Gói Quà Đầu
Năm
(PHẠM TÍN AN NINH)
Tôi phải ngồi lại trên
các bậc đá nghỉ chân đến ba lần
trước khi bước vào cổng chùa. Ngôi chùa nhỏ nằm
trên một triền núi, được phủ
mát bởi những tàng cây. Ngôi nhà khách bằng gỗ, khá
xinh xắn, nằm trong một khu vườn toàn hoa vạn
thọ. Phía trước là một
tượng Phật ngồi dưới gốc cây bồ
đề, cành lá được cắt tỉa
công phu. Chung quanh là cả một
vùng núi trời tĩnh mịch.Tôi không phải
là phật tử, nhưng ngồi nghe tiếng mõ
và lời cầu kinh trong chùa vọng ra, cũng
thấy lòng nhẹ hẳn đi trước bao
nhiêu điều phiền não.
Hôm nay là mồng một tết,
nhưng cảnh chùa khá im vắng, bởi
chùa nằm khá xa khu dân chúng. Ngày hôm qua tôi
có đến đây, nhưng thầy trụ
trì đi vắng. Tôi
đã để lại tấm danh thiếp của chồng
tôi, viết vài dòng phía sau xin hẹn thầy
hôm nay trở lại.
Chú tiểu còn rất trẻ,
mang trà ra mời và xin tôi chờ thêm
mươi phút nữa vì thầy trụ trì
đang khai kinh cho buổi lễ tân niên. Tôi nôn nao muốn sớm
được nhìn mặt vị ân
nhân của mình, nhưng cũng dặn lòng phải
kiên nhẫn và cẩn trọng ý tứ
trước một nhà sư.
* * *
Hơn ba mươi năm trước. Lúc ấy tôi còn là
cô bé học trò trường trung học An
Túc, nằm giữa thị trấn An Khê, bên
quốc lộ 19 nối liền Qui Nhơn với Pleiku. Chiến tranh đang thời kỳ ác liệt.
Tuổi còn nhỏ, nhưng ngày nào tôi cũng
nghe cha mẹ và các thầy cô bàn chuyện
chiến trường: đánh lớn ở Pleime,
Dakto, Tân Cảnh. Mấy năm nay, An Khê
tương đối bình yên, nhờ Sư
đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ có căn cứ
ở đây, và dọc theo đèo An Khê
có đồn bót của các đơn vị
thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ Đại
Hàn. Giữa lúc chiến tranh
ngày khốc liệt, bất ngờ lực lượng
đồng minh rút quân về nước, làm
dân chúng ở đây hoang mang, lo lắng.
Xứ họ đạo của tôi cũng
được cha chánh xứ tổ chức những
toán tự vệ, phối hợp với quận, lo
canh gác khu vực của mình.
Chiều ba mươi Tết, được
thông báo của tỉnh, các cơ quan trên
quận phối hợp với các thầy cô
giáo và cả Hội Đồng giáo xứ
đi mọi nhà kêu gọi đóng góp những
gói quà tượng trưng dành tặng cho
anh em chiến sĩ của một đơn vị từ
xa tới đồn trú ở đây để
thay thế lực lượng đồng minh.
- Tội nghiệp, nghe nói anh em đã phải
rời căn cứ từ sáng sớm 30 để chiều
mồng một Tết có mặt ở đây. Họ
có biết tết nhất gì đâu
! Ông cha xứ nói với
chúng tôi như thế.
Cả quận vui mừng, nô nức
trước tin vui.
Riêng tôi còn vui hơn khi tưởng tượng
sẽ có nhiều anh lính đến cái thị
trấn nhỏ xíu buồn tênh này, nên rất
sốt sắng trong việc gói quà. Tôi tự
tay thực hiện được hai
gói quà, gồm một số bánh mức, chiếc
khăn tay do tôi thêu lấy, kèm theo lá
thơ chúc mừng năm mới tới hai anh chiến
sĩ vô danh nào đó. Tôi nắn
nót viết thật đẹp rồi đề
tên, lớp và trường học phía dưới.
Vì “sao y bản chánh” từ một
bài luận văn tháng trước, nên hai
lá thư giống nhau như
đúc. Nhìn hai gói quà tôi mỉm
cười, khi nghĩ sẽ có hai “người
tình không chân dung” nào đó nhận
được lá thư nồng nàn của một
cô “em gái hậu phương”. Ban đầu,
các thầy cô cho biết, đám học
trò chúng tôi sẽ được hướng
dẫn vào căn cứ để tận tay tặng quà cho các anh chiến sĩ.
Bọn tôi đứa nào cũng hớn hở, lăng xăng giặt ủi lại chiếc
áo dài trắng ưng ý nhất. Nhưng sau
đó dưới tỉnh cho biết là trước
khi vào An Khê, các đơn vị này
còn phải hành quân mở đường, giải
tỏa một số đồn bót của lực
lượng Đại Hàn nằm dọc theo
đèo An Khê bị địch quân bao vây
đã ba hôm nay. Cuối cùng tất cả
quà đều được nộp cho trường,
và thầy hiệu trưởng cùng các thầy
cô giáo sẽ mang vào cho đơn vị để
trao lại cho anh em chiến sĩ khi tình hình an ninh cho phép. Bọn học trò
chúng tôi tiếc hùi hụi vì mất một
dịp được vào xem căn cứ và ủy
lạo các anh chiến sĩ.
* * *
- Nam mô A Di
Đà Phật. Xin chào bà. Xin lỗi, chắc
là bà đã chờ tôi lâu lắm phải
không ?
Câu hỏi của thầy
trụ trì cắt đứt dòng hồi tưởng
của tôi. Tôi đứng lên, vụng về
chắp hai tay trước ngực chào lại thầy.
Tôi muốn nhìn thật kỹ khuôn mặt của
thầy, nhưng thấy ái ngại, nên chỉ
cúi đầu im lặng.
- Cái cổng tam quan,
ngôi nhà khách này, và những bậc
đá trên con đường mà bà vừa
đi lên là do tiền cúng dường của
ông bà. Chúng tôi xin tán thán
công đức và cầu xin chư Phật gia hộ
cho ông bà cùng gia đình. Bà có
muốn đi một vòng xem cảnh chùa không
? Xin mời bà.
Thầy vừa nói vừa
chỉ tay về phía cổng tam quan.
- Dạ, công ơn của
thầy đối với gia đình tôi lớn
lao quá. Biết làm sao đền đáp. Xin
thầy đừng nhắc tới công đức,
làm tôi thêm xấu hổ. Tôi vừa bước
theo phía sau thầy, vừa nói.
- Mô Phật !
Giúp người, đó là nhiệm vụ của
kẻ tu hành, dù là tôn giáo nào.
Sao bà lại gọi là công ơn. Thầy nở
một nụ cười độ lượng.
Đi phía sau,
nhìn dáng đi khoan thai của thầy, tôi
băn khoăn suy nghĩ: Khuôn mặt thì có
nhiều nét giống, nhưng với cái dáng
đi thì lại khác hẳn. Có thể
ngày xưa là lính nên cần phải nhanh
nhẹn. Tôi nghĩ thầm như thế.
Khi đến cửa tam
quan, thầy dừng lại và chỉ tay về hướng
bờ biển, nơi có mấy tảng đá ở
triền núi, phía dưới là một khu rừng
rậm:
- Chính ở nơi
đó, tôi đã tìm gặp chồng của
bà.
Năm ấy, khi chồng
tôi vừa mới trốn về từ trại tù
cải tạo Gia Trung (anh chỉ là thầy giáo,
dạy một trường trong khu người Thượng,
bị bắt năm 1979 vì bị kết tội hợp
tác với lực lượng Fulro chống lại
nhà cầm quyền Cộng sản), được một
người bạn thân cho đi theo một chuyến
vượt biển do gia đình anh ta tổ chức.
Lúc ấy ai cũng nghĩ ra đi là không bao
giờ gặp lại vợ con, mà có ở lại
cũng sống không yên, chỉ làm khổ cho
gia đình. Hơn nữa lúc ấy tôi vừa
mới sanh đứa con đầu lòng, nên
không thể đi cùng. Chúng tôi
đành gạt lệ chia tay mà không dám
nghĩ sẽ có ngày tái ngộ.
Tàu vừa ra khơi
hơn một ngày thì bị hỏng máy, trong
lúc gió mưa tầm tã. Tất cả mọi
người phải đem sinh mạng chống chọi với
phong ba. Cuối cùng, sau gần ba ngày bềnh bồng
trên biển, nhờ những cơn gió nhiệm
màu đã đẩy chiếc tàu với
hơn một nửa số người sống sót,
giạt vào một ghềnh đá lúc trời
nhá nhem tối. Tưởng đã thoát chết,
nào ngờ khi vừa leo lên bờ thì bị một
toán công an biên phòng vây bắt. Một
số người yếu sức thì đành
đưa tay cho họ trói. Chồng tôi cùng một
vài thanh niên khác dùng hết tàn lực
chạy trốn trong các hốc đá bên triền
núi. Mấy lần thoát chết dưới những
tràng đạn. Nhờ trời tối anh chạy
thoát vào khu rừng trước khi kiệt sức.
Khi tỉnh lại, anh thấy mình nằm trong ngôi
chùa nhỏ nằm bên triền núi. Anh
được vị trụ trì săn sóc
và che dấu chu đáo, mặc dù biết anh
là người công giáo, bởi trên cổ
có đeo thánh giá. Sau hơn một tuần,
nhờ thầy giúp cạo đầu, cho áo quần
để cải dạng một thầy tu, và gởi
theo một chiếc xe đò của một phật tử
thân quen, chồng tôi mới trốn được
vào nhà bà cô ruột ở Cam Ranh. Sau
đó nhờ chính bà cô này tìm
đường để vượt biển tiếp.
Và lần này anh đã được
tàu Pháp vớt, nên được sang định
cư bên Pháp. Ba năm sau, tôi và đứa
con được anh bảo lãnh với diện
đoàn tụ gia đình.
- Mô Phật ! Tội
nghiệp, ông ấy đã về tìm thăm
tôi hai lần, và giúp cho tôi khá nhiều
tiền để lập lại ngôi chùa này
và một nhà từ thiện nuôi các em
bé tật nguyền dưới xóm. Công đức
của ông bà thật lớn lắm.
Tôi nhớ lại tấm
ảnh mà chồng tôi chụp chung với thầy
trong lần thứ nhì về thăm thầy. Bao
nhiêu lần tôi đã nhìn kỷ tấm ảnh,
lại nghe chồng tôi bảo, ngày xưa thầy
cũng là lính, nên tôi đã ngồi
hằng giờ hình dung, nhớ lại một người
quen lúc trước.
- Thực ra anh ấy ngại
không muốn về, nhưng vì nhớ ơn thầy
mà anh ấy mới về gặp thầy. Lần
này chính tôi đề nghị được
thay anh về thăm thầy, nhân dịp thăm mẹ
của tôi đang ốm nặng.
- Mô Phật ! Tôi
hiểu nỗi khổ tâm của ông ấy.
Tôi nghe tiếng thở
dài của vị trụ trì, và thấy thầy
đưa mắt nhìn về một nơi xa xăm
nào đó. Từ lúc mới gặp nhau trong
ngôi nhà khách, tôi nghĩ là thầy
đã nhận ra tôi. Tôi chờ thầy hỏi,
nhưng có thể thầy đã quên hay
bây giờ là kẻ tu hành, nên thầy
không muốn nhắc lại chuyện thế tục
ngày xưa. Không để lỡ mất cơ hội,
tôi lên tiếng:
- Tôi về
đây, gặp thầy cũng để muốn xin
được hỏi thầy một điều, mà
bấy lâu nay cứ băn khoăn mãi trong
lòng, nhưng ngại thầy là bậc tu
hành, nên tôi không dám.
Thầy nhìn tôi,
im lặng giây lát rồi lên tiếng:
- Mô Phật ! Kẻ
tu hành lúc nào cũng muốn đem ánh
sáng cho chúng sinh hầu giải tỏa những lo
âu phiền não. Xin bà cứ tự nhiên
- Xin thầy tha lỗi, nếu
có điều gì không phải. Có phải
thế danh của thầy là Quế, Lê
Phương Quế ?
Thầy ngạc nhiên
nhìn tôi, rồi nhìn lên khoảng
không, nhíu mày.
- Mô Phật !
Làm sao mà bà biết được tên của
tôi ?
- Thầy còn nhớ
anh Lân, trung sĩ Đỗ Lân, ở Sư
đoàn 23 Bộ binh, có đóng quân ở
An Khê vào những ngày tết năm 1972 ?
- Bà còn biết
cả bạn tôi ? Anh Lân đã tử trận
ở Kontum từ mùa hè 72. Bà có biết
không ?
Tôi có một
thoáng giận thầy, vì nghĩ là đến
bây giờ ông vẫn chưa nhận ra mình. Chẳng
lẽ thầy vô tình đến thế. Nhưng
ngay sau đó tôi hối hận về ý nghĩ
của mình. Sao lại đem chuyện đời
để mà trách một vị chân tu, một
người đã xa lánh chuyện hồng trần,
thế sự. Thầy đã cho mình hỏi
và sẵn sàng tâm sự đã là một
điều hỉ xả rồi.
- Dạ, tôi có
biết, và tôi cũng có đến Kontum
thăm mộ anh mấy lần. Sau này tôi về
tìm để xây lại ngôi mộ cho anh,
thì nghĩa trang không còn nữa, và
không ai biết mộ anh đã chuyển đi
đâu.
Đôi mắt của
vị trụ trì sáng hẳn lên. Thầy mở
đôi mắt thật to nhìn tôi, đưa tay
lên định nắm vai tôi, nhưng rồi kịp
khựng lại.
- Vậy là Xuân
? Bà là cô Xuân ngày xưa ? Mô Phật
! Sao lại có chuyện kỳ ngộ lạ lùng
này !
Vâng, tôi
chính là Xuân, cô bé học trò
trường trung học An Túc ngày xưa. Người
đã gói hai gói quà Xuân ủy lạo
cho những chiến sĩ đến giữ an ninh cho
quê tôi vào đúng chiều ngày mồng
một tết. Hai gói quà được nộp cho
trường để chuyển tới cho các anh,
vì lúc ấy đơn vị đang hành
quân mở đường để đến nơi
trú đóng.
Sau một cái tết
an bình, cả thị trấn nhỏ của tôi nhộn
nhịp hẳn lên bởi sự có mặt của
một trung đoàn lính chiến, ngày mồng
tám tết, đám học trò chúng
tôi trở lại trường, nhưng các thầy
cô biết là trong lòng đám học
trò ai cũng còn dư âm ngày tết,
nên cho chúng tôi tập họp lại hát
hò và kể chuyện vui. Trong lúc thầy
hướng dẫn đệm đàn cho cả
đám học trò ca hát, thầy giám thị
đến tìm tôi, bảo tôi lên văn
phòng có người nhà muốn gặp.
Bước theo thầy giám thị mà lòng
tôi lo lắng không biết ở nhà có
chuyện gì, thì ông đưa tay chỉ hai
anh lính đang ngồi chờ trên chiếc ghế
đá trong sân trường.
Hai anh lính thật trẻ
đứng lên chào tôi, nhoẻn miệng
cười:
- Hai đứa tôi
đến để cám ơn Xuân và
chúc mừng Xuân năm mới.
Tôi thoáng một
chút ngạc nhiên và bẽn lẽn:
- Em có làm
gì đâu mà hai anh cám ơn ? Mà sao
hai anh biết được tên em ?
Hai anh cùng mở
túi áo lấy ra bức thư. Vừa kịp nhận
ra đó là hai bức thư mà tôi
đã “sao y bản chánh” bỏ trong hai
gói quà ủy lạo, thì một anh lên tiếng:
- Tôi là Đỗ
Lân, và người bạn thân của tôi
đây là Lê Phương Quế. Trông anh
hiền như con gái, nhưng Xuân đừng nhầm
với nữ ca sĩ Phương Hồng Quế nghe, mặc
dù anh Quế bạn tôi cũng có giọng
hát rất hay, không thua gì Phương Hồng
Quế. Hai đứa tôi nhận hai gói quà của
Xuân. Quà cáp như nhau và lời lẽ
trong cả hai bức thơ cũng giống nhau như
đúc. Cô Xuân thật công bình.
Cám ơn nghe !
Tôi hơi quê,
nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Hai anh tới trường
tìm Xuân, không sợ thầy giám thị la
Xuân hà ?
Anh lính thứ
nhì, tên Quế, lên tiếng:
- Bọn tôi bảo
là anh em bà con với Xuân, đi lính xa
nhà bây giờ mới gặp. Thầy giám thị
coi bộ cũng thương lính lắm, nên chắc
không nỡ la rầy người yêu, à xin lỗi,
người em của lính đâu !
Mặc dù thấy
hai anh chàng có vẻ thư sinh, vui tính,
nhưng nhớ lời bà chị thường bảo
mấy ông lính bạo dạn và tán
gái hay lắm. Phải coi chừng. Tôi nhủ thầm
như thế. Và để xem hai anh chàng này
có thực sự bạo dạn hay không tôi
khoanh tay:
- Nghe nói anh Quế
hát hay không thua gì Phương Hồng Quế,
em xin mời hai anh vào lớp em chơi. Bọn em cũng
đang ca hát trong đó, chứ không có học
hành gì đâu. Đám bạn em sẽ mừng
lắm đó.
Hai anh nhìn nhau cười,
rồi gật đầu, theo tôi vào lớp.
Cả đám bạn
học trò im bặt, tò mò nhìn ra khi thấy
tôi dắt theo hai anh lính trẻ. Tôi nói với
vị giáo sư hướng dẫn:
- Thưa thầy, có
hai anh lính nhận được quà tết của
lớp mình, đến cám ơn và xin
hát cho cả lớp mình nghe.
Thầy hướng dẫn
lớp gật đầu, đến bắt tay hai anh,
tươi cười:
- Hồi nãy tới
giờ mấy cô chỉ hát những bài
tình yêu lính chiến, bây giờ
đích thân lính chiến hát tặng mấy
cô thì còn gì hay bằng, phải không
?
Cả lớp vỗ tay.
Anh lính tên
Lân bước lên bục giảng, hai tay mân
mê chiếc nón bê-rê:
- Kính thưa thầy,
thưa các bạn. Tôi không biết hát,
nên xin dành phần nói trước. Chúng
tôi xin cám ơn những gói quà Tết của
nhà trường, của các bạn. Trong không
khí Tết, vì nhiệm vụ phải xa nhà,
được những món quà của các bạn
chúng tôi thấy ấm áp nhiều lắm.
Đặc biệt hai đứa tôi đây
đã nhận được quà của cô
Xuân. Chỉ cần cái tên của cô
là hai đứa chúng tôi cũng đã
có cả một mùa xuân rồi. Xin cám
ơn và kính chúc thầy, chúc các bạn
một năm mới vạn điều như ý.
Cả lớp lại rộn
lên tiếng cười và những tràng vỗ
tay không dứt. Một con bạn có tiếng nghịch
nhất lớp quay về hướng tôi ngồi:
- Xuân ơi, mày
chỉ được chọn một trong hai thôi.
Còn để dành cho đứa khác nữa
chứ !
Đúng là nhất
quỉ nhì ba, còn thứ ba là bọn
này. Tôi đoán hai anh chàng lính sữa
đang nghĩ như thế. Anh lính tên Lân bẽn
lẽn, ngừng lại đôi phút rồi
đưa tay về hướng người bạn, tiếp
tục:
- Bây giờ, xin giới
thiệu anh bạn thân nhất của tôi, Lê
Phương Quế, mà chúng tôi thường
gọi là Phương Hồng Quế, tiếng
hát hàng đầu của trường Thiếu
Sinh Quân Vũng Tàu, sẽ lên hát một
vài bài tặng thầy và các bạn.
Tôi cũng phục
tài ăn nói khá “tâm lý chiến”
của anh chàng Lân này. Cái giọng Huế
nghe cũng êm ái, cứ như rót mật
vào tai người ta. Bây giờ nhìn kỹ thấy
anh ta cũng đẹp trai, nụ cười cũng
có duyên ghê lắm. Lính cỡ này chắc
sẽ làm khổ vài cô em gái hậu
phương đâỵ Tôi mỉm cười với
ý nghĩ vừa thoáng trong đầu.
Anh Quế bước lại
chỗ thầy hướng dẫn để xin nhờ thầy
đệm đàn. Anh hát bài Xuân Này
Con Không Về của nhạc sĩ Trịnh Lâm
Ngân. Trông anh có dáng dấp thư sinh
và khuôn mặt hiền lành như một thầy
tu.
Tiếng hát cất
lên làm cả lớp im bặt. Đúng
là giọng hát của anh rất hay, điêu
luyện, lúc réo rắt lúc trầm buồn
không thua một ca sĩ chuyên nghiệp. Dường
như có cùng tâm trạng với nội dung
bài hát, nên anh đã hát với tất
cả cảm xúc, làm giao động trái tim
mọi người. Bài hát chấm dứt,
mà cả lớp dường như còn thẫn thờ,
yên lặng. Sau đó bùng vỡ bởi những
tràng vỗ tay và nhiều tiếng la: bis, bis…
Anh cúi xuống một
lúc, hình như để dấu sự cảm
xúc, rồi ngước lên nói nhỏ hai tiếng
cám ơn và xin hát tiếp bài Chiều
Trên Phá Tam Giang, thơ của Tô Thùy
Yên phổ nhạc. Lần này, chính tôi
không cầm được nước mắt.
Không chỉ vì anh hát hay, nhưng tôi thấy
xúc động, thấm thía hơn cuộc đời
của những người lính chiến.
- Thưa thầy. Bây
giờ đã đi tu rồi, thầy có còn
hát những bản nhạc tình lính ngày
xưa ? Tôi vẫn còn nhớ cái cảm
xúc khi thầy hát cho cả lớp tôi nghe, sau
cái tết năm nào ở trường An
Túc. Thầy hát thật hay và truyền cảm.
Hôm ấy là lần đầu tiên tôi
được gặp thầy và anh Lân.
- Mô Phật ! Bây
giờ tôi chỉ còn biết tụng kinh gõ
mõ, cầu cho thế giới hòa bình,
chúng sinh an lạc. Nhưng những gì bà vừa
nhắc lại, cũng là con người, làm sao
tôi có thể quên.
- Xin thầy thứ lỗi,
nếu tôi đã nhắc thầy nhớ lại
chuyện đời để làm bận lòng một
bậc chân tu.
- Mô Phật ! Đạo
ở trong Đời, cũng như hai kẻ đồng
hành. Hành đạo là để giúp
đời. Kẻ tu hành như chúng tôi cũng
chỉ là “cư trần lạc đạo”
mà thôi, thưa bà.
- Cư trần lạc
đạo là sao, thưa thầy ?
- Có nghĩa là
hiện diện nơi trần thế mà hành
đạo, vui đạo. Chứ không phải xa
lánh trần thế đầy khổ nhục để
tìm sự thanh thản riêng cho bản thân
mình.
- Cám ơn thầy.
Thầy giảng hay quá. Ngày đầu tiên gặp
thầy, và nhất là lúc nhìn thầy
đứng hát trên bục lớp, tôi
đã thấy thầy giống một nhà tu.
Có lẽ thầy đã có căn duyên từ
trước, phải không thầy ?
- Mô Phật ! Ai cũng
có thể tu hành, và bất cứ ai cũng
có thể thành Phật được, thưa
bà.
Không ngờ lần gặp
gỡ đầu tiên năm ấy lại mang đến
cho tôi mối tình đầu. Sau vài lần gặp
nhau, tôi biết Lân và Quế là hai người
bạn thân thiết từ lúc còn học trong
trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Ra trường
về cùng đơn vị, nên sống với
nhau như anh em, mặc dù tôn giáo khác
nhau. Quế đạo Phật còn Lân là
tín đồ Công giáo. Những ngày chủ
nhật không bận hành quân, Lân đều
đi lễ nhà thờ, nên chúng tôi
thường gặp nhau hơn. Và lần nào
tôi cũng mời Lân về nhà. Cha mẹ
tôi cũng rất thương quí Lân, nhất
là sau khi biết cha mẹ Lân đã chết
trong biến cố tết Mậu Thân. Tính
tình Lân lại hiền lành chân chất
và hiếu học. Dù bận hành quân
liên miên, nhưng anh vẫn cố gắng tự học
để thi tú tài vào mùa hè năm
đó. Cũng có đôi lần Quế theo
Lân đến nhà tôi chơi. Càng lúc
chúng tôi càng thân nhau hơn.
Tôi biết là
Lân cũng thích tôi. Trong túi áo của
anh lúc nào cũng có chiếc khăn tay
tôi đã tặng anh trong gói quà Xuân.
Mỗi lần chia tay, anh bịn rịn lưu luyến
không muốn rời tôi. Còn tôi, cũng thấy
nhớ anh da diết và mong chờ anh từng ngày
trong các lần anh đi hành quân. Tối
nào tôi cũng đọc kinh cầu nguyện cho
anh được bình yên trở về.
Bây giờ tôi mới
biết tình yêu là gì. Tôi bắt
đầu biết tương tư, mơ mộng, nhớ
nhung và man mác buồn khi thiếu vắng anh. Những
bản nhạc tình lính, người yêu của
lính, dường như càng lúc tôi
càng thấy hay hơn, và tôi hát nhiều
hơn. Sau mỗi lần hành quân, Lân đều
mang về tặng tôi những cánh hoa lan rừng.
Tôi nghe nói vùng núi rừng An Khê
này có nhiều hoa lan. Có những loại hoa
lạ, thật đẹp mà tôi chưa bao giờ
nhìn thấy hoặc biết tên. Chỉ sau hai
tháng, trong phòng tôi treo đầy hoa lan rừng.
Tôi thích nhất là những cánh hoa
màu tím. Có lẽ tôi nhớ tới
màu tím hoa sim trong một bản nhạc mà
tôi thường hay hát …
Chiến tranh lại
ngày càng ác liệt. Ngồi trong lớp học,
bọn tôi vẫn thường nghe tiếng súng,
tiếng máy bay vần vũ trên bầu trời.
Ban đêm, nhìn qua cửa sổ, những trái
hỏa châu lơ lửng giữa trời, soi sáng
cả một vùng núi non nào đó. Rồi
tôi nghe tin Dakto mất, Tân Cảnh thất thủ,
thành phố Kontum bị pháo kích … Một
số người đã phải bỏ nhà chạy
xuống Pleiku, sống trong các trường học
được chính quyền dùng làm trại
tiếp cư.
Hơn một tuần,
tôi chưa gặp Lân bởi đơn vị anh
có lệnh cắm trại, ứng chiến. Bất ngờ
gặp lại anh trong lễ sáng chủ nhật ở
nhà thờ. Khi tôi đang quỳ gối cầu
kinh, Lân đến sau, quỳ xuống bên cạnh.
Tan lễ, vừa bước ra khỏi nhà thờ
thì chúng tôi gặp anh Quế đứng
đợi từ lúc nào. Tôi mời hai anh về
nhà. Trên đường đi, cả hai anh im lặng,
không nói một lời gì. Nhìn nét mặt
thật buồn, tôi nghĩ là họ đang ưu
tư điều gì. Tôi hỏi, nhưng hai anh chỉ
nhìn nhau rồi lắc đầu, không nói.
Suốt ngày hôm ấy
hai anh ở lại nhà tôi. Mẹ tôi
đãi hai anh một con gà tơ. Trong lúc
Lân và Quế trong vườn, tôi tìm
hái mấy trái cà, trái mướp
và rau thơm. Cả ba chúng tôi cùng
làm bếp, đùa giỡn, ca hát líu lo,
không còn chút ưu tư nào trên
khuôn mặt của mọi người. Ăn cơm
xong, chúng tôi rủ nhau ra ngồi dưới những
cây dừa rợp bóng, nghe Quế hát, rồi
chúng tôi cùng hát theo những bài
tình ca quen thuộc. Buổi chiều, Quế cáo từ
tôi, chào ba mẹ tôi xin về trước.
Trong phòng tôi chỉ còn có tôi và
Lân. Lần đầu tiên tôi nghe Lân rụt
rè tỏ tình. Anh bảo, đời chiến binh
rày đây mai đó, rồi có một
ngày, anh sẽ phải đi xa, nhưng lúc
nào cũng mang theo bóng hình của tôi
vào những nơi gió cát. Những lời
anh nói làm tôi nhớ tới những câu
thơ Chinh Phụ Ngâm thật hay của bà
Đoàn thị Điểm mà tôi đã học.
Những câu thơ thật buồn bây giờ lại
càng buồn hơn. Tôi khóc. Lần đầu
tiên tôi khóc, không biết là vì hạnh
phúc đến bất chợt của mối tình
đầu hay là vì nghĩ tới nỗi cô
đơn của người Chinh Phụ. Tôi giật
mình, khi Lân ôm tôi vào lòng. Tôi
đứng im, bất động, đón nhận nụ
hôn tình yêu đầu đời trong hai
hàng nước mắt. Tôi tiễn Lân ra đầu
làng, hai đứa ôm lấy nhau khi bóng chiều
vừa tắt.
Sáng hôm sau, ngồi
trong lớp học, khi thấy từng đoàn xe
nhà binh chở đầy lính chạy về
hướng Pleiku, lòng tôi thẫn thờ khi nghĩ
là Lân đã đi xa … Tôi vội
lên xin phép cô giáo ra ngoài. Nhưng khi
tôi vừa chạy đến hàng thông
phía trước, thì đoàn xe cuối
cùng đã chạy qua bên kia cầu.
Xuân ơi,
Anh đang ở phi
trường Pleiku để chuẩn bị được
không vận lên Kontum. Chiến trường đang
ác liệt. Căn cứ Tân Cảnh vừa thất
thủ. Địch quân đang tràn xuống uy hiếp
thành phố Kontum. Thành phố đang bị
cô lập bởi những cái chốt của địch
quân trên đỉnh núi ChuPao, cắt đứt
quốc lộ 14 nối liền với Pleiku. Sợ
lên Kontum rồi, anh không liên lạc được
với em, nên viết vội ít dòng tin cho em
và cũng xin lỗi em vì hôm qua, khi chia tay ở
nhà em, anh không nói chuyện anh đi. Mong em
thông cảm bởi đó là bí mật
quân sự, anh không được phép tiết
lộ, mặc dù anh rất yêu em và tin em
…
Không biết đến
bao giờ mình mới gặp lại, nhưng dù bất
cứ hoàn cảnh nào, anh vẫn luôn mang theo
trong tim mình hình bóng của em. Em nhớ cầu
nguyện cho anh nghe.
Xin cho anh kính lời
hỏi thăm hai bác cùng gia đình. Cầu
xin Chúa và Đức Mẹ Maria luôn che chở
em cùng tất cả mọi người.
Hôn em.
Đỗ Lân.
Không ngờ lá
thư này là lá thư cuối cùng
tôi nhận được của Lân. Chỉ ba tuần
sau, Lân hy sinh. Người báo tin buồn này
chính là Lê Phương Quế, người bạn
chí thân của Lân và sau này cũng
là bạn của tôi. Lá thư có
kèm theo vài di vật, Quế đã nhờ một
anh phi công gởi cho tôi từ Pleiku, sau một chuyến
đổ quân cho đơn vị của Quế ở
Kontum. Lân đã bị thương rất nặng
khi cùng với vị tiểu đoàn trưởng
chui qua hàng rào phòng thủ, mở đường
vào giải cứu Bệnh Viện 2 Dã Chiến,
đang bị địch quân xua xe tăng đánh
chiếm, với ý đồ lợi dụng những
thương binh nằm trong bệnh viện, làm
bàn đạp tấn công vào khu phi trường
nằm sát thị xã Kontum. Lân chết
lúc chờ máy bay tản thương. Chính Quế
là người đã vuốt mắt cho Lân
và nghe những lời trăn trối cuối
cùng. Anh nhờ Quế giữ để trao lại cho
tôi cái dây chuyền có mang thánh
giá cùng mấy tấm ảnh có hình của
cha mẹ anh và của anh mặc lễ phục trắng
đội bê rê đỏ khi còn là thiếu
sinh quân. Những tấm ảnh ấy bây giờ vẫn
còn trong nhà thờ An Túc, và sợi
dây chuyền tôi vẫn còn cất giữ
đến hôm nay. Anh Quế còn cho biết
thêm, trước khi trút hơi thở cuối
cùng, Lân còn thì thào gọi tên
tôi, và khi lục trong túi áo, anh Quế
còn thấy cái khăn tay và lá thư của
tôi tặng Lân trong gói quà tết hôm
nào.
- Thưa thầy, cuối
năm 1973 tôi có nhận được thư của
thầy. Lúc ấy thầy bị thương nặng,
nằm ở quân y viện Pleiku. Tôi có
tìm đến thăm, nhưng người ta bảo
là thầy đã được chuyển về
quân y viện Nguyễn Huệ ở Nha Trang, để
được gần nhà. Lúc ấy đoạn
đèo An Khê lại bị địch chiếm,
nên xe đò không chạy được. Mấy
tháng sau, khi đi được xuống Nha Trang
tìm thăm thầy, thì thầy đã xuất
viện. Tôi có hỏi nhưng bệnh viện
không biết thầy ở đâu.
- Mô Phật !
Đúng như bà nói. Tôi được
Hội Đồng Giám Định Y Khoa cho xuất ngũ,
vì thương tích. Tôi về sống với
mẹ già. Lúc ấy bà cũng đang tu tại
gia, ăn chay trường. Suốt một đời bà
đã lo lắng cầu nguyện cho cha tôi, rồi
đến tôi. Cha tôi cũng đã tử trận
năm 1965, trong trận Đồng Xoài, khi ấy
tôi chỉ vừa 11 tuổi.
- Nhờ vậy mà
thầy đã đi tu.
- Lý do đó chỉ
một phần. Cái chính là do tôi
đã sống trong chiến tranh, chứng kiến bao
nhiêu cái chết quá đau lòng, như
cái chết của những người còn
quá trẻ như Lân. Họ đâu có tội
tình gì. Tôi nghĩ tới cuộc chiến phi
nghĩa, khi mà anh em cùng một nhà lại
chém giết thù hận lẫn nhaụ Nhất
là những người lính miền bắc, chỉ
vì một số người cầm quyền nhân
danh các thứ chủ nghĩa này nọ, để
xua họ vào miền nam chém giết chính
đồng bào mình. Trước khi nhắm mắt,
có lẽ họ chẳng biết họ chết trong
núi rừng, trong đói khổ, để cho ai
và được điều gì ? Gia
đình, cha mẹ hay vợ con họ ra sao ? Tôi nghĩ
tới cái Vô Thường, Vô Minh mà Đức
Phật đã dạy, nên tôi đã
tìm tới cửa Thiền để mong trút bỏ
mọi ám ảnh, oan khiên.
Như vừa nhớ ra một
điều gì, thầy chỉ tay về hướng
sau chùa:
- Mời bà đi
theo tôi. Mong bà sẽ tìm thấy một điều
kỳ diệu.
Tôi theo thầy đi
dọc theo triền đồi, đến một nơi
tương đối bằng phẳng. Lại một khu
vườn nhỏ toàn hoa sim. Tuyệt diệu hơn,
bên trên các khung cây được treo
đầy những cánh lan rừng. Tôi nhớ tới
những cành lan mà Lân thường mang về
tặng tôi sau các cuộc hành quân.
Ngày xuân, tất cả đang nở rộ một
mùa hoa. Điều làm tôi ngạc nhiên
hơn là giữa khu vườn là một
ngôi mộ, trên tấm bia lại có cây
thánh giá. Tôi thắc mắc hỏi thầy.
Thầy im lặng,
không trả lời, ra dấu bảo tôi cùng
thầy đến gần ngôi mộ. Tôi bàng
hoàng khi đọc mấy dòng chữ trên mộ
bia:
Giuse Đỗ
Lân
Sinh ngày
10.7.1953 tại Huế
Tử ngày
11.5.1972 tại Kontum
Tôi quỳ trước
ngôi mộ, đưa tay lên ngực làm dấu
thánh giá rồi khóc sụt sùi. Một
cơn gió xào xạc làm chao động cả
rừng cây. Dường như tôi đã ngồi
ở đây lâu lắm. Khi lau nước mắt
đứng lên tôi không còn thấy thầy
trụ trì. Có lẽ thầy muốn để
tôi ngồi khóc một mình mà thổn thức
với người xưa, hay là muốn tránh xa
chuyện vui buồn của thế tục.
Khi trở lại
chùa, tôi có cảm giác như chân
mình đang bước vào khoảng không, hụt
hẫng. Chú tiểu chờ tôi trong căn nhà
khách, chuyển lại lời xin lỗi của thầy
trụ trì và trao lại cho tôi một tờ
giấy học trò được xếp làm
đôi. Thầy trụ trì đang cúng ngọ.
Tôi mở tờ giấy ra đọc, trong lúc tiếng
chuông chùa ngân nga như muốn làm dịu
đi phần nào những cơn sóng đang bềnh
bồng trong lòng tôi. Trên tờ giấy chỉ
có mấy dòng chữ: Xin chào bà
và cám ơn bà. Chính tôi đã
mang hài cốt của anh Lân về cải
táng trong vườn chùa, khi được tin nghĩa
trang trong thành phố Kontum bị giải tỏa. Anh
Lân mồ côi, không còn ai thân thích.
Từ nay, xin bà hãy cầu nguyện cho anh
Lân, theo nghi thức tôn giáo của bà. Nam
mô A Di Đà Phật.
PHẠM
TÍN AN NINH
(Tác giả viết
lại phỏng theo lời kể của một nữ
độc giả. Độc giả này sau khi đọc
bài Trên Chiến Trường Xưa (Kontum) của
tác giả, được phổ biến trên nhiều
số báo nhân ngày 30.4.2008, đã tìm
cách liên lạc với tác giả để
tìm hiểu về cái chết của người
tình cũ. Anh đã tử thương trong trận
tái chiếm Bệnh Viện 2 Dã Chiến, Kontum
ngày 11.5.1972)
(Bai Chuyen)