ trong sáng, hồn nhiên như cha anh dạo nọ ?! Những căn nhà mọc vội bên đường với kiến trúc theo Tây hoàn toàn không hợp với không gian đồng ruộng. Nét kệch cỡm của những căn biệt thự tự phát đã hùng hồn chứng minh cho sự giàu nổi ở quê tôi nói riêng, Việt Nam nói chung. Một thành phần quyền thế cộm lên trong đám dân đen bần hàn là những túp lều tạp nhạp để hình thành một tổng thể nham nhở, xô bồ… phá vỡ cái cũ của đồng quê muôn đời nhưng xây dựng cái mới thì không phù hợp do trình độ, kiến thức yếu kém. Chỉ thể hiện rõ ra khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam đã đến mức ngoài tưởng tượng.

 

Tôi về đến nhà ngoại tôi - sau hơn ba mươi năm xa cách. Căn nhà trong tưởng tượng của tôi hoàn toàn không còn nữa. Căn nhà lầu ba tầng nguy nga tráng lệ. Có xe hơi đậu sân trước, hồ bơi nước ngọt xanh biếc sân sau… Tôi nhìn bốn bức tường rào kiên cố mà tính ra số gạch, cát, xi măng của bốn bức tường rào có thể xây được vài cái nhà tình nghĩa cho gia đình có công với cách mạng thôi chứ không dám mơ tới những gia đình khó khăn kinh tế. Lòng tôi tự hỏi mình: Cậu Tư tôi đi làm cách mạng để có xe hơi nhà lầu hay giải phóng cho nông dân ?!

 

Tôi không thấy miếng ruộng của ông bà ngoại mà cha con tôi đã cầy cuốc một thời, má tôi với mợ tôi đã còng lưng cắt lúa… Cậu Tư không nói thì tôi cũng có mắt để biết là cậu đã bán cho Khu công nghiệp của Đài Loan với tiền đô la tính ở mức trăm ngàn, bạc triệu không chừng. Ý nghĩ đầu tiên là tôi với cậu Công đã bị lừa ! Hai người đỡ đầu cho thằng em họ (con cậu Tư) tôi ở Mỹ với ý nghĩ đơn giản là đầu tư cho thế trẻ mở mang kiến thức ở nước ngoài để trở về xây dựng lại quê hương. Thật không biết cậu Tư tôi lừa cậu Công đến bao giờ ? Người Cộng sản lừa người Quốc gia đến bao giờ ? Cậu Tư sống trong nhung lụa mà đi gạt cậu Công bấm thẻ ăn giờ để nuôi con mình ăn học ở Mỹ thì chỉ có đạo đức của người Cộng sản mới làm được.

 

Tôi không có lý do gì để ở lại trong căn nhà này, dù sự tiếp đón không tệ. Kế đến là cái hay của mợ Tư tôi. Mợ than van không biết ngượng miệng. Than nghèo khổ, mang ơn tôi với cậu Công còn chút tình gia tộc mà lo lắng, bảo bọc cho đứa con đi học xa nhà của mợ. Tôi nghĩ tới một câu nói nào đó để tắt đài gian dối, điêu ngoa sở trường của người Cộng sản. Nhưng nghĩ cho cùng thì nói làm chi ? Cậu Út tôi, rồi sau này là cậu Công, hai người đàn ông đường hoàng, tự trọng thì mợ Thanh tôi ngay thẳng, dịu dàng. Người đàn bà làm vợ cậu Tư tôi có thể có bản chất hiền lương khi xưa. Nhưng theo Bác Đảng, lấy chồng cán bộ thì biến chất cũng tất yếu theo chiều hướng gần mực thì phải đen. Trong mắt tôi, cậu mợ Tư mới đúng là thành phần không thể cải tạo ?! Chứ không phải cậu Công, mợ Thanh.

 

Qua đêm ở căn nhà thuở nhỏ để tìm chút không khí xa xưa, tôi hoàn toàn thất vọng với tiếng máy lạnh chạy re re nơi cửa sổ thay cho tiếng phong linh với gió đồng dìu dắt những giấc mơ làm người. Thằng em họ đáng tuổi con tôi, không lo cho sức khoẻ hay miếng ăn giấc ngủ của tôi mà nó lo lắng về gia đình nó; cha mẹ nó… trong mắt tôi.

 

Mặt trời rồi lên xoá tan đêm dài, tiếng còi hụ vô ca bên Khu công nghiệp thay cho tiếng gà báo sáng; cột khói đen ô nhiễm mù trời của nhà máy thay cho làn khói mỏng bốc lên từ mái tranh xiêu… đất nước vươn mình sao lòng dân chìm ỉm. Ai không yêu quý quê hương mình nhưng buồn vui còn tùy ở sự vươn lên của toàn dân hay chỉ một tập đoàn thống trị.

 

Tôi nhìn tôi trong gương khi đánh răng buổi sáng. Thằng Tâm của xóm cầu Đồn với thân hình chữ V, những bắp thịt săn chắc… và ước mơ. Đã đi thật xa với ước muốn quay về nhưng chỉ còn ông Tâm với thân hình chữ A, đầy mạng mỡ… và nỗi lòng ! Đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng như câu thơ đâu đó đã đọc và hình như đúng nên còn nhớ. Người ta chỉ có thể trở về đúng mảnh đất xưa chứ không thể trở về con người lúc ra đi.

 

Sau bữa sáng thịnh soạn hơn nhu cầu, bữa trưa thừa mứa theo trào lưu tân địa chủ. Mọi người chìm vào giấc ngủ trưa là thói quen không có ở Mỹ. Tôi lang thang như ngày xưa còn bé ra cầu Đồn. Cây cầu nhiều kỷ niệm đã chìm theo tiếng nổ xa xưa. Bây giờ đường liền đường, tất cả các cây cầu trên con đường tuổi nhỏ của tôi đã bị lấp. Người ta đặt cho mỗi con rạch vài miệng cống, là cách giải quyết ít tốn kém hơn thay cầu mới. Chuyện con nước có phù hợp với cây lúa và môi sinh hay không, không phải chuyện Nhà nước quan tâm.

 

Đồn lính Nghĩa quân xa xưa đã trơ trọi bốn bức tường đá xanh do Pháp xây từ thời thực dân. Những khoảng trống tầm nhìn từ Đồn ra tới bờ rào kẽm gai của khu vực quân sự đã mọc lên cơ man là nhà. Nét bất khả xâm phạm của chốn quân quyền đã tiêu tan để nhường lại cho công quyền đổi chủ. Bây giờ là Ủy ban nhân dân Xã với tấm bảng nhạt phai mưa nắng mà chẳng ai thèm quan tâm.

 

Nhà ông Hai Giao đã không còn mái ngói đỏ au dưới những tàn dừa cao rộng, bên con sông cầu Đồn. Căn nhà cất lại đã xoá dấu uy nghi. Dì Nhàn đã lưu lạc nơi đâu ? Tôi về chuyến này cũng có nửa lòng tôi nghĩ tới dì là sự thật. Tôi đến đó, vẫn là quán nước xưa dù bàn ghế nhựa đã thay cho bàn ghế gỗ ọp ẹp kiểu quán cóc bên đường xưa cũ. Người ta bây giờ đông vô kể. Ngày xưa, một người lạ bước chân vô xóm thì cả làng cùng biết ! Nhưng bây giờ thì ai biết nấy thôi ! Tôi đến quán nước như người khách qua đường, người dân chờ chực công quyền trong Ủy ban Xã đang nghiên cứu xem có nên giải quyết ?!

 

Cảm giác làm người lạ trên nhiều thành phố mà tôi đã đi qua thì quen lắm rồi, nhưng làm người lạ ngay trên mảnh đất mà mình thuộc từng con nước, hàng dừa… thì thật là không vui từ trong ý nghĩ. Người phụ nữ xấp xỉ ba mươi, bưng cho tôi ly cà phê rất vô tư (là từ cửa miệng bên đó bây giờ). Cô ta đang có mang nên hơi chậm chạp và có vẻ mệt mỏi. Tôi không tìm thấy nét nào trên gương mặt cô ta hình dáng của dì tôi. Không biết có phải con gái của dì không ? Hay chỉ là người đã sang lại quán này.

 

Và, dì tôi về tới nơi. Tay cắp cái rổ như vừa đi chợ cho bữa cơm chiều. Người đẹp trong mơ của tôi sau 33 năm xa cách là bà già hom hem, tóc mai bạc trắng hai bên thái dương đã nói lên cơ cực từ ngày cách xa. Đôi mắt trong veo như nước sông cầu Đồn, nụ cười nắng vỡ, thân hình mảnh mai của nhiều năm trước đã phai tàn.

 

Dì bày ngay cái rổ đi chợ về bên hông nhà, có hàng lu nước ngọt. Với con dao, cái thớt, cái ghế cóc bằng gỗ đã thâm đen, bóng lưỡng. Dì làm cá trong tiếng vo ve của ruồi, quang quác của đàn gà tranh nhau vẩy cá. Tôi muốn đến bên dì như ngày xưa đã cùng nhau cạy hàng quầy dừa nước, nước dừa nước ngọt liệm cuống họng, cơm dừa nước thơm ngon và kỷ niệm ngọt ngào khi nhớ về xóm cũ, dì tôi.

 

Đứa bé trai chừng ba bốn tuổi, chạy chơi lăng quăng, nó ào đến ôm cổ bà và kêu bằng Ngoại. Bà ngoại đang gọt trái khóm để nấu canh với cá, ngoại cho thằng nhỏ cái cùi khóm. Nó ăn ngon lành và lại bỏ đi chơi… dì đứng dạy khi đã xong xuôi công việc. Bưng hết vô bếp để nấu bữa cơm chiều.

 

Ông già giữ xe bên Ủy ban bươn bươn vô quán nhưng không phải khách uống cà phê. Ông gọi thằng bé ban nãy… “lại đây ngoại biểu.” Thì ra đó là người gài mìn cầu Đồn năm 1972. Thành tích lẫy lừng cỡ đó, mà sau hòa bình chỉ được chân giữ xe ở Ủy ban Xã, thì hơi hẻo. Ông chắc chắn là ông Nhân - con ông sáu Ngộ, chứ ông sáu Ngộ thì tuổi ngoại tôi với ông Hai Giao thì làm sao còn sống nổi. Nhưng ông Nhân nghĩa là ngang hàng với các cậu tôi thì ông quá già.

 

Tôi ngồi nhìn sông nước chảy với thật nhiều rác rến lêu bêu, cây cầu Đồn chỉ còn là con đập với ba miệng cống lớn-cao hơn đầu người. Những xoáy nước do con nước lớn không qua đập kịp hun hút về đâu ? Xác thú vật chết trương theo gió bay lên bờ mùi hôi quá khứ hay hiện tại ?! Tôi không về tốt hơn là đã về để tận mắt thấy lại quê cũ, người xưa mà lòng tôi đã chắc là ám ảnh phần đời còn lại của mình. Nhớ đứa con gái tôi với cô bạn Mỹ, nó hằng mong được thấy quê cha một lần - nhưng chắc tôi không đưa nó về đây chi nữa ! Hãy để ngày ấy lụi tàn. Tôi trả tiền ly cà phê - không dám uống vì không tin tưởng về vệ sinh. Ly cà phê đá chỉ còn hai phần nước đen và trắng như hai mảnh đời lặn lội qua bể dâu. Nếu hoà tan với nhau sẽ có một hỗn hợp màu nâu, màu đó buồn nên thôi đừng quậy !

 

Dì là người ra tính tiền ly cà phê - dù tôi không uống. Đôi mắt dì trong như nước sông cầu Đồn - ba mươi năm trước. Giờ cũng đục như nước sông cầu Đồn - ba mươi năm sau. Dáng vẻ thanh mảnh của dì như cây cầu Đồn - mà tôi yêu quý. Giờ như con đập ứ hự nước lớn nước ròng và rác rến nhân gian. Tôi như con thú chết trương chờ ngày mục rữa, chờ xoáy nước vô tình hoá kiếp thân tôi. Dì không nhìn ra tôi là vui buồn một lần về quê cũ.

 

Tôi ở nhà cậu Tư không nhiều vì không thích nên đi du lịch lung tung. Tôi đi xuyên qua miền Trung, qua Hà Nội để ra tới biên giới Việt-Trung một lần để biết nước non tôi. Ngày trở về Mỹ, tôi ghé ngang qua quán dì Nhàn. Không gặp dì nên tôi trao lại cho cô con gái có mang, ba tấm ảnh mà ngày xưa dì bỏ lại Sài gòn. Tôi lặn lội đi lấy hình để phải gìn giữ thật kỹ suốt ba mươi năm ở hải ngoại. Tôi có trong tay cuốn tập viết về tình tôi năm 14 tuổi. (Tôi dấu ở nhà ngoại tôi khi xưa, chính xác là sau tấm hình thờ của cậu Út để cậu sống khôn thác thiêng - phù hộ cho tôi toại nguyện. Nhưng đã không thành.) Mợ tôi đã phải dọn bàn thờ cậu Út về nhà ông Hai Giao khi cách mạng thành công. Tình nghĩa với thằng cháu cưng của cậu nên mợ tôi cất giữ cuốn tập đến khi ra nước ngoài, trao lại cho tôi. Lần này về, tôi muốn trao lại cho dì tôi những kỷ niệm yêu dấu một thời. Nhưng bốn tuần sống ở quê xưa, tôi chỉ trao ba tấm hình để nhớ về kỷ niệm. Tình tôi, có lẽ dì cũng không nên biết chi nữa nên tôi thả xuống sông cầu Đồn để quá khứ trôi đi.

 

Xe hơi lăn bánh qua đập cầu Đồn, tôi còn nghe tiếng ván bong đinh khập khềnh theo vòng quay xe đạp. Nghe tiếng cười nắng vỡ đâu đây, có quay lại tìm kiếm màu mắt trong veo như nước sông cầu Đồn - đã muộn. Chỉ có nước mắt còn nóng khi vĩnh biệt quê hương.

 

 

(Viết theo lời kể của bạn tôi)

 

 

Phan

 

(Bai Chuyen)

 

website counter