Thế Vận Bắc Kinh
2008 :
biểu tượng của
sự hào nhoáng đắt tiền
(T.Vấn)
1.
Ngọn lửa Thế Vận Hội
Mùa Hè lần thứ 29 tổ chức tại Bắc
Kinh đã tắt. Trước đó, buổi lễ bế mạc
đã diễn ra với phong cách "rực rỡ,
hoành tráng, vĩ đại", không thua
gì buổi lễ khai mạc. Ngày 08-08-2008,
tôi đang xếp hàng để mua ly cà
phê sữa đá với giá quảng cáo
chỉ có 89 cents tại một tiệm cà phê
bánh mì nổi tiếng khu vực Little Sài
Gòn, Nam Cali nhân ngày 08-08-08, những con số
Tám tượng trưng cho sự may mắn mà
người Tàu thường hay nói đến.
Hôm sau, trở về lại Wichita, tôi đã
được xem lại buổi lễ khai mạc Thế
Vận diễn ra tại Sân vận động Quốc
Gia "Tổ Chim" (Bird’s Nest) Bắc kinh lúc 8
giờ 8 phút ngày mùng 8 tháng 8 năm hai
ngàn lẻ tám. Mặc cho người bình luận
không ngớt lời nói về tính cách
"Chinese" trong màu sắc buổi lễ và
tài năng hơn người của viên tổng
đạo diễn chương trình (ông
Trương Nghệ Mưu, đạo diễn điện
ảnh lừng danh người Tàu, được cả
thế giới biết đến với những cuốn
phim nổi tiếng như : Anh Hùng, Treo cao đèn
lồng đỏ, Thu Cúc đi kiện v…v), cũng
như những bài báo rất hào phóng
nói về nước chủ nhà Trung quốc
tôi đọc được trên những Websites ở
trong nước (Việt Nam), cảm tưởng của
tôi là sự ngộp thở. Cái ấn tượng
"hoành tráng" mà tôi có
được khi xem lại băng phát hình buổi
lễ khai mạc y hệt như 16 ngày sau ngồi xem
buổi lễ bế mạc Thế Vận lần thứ 29 : Người đâu mà lắm thế.
Chỉ thấy người và người chen chúc nhau một chỗ đứng, một
chỗ thở, một chỗ để cho cả thế
giới nhìn thấy trên sàn diễn. Đó là đặc tính Chinese nổi
bật nhất mà tôi chưa có dịp nghe
nhà bình luận quốc tế nào đề
cập tới. Trong quá khứ, nước
Tàu đã từng chứng tỏ cho cả thế
giới biết đến dân số trên 1 tỉ
người của mình (dân số người
Tàu chiếm 1 phần 5 tổng dân số thế
giới) bằng "chiến
thuật biển người" trong cuộc chiến tranh phân đôi Bắc
Hàn, Nam Hàn 1950-1953, hay vào những năm cuối
thế kỷ 20 đã dùng chủ trương "kinh tế biển người" để thu hút hầu như tất
cả những nhà đầu tư gộc thế giới
vào thị trường thật to lớn, mênh
mông đang chờ được khai thác. Made in China
là một từ thông dụng vào bậc nhất
hiện nay, không chỉ trong kho ngữ vựng tiếng
Anh, mà còn cả trong nhiều ngôn ngữ
khác trên thế giới. Sau Thế vận
Mùa Hè lần thứ 29, một lần nữa,
theo nhiều giới quan sát Tây phương, Trung
quốc đã thành công trong việc tạo
nên một hình ảnh nước Tàu mà
họ muốn thế giới phải thấy khi nhìn
về đất nước của họ. Đó
là một siêu cường duy nhất trên thế
giới kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự
toàn trị về thể chế chính trị cộng
với một hình thức mới về kinh tế thị
trường, đã thành công trong việc
đưa Trung quốc chiếm một trong những vị
trí hàng đầu của quyền lực thế
giới.
Có lẽ, tôi có thể viết mà
không sợ mình cường điệu là sau
Thế Vận Mùa Hè thứ 29, người ta
có thể nói về một thứ nghệ thuật
trình diễn "biển người", thứ
văn hóa đặc trưng của người
Chinese trong suốt 5 ngàn năm lập quốc của
họ, mà cao điểm "biển người"
của nền văn hóa ấy được
viên đạo diễn Trương Nghệ Mưu
đẩy lên đến chỗ cao nhất qua hai buổi
lễ Khai mạc và Bế mạc Thế vận vừa
qua.
Mặc cho ý đồ ban đầu của
chính ông Trương nghệ Mưu cho biết sau
sự "thành công" của buổi lễ khai
mạc là : nhấn mạnh vào nghệ thuật
truyền thống và văn hoá lâu đời
của Trung Quốc và không thiếu sự kết
hợp với những yếu tố của thời
kì phát triển, hiện đại. Thế giới muốn chứng kiến những
yếu tố đặc trưng của Trung Quốc.
Vì vậy, chúng tôi tập trung vào những
điểm điển hình và độc
đáo của Trung Quốc như những phát
minh, nghệ thuật viết chữ của người
Trung Quốc, nghệ thuật võ nghệ truyền thống
Taiji và nhiều điều khác nữa"
(Trương nghệ Mưu trả lời trong cuộc họp
báo ngày 9-8-2008 tại Bắc kinh), ấn tượng
mà ông ta gây nên ở tôi, một
người Việt Nam vốn không bao giờ quên
anh khổng lồ phương Bắc đã từng
đô hộ đất nước mình 1 ngàn
năm, vẫn không thể nào khác hơn
là : Ngộp thở. Đó là chưa kể đến
sự có mặt của những người lính
mặc quân phục với tư cách là những
thành viên chính thức xuất hiện
trên diễn đài (nghi lễ chào cờ, nghi
lễ cuốn cờ Olympic, nghi lễ đốt đuốc),
một hình ảnh chưa từng thấy xuất hiện
trong bất cứ Thế Vận Hội nào trong lịch
sử 29 lần tổ chức. Có lẽ hình ảnh
những anh Hồng quân của Thế vận hội lần
thứ 29 là hình ảnh làm tôi mất
"khẩu vị" nhất.
Công bằng mà nói, nếu người
Việt nam chúng ta không ở sát nách anh
Tàu khổng lồ, không từng biết đến
kinh nghiệm đau thương 1 ngàn năm Bắc
thuộc, không từng nếm mùi Cộng sản
mà những học trò xuất sắc của họ
đã gieo rắc ở Việt nam hơn 50 năm nay,
không từng biết đến khả năng làm
hàng giả hàng nhái siêu quần bạt tụy
của các vị con trời, không từng biết
đến bản chất ngụy quân tử của những
người cư ngụ ở Trung Nam Hải, thì hẳn
tôi cũng dễ dàng bị cái hào
nhoáng của buổi lễ khai mạc (và cả
buổi lễ Bế mạc) làm cho tối mắt tối
mũi. Để kết thúc chương trình 16
ngày độc quyền phát hình Thế vận
Hội 29 tại Bắc kinh trị giá 894 triệu Mỹ
kim, viên ký giả thể thao kỳ cựu của
đài truyền hình NBC Bob Costa đã thốt
lên : Đây là một Thế Vận Hội
đáng nhớ nhất từ trước tới nay.
Còn viên chủ tịch Olympic Thế giới Jacques
Rogge thì dõng dạc tuyên bố trước
đám đông 91 ngàn người tụ tập
trong sân vận động quốc gia Bắc kinh
và trước khán giả truyền hình
toàn cầu rằng : Tối nay,
chúng ta chứng kiến ngày cuối cùng trong
16 ngày huy hoàng rực rỡ mà chúng ta sẽ
mãi mãi ấp ủ trong lòng.
45 tỉ Mỹ Kim đã đổ ra cho Thế Vận
hội Bắc kinh lần thứ 29. Riêng chi phí buổi
lễ Khai mạc là 300 triệu. Một con số
vô địch. Tương tự như con số
vô địch thế giới về việc giam giữ
các ký giả : 29 người (Cuba đứng
hàng thứ nhì, huy chương Bạc với 23
ký giả hiện đang ăn cơm tù, hạng
3 huy chương Đồng hiện chưa ngã ngũ
giữa Việt Nam và Bắc Hàn).
Đó là sự hào phóng hiếm thấy
nơi một đất nước mà lợi tức
trung bình một đầu người chưa tới
2,200 Mỹ kim năm 2007.
2.
Khi buổi lễ Bế mạc Thế Vận chấm
dứt giữa những tiếng vỗ tay vang trời,
và khi màn trình diễn thể thao đầu
tiên bắt đầu, tôi biết rằng tất
cả những lời phê bình, chỉ trích
nước chủ nhà về các vấn đề
nhân quyền, vấn đề dân chủ sẽ phải
tạm nhường chỗ cho âm thanh vang dội của
những lời reo hò cổ vũ các vận
động viên đang ra sức tranh tài. Nói
cách khác, khi trái bóng đã lăn trên sân cỏ, tất cả mọi
chuyện khác đều trở thành thứ yếu.
Kể cả những bóng ma Thiên An Môn năm
1989, những nhà sư Tây Tạng xuống
đường đòi tự trị, những tai tiếng
nổ ra khắp nơi trên thế giới từ thời
gian rước đuốc Oplympic đem lửa thế vận
từ Athens về Bắc kinh. Tất cả
những đám mây đen ấy đã phải
nhường chỗ cho bầu trời mùa hè trong
vắt của thành phố chủ nhà.
Hơn ai hết, những người
lãnh đạo Trung quốc biết rất rõ
điều đó.
Để tô điểm cho bộ mặt
nước chủ nhà trong thời gian tranh tài Thế
Vận, họ đã thiết lập 3 khu vực
dành cho những người biểu tình. Ai cũng có quyền
biểu tình, miễn là phải nộp đơn
xin phép và chỉ được phép biểu
tình sau khi đơn xin biểu tình đã
được chấp thuận.
Ký giả Nicholas Kristof của tờ báo Mỹ
New York Times đã thử nộp đơn xin biểu
tình tại văn phòng sở An
ninh công cộng Bắc kinh. Các
viên chức ở đây đã yêu cầu
ông phải xuất trình đủ thứ giấy
tờ cá nhân. Khi nhìn thấy
tấm thẻ nhà báo, họ đề nghị
ông hãy làm một cuộc phỏng vấn thay
vì biểu tình. Nhưng ông
ký giả cương quyết xin được cấp
giấy phép để biểu tình. Các
viên chức thẩm quyền bèn hạch hỏi
ông ta đủ điều từ lý do tại sao
lại chống đối chính phủ, ai sẽ
cùng với ông ta tham dự biểu tình. Sau
hơn 1 tiếng đồng hồ căn vặn, ký
giả Nicholas được mời vào một
phòng hội thật lớn, được mời ngồi
xuống chiếc ghế có gắn bảng Applicant
và lắng nghe một viên chức khác giảng
giải về các luật lệ phải tuân theo
khi biểu tình. Xong phần luật lệ,
ông ký giả được yêu cầu viết
tên tuổi tất cả những người sẽ
tham dự biểu tình vào một danh sách,
và những người này sẽ lần lượt
được Sở Anh ninh gọi đến phỏng vấn.
Khi ông ký giả người Mỹ hỏi rằng,
nếu sau khi những thủ tục ấy được
thỏa mãn thì ông ta có được chấp
thuận cho biểu tình không. Câu
trả lời từ cửa miệng giới chức thẩm
quyền là ông ta không thể quả quyết
được điều gì. Ông
ký giả báo New York Times đành chịu thua
và ra về. Sau đó, viên ký giả
mới biết rằng trước ông ta, hàng chục người
đến nộp đơn xin biểu tình
đã bị bắt về tội dám nộp
đơn xin biểu tình.
Có lẽ viên ký giả đến từ
nước Mỹ, nơi tọa lạc của vị nữ
thần Tự Do, sẽ còn kinh ngạc hơn nữa,
nếu lúc ấy ông ta biết rằng có 2 phụ
nữ Trung quốc, một người 77 tuổi và
người kia 79 tuổi đã bị tuyên
án 1 năm lao động học tập cải tạo
(re-education through labor) về tội nộp đơn xin biểu
tình. Hai bà già bệnh tật, một người
thì bị mù, khi đi phải chống gậy,
người kia bám vào người
này để ngày ngày rảo khắp
đường phố Bắc kinh bán cà rem
cây. Năm 2001, dự án phát triển cho Thế
Vận hội 2008 đã tống cổ (kicked out) hai
bà già ra khỏi nhà của họ để
lấy đất dành cho việc xây cất cơ
sở Thế Vận. Già rồi nên không sợ
chết, hai bà đã khiếu nại đến tất
cả chính quyền các cấp, kể cả biểu
tình ở Thiên An Môn, ở khu Trung Nam Hải
quyền quý cao sang. Cuối cùng, nghe
lời chính quyền, họ nộp đơn xin biểu
tình. Bấy nhiêu đã
đủ cớ để hai bà bị trừng trị.
Tội danh chính thức được
ghi là "phá rối trật tự công cộng"
(Disturbing the public order). Liệu hai bà có sống
sót để trở về sau 1 năm cải tạo
lao động không ? Nhiều
người Việt nam - như tôi - có thể
đoán dễ dàng câu trả lời.
Thú vị hơn nữa, nếu viên ký
giả của tờ New York Times, tờ báo có số
phát hành lớn thứ nhì nước Mỹ,
nhớ được rằng viên tổng đạo
diễn của hai buổi lễ khai mạc và bế
mạc Thế vận hội Bắc kinh Trương Nghệ
Mưu lại chính là đạo diễn điện
ảnh được cả thế giới biết đến
nhờ một trong những cuốn phim xuất sắc nhất
của ông ta : phim Story of Qiu Ju, kể câu chuyện
một phụ nữ nông dân Trung quốc, bất
chấp mình bụng mang dạ chửa, quyết lặn
lội hết xã, quận, tỉnh rồi thành phố
để đòi công lý cho chồng mình
bị viên xã trưởng đánh đến
bị thương khiến phải bỏ việc đồng
áng trong nhiều ngày.
Những câu chuyện như thế này,
có bao nhiêu người trong số 1 tỷ 3
trăm triệu người Tàu biết đến
? có bao nhiêu người
trong số gần 80 triệu người ở Việt Nam biết
đến ? Nhưng chắc chắn họ đã
được xem cái ánh sáng rạng rỡ
của những chùm pháo bông được bắn
thật hào phóng trong ngày khai mạc Thế Vận.
Sau 16 ngày "huy hoàng rực rỡ" của
Thế Vận Hội mùa hè lần thứ 29, cả
3 khu vực mà chính quyền dành cho người
biểu tình vẫn sạch sẽ, không một cộng
rác, không một dấu chân người, không
một tiếng hoan hô hay đả đảo mà
cư dân Bắc kinh ở gần đó có thể
nghe được.
3.
Một Thế Giới Một
Ước Mơ (One World One Dream), là khẩu hiệu của Thế Vận Hội
Mùa hè thứ 29 ở Bắc kinh. Những người tổ chức tin
tưởng rằng khẩu hiệu ấy phản
ánh trung thực bản chất và giá trị
phổ quát của tinh thần thế vận
: hiệp nhất, hữu nghị, phát triển,
tham dự và ước mơ.
Khẩu hiệu ấy, theo sự
dẫn giải của guồng máy tuyên truyền
Bắc kinh, còn có một ý nghĩa khác,
sâu sắc hơn. Đó là ước mơ của
một nước Trung quốc, muốn được
cùng sánh vai với các dân tộc
khác trên toàn thế giới trên con
đường xây dựng một cộng đồng
toàn cầu (global community), chia sẻ những
thành tựu văn minh, cùng tiến đến một
tương lai tươi sáng cho tòan thể
nhân loại qua sự phát triển hòa
bình, hài hòa xã hội và vì hạnh
phúc cho con người.
Những khẩu hiệu bao giờ cũng
rất đẹp đẽ. Nhưng vấn đề là khoảng
cách giữa khẩu hiệu và thực tại.
Một tập thể dù to lớn cỡ 1 tỉ 3
trăm triệu con người cũng vẫn là tổng
số của những cá thể. Nếu đã
không quan tâm đến từng cá thể, từng
niềm vui nỗi buồn, từng mâm cơm mái
nhà của mỗi một con người trong số 1
tỉ 3 trăm triệu con người ấy, thì khoảng
cách từ khẩu hiệu đến thực tại
vẫn dài bằng chiều dài của bức Vạn
Lý Trường Thành.
Vì lẽ đó, tôi nhìn sự
"hoành tráng" của việc tổ chức
Thế Vận Hội Mùa Hè thứ 29 tại Bắc
kinh như là một biểu tượng cho sự hào nhoáng, một
thứ thể diện hão huyền (face-saving) và
là một cuộc phô diễn vô hồn vô
cảm vô nhân tính, hoàn toàn máy
móc dù cho
đã có mấy chục ngàn con người
được huy động phục vụ cho cuộc
trình diễn này, dù cho 6 ca sĩ thượng
thặng của Bắc kinh đã khản cổ
hát bài Bắc kinh, Tôi yêu Bắc kinh
(Beijing, Ngộ ái Beijing) trong buổi lễ Bế Mạc.
T.Vấn
http://t-van.net/
(Bai Chuyen)