Giọt mưa thu
(Phan)
Trời vào thu se lạnh. Bà Lưu cứ bặm môi, híp mắt
chịu đựng sự nhức nhối từ những
khớp xương đã tới hồi nó
loãng. Ông Trần cố gắng
xoa bóp bao nhiêu cũng chỉ đỡ được
phần nào tâm lý thì đúng hơn
là trị liệu. Làm sao chia sẻ
được hậu quả những lần vượt
cạn của vợ ông, những nhọc nhằn
năm tháng cưu mang cả một gia đình.
Đêm nay mưa rơi, trời trở
lạnh càng thấu buốt bộ xương
già của bà, ông xoa bóp ngoài da, xoa
đến trong lòng. Ông Trần cảm hứng từ giọt
mưa bên song cửa, ngẫu hứng ôm cây
đàn thùng hát khúc tình ca cũ
rích. Ông ca không hay, ông đàn
nghe cũng dở, nhưng hình như tiếng
đàn nó biết chuyên chở đến những
khớp xương sưng đỏ kia
một tình nghĩa thủy chung. Giọng hát
khàn thiên phú lại còn chau chuốt
thêm thời gian bi hài của cuộc đời không
may mắn nghe buồn như giọt mưa thu.
Bà Lưu cuộn mình trong chăn như con
sâu làm tổ, ông Trần hát: “Ngoài
hiên giọt mưa thu thánh
thót rơi - Trời lắng u sầu, mây hắt
hiu ngừng trôị Nghe gió thoảng mơ hồ
trong hơi thu…” Bà Lưu
chìm vào giấc ngủ ngọt ngào như giọt
mưa trên lá, bỏ lại không gian giai điệu
muộn phiền của bài mưa ca rỉ rả.
Tiếng đàn, những nốt nhạc buồn
rười rượi của cố nhạc sĩ Đặng
thế Phong …
Tiếng đàn thôi không cần
nữa, ông Trần đi tự thưởng cho
mình một ly vang.
Đứa con trai út của ông đứng chựng
ngoài cửa phòng tự bao giờ, cửa
phòng ông đã không khép tự bao giờ ! Gương mặt
nó không còn búng ra sữa như vài
năm trước, thấp thoáng nét thanh tú
của mẹ. Ông Trần thầm
mong ước cho đời nó đừng ngang dọc
nhiều đến nỗi ngang tàng như Trần
Đại Hải này. Ba mươi năm trước,
nó cũng đứng chựng như thế
! Ông mừng con mình sắp biết đi, rồi
ông đi tù. Những vấp ngã
tuổi thơ, nó đã tự đứng dậy.
Sự kiên cường bởi hoàn cảnh bắt
buộc để sinh tồn đã giết chết tiếng
cười khanh khách của tuổi thơ con ông.
Bây giờ nó đứng chựng
trong thầm lặng ông lại đâm lo lắng.
Lâu rồi, nó không cần tiền bạc cũng
không xin ân huệ gì từ
ông. Hình như nó chỉ đứng để
nghe những lời lẽ, nhìn xử sự của
người đàn ông mà nhiều năm qua
nó kêu bằng bố vì phong tục hơn
là thấu hiểu hay khâm phục. Nó bước
đến bên ông, đưa tay
đón lấy cây đàn, tay kia xoa đầu
bố theo kiểu Mỹ.
Thời gian trôi đi, bốn
mùa như gió, bốn mùa như mây. Một trưa hè, nó
đưa về nhà cô bạn Mỹ. Vợ chồng
ông Trần đang ăn cơm trưa, may mà
hôm ấy không có món mắm nào
trên bàn ăn. Ông bảo bọn nó
cùng ăn cho vui. Nó đi
làm hai dĩa cơm sườn sả, đưa
lên phòng khách ăn với
bạn. Ông Trần mới gặp cô
bạn nó lần đầu, còn bà Lưu
thì đã vài lần. Thậm
chí bà có cả lý lịch trích ngang
của người ta.
Bữa cơm xong, bà Lưu vào
phòng. Hình như
không vui khi thấy con trai bà dọn dẹp. Ông Trần ra garage là phòng điều
nghiên của ông những khi cần yên tĩnh.
Ông thật muốn nhấm nháp một
chút cho ấm lòng già. Nhớ tới
lão bác sĩ gia đình mà giận run,
người chỉ biết nói những lời
khuyên luôn luôn lầm đối tượng
mà cứ tưởng là mình cứu nhân
độ thế. Đời ông Trần
đã nát bét tuổi thanh niên, mười
năm áo lính, cũng lót ngót ngần ấy
năm áo tù. Phần đời
còn lại đi giao báo nửa đêm để
khỏi phải nói tiếng người. Răng
ông không rụng mà mòn vì nghiến
hoài, may mà lũ con ông
không đứa nào làm bác sĩ, điều
duy nhất giúp ông tin có thánh thần
trong phần đời còn lại vừa mong manh, vừa
tị hiềm … rất thiếu lòng tin trong
tình người nhân bản, thì không ai
nghĩ đến một lời khuyên.
Ông trở vào nhà, thấy
con trai ông ôm cây đàn, đang hát
khúc nhạc country lời Mỹ cũng hay hay. Hình
như người đàn ông nào cũng đầu
tiên là ôm cây đàn, sau đó
ôm cả vũ trụ vào lòng, đến khi
nhận thức được cái gì không phải
của mình thì đã già. Điều ấy chỉ
có thể trải nghiệm bằng chính cuộc
đời chứ thật khó lòng tin người
khác dù là cha hay mẹ. Sau khi đã
đi giáp vòng thiên địa, nếm đủ
chua cay lẫn ngọt bùi … lại về ôm
cây đàn gởi gấm hết tâm tư,
tình cảm của một người từng trải
theo những cung bậc muộn phiền, lời ca, tiếng
đàn khàn đục như một vết
lăn trầm lăn qua vùng ăn năn … lăn
vào lòng đất mà nhiều khi còn
chưa hiểu thế nào là một tình
yêu.
Cô gái Mỹ nửa ngồi, nửa
nằm trên sofa. Mắt lim dim muốn
ngủ. Ông Trần nghe cô ấy nói với con
trai ông: “Mày để yên cho tao ngủ
chút được không ?” Tiếng đàn im bặt. Con trai ông ra garage xin bố chai bia. Nó nuốt một ngụm
quá hớp, tràn ra cả áo. Sau
đó khà một tiếng như sư tử con.
Không biết có khà ra được một
phần ngàn những ưu phiền của tuổi trẻ
hải ngoại ? Ông Trần thật
hết sức muốn nói với con: “Ta về
ta tắm ao ta/ dù trong, dù đục ao nhà vẫn
hơn.” May là còn chưa nhả lời kỳ
thị khi suy nghĩ lại ! Nhà đã mất ba mươi năm
thì làm gì còn ao mà gọi con về
tắm. Ông cũng có một phần
trách nhiệm trong chuyện nước mất,
nhà tan.
Ông Trần kể cho tôi nghe
như vậy. Và
kìa, giọt mưa thu cay sè
trong mắt ông. Tôi tin là tôi
đã thấy như vậy. Tôi
rót cho ông ly vang nữa. Hy vọng
chia sẻ được chút gì qua vị chua
chát của rượu vang với những người
muôn năm cũ.
PHAN
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)