Con cái chúng ta giỏi
thật
(T.Vấn)
1.
“Không có gì là không thể
làm được (Impossible
is nothing) đối với
học sinh đỗ Thủ khoa của trường trung học
East High !”. Đó là đầu đề một
bài báo đăng trên trang chính mục
tin tức địa phương của tờ báo lớn
nhất thành phố, nói về một cô
gái Việt Nam nhỏ nhắn (nhưng xinh đẹp,
như bất cứ cô gái Việt nam nào), di
dân đến Mỹ chưa đầy 4 năm,
lúc cô vừa mới bắt đầu vào học
lớp 9 của ngôi trường có lịch sử
lâu đời từ hồi đầu thế kỷ
20. Lúc ấy, vốn liếng Anh ngữ của cô
chỉ gói gọn trong vài ba câu chào hỏi
thông thường. Vì thế, ngoài những giờ
theo học chính thức ở trường, cô học
trò 14 tuổi còn phải tham dự những lớp
Anh ngữ dành cho người không sử dụng
tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ . Lớp
học này có 5 trình độ từ thấp
đến cao. Cô khởi đầu ở trình
độ thấp nhất. Niên học kế tiếp,
cô lên lớp 10. Đồng thời, cô
gái cũng đã hoàn tất xuất sắc
5 lớp học riêng về Anh ngữ mà cô coi
đó như là bệ phóng giúp cô
vươn cao trong những nỗ lực học tập.
Nói cách khác, chỉ chưa tới một
năm sau khi đến Mỹ, từ một học sinh mới
chỉ bắt đầu làm quen với Anh ngữ,
cô gái Việt Nam nhỏ nhắn đã
được chấp nhận vào ngồi trong lớp
10 chính quy như bất cứ một học sinh
nào sinh trưởng ở Mỹ. Lên lớp 11,
cô gái chọn học thêm những lớp cao
hơn về Toán và Khoa học để có
thể hoàn tất sớm sủa chương
trình học khá hóc búa của những
năm cuối cùng bậc trung học. Ở tất cả
các lớp, cô đều đạt điểm
cao nhất. Hồi đầu năm nay, cô được
chọn tham dự cuộc thi cao nhất về khoa học
cấp Tiểu bang có tên Science Olympiad. Ở cả
ba bộ môn thi khác nhau, cô gái Việt Nam
đều đạt giải nhất. Và bây giờ,
ngày tốt nghiệp Trung học của cô
đã đến. Vào lúc tôi ngồi viết
những dòng này, cô gái Việt nam ấy
đang bước lên bục danh dự để nhận
bằng tốt nghiệp với thứ hạng cao nhất
trường: Thủ Khoa (valedictorian) và đồng thời
cũng để đại diện học sinh toàn
trường đọc diễn văn (dĩ nhiên, bằng
tiếng Anh) trước hàng ngàn quan khách, phụ
huynh học sinh hiện diện. Kèm thêm với
danh dự mà học sinh nào cũng mơ ước
ấy, cô còn nhận thêm giải thưởng
đặc biệt về thành tích học tập
xuất sắc.
Trong thời gian ngắn ngủi chưa tới 4
năm, cô đã đi những bước
dài hơn sức tưởng tượng của con
ngườị Thầy cô giáo của cô
gái gọi cô là một “hiện tượng”
(phenomenal). Có người thú nhận rằng,
trong suốt cuộc đời dạy học của
mình, đây là lần đầu tiên họ
tiếp xúc với một “hiện tượng“
bằng xương bằng thịt. Bạn học
cùng lớp của cô gái công nhận
cô “thông minh tuyệt đỉnh“
(super-smart).
Cô gái 18 tuổi ấy tên Nguyễn Ngọc
Trang, cha mất từ khi
còn ở Việt nam vì một tai nạn nghề
nghiệp, hiện sống với mẹ ở thành phố
Wichita, Kansas. Nguyễn Ngọc Trang sẽ theo học
ngành Sinh Hóa học (Biochemistry) ở Creighton University,
tiểu bang Nebraska
với hai học bổng toàn phần từ Gates
Millennium (*) và Dell Scholarships. Cô mơ ước
được mặc chiếc áo choàang trắng
của người bác sĩ. Không một ai biết
đến cô gái mà không tin tưởng rằng
sau 4 năm đại học, Nguyễn Ngọc Trang sẽ
vững chãi bước vào ngưỡng cửa
trường Y khoa để hoàn thành ước
vọng của mình.
2.
Sau 33 năm cộng đồng người Việt
định cư trên đất Mỹ (cũng như
những mảnh đất ngoài quê hương
khác trên toàn thế giới), người bản
xứ đã không còn ngạc nhiên lắm
trước sự thành đạt đáng ghi nhận
của tầng lớp di dân này, nhất là
trên phương diện học vấn của con em của
họ. Từ nhiều năm nay, các công trình
khảo cứu của giới chuyên môn đã
chỉ ra những nguyên nhân chính đưa
đến sự thành đạt này, trong
đó yếu tố
gia đình luôn
đứng đằng sau lưng con em mình, hỗ trợ
toàn diện từ tinh thần đến vật chất,
được coi là nổi bật nhất. Năm
ngoái, nhân mùa tốt nghiệp, cũng
trên trang viết của tạp chí Ca Dao, tôi
đã nhắc đến:
" ... Đằng sau mọi thành công,
luôn luôn có sự hiện diện của những
nỗ lực và hy sinh. Với sự thành
công của thế hệ người Việt trẻ
tuổi trong lãnh vực học vấn, ngoài nỗ
lực của chính bản thân, còn có phần
đóng góp thậm chí lớn hơn, của
gia đình. Sự đóng góp ấy, đi từ
cái cụ thể là vật chất, đến
cái trừu tượng là tình thương,
truyền thống và cao hơn hết, là sự
hy sinh của gia đình về mọi phương diện
cho tương lai của con cái. Cô gái Nguyễn
Tống Mỹ Linh đã thú nhận rằng,
chính sự hy sinh của bố mẹ cô, của
gia đình đã giúp cô đạt
được những danh dự cao nhất như cô
mong ước. Anh chàng Việt nam nhỏ thó David
Bành cũng cho rằng học giỏi là một
cách đền đáp lại những công
ơn hy sinh của cha mẹ anh. Cô gái Mimi Nguyễn,
tốt nghiệp thủ khoa một trường trung học
ở thành phố Hucher, tiểu bang Mississippi
đã khẳng định rằng chính đức
tính khiêm nhường, lòng kiên nhẫn
và quyết tâm mà mẹ cô đã dạy
dỗ cô từ khi còn bé thơ đã
góp phần chính yếu trong sự thành
công của mình ngày hôm nay. Nguyễn Mai
Phương, người tốt nghiệp thủ khoa một
trường trung học lớn nhất thành phố
Oklahoma, tiểu bang Oklahoma thì trân trọng nhắc
đến những sự chăm sóc nhỏ nhất của
người mẹ không hề biết lái xe,
không có khả năng điền một tờ
đơn xin việc bằng tiếng Anh, trong bài diễn
văn của sinh viên thủ khoa (Valedictorian) đọc
trước hàng ngàn người Mỹ đến
tham dự lễ tốt nghiệp của con em họ.
Vì, theo cô gái Mai Phương, không có
những chăm sóc nhỏ nhặt nhất của
người mẹ Việt nam, thì chắc hẳn
cô không có vinh dự đứng ở vị
trí danh dự nhất trong ngày lễ ra trường
trung học. Tất cả cử tọa đã đồng
lọat đứng dậy vỗ tay, có người
đã khóc, vì những lời chân
tình từ cửa miệng cô gái Việt Nam xinh đẹp
và giỏi giang.
Như thế, gia đình Việt Nam là chỗ
dựa không thể thiếu, là cái bệ
phóng để những người trẻ bay
lên, chứng tỏ chính mình, đóng
góp cho xã hội và làm rạng danh
nòi giống (Việt)..." (T.Vấn – Nhân mùa tốt
nghiệp).
Dù vậy, một yếu tố khác,
không kém phần quan trọng, là ở nghị
lực vượt khó, quyết tâm vươn cao ở
chính những người trẻ mà hoàn cảnh
lịch sử đã đặt họ ở vào một
vị trí mà ngay cả cha mẹ của họ
trước đây không dám mơ ước tới.
Đó là được sinh sống và học
tập giữa một môi trường thuận tiện
và ở một số phương diện, là
môi trường giáo dục hoàn hảo nhất
thế giới. Và họ đã không phụ
lòng mong mỏi của cha anh.
Cô gái Nguyễn Ngọc Trang, khi được
hỏi "làm thế nào mà cô
đã đi được một đọan
đường vừa gian nan, vừa vinh quang từ một
người không biết rành về Anh ngữ
đến danh vị Thủ khoa một trường trung học
lớn nhất thành phố chỉ trong vòng 4
năm", đã khiêm tốn trả lời:
"Tôi là một người chậm hiểu,
nên tôi phải hết sức siêng năng học
hành." Sự khiêm tốn còn cho thấy nghị
lực phi thường nơi cô học trò nhỏ
nhắn khi ấy mới 14 tuổi. Hầu như phần
lớn những người di dân Việt Nam
đều có thể hình dung ra những khó
khăn mà cô gái Nguyễn Ngọc Trang
đã gặp phải. Để học một
ngôn ngữ, không thể một sớm một chiều,
nhất là thứ ngôn ngữ chính quy nơi
trường lớp. Nguyễn ngọc Trang kể lại,
cô kiên nhẫn tập nghe radio, xem những
chương trình truyền hình cho trẻ con,
đọc những quyển sách vỡ lòng của
học sinh lên 4, lên 5 tuổi, rồi sau
đó bập bẹ bắt chước cách
phát âm từng vần, từng chữ, rồi
ráp vần, ráp chữ thành câu, thành
cú. Và, còn biết bao thì giờ rảnh
rỗi, thay vì vui chơi, cô đã dành
cho việc đọc sách với người bạn
đường là quyển tự điển dầy
cộm. Kiên trì, thận trọng, học hỏi
đến nơi đến chốn, đó là những
đức tính mà người thầy thân cận
nhất với cô gái ở trường East High nhận
xét về cô.
Tôi lại không thể không nhắc đến
một hiện tượng "sống" khác, cũng
ở một cô gái Việt Nam, thậm chí
còn nhỏ nhắn hơn bất cứ một cô
gái nhỏ nhắn nào. Tôi đã đứng
thích thú nhìn cô, vóc dáng nhỏ
bé chìm nghỉm giữa rừng sinh viên trong
ngày lễ tốt nghiệp ở một trường
đại học công giáo uy tín của
thành phố. Người ta chỉ chú ý
đến cô vì trên bộ áo tốt nghiệp
là sợi dây vàng chói lọi chỉ dấu
của thứ hạng mà cô tốt nghiệp.
Nhìn vào danh sách ở hàng đầu,
cô gái Việt nam Nguyễn Hòa Dung là người duy nhất tốt
nghiệp hai bằng đại học với danh hiệu
tối danh dự: Summa Cum Laude. Cũng như Nguyễn ngọc
Trang, Nguyễn Hòa Dung bước vào trường
học nước Mỹ với vốn liếng thật
nhỏ nhoi về Anh ngữ, nhưng ý chí và
nghị lực thì lớn hơn rất nhiều so với
số tuổi và vóc dáng của mình.
Định cư muộn màng nơi xứ người,
cha mẹ cô phải bận rộn cả ngày với
cuộc mưu sinh và bầy con 6 đứa. Bằng
chính sức lực của mình, Nguyễn Hòa
Dung đã đi xong đoạn đường thật
gian nan mà bố mẹ của cô không hề
dám mơ tưởng có một ngày nhìn
thấy con mình nụ cười rực rỡ bước
những bước tự tin lên bục nhận bằng
tốt nghiệp, một tấm bằng có giá trị
lớn hơn rất nhiều những người bạn
đồng trang lứa, vì cô đã phải
đổ vào đó toàn bộ nghị lực
từ tấm thân xác vừa nhỏ nhắn, vừa
không khả quan lắm về sức khỏe . Nắm
bàn tay rụt rè, e lệ của cô gái
để chúc mừng, nhìn đôi mắt hồn
nhiên nhưng đầy tự tin, tôi biết rằng
chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nữa,
tôi sẽ lại thấy cô rực rỡ trong bộ
áo tốt nghiệp bác sĩ y khoa từ một
trường đại học nổi tiếng miền
Trung Tây.
3.
Sự thành đạt trong lãnh vực học
vấn của thế hệ con cháu người Việt
hải ngoại, đồng thời cũng tạo cho họ
một tư thế hết sức thuận lợi để
họ bước vào những lãnh vực
khác trong sinh họat dòng chính ở những
xứ sở họ định cư. Qua trường học,
qua những đoàn thể, tổ chức xã hội,
chính trị, văn hóa, họ ý thức
được mục tiêu cuối cùng của những
nỗ lực học vấn không phải chỉ
là một công việc làm với thu nhập
cao cho bản thân và gia đình. Đó
có thể là mục tiêu ngắn hạn của
những bậc làm cha mẹ nhắm tới khi họ
hết sức lo cho việc học hành của con
cái mình. Nhưng với chính bản thân
những người trẻ, đó có thể
không phải là động cơ đã
thúc đẩy họ nỗ lực hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ nơi trường lớp
.
Tuổi trẻ nào cũng có những
lý tưởng cao đẹp để họ hướng
tới. Như cô gái Nguyễn Ngọc Trang, cố
gắng học hành để trở thành
bác sĩ, mong một ngày tìm ra được
phương cách chữa trị chứng bệng
máu loãng mà một người bạn
thân của cô ở Việt Nam mắc phải,
nhưng nhà nghèo không có tiền chạy
chữa. Như câu chuyện khó tin mà có
thật về một cô gái Việt Nam khác
tên Nguyễn Yến Vi mới 14 tuổi, vừa
hoàn tất xong chương trình trung học cấp
I (Middle School) đã được nhận thẳng
vào trường đại học Mary Baldwin, một
trường đại học tiếng tăm ở tiểu
bang Virginia. Cô gái 14 tuổi này sẽ
không phải trải qua 4 năm trung học cấp 2
như những học sinh thông thường, vì sức
học và sự thông minh xuất chúng của
cô khiến nhà trường tin rằng cô
đủ sức để hoàn tất 4 năm đại
học và sẽ bước vào trường y
khoa năm 2012 . Như vậy, cô sẽ trở
thành bác sĩ năm cô chỉ 21 tuổi. Số
tuổi quá trẻ để có thể mang
trên vai một chức nghiệp cao quý như vậy.
Lý do chính khiến cô gái Nguyễn Yến
Vi cố gắng đốt giai đoạn trên
đường học vấn của mình vì
cô nghĩ đến những người thân
yêu của cô, những con người chung quanh
mà cô quen biết, đang mang nhiều chứng bệnh
hiểm nghèo khiến họ không thể hưởng
được niềm vui cuộc sống, nên cô
muốn được sớm có khả năng
giúp đỡ những con người bất hạnh
ấy. Điều ngạc nhiên thích thú
là cô bé Yến Vi đã bước đầu
hoàn thành được mơ ước của
mình khi bé mới chưa đầy 14 tuổi.
Xa hơn nữa, nhiều người trẻ hôm
nay, tuy vẫn còn là học sinh cấp trung học,
đã có những suy nghĩ và họat động
liên quan tới những người thiếu thốn
những nhu yếu tối cần nhất, những người
bị áp bức, bị giết hại một
cách oan ức ở bất cứ phần đất
nào của thế giới, và tuổi trẻ sẽ
không giữ thái độ bàng quang, "mackeno" (mặc kệ nó, một từ chỉ sự vô cảm
trước những nỗi đau của đồng
bào, đồng loại, phát sinh từ trong nước
những năm 90).
Thật là thú vị, khi tôi đọc
được bài báo phỏng vấn một
cô gái Việt Nam ở địa phương về
những nỗ lực mà cô và các bạn
cùng trường tìm cách lôi kéo sự
chú ý của công luận trước
hành vi giết hại hàng trăm ngàn người
dân của nhà cầm quyền Sudan, một quốc
gia chậm tiến ở Phi Châu, vốn được
cả thế giới biết đến và lên
án. Sự kiện này được báo
chí thế giới gọi là Darfur Genocide (cuộc
diệt chủng ở Darfur). Darfur là một địa
danh ở miền nam Sudan, nơi một trận nội chiến
xảy ra năm 2003, trong đó, giới cầm quyền
đã giết hại gần 400 ngàn người
dân vô tội, khiến 2 triệu rưỡi
người phải sống lang thang trong các trại tạm
cư, chỉ vì chủ trương kỳ thị chủng
tộc của chính quyền và sự ủng hộ
của người dân Darfur dành cho phe nổi dậy
đòi hỏi chính quyền phải có những
biện pháp nâng cao mức sống người
dân.
Những tội ác lớn với
nhân loại như thế, cần phải cho mọi
người biết đến. Người ta chỉ
lãnh đạm, thờ ơ vì người ta
không hề biết được rằng những
hành vi ấy đã xảy ra. Một khi công
luận đã được đánh động,
ắt hẳn họ sẽ có thái độ.
Đó là lập luận của Trần Kim Thi, cô gái Việt Nam 17 tuổi, giải
thích về những việc làm của mình
và bạn hữu, từ viết báo kêu gọi,
đến tổ chức những buổi thuyết
trình với diễn gỉa là chính những
người sống sót đến từ Darfur, đến
tổ chức thành một nhóm hành động
có mục tiêu, có chương trình
hành động cụ thể. Họ đi đến
cả quốc hội tiểu bang để điều trần,
vận động. Họ còn lôi kéo
được sự hỗ trợ đặc biệt của
viên Thượng nghị sĩ đại diện tiểu
bang và các cơ quan truyền thông địa
phương. Kết quả, quốc hội tiểu bang
đã thông qua một quyết nghị yêu cầu
cơ quan quản trị quỹ hưu bổng tiểu bang
phải phân tán số tiền đầu tư 38
triệu vào các công ty có quan hệ
làm ăn với chính quyền Sudan. Vì, theo lời
nhóm hành động của Trần Kim Thi
"Áp lực chính trị, biện pháp ngoại
giao với nhà cầm quyền Sudan
cần phải đi song hành với những chế
tài về kinh tế thì mới mong có những
thay đổi tốt đẹp ở Sudan". Ở một
cô gái Việt nam 17 tuổi, mối quan tâm
khá đặc biệt về một sự kiện
chính trị của cô hứa hẹn nhiều bất
ngờ về những họat động xã hội
khác trong tương lai, nhất là trong mối
quan hệ khá tế nhị giữa người Việt
hải ngoại và chính quyền trong nước.
Được biết, Trần Kim Thi tốt nghiệp
trong số 5% đầu bảng của chương
trình International Baccalaureate** ở trường
East High và được cấp học bổng
toàn phần để theo học về Thương mại
và Bang giao quốc tế tại trường đại
học Richmond, tiểu bang Virginia .
Sự trưởng thành đáng khích lệ
trong những hoạt động xã hội (và
chính trị) cho thấy một khía cạnh
khác trong những khả năng tiềm ẩn của
con cháu người Việt hải ngoại. Ngoài
việc chăm chỉ học hành, họ không thờ
ơ với những sinh họat cộng đồng hoặc
các sinh họat đa dạng khác tại địa
phương. Nguyễn Ngọc Trang, ngoài công việc
tự nguyện làm thông dịch trong các buổi
họp giữa nhà trường và phụ huynh,
còn đảm nhận việc dạy tiếng Việt
cho học sinh Việt nam vào mùa hè, hoặc
cuối tuần đến các trung tâm dưỡng
lão đọc sách cho các cụ nghe,
đưa các cụ đi dạo. Nguyễn Hòa
Dung, thường xuyên có mặt trong các buổi
gây quỹ, cứu trợ Thương phế Binh,
người nghèo khó tật nguyền. Trần Kim
Thi, ngay từ khi còn học tiểu học đã
thường theo bố (vốn là một nhạc sĩ)
ca hát giúp vui trong những dịp lễ lạc của
cộng đồng người Việt địa
phương.
Rồi đây, những người trẻ giỏi
giang ấy chắc hẳn sẽ tìm được
con đường đúng đắn nhất của
thế hệ mình để đem tài năng, nhiệt
huyết phục vụ cho hơn 80 triệu đồng
bào còn đang sống trong nghèo khổ,
áp bức ở quê nhà. Tôi tin rằng, mục
tiêu ấy đã nằm sẵn trong danh sách
những việc phải làm của họ. Vấn
đề chỉ còn là thời gian, và một
số điều kiện về sự cải tiến
chính trị ở trong nước.
4.
Mỗi năm, cứ đến mùa tốt nghiệp,
là tôi lại nôn nao đi dò từng
cái họ Việt Nam ở bất cứ một danh
sách tốt nghiệp nào mà tôi có
cơ may bắt gặp. Thường thì tôi cứ
nhìn vào những chỗ trang trọng trên danh
sách ấy trước. Và hầu như chưa
bao giờ tôi thất vọng. Năm
nào tôi cũng được hưởng cái
hạnh phúc lớn lao suy nghĩ về những
thành đạt đáng nể của bao người
trẻ Việt Nam
nơi xứ sở họ định cư. Cứ
mỗi lần như thế, bất giác tôi lại
nhớ đến nhan đề một tác phẩm của
nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin: Con cái
chúng ta giỏi thật !
T.Vấn
(Mùa Tốt Nghiệp 2008)
--------------------------------------------------------------------------------
* Tên gọi đầy đủ là Gates
Millennium Scholars Program (GMSP). Học bổng GMSP hàng
năm nhận được khoảng trên dưới
13, 000 lá đơn dự tuyển từ khắp
các trường trung học trên nước Mỹ.
Nhưng chỉ có 1000 ứng viên được
chọn nhận học bổng. GMSP là một học
bổng lớn, chu cấp trọn vẹn chi phí cho
các học sinh xuất sắc. Các em được
tuyển chọn có thể học suốt lên tới
bậc cao nhất về các ngành giáo dục,
kỹ sư, toán học, thư viện, điện
toán, y khoa … Những em học sinh được
phát học bổng này có thể vào học
bất cứ một đại học danh tiếng
nào của Hoa Kỳ, tuỳ theo lãnh vực
chuyên môn mà các em chọn. (Theo http://www.vietkids4vietkids.com).
Được biết, ngoài Nguyễn Ngọc
Trang ở Wichita, Kansas, còn có hai học sinh người
Việt khác là Michelle Nguyễn và Huỳnh
Khải-Hoàn ở Westminster, California cũng nhận
được Học bổng Gates Millennium năm học
2008. Có lẽ còn nhiều những học sinh Việt
nam khác nữa nhận được học bổng
này. Người viết mong được quý bạn
đọc bổ túc.
** International Baccalaureate Program, gọi tắt
là chương trình Trung học I.B., là một
chương trình đòi hỏi học sinh ở
một mức độ cao hơn mức độ trung học
thông thường về tất cả những môn
học. Để được thu nhận vào I.B., học
sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển khó
khăn. Trong thời gian 4 năm trung học, học sinh
I.B. phải duy trì mức học trên trung
bình, nếu không, sẽ bị đưa trở về
học bên trình độ thông thường.
Khi tốt nghiệp từ chương trình I.B, , học
sinh thường dễ dàng được thâu nhận
vào các đại học danh tiếng trên
toàn nước Mỹ.
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)