TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

T. VÂ'N 9

Sài Gòn và những âm vang tháng 7

 

Sài Gòn và những âm vang tháng 7

(T.Vấn)

 

1.

Tháng 7. Ở quê nhà đang chuẩn bị vào mùa mưa. Và cái nóng vào thời điểm này thì thật khó chịu. Không có mặt tại Sài Gòn mà tôi vẫn cảm nhận được điều đó. Gần hết đời người sống trên mảnh đất ấy, làm sao tôi có thể không biết.

 

Tháng 7 năm ngoái, cả Sài Gòn sôi động vì những cuộc xuống đường của một tầng lớp dân chúng bị áp bức, bị cướp đất cướp nhà. Tháng 7 năm ngoái, mùa mưa đến sớm hơn thường lệ, giữa lúc không ai mong đợi. Mặc dù trời vẫn nóng như thiêu như đốt. Mặc dù mưa vẫn là điều tốt đẹp nhất trong những điều tốt đẹp trên mảnh đất càng ngày càng hiếm hoi những điều tốt đẹp. Chỉ bởi vì mưa xuống sẽ làm tội nghiệp thêm những người dân quê vốn đã tội nghiệp đang gào khản cổ trên đường phố Sài Gòn: "hãy trả lại cho chúng tôi công lý". Tháng 7 năm ngoái, người Sài Gòn cũng chỉ biết đứng bên hiên những tòa nhà cao tầng lộng lẫy mọc lên như nấm (sau mưa), vừa để tránh mưa vừa ngậm ngùi nhìn những người dân quê co ro dưới những tấm biểu ngữ xanh đỏ viết nguệch ngoạc đôi lời cầu khẩn gởi chính quyền đương nhiệm. Tháng 7 năm ngoái, giữa sự im lặng khó hiểu của 600 tờ báo phát hành ở Việt Nam, người ta đã đặt câu hỏi với những người đã từng làm mưa làm gió làng báo Sài Gòn thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa trước 75, nay vẫn còn sống và vẫn còn tiếp tục cầm bút ở Sài Gòn, những người đã từng làm chủ đường phố Sài Gòn bằng những cuộc lên đường xuống đường nay hiện đang giữ những chức vụ cao cấp trong guồng máy nhà nước thành phố, hay chí ít cũng là những chức vụ quan trọng trong lãnh vực truyền thông báo chí. Tháng 7 năm ngoái, ngoài tiếng gào khản cổ của những người dân quê ít học, không chữ nghĩa, người ta không nghe được gì khác. Có chăng là tiếng rào rào quen thuộc của những cơn mưa nhiệt đới đổ về thành phố. Tháng 7 năm ngoái, qua đôi mắt và đôi tai của một người bạn về thăm quê nhà, từ quê người tôi đã hướng trang viết nhỏ này đến những thân phận buồn thảm hơn cả chiều dài lịch sử một đất nước vốn chỉ quen thuộc với chiến tranh, với nghèo đói, với áp bức, với đọa đầy. Những ngày ấy, tôi đã rất nhiều lần "... ngồi câm lặng hàng giờ liền trước màn hình trắng lóa của chiếc máy điện tóan. Tôi nghi ngờ khả năng của chữ nghĩa. Cuộc sống ngoài kia thiên hình vạn trạng, giữa những điều tốt đẹp vẫn không thiếu bao sự xấu xa, giữa muôn tiếng cuời vang hạnh phúc vẫn không thể không nghe những tiếng tức tưởi xé lòng. Vậy chữ nghĩa của tôi có chuyên chở được những thứ ấy không ? nếu không, chắc chúng chẳng có lý do để tồn tại. Và, nếu chúng không có lý do để tồn tại, thì hẳn là tôi cũng không có lý do để tồn tại. Người nông dân đổ mồ hôi trên mảnh ruộng, mong đến ngày hái đem về nhà những bông lúa trĩu hạt. Thực phẩm cho đời là lý do tồn tại của người nông dân. Còn những người trăn trở với chữ nghĩa hằng đêm, không đổ mồ hôi nhưng trái tim rỉ từng giọt máu, liệu có tìm được lý do để biện minh cho sự tồn tại của chính mình ?..." (Ðứng trước sự đau khổ, người ta có thể làm gì ? T.Vấn, tháng 7-2007).

 

Và cuối cùng, năm ngoái, chưa hết tháng 7 thì bóng dáng những đoàn nông dân biểu tình trên đường phố Sài Gòn đã lẳng lặng biến mất, một cách hết sức êm thấm. Một buổi sáng, người Sài Gòn thức dậy, không còn thấy gì ngoài vài đôi dép cũ mòn vẹt còn nằm vất vưởng đây đó trên hè phố. Những người một thời ồn ào với đường phố Sài Gòn trước 1975 vẫn im lặng. Và những ngày còn lại của tháng 7 năm ngoái qua đi êm ái.

 

2.

Tháng 7 năm nay, những người dân quê oan ức, dù vẫn chưa đòi lại được công lý (liệu có công lý hay không để đòi ?), không còn cơ hội dậy cho người Sài Gòn bài học về tranh đấu năm xưa nữa. Mà ngược lại, ở Sài Gòn, chính những người một thời làm mưa làm gió các đường phố thời trước 75, đang lên tiếng ồn ào về những ngày tháng ấy. Có người vẫn cứ huyênh hoang về những cuộc xuống đường "hoành tráng", về vai trò là "trái tim những phong trào hoạt động cách mạng của thanh niên sinh viên học sinh đô thị miền Nam", về những cuộc tập họp "hát cho đồng bào tôi nghe" v. v. . và vẫn tiếp tục hãnh diện, coi đó như là những đóng góp to lớn cho một nước Việt nam "không còn chiến tranh, không còn áp bức, không còn bất công ...", một nước Việt Nam "đã sạch bóng quân xâm lược, đã an hưởng tự do, dân chủ, độc lập, phú cường" (*). Có người, hiểu biết hơn và trung thực hơn, đã nhìn thấy bản chất xấu xa của một chế độ mà trước đây họ đã hết lòng ủng hộ, nhưng vẫn không chịu nhìn nhận mình "lầm đường", khi nói về những hoạt động nhằm phá hoại chế độ VNCH, hay nói cách khác, tiếp tay cho cộng sản miền Bắc. Họ lý luận rằng "lầm đường là chọn sai ngay từ đầu". Họ, người trí thức thân Cộng miền Nam, tin rằng mình không lầm đường khi đi theo Việt cộng "đánh Mỹ, chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước". Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, người Mỹ cuối cùng đã ra đi. Mục tiêu của họ đã đạt được. Sau đó, những người cộng sản đã không giữ đúng lời hứa hẹn về việc xây dựng một "xã hội không còn người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ áp bức bất công". Điều ấy chứng tỏ rằng chính "lịch sử" mới là người chịu trách nhiệm (**). Còn họ, người thanh niên lòng tràn đầy nhiệt huyết vì dân, vì nước ngày ấy, xét cho cùng, có lỗi lầm chăng là chỉ vì cả tin mà thôi.

 

Nhưng "lịch sử" là ai ? Là những bóng ma chưa hề thực sự hiện hữu ? Là những bung xung để khi cần thiết, được đem ra làm vật tế thần ? Là cái thùng rác vĩ đại phục vụ cho sự tiện nghi của kẻ chiến thắng sau một cuộc binh đao ? Là cái máy chém bén ngọt băm nát sự nghiệp của kẻ chiến bại ?

 

3.

Công bằng mà nói, dòng cuốn của chuỗi biến cố những ngày tháng oan nghiệt ấy đã không chừa một ai trên con đường nó càn quét. Càng thao thức với vận mệnh đất nước, càng trăn trở với trách nhiệm của cá nhân "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", càng dễ bị chìm nghỉm giữa dòng cuốn ấy. Tự bản chất, chiến tranh là hủy diệt, bất kể đó là chiến tranh vệ quốc, chiến tranh chống cộng, chiến tranh cách mạng hay chiến tranh giải phóng. Chứng kiến sự chết chóc xảy ra hàng ngày, hàng giờ, của bao người dân vô tội, của bao lớp người trai trẻ chưa kịp sống cuộc sống của mình đã phải bước chân vào trận địa, với một đi không biết có ngày trở lại, cho nên ước vọng hòa bình, chấm dứt chiến tranh là ước vọng của tất cả mọi người. Nhưng chấm dứt chiến tranh như thế nào, đó là điều người ta không dễ dàng đồng thuận. Giữa những hỏa mù pha trộn chân lý và tuyên truyền, thật không dễ dàng gì cho những lựa chọn. Trong lớp khói súng dầy đặc, nhiều khi người ta không có sự lựa chọn. Mà là cứ nhắm mắt đưa chân, mặc cho số phận đẩy đưa, trong nhờ đục chịu. Tất nhiên, không phải ai cũng nhắm mắt đưa chân. Có rất nhiều người tự cho là mình đủ bản lãnh để cương quyết lựa chọn một con đường. Lựa chọn ấy đòi hỏi hiểu biết, kinh nghiệm (tai nghe mắt thấy hay do người đi trước truyền lại), và tất nhiên, lòng can đảm. Chẳng may, không ít người đã lầm đường.

 

Ngày nay, nhìn lại, mấy ai đủ can đảm phủ nhận quá khứ, nếu quá khứ, xét một cách công bằng và trung thực, chỉ là tiếp tay cho một chế độ hại dân hại nước, dù người tiếp tay đã làm điều đó với trái tim trong sáng của một công dân yêu nước, thương nòịi.

 

Mặt khác, cũng không dễ dàng khi lên tiếng phê phán, nếu không tự đặt mình vào vị trí lịch sử của những ngày tháng đau thương ấy.

 

Nhân câu chuyện quá khứ, không thể không nhắc đến câu nói của vị thủ tướng chính quyền đương nhiệm trong nước. Cuối tháng 6 năm 2008, trong chuyến công du Mỹ quốc, ông đã kêu gọi người Việt hải ngoại hãy "xóa bỏ mặc cảm quá khứ" để hướng về quê nhà đang cần sự tiếp tay trong công cuộc xây dựng đất nước. Thế nào là "mặc cảm quá khứ" ? Quá khứ ấy xấu xa nên hãy xóa bỏ mặc cảm tội lỗi ? Quá khứ ấy đúng đắn, nay tuy sự thành bại đã ở hai vị trí đảo ngược, nhưng cũng nên xóa bỏ mặc cảm tự tôn của người đã chọn đúng đường đi của lịch sử ? (Tôi không nghĩ ông thủ tướng hàm cái ý này khi phát biểu hết sức mơ hồ như thế), hay chỉ là điều mà ai cũng biết đại khái rằng chiến tranh đã chấm dứt rồi, hãy xóa bỏ hết những hận thù lưu cửu từ trước đến nay, tất cả người Việt Nam cùng bắt tay nhau xây dựng đất nước. Theo tôi, vấn đề không phải là chỉ xóa bỏ quá khứ, hay quên hết hận thù. Những điều ấy, tuy khó, nhưng vẫn có thể làm được. 30 năm đã đủ dài để cho người ta làm việc đó. Cốt lõi của sự khác biệt hiện nay giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và chính quyền trong nước là đường lối xây dựng đất nước, là các quyền tự do cơ bản của công dân cần được người cầm quyền triệt để tôn trọng, và một cơ chế dân chủ để bảo đảm cho những quyền tự do cơ bản ấy. Giải quyết được những khác biệt ấy, thì tất nhiên chính quyền trong nước sẽ nhận được sự hợp tác của người Việt hải ngoại, vì ước vọng của họ là được sống trong một đất nước dân chủ, tự do và những cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người cùng phát triển.

 

Do đó, cách nói "xóa bỏ mặc cảm quá khứ" là một thủ đoạn giả mù sa mưa, cố tình gán cho sự phản kháng của cộng đồng người Việt hải ngoại một động cơ không hoàn toàn đúng với sự thật, nhằm mục đích gây chia rẽ hai khối người Việt, trong nước và ngoài nước.

 

4.

Tôi vẫn cho rằng, sẽ không công bằng khi đòi hỏi những người trí thức (xưa và nay) ở trong nước có một thái độ dứt khoát và mạnh mẽ trước hiện trạng xấu xa của guồng máy chính quyền đương nhiệm. Người ở ngoài đất nước, có đầy đủ tự do để nói lên những gì mình nghĩ mà không sợ bất cứ một sự bắt bớ, trả thù nào. Do đó, cũng sẽ là không công bằng khi người ta đòi hỏi những người trước đây sinh sống ở miền Nam, sử dụng một số quyền tự do mà lúc ấy nền dân chủ non trẻ của các chế độ cộng hòa miền Nam cho phép để gián tiếp hay trực tiếp góp phần làm sụp đổ nền dân chủ ấy, nay phải chính thức, công khai nhận trách nhiệm về sự "lầm đường" của mình. Ngoài những xung đột nội tâm của một con người phải "nhẫn tâm" chối bỏ quá khứ của mình, còn có bao đe dọa ở bên ngoài, sẵn sàng nghiền nát kẻ trung thực. Nhưng thái độ vẫn còn nhìn quá khứ "lầm đường" của mình như là một thành tựu cá nhân góp phần "đem lại độc lập tự do" cho đất nước thì khó có thể biện minh được.

 

Như một tình cờ của lịch sử, đúng một năm sau ngày những người dân quê miền Tây làm sôi động đường phố Sài Gòn sau hơn 30 năm im lặng vì bàn tay sắt cai trị của giới cầm quyền Cộng sản, thì những người nhờ đường phố Sài Gòn năm xưa mà "thành danh" nay lại tái xuất hiện. Giả sử như họ quả thực là những người yêu nước thương dân, thì, tháng 7 năm ngoái, họ ở đâu khi những người dân quê ít học, không chữ nghĩa thay họ làm sống lại đường phố Sài Gòn ?

 

T. Vấn

(Tháng7–2008)

 

 

* Cuối tháng 6 năm 2008, nhà xuất bản Lao Động ở trong nước cho xuất bản quyển "Huỳnh Tấn Mẫm - Một đời sôi nổi" của Diệu Ân, ghi lại một đoạn đời trước 75 ở Sài Gòn của ông "cựu lãnh tụ sinh viên tranh đấu" Huỳnh Tấm Mẫm, một cái tên không xa lạ với người Sài Gòn cũ.

 

** Nhà văn Đào Hiếu, một cựu sinh viên tranh đấu trước 1975, hồi tháng 2-2008, đã cho phổ biến tác phẩm tự truyện "Lạc đường" dưới dạng điện tử ở hải ngoại (diễn đàn Talawas, vì ông không thể cho xuất bản được ở trong nước). Về việc công bố tác phẩm tự truyện gây tiếng vang đáng kể ở hải ngoại, ông Đào Hiếu cho biết "Tôi viết Lạc Đường vì tôi cảm thấy có bổn phận phải làm điều đó, tôi thấy có trách nhiệm phải lưu lại một mảng lịch sử mà tôi đã tham dự. Tôi thấy không có gì phải hối tiếc vì tôi đã tham gia vào cuộc chiến tranh đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Tôi chỉ thất vọng về những gì đã diễn ra sau hòa bình thôi, vì chính nhà cầm quyền đã đưa Việt Nam chìm đắm trong tham nhũng, bất công và không có tự do tư tưởng. Ví dụ như cuốn sách này, viết tâm huyết, có tình yêu nước, yêu nhân dân lao động… nhưng không được in tại VN thì rõ ràng không có tự do tư tưởng, nên tôi mong muốn có được sự thoải mái hơn trong vấn đề công bố tác phẩm ở VN ..." (Minh Thùy - Trò chuyện với nhà văn Đào Hiếu - Tạp chí điện tử Damau.org 25-06-2008).

 

 

(Bai Chuyen)

 

 

website counter