TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 11

Từ chiếc áo bà ba tới … nhạc chế

 

Từ chiếc áo bà ba tới … nhạc chế

(Phan)

 

 

* Chiếc áo bà ba

 

Tôi chẳng lạ gì với chiếc áo bà ba vì được sinh ra, lớn lên ở miền Nam. Có đi ra Bắc đôi lần để xem máy lạnh gắn đầy công viên, phụ nữ mặc áo tứ thân như trong truyện cổ tích - cho nó vui ! Nhưng hai lần đi làm ăn, có ngang qua Hà Nội thì chỉ loanh quanh những phố ăn nhậu. Lần đi với bố là đáng nhớ nhất trong những chuyến hành hương. Hai cha con đến nhà bác tôi ở phố Ngọc Hà, chiều tối, tản bộ ra công viên thì chỉ thấy hoạt cảnh … vuốt buồi. Tôi khoái cái từ ngữ mà ông bác tôi dùng để chỉ hành vi văn hoá thủ đô. Tôi nhớ mãi ngữ âm Hà-Nam-Ninh của người bác mà hết đời tôi chỉ gặp một lần. “Mày có bức xúc thì đây là thiên đàng giải toả!”

 

Bố tôi đã đầu hàng vô điều kiện lần thứ hai là đầu hàng ông anh rể-gốc bần cố nông, nhưng trót yêu con gái nhà địa chủ thất thời sau đấu tố thì chấp nhận bị khai trừ khỏi đảng, chấp nhận đời đen như mõm chó bên cô chủ trong mơ. Nhiêu đó thôi, đã đủ lý do cho bố tôi ra tù là về thăm người chị ruột còn ở quê xưa, thăm ông anh rể đã hết lòng với chị mình. Riêng tôi không có những tình cảm sâu xa đó vì tôi như đứa bé sinh ở Mỹ bây giờ, cha mẹ có đưa nó về Việt Nam thăm ông bà thì riêng tư nó cũng chỉ như một cuộc nghỉ hè xa và không hứng thú gì cho lắm ! Tôi đành xin kiếu mảnh đất ngàn năm văng tục trong im lặng để xuôi Nam vẹn toàn.

 

Tôi yêu miền Nam hơn hồi chưa đi Bắc như người hải ngoại bây giờ về lại quê xưa có thể khóc được với cây cầu khỉ mà thuở nhỏ chớ hề nghĩ đến mỗi bận đi qua. Tôi yêu miền Nam rứt ruột ra mình mà chiếc áo bà ba là hơi thở của đồng bằng phì nhiêu, sông nước, ruộng vườn … Hình ảnh cô gái miền tây trong chiếc áo bà ba, nghiêng nghiêng nón lá phất phơ quai hồng theo con nước lớn nước ròng, chèo ghe trên những sông rạch chằng chịt đã ăn sâu trong tiềm thức tự bao giờ ! Cánh áo đơn sơ, mộc mạc trên thân mẹ, thân dì đã mưa nắng nuôi con, thương cháu. Cánh áo dịu hiền thấm giọt mồ hôi của những bông hoa đồng nội đã để lại lòng người đứng bên sông niềm thương nỗi nhớ sự mềm mại của thân hình; thanh thoát của vải hoa hay chỉ một màu thiên thanh trong sáng, màu hồng tơ vương, màu hoa cà đằm thắm dịu ngọt …

 

Cái thời tay trắng mộng đầy phất phơ theo vạt áo cô gái sông Tiền, sông Hậu qua đi. Tuổi trẻ thời tôi, sau “giải phóng” như lục bình man mác-biết về đâu! Có tính ở lại làm rể miền tây mấy bận nhưng tình cứ xót xa ... trôi. Em như cục cứt trôi sông/ anh như con chó ngồi trông trên bờ. Cái thời chó chết nó thế ! Cuối cùng táp bến Bình Đông, ngộ ái nị, nị ái ngại … ngộ ôm đại - nị đừng có ngại. Đã ¼ thế kỷ trôi qua, chớ hề thấy em mặc áo bà ba một lần cho bay mùi xì dầu nước tương, đuôi heo hầm xáu-báu (củ cải muối), đuôi bò hầm nấm đông-cô … lấy vợ Tàu thì tha hồ ăn đuôi theo tinh thần truyện kể:

 

Ông Tàu bán thịt heo quay rao hàng là ăn gì bổ nấy! Mua dzô mua dzô… Gặp bà Việt cà lăm-cắc cớ, hỏi: “Dzậy, ăn cái đuôi thì bổ cái gì ?” Ông Tàu nói, “Cái lày … nị mua chồng nị ăn. Nó ăn cái đuôi đằng sau thì bổ cái đuôi đàng trước”. Bà cà lăm nghe khoái ! “Dzậy… dzậy… chặt…chặt…chặt…chặt… ch…ặ…t… cho tui 2 đồng … đuôi”. Ông Tàu: “Tiểu cái lụ mụ nị ! Biểu ngộ chặt hết nửa con heo rồi mua có hai đồng.”

 

Từ đó, khả năng chờ em thay áo cũng qua tuốt luốt tự bao giờ ! Nhưng từ đó, những cánh áo bà ba đậm đà phong thổ miền Nam được trân trọng giữ gìn trong ký ức - để sống lại dạt dào yêu thương khi thấy trên sân khấu ca nhạc, những cô ca sĩ trẻ đẹp thỉnh thoảng mặc áo bà ba lên sân khấu hát nhạc quên hương đã nhắc nhở biết bao nhiêu tình ! Nhớ nhất là lần tôi theo thằng bạn nhỏ hơn mình về quê. Cha nó là lính Thủy quân lục chiến, tên ông Sáu Chiến. Sau hoà bình làm nghề thương hồ.

 

Nhân dịp mùa hè mà cha nó bệnh vì nhậu quá mạng nên tôi với nó chèo ghe, căng buồm khi thuận gió để giải quyết cho má nó một chuyến hàng thương hồ. Đâu ngờ, khi về tới Vĩnh Long (quê ngoại của bạn tôi) thì cắc cớ xảy ra ! Tôi quá xúc động với chân tình của dì Uốt thằng bạn. Người con gái miền tây mà tôi mang nhiều nỗi nhớ không tên. Em đãi tôi món đặc sản quê nhà như giới thiệu với anh đây là … quê em. Món canh chua ếch thì đâu có gì lạ ! Nhưng lạ ở chỗ là em đã bao công khó cho người không quen. Chắc ai dân miệt vườn thì còn nhớ trái dừa khô có ba con mắt. Người nhà quê trưởng giả chỉ đục một mắt của trái dừa khô, thả vào đó con nòng nọc. Đêm đến thắp đèn dầu dừa cho muỗi bu, muỗi rớt vô con mắt mở của trái dừa thì thành thức ăn cho nòng nọc lớn lên thành ếch. Khi ếnh trong trong trái dừa lớn theo ngày tháng (không có khả năng thoát thân ra lỗ mắt dừa bằng móng tay út), em thắp đèn hàng đêm cho ếch có muỗi ăn, ban ngày đói bụng thì ếch ăn cơm dừa khô. Cứ thế ếch lớn. Khi em nấu đãi tôi món canh chua ếch thì đậu bắp, giá, bạc hà, cà chua, lá me non, rau ôm … cứ bình thường như canh chua trên khắp miền Nam. Đặc biệt hơn tôm tép, cá … là ếch. Em chặt (đập) bốn trái dừa khô để có bốn con ếch trắng trờ vì thiếu nắng. Canh đang sôi, đập dừa là ếch sống nhảy luôn vô nồi canh chua. (Không lột da, mổ bụng, cạo rửa gì hết). Khi ếch chín, múc ra tô, con ếch trắng nhách, còn nguyên da, đủ đầu lòng, cứ xoè tay xoè chân phản đối !

 

Tôi ăn hay không ăn là câu trả lời dứt khoát … anh ở hay dzià ?! Tôi dzià chứ sao ăn nổi vì bốn con ếch cứ trợn mắt nhìn tôi trong tô canh chua. Đôi mắt thứ năm nhìn tôi trách móc …! Đành chịu chứ không tài nào dám nhá thử miếng ếch-dừa. Thoạt trông nhờn nhợt màu da/ ăn dừa nung núc đẫy đà toàn thân như Tú Bà trong truyện Kiều. Ghê quá !

 

Trưa nay, hè xứ Cao bồi nắng chang chang cả trăm độ F, tôi bước ra sau tiệm để làm công việc mà ngày càng bị nhiều người chê trách là châm điếu thuốc. Mới mở cửa sau, chỉ hai bước chân là chạm vuông tường cao hơn đầu người, có thùng rác bự cho cả khu thương mại xài chung. Không thấy mặt người đang đổ rác phía bên kia nhưng tiếng hát thì nghe được. Không biết sao khi đi tắm và đi bỏ rác thì người ta ưa hát ? Không nghe thầy lang nào bàn vụ này ! Không chừng hát có thể khử mùi không hay hay mùi không hay là chất gây hát đối với thần kinh con người mà chưa khoa học gia nào nghiên cứu.

 

Trưa hè vắng vẻ và văng vẳng một giọng nam trầm của người miền tây thì âm thanh đi thẳng vào lòng người diệu vợi… “Chiếc áo bà ba quê mùa em không mặc ! Bởi đua đòi em mặc áo hai dây. Nó đứt một dây, tai (tay) nào em dzói dzịn (vói vịn), dzói tai nào … lông nách cũng đen thui …”

 

Trời đất quỷ thần ơi ! Nam danh ca Minh … Liều nào mà ác liệt dzữ dzậy trời ? Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng … mà nghe thì co giò chạy tuốt, chịu sao cho thấu. Tôi cũng ráng lê mươi bước … đi xin chữ ký ! Thì ra một thanh niên yêu đời. Anh bạn trẻ mới ngoài đôi mươi, đầu bù tóc chỉa như con nhím, quần áo lôi thôi, gương mặt lại đóng bớt một cánh cửa sổ của tâm hồn cho bớt chói nắng mà người thiển cận gọi là thằng chột.

 

Để bù lại cho những cái trớ trêu trên gương mặt bí hiểm ! Người bạn trẻ có nụ cười miền tây vô cùng hiền hậu làm tôi nhớ những người bạn miền tây hết sức ! Tôi thấy thật thân và thật gần nên mời anh ta điếu thuốc. Chúng tôi láp dáp được vài câu để biết anh ta là thợ … vịn. (Bên tiệm may của bà Đại Hàn mới sang cho người Việt Nam vì trơ trọi hũ kim chi trong khu thương mại sặc mùi nước mắm thì làm sao thọ nổi !) Bạn tôi theo thầy đi sửa tiệm may Đại Hàn thành tiệm may Việt Nam. Với vai trò thợ vịn và đi bỏ rác đã dư sống nên yêu đời, ca hát làm bằng cho tâm tư mãn nguyện. Lòng dạ người miền Nam dễ thương, xởi lởi nên cũng dễ rò rỉ thông tin cá nhân.

 

" ..Ngon hơn hồi em còn ở Long An, đi vác mướn ngoài bến xe cả ngày chỉ được chừng 5 đồng (đô la). Em ăn cơm, uống nước cũng hết hai đồng, đem về cho má chừng ba đồng thì má cho lại một đồng để đi chơi … Bây giờ, qua Mỹ khoẻ re - ngày 50. Làm gì cho hết tiền ?!”

 

Đang tâm sự đời tôi ngon trớn thì ông thầy của bạn tôi thô-lỗ-miệng, chửi thề ỏm tỏi vì thằng đệ tử đi bỏ rác hay bỏ mạng mà không thấy về ! Họ bỏ lại tôi đứng chơ lơ như cây cột đèn hiu quạnh, nắng Texas thì tôi đã quen nên nhằm nhò gì ! Cứ nhớ lời ông bạn Huy: “Sống ở Mỹ mà một người không làm ra trăm bạc/ ngày, thì sống sao nổi !” Ước gì ông Huy nghe một người đồng hương thoải mái nói: “… ngày 50. Làm gì cho hết tiền !” Ông Huy tháng nào kiếm được năm ngàn đã than như bọng. Lơ tơ mơ như tôi thì thật là không dám lên tiếng càm ràm bề trên, nhỡ các ngài đổi ý cho đi làm thợ … vịn thì bỏ xừ. Người ta thường đứng núi này trông núi nọ nên mãi mãi bất an. Bằng lòng với hiện tại như anh bạn trẻ thì có thể ca hát, yêu đời trong cái nắng chang chang nơi miền đất hứa, trong cõi phù du làm cho thùng rác to bự mà anh ta phải đi đổ một mình cũng nhẹ đi đôi phần ! Bằng lòng với những gì mình có thật an nhiên, tự tại mà không ai tin.

 

Trưa nay nóng dữ nên bà con trốn trong máy lạnh. Ngoài kia, bãi đậu xe mênh mông, ảo giác nắng như sông nước bềnh bồng, thi thoảng có chiếc xe lười biếng như không muốn chạy vì nóng mà cứ phải lăn bánh về một nơi nào đó ! Không ung dung như chiếc xuồng ba lá trên sông. Có, “Chiếc áo bà ba quê mùa em không mặc. Bởi đua đòi, em mặc áo hai dây…” cỡi chiếc Lexus ES300 lướt qua mặt tôi với nụ cười đồng hương ấm áp. Hai cánh tay trần mang vẻ đẹp phô trương-Mỹ hoá, nhưng thử tưởng tượng hai cánh tay ấy được lồng trong chiếc áo bà ba thì dịu dàng biết bao. Chủ nhân của hai cánh tay nõn nà không ý thức được vẻ đẹp kín đáo truyền thống hay bản thân mình không ý thức kịp vẻ đẹp trần trụi theo thời đại toàn cầu, thế kỷ lưu vong.

 

* Nhạc chế

 

Tôi nghĩ ngợi mơ hồ về thay đổi quá nhanh để con người không bắt kịp nên mới có những phản ứng như chế (nhái) lại lời thơ, nhạc vừa rồi, để thoả mãn tâm tư con người thấp cổ bé miệng. Vì cao cổ lớn miệng thì đương sự đã đả kích, chống đối ngay tác giả chứ cần gì nhái lại để thể hiện phản kháng. - Như khi tôi còn nhỏ mà đã sớm chịu đựng sự đổi thay của lịch sử nên học trò không thuộc nổi bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Tố Hữu theo nguyên tác trong sách Giáo khoa, nhưng lại thuộc lòng bài thơ chế lại như sau: “Đêm nay Bác không ngủ/ Ngày mai Bác ngủ bù/ Anh đội viên gật gù/ Lão già này … khôn thật.” Cũng như anh bạn trẻ vừa đây, tự nhiên bị liệng qua Mỹ vì một lý do nào đó, bảo lãnh chẳng hạn. Anh không còn thấy những chiếc áo bà ba trong thôn xóm anh ở, ngoài ruộng vườn anh trông, bến bãi anh làm việc kiếm cơm … Bỗng dưng xung quanh anh, hình ảnh người phụ nữ kín đáo bị lột bỏ đến chỉ còn hai mảnh bikini mà không sượng sùng khi rửa xe ngoài sân chỉ là cớ - cho thiên hạ ngắm mới là chánh. Mười người phụ nữ quanh đây thì đã bảy, tám người mặc áo hai dây, phơi ra hai cánh tay trần mát lạnh ! Anh phản kháng kiểu nhà quê, con nít … cũng khác gì tôi xưa !

 

Lý luận như vậy, phải chăng nhạc chế xuất phát từ những người thấp cổ bé họng. Họ không đủ khả năng để sáng tác và chắc cũng không có điều kiện để phổ biến nên dựa vào cái có sẵn (đã được nhiều người biết để quá giang suy nghĩ riêng tư của mình). Tôi có nghe nhưng không nhớ tác giả và tác phẩm.“Em ơi ! Nếu mộng không thành thì sao ? Non cao đất rộng biết đâu mà tìm ?” Người nhạc sĩ sáng tác ta thán về trăm khó ngàn khăn của tình duyên trắc trở. Nhưng người bình dân không có lắm suy tư nên giải quyết gọn: “…Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời”. Ông nhạc sĩ mà nghe (chắc chắn đã nghe đâu đó) chắc buồn lắm ! Vì qua lời nhạc ông đặt có hàm ý, thông điệp… trong tình yêu đôi lứa cần sự thủy chung, kiên nhẫn vượt khó qua hình ảnh “non cao đất rộng” trong tinh thần ca dao: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” Ai kiên nhẫn, chung tình thì tình yêu ấy lên ngôi. Toại nguyện khi trùng phùng sau trăm khó ngàn khăn.

 

Nhưng đời vội vã đâu có ai kiên nhẫn nữa ! Những tâm hồn đẹp của người viết nhạc cứ cho ra lời hay ý đẹp. Người hát nhạc tự thấy không đúng với mình chứ không phải không hay … thì tùy nghi chế, nhại. Câu nhạc chế mà tôi nhớ được tiếp theo là Lam Phương viết: “Từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề…” Hay quá ! Tình tứ và lãng mạn vô cùng. Nhưng “em” trong nhạc Lam Phương không (chưa) phải là đại biểu quốc hội trong dân gian, vì có những em khi chưa được rước về dinh thì dễ thương hết biết. Nhưng rước về rồi thì hết biết dễ thương chỗ nào. Nên người bình dân đành xin lỗi nhạc sĩ mà chế lại ! “từ ngày có em về, nhà mình toàn tiếng chửi thề …” “Em” đời mới kiểu này hơi nhiều trong dân gian bây giờ nên tỷ lệ ly dị cũng từ đó tăng cao trong đời sống hiện đại.

 

Nói tới nhạc chế thì bát ngát với những người có trí nhớ tốt. Vì qua đây chúng ta mới nhập gia tùy tục, sống theo Mỹ là không biết tên người hàng xóm, không xử dụng phương tiện công cộng nhiều như khi ở quê nhà, nên ít tiếp xúc giới bình dân ngoài bến xe, bãi chợ. - Những người thường lẻ loi, cô đơn trong cuộc sống xã hội, thậm chí hơi bị coi thường nên tâm tư họ có những phản kháng mà xét cho cùng là đáng thương. Họ, thay vì ngồi than thân trách phận hẩm hiu thì không ai nghe, thèm nghe. Họ mượn câu thơ, lời nhạc có sẵn (và đã nhiều người biết), sửa đổi lại cho đúng với tâm tư mình, kèm theo nhu cầu đương nhiên là muốn người khác hiểu mình. Điều không ngờ là trong xã hội lại có rất nhiều người giống mình nên dòng nhạc chế sống hùng sống mạnh hơn cả nhạc chính quy có tác giả hẳn hoi.

 

Để chứng minh, chắc chưa ai quên những năm sau “giải phóng” thì nhạc ca ngợi Đảng, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi … những điều không tưởng ra rả sáng tối từ những cái loa phóng thanh treo ở cột đèn. Nó không đi vào lòng người được vì không thật, không đúng. Nhưng nhạc chế (cải biên) lại thì đúng nên đi vào lòng người. Thử nghe lại “Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

 

Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ

Cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn

Cả quê hương rạo rực thêm đất mới

Đang chờ sức người

Vun xới những mầm xanh

Tổ quốc ơi ! Ta yêu người mãi mãi…

Từ trận thắng hôm nay ta xây dựng bằng mười

Từ trận thắng hôm nay ta xây lại đẹp hơn.

 

Có đúng như thế không ? Nếu đem so sánh với lời cải biên của chính những dòng nhạc mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết, ta thấy đúng hơn nhiều.

 

Đi đá banh mặc quần xanh áo đỏ

Đi đánh võ mặc quần đỏ áo vàng

Đến cơ quan mặc quần đen áo trắng

Đi dạo với đào

Mặc áo pun quần jean

Còn đám ma hay là đám cưới

Thì mặc líp-ba-gạ Đến khi trở về nhà

Vội vàng cởi ngay ra đem đi trả người ta.

 

Cũng trong bài nhạc này,

 

Ai đã qua rừng miền Đông đất đỏ

Nghe máu đổ nhuộm hồng đã bao lần,

Tổ quốc ơi ! Ta yêu người mãi mãi…

 

Lời nhạc thiết tha về quê hương nhưng không đi vào lòng người được vì quê hương không phản bội con người mà chính người hô hào quê hương, tinh thần dân tộc lại bội phản làm cho cuộc sống điêu linh ngay trên quê hương-sau hoà bình. Thì nhạc chế bắt buộc phải làm nhiệm vụ của nó như giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.

 

Ai đã ăn mì và khoai giá rẻ

Ba bốn bữa là ghẻ nổi tưng bừng

Ghẻ ngang lưng rồi lan tới nách

Ra đường xắp hàng - mua thuốc đem về thoa.

Tổ quốc ơi ! Ăn khoai mì chán quá!

Từ giải phóng vô đây - ta ăn độn dài dài

Từ giải phóng vô đây - ta ăn độn toàn khoai …

 

Có phải nhạc chế (cải biên) đã phản ảnh thực trạng đời sống xã hội trung thực hơn những lời sáo rỗng được cho phép phổ biến ?! Nhìn từ góc độ công tâm thì người viết nhạc (có bị kềm toả trong vòng kim cô hay không ? Khoan tính). Người viết nhạc trước hết là những trí thức của nhân loại, những tâm hồn nhạy cảm, những trái tim tha nhân … luôn muốn hướng cuộc đời vươn lên trong tinh thần cao đẹp, nhân ái hơn nên lời nhạc viết ra trong hoàn cảnh nào cũng hướng con người tới khát vọng được sống cuộc đời cho xứng đáng hơn. Song song với ước mơ bay bổng của ông nhạc sĩ là cuộc đời trần trụi, thô ráp của nhân sinh. Nhạc chính quy đi vào đời sống tới đâu thì nhạc chế cũng tới đó để khắc hoạ lại bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội chân thực. Thời của “Tình đất đỏ miền Đông” là thời người dân mơ hoang về một cái áo pun, cái quần jean mà đâu có ! Những bộ đồ lớn để đi đám cưới, đám ma càng ngoài ước mơ - chỉ có đi mướn thôi chứ làm sao mua nổi với cái nghèo cơm không đủ ăn thì tiền đâu sắm quần sắm áo. Đương sự người viết cũng làm sao quên những đồng tiền nhịn ăn để gởi thơ qua Mỹ mà xin mấy ông anh cái quần jean mạc đỏ mạc cam. Nhưng khi cầm được cái quần-mơ-ước trong tay thì chỉ kịp đưa lên mũi hít mùi Mỹ cho đã một lần ! Rồi trao qua tay mẹ để đem bán đi mà mua gạo. Mẹ nào không thương con, nhưng nhu cầu sống còn của gia đình mà người chủ lại đang tù tội thì … nuốt hận nhìn theo chứ biết sao bây giờ !

 

Đi từ mẫu giáo lên đại học của một thời xem sao ! Trong khuôn viên mầm non, người ta dạy nhi đồng…

 

Đêm qua em mơ gặp bác Hồ

Râu bác dài tóc bác bạc phơ

Em âu yếm hôn lên má bác

Bác mỉm cười bác khen em ngoan.

 

Người ta mong như thế nên dạy đám nhi đồng trong Vườn trẻ như thế nhưng thực tế … thì không như thế !

 

Đêm qua em mơ gặp túi tiền

Trong túi tiền có bốn ngàn hai

Em vui sướng đem khoe với bác

Bác mỉm cười bác nói … chia đôi.

 

Cái thời đại mà uy tín của người lãnh đạo bằng không (zero). Chẳng ai tin nổi chính phủ của mình thì mới phát sinh ra chuyện bôi bác tối đa, chuyện bỏ nước ra đi. Người dân ra đi đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thềm nắng lá rơi đầy như người Vệ quốc ngày xưa đi đánh Pháp. Người dân bây giờ đi đánh ai khi đã hoà bình ? Họ đi chạy trốn chủ nghĩa phi nhân tính mà “cây cột đèn biết đi cũng vượt biên” thì nói gì con người. Người ta đi bất chấp sống-chết ngoài biển Đông chỉ để tránh chủ nghĩa sắt máu, xây dựng xã hội trên căn bản hận thù giai cấp, thù hận vô lý vô lẽ … Tất cả trở thành công cụ tuyên truyền thì người nhạc sĩ cũng không ngoại lệ. Phải viết về hận thù - bất chấp trái đạo lý truyền thống của dân tộc là tôn trọng sự thật. Tôn trọng lịch sử và con người. Ta nghe thử Quê hương được khắc họa trong nhạc-hận-thù.

 

Quê em miền trung du

Đồng xanh lúa xanh đồng

Giặc tràn lên đốt phá…

 

Nhưng người dân có tin không ? Sao cải biên thành.

 

Sao tôi trồng khoai lang

Đào lên thấy khoai mì…

Thật là điều vô lý !

(Quê em miền trung du - Hoàng Việt)

 

Quan hệ giữa người dân và chính quyền thì không tài nào nhớ hết nhạc chế trong một xã hội thiếu phân minh, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị luôn đối kháng qua âm nhạc để vẽ lên toàn cảnh xã hội - bất luận chế độ chính trị nào.

 

Ước-mơ-không-thật của người nhạc sĩ viết nhạc theo khuôn mẫu có sẵn chứ không được bay bổng tâm hồn nhạc sĩ trong thế giới âm thanh. Không sao ! Đã có quần chúng lao động chỉnh sửa cho hiện tình đất nước, đạo đức xã hội, vinh quang của Tổ quốc như cái bánh vẽ.

 

Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa

Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya

Bồng con ra võng để đong đưa

Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa

 

Có phải dùng âm nhạc để ru ngủ những người lao động ít học. Họ ít học nên dễ tin, nên làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm để tăng gia sản xuất, để đạt thành tích cao hơn trong ý đồ vắt chanh bỏ vỏ sở trường của người lãnh đạo. Chính dòng nhạc chế đã cảnh tỉnh người dân về hiện tình đất nước, về giai cấp lãnh đạo, về trật tự mới bao hàm nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị tới văn hoá xã hội.

 

Bắt chị sui đẩy lùi lên ván gõ

Bắt anh sui nằm kế chị sui

Tình thông gia ai nói thây kệ cha

Miễn chị không la là tui bụp chị liền.

(Tiếng chày trên sóc Bombo - Xuân Hồng)

 

Nhạc chính quy không ca tụng chế độ thì cũng không đả động gì tới đạo đức xã hội như nhạc chế, không phản ánh được thực trạng xã hội trước lịch sử. Nghe thử

 

Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước

Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước …

 

Có thật không ? Hay sau khi mị dân thì bần cùng hoá nhân dân để hình thành giai cấp tư bản đỏ. Mặc người dân ước mơ miếng ăn còn không có.

 

Hủ tiếu bò kho - Bánh bao phở tái cháo huyết

- Một diã bánh cuốn - Có thêm một chén nước mắm.

Ôi tôm rang, tép chiên

- Lòng mề xào - cháo gà

- Cơm tấm ăn no hơn bún bì.

 

Thật là không thể nào viết hết về nhạc chế bởi nó xuất phát từ đáy lòng người bình dân - những ước mơ nguyện vọng của tầng lớp mà thể chế chính trị nào cũng đè đầu cưỡi cổ họ. Nhạc chính quy tô hồng cuộc sống bao nhiêu thì nhạc chế phản ảnh mặt trái, thực của cuộc sống, tâm tư con người. Phản ảnh tiêu cực xã hội và ước mơ vươn lên chân chất như tâm hồn họ (người bình dân) vậy ! Ở tầng lớp trí thức cũng có hiện tượng nhạc chế chứ không phải không có, nhưng ít hơn nên không đề cập. Vài thí dụ đọc chơi.

 

“Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em ?- Từ Công Phụng” Nếu (đã) có người sửa thành “Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em ?” Nghe “hậu quả” dễ sợ ! Hay, “Người tình trăm năm - Đức Huy” mà sửa thành “Người tình năm trăm” thì từ lãng mạn được chuyển sang “dịch vụ” tức thời. Một lần tôi nghe mấy ông thầy giáo ngồi uống bia, họ đố nhau hát “Bàn tay năm ngón cưa hai còn ba. Bàn tay bên trái cưa ba còn hai.” Ai hát được ba lần mà không líu lưỡi - lộn tùng phèo thì thắng. Nhưng khi tôi thử “dzô” vài ve như họ thì quả tình không dễ. Chỉ nhớ là “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa …” Khi các thầy tỉnh táo mà thôi ! Nhu cầu chế biến âm nhạc cũng chẳng phân biệt giai tầng nào trong xã hội. Có lẽ đậm đà nhất là một ca khúc của Trịnh Công Sơn - Mỗi ngày tôi chọn một niền vui.

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Chọn những bông hoa và những nụ cười

Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy

Để mắt em cười tựa lá bay

 

Và như thế tôi sống vui từng ngày

Và như thế tôi đến trong cuộc đời

Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi.

 

Nhưng sau lưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì giới trí thức nghĩ gì ?

 

Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi

Từ sáng tinh mơ cho tới chiều mờ

Tôi nhậu với ai ? Làm sao nhớ

Nhậu đến bao giờ mệt mới thôi

 

Và như thế tôi cứ say từng ngày,

Và như thế tôi cứ say dài dài

Đến khi lìa đời người còn thấy tôi say

……

Mỗi ngày tôi chọn một người yêu

Mười mấy năm qua - ít cũng thành nhiều

Tôi chọn tóc dài, chọn luôn tóc ngắn

Chọn đến bao giờ liệt mới thôi

 

Và như thế tôi cứ yêu từng ngày

Và như thế tôi cứ yêu dài dài

Đến khi lìa đời người còn thấy tôi yêu.

 

Và như thế ! Tôi cứ yêu đời này. Không có người đáng ghét. Ngoài những người đáng yêu là những người đáng thương.

 

Cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ với tôi một trưa hè.

 

 

Dallas. Tháng sáu 2008

Phan

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

website counter