TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

T. VÂ'N 16

 

 

Những đứa con đi tìm mẹ

- Chiến dịch nhân đạo Babylift tháng 4 năm 1975

(T. Vấn)

 

1.

 

Đối với những bà mẹ, chiến tranh là một con quái vật. Nó nuốt chửng con cái của họ. Cả những đứa đã trưởng thành lẫn những đứa còn đỏ hỏn phải bế trên tay. Ở bên này hay bên kia chiến tuyến, nỗi đau mất con của những bà mẹ đều giống nhau. Nhưng mất con, vì chúng đã đủ lớn và đi theo tiếng gọi của lý tưởng, của tổ quốc, trái tim người mẹ tuy có vụn vỡ hàng ngàn mảnh nhưng vẫn có thể chịu đựng được. Sau cuộc chiến, hàng trăm ngàn bà mẹ có con chết trận ôm di ảnh con mình trong căn nhà quạnh quẽ. Với họ, thắng hay thua trong cuộc chiến vừa chấm dứt chẳng mang một ý nghĩa gì trọng đại. Họ chỉ biết một điều : con của họ đã không trở về.

 

Nhưng với những bà mẹ thất lạc con mình - trong lúc loạn lạc, trong lúc gồng gánh tản cư ra khỏi vùng bom đạn, hay đành phải đem con bỏ chợ, đem con đến cho những viện mồ côi, vì chiến tranh đã tàn phá nơi ăn chốn ở của bà, đã khiến không còn một phương tiện kiếm sống nào có thể giúp bà mỗi ngày đem thực phẩm về nhà, để lựa chọn cuối cùng không thể khác hơn là đưa chúng vào nơi ít nhất chúng được bữa ăn hàng ngày ,- thì nỗi đau tuy không xé lòng như những bà mẹ có con chết trong cuộc chiến, vì ít nhất bà còn có hy vọng có ngày nhìn lại mặt con, cái nỗi đau của cuộc sinh ly chứ không phải tử biệt, liệu có dễ dàng chịu đựng hơn không ?

 

Nỗi đau mất con nào cũng giống nhau, dù sinh ly hay tử biệt. Tử biệt, ôm di ảnh con, khóc cho nhòe nhoẹt hết cái khuôn mặt quá đỗi quen thuộc, quá đỗi thương yêu ấy, rồi lặng lẽ tập cho quen với quãng đời còn lại không còn đứa con dứt ruột đẻ ra ấy nữa . Sinh ly, xa con khi nó còn đỏ hỏn, khi nó cần đến nhất bàn tay chăm sóc của người mẹ, khi thế giới của nó lúc ấy chỉ duy nhất là bóng hình người mẹ, và rồi sau đó trong suốt quãng đời còn lại của bà, mỗi đêm nằm xuống dỗ giấc ngủ, liệu tiếng gào xé lòng gọi mẹ của đứa con bị bỏ lại trong viện mồ côi hay hình ảnh bọc tã nhem nhuốc gói thân hình còm cõi của hài nhi thiếu sữa nằm chơ vơ trên bực thềm bước vào bệnh viện phụ sản, có làm cho bà không thể nhắm mắt được trong suốt nhiều năm tháng, dù cho bà đã có thêm những đứa con và có khả năng chăm sóc chúng đầy đủ như bà mong ước.

 

Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, những câu chuyện về mẹ và con vẫn còn được nhắc đến.

 

Những đứa con đã yên nghỉ trong lòng đất, chắc chắn vẫn còn được nhớ đến bởi người mẹ của mình. Bao lâu người mẹ còn sống, nấm mồ con sẽ không bao giờ hương tàn khói lạnh, hồn đứa con vẫn ấm áp nhờ tấm lòng không bao giờ nguội lạnh của người mẹ già.

 

Những đứa con năm xưa phải xa lìa vòng tay mẹ, may mắn sống sót sau bao nhiêu biến thiên của đất, của trời, của người, nay lưu lạc khắp nơi trên toàn thế giới, hẳn không thể quên cái nguồn cơn khiến mình là đứa con bị bứt khỏi rễ mẹ năm xưa. Và chắc chắn, người mẹ của chúng, nếu còn sống , cũng vẫn nhớ đến giọt máu tội nghiệp mình bỏ rơi những ngày ấy binh đao.

 

Và có hay không, những cuộc đoàn tụ, cái mong ước và là sự an ủi của hơn ba mươi năm trước khi bà gạt nước mắt, cương quyết dứt khỏi bàn tay nắm chặt tuyệt vọng của con, rồi quày quả bỏ chạy vì sợ cái định mệnh còn tàn nhẫn hơn nữa đổ ụp xuống con mình nếu bà chần chừ rồi đổi ý.

 

Trên đời này, liệu còn có cuộc chia tay nào đứt ruột hơn nữa không ?

 

2.

 

Những ngày đầu tháng 4 năm 1975, giữa một miền Nam xôn xao về những giải pháp chấm dứt cuộc chiến, hàng ngàn trẻ em mồ côi được chính phủ Hoa Kỳ tìm cách đưa chúng rời khỏi đất nước (chiến dịch nhân đạo mang tên Babylift ) theo yêu cầu của các tổ chức từ thiện để tránh những thiệt hại có thể xẩy đến do chiến tranh đang tiến dần vào các thành phố lớn. Trong số đó, có đứa còn chưa biết nói, có đứa đã có chút trí khôn và trí nhớ để biết mình là ai và hiểu được thân phận lạc loài của mình.

 

Giờ đây, những đứa trẻ năm xưa đã trưởng thành, đã mang một cái tên khác hẳn với cái tên do cha mẹ đẻ đặt cho. Hồi ức của 34 năm về trước vẫn cứ tươi rói như mới vừa xẩy ra với những đứa con lưu lạc ấy.

 

Lee Stefin, được biết dưới cái tên Việt là Đặng thị Hiệp khi còn ở Việt Nam, là con nuôi của một gia đình người Mỹ. Cô nguyên là con đẻ của một quân nhân Mỹ và người mẹ Việt Nam. Hiệp, lúc đó mới 9 tuổi, cùng với 2 đứa em trai ở trong số trẻ em được chiến dịch nhân đạo Babylift ngày ấy cứu vớt. "Mẹ tôi nói rằng có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ được gặp lại mẹ nữa, rằng tôi có bổn phận phải cố gắng hết sức giữ cho 3 chị em chúng tôi luôn ở bên nhau. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp mẹ . Rồi máy bay cất cánh. Tôi nhìn ra cửa sổ và tự hứa với mình rằng rồi sẽ có ngày tôi trở lại mảnh đất này để tìm người mẹ thân yêu" .

 

Trong bao năm trời, Lee, tức Hiệp, luôn nghĩ đến nguồn gốc của mình, và nhất là hình ảnh người mẹ khốn khổ trên một đất nước cũng khốn khổ không kém. "Tôi không thể không nghĩ đến mình là người được sinh ra ở Việt nam". (Tôi vừa là người Mỹ lẫn người Việt.) Tôi là cả hai . Mới đây, cùng với hai người bạn có cùng thân phận lạc loài như mình, cùng rời đất nước trong chiến dịch Babylift tháng 4 năm 1975, Hiệp quay trở về Việt Nam để tìm lại người mẹ tội nghiệp năm xưa, để tìm lại gốc rễ của mình. Ở số tuổi trên 40 hiện nay, Hiệp nghĩ về quê hương Việt Nam như nghĩ về người mẹ của mình. Quê hương là mẹ. Tìm thấy mẹ là nhận lại được quê hương. Nhưng cô không gặp lại được mẹ mình. Hay đúng hơn, ở chuyến đi này, Hiệp chưa gặp lại được mẹ mình . Cô về lại đúng nơi chia tay mẹ năm xưa, với trí nhớ của một đứa trẻ 9 tuổi. "Khi mà mình sống ở một nơi thật xa và không một ai có những kỷ niệm như mình có, đôi lúc, mình có cảm tưởng giống như đang ở trong một giấc mơ do chính mình tưởng tượng ra. Giờ đây, đứng trước khung cảnh bấy lâu nay chỉ ở trong trí tưởng, mình mới tin đó là có thật".  Nhưng người mẹ mà cô khao khát muốn gặp lại, vẫn chỉ ở đâu đó trong những giấc mơ.

 

Liz Sowles, người bạn đồng hành của Hiệp, rời đất nước khi còn đỏ hỏn, có lẽ khoảng 6 tháng tuổi. "Hình như tôi được sinh ra vào tháng 10 (1974). Không có ai đoan chắc về điều này cả. Tôi bị bỏ nằm một mình trước cửa một bệnh viện phụ sản. Có người nhặt tôi lên rôi kể từ đó, mọi chuyện liên quan đến tôi chỉ là do phỏng đoán hoặc bịa đặt". Khi Liz, người không bao giờ được biết tên và họ Việt nam của mình, đặt chân lên bậc thềm bệnh viện phụ sản nơi cô bị bỏ rơi mấy mươi năm trước, đã bật khóc như một đứa trẻ. Có lẽ cũng là âm thanh tiếng khóc hài nhi Liz ngày nào. Cô có biết mẹ mình là ai đâu mà tìm, mà hỏi. Theo chân Hiệp trở về quê mẹ, để chỉ tin rằng mình cũng có một người mẹ. Chứ không phải từ đất chun lên, từ trời rơi xuống. Với Liz, hình ảnh bậc thềm một bệnh viện phụ sản ở Việt Nam sẽ mãi mãi là hình ảnh quê hương của một người mẹ không bao giờ biết mặt. Dẫu sao, cô tự an ủi rằng mình cũng có một quê mẹ.

 

Nhưng vẫn có người may mắn hơn. Một cô gái được nhận làm con nuôi ở Úc, 28 năm sau đã tìm lại được người mẹ ruột của mình, nhờ vào bức thư đầy nước mắt của người mẹ trẻ nhét theo vào với mảnh tã quấn quanh người đứa con. Sau bao nhiêu những nỗ lực của đứa con, họ đã gặp lại nhau. Nhưng người mẹ không nói được tiếng Anh, đứa con gái không nói được tiếng Việt. Ngôn ngữ trao đổi giữa mẹ và con lại trở về như thuở nguyên sơ, khi con còn nằm trong vòng tay mẹ, khi con chưa biết nói và chưa hiểu tiếng người, nhưng người mẹ biết rất rõ con mình muốn gì và đứa con cũng biết rất rõ phải làm gì khi đói, khi khát, khi cần được mẹ âu yếm, bế bồng. Dù sao, cô gái người Úc gốc Việt ấy cũng quyết tâm học tiếng Việt, vì, như cô thố lộ, chỉ bằng cách ấy cô mới trọn vẹn tìm lại đuợc người mẹ ruột của mình.

 

Câu chuyện một cô gái khác tìm lại được mẹ của mình như một phép lạ. Năm 1968, cô mới 1 tháng tuổi, bị người vú nuôi đem cho một viện mồ côi ở Nha Trang. Nơi đây, người ta đặt tên cô là Nguyễn thị Mỹ Liên. Năm 1972, Mỹ Liên được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi và có tên mới là Joy My Lien Degenhardt. Năm 1993, Joy My Lien đến Việt Nam để điều hành cơ sở viện trợ nhân đạo Degenhardt (Degenhardt Foundation) do chính cha mẹ nuôi của cô thành lập. Trong lúc vừa làm công việc chính của mình là phải di chuyển khắp nơi để thực hiện các công tác cứu trợ ở 12 thành phố và tỉnh thành, cô vẫn tìm thời giờ lùng kiếm người mẹ mà cô chưa từng biết mặt. Trong 15 năm làm việc ở Việt Nam, tuy chưa tìm ra được tông tích của mẹ, nhưng nhờ nỗ lực tìm kiếm ấy , cô đã nhận được hàng trăm bức thư từ những người mẹ có con cái bị thất lạc vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mà phần lớn đều vì chiến tranh, loạn lạc. Cũng từ những đầu mối đó, Joy My Lien cùng với những cộng sự viên Việt Nam, đã giúp 17 bà mẹ đoàn tụ được với những đứa con của mình. Số còn lại, tuy không tìm thấy con, cô đã giúp đỡ họ có một cuộc sống thoải mái hơn.

 

Nhiều lần, Joy My Lien đến Nha Trang làm việc, thành phố quê hương năm xưa cô được sinh ra. Mỗi lần ghé Nha Trang, cô đều đến ăn cơm ở nhà hàng quen thuộc P.B. Theo lời cô, nơi ấy chưa hẳn đã có thức ăn vừa miệng cô, nhưng ngày từ lần đầu tiên bước vào, cô đã có một linh cảm khó tả. Đó là lý do cô chọn nhà hàng P.B. để ăn mỗi khi đến Nha Trang. Lần cuối cùng ghé Nha Trang, Joy My Lien không ghé qua nhà hàng ấy nữa. Cùng thời gian đó, nhà hàng P.B. đổi chủ. Tháng 12 năm 2008, sau bao nỗ lực tìm kiến mẹ ruột của mình, Joy My Lien biết được tông tích của mẹ. Đó chính là bà Bùi thị Lai Ninh, người chủ cũ của nhà hàng P.B. Gặp lại con mình, bà mẹ Bùi thị Lai Ninh chỉ nói được hai tiếng "con ơi !" rồi ngất xỉu. Joy My Lien Degenhardt Nguyễn thị Mỹ Liên không cần đến bất cứ chứng cớ nào, kể cả thử nghiệm DNA, để tin rằng chính bà Bùi thị Lai Ninh là mẹ ruột của mình. Bởi vì, theo câu nói bị ngắt quãng vì phải ngưng lại để lau nước mắt của cô, không một ai ngoài mẹ ruột của cô biết được rằng cô có một cái bớt (birth-mark) màu nâu bên vai trái và 2 mụt ruồi bên vai phải. 41 năm , khoảng thời xa cách dài lê thê, vậy mà bà vẫn nhớ từng nét đặc biệt trên thân thể đứa con mất tích từ khi mới 1 tháng tuổi.

 

Chỉ có tấm lòng người mẹ mới chứng tỏ được điều khó tin ấy.

 

3.

 

Thuờng thì chỉ có những người mẹ đi tìm con. Vì nước mắt vốn chảy xuôi. Và vì tình mẹ thương con (cùng với người cha) là thứ tình cảm duy nhất trên đời không hề biết đến đổi thay, bất kể mọi thăng trầm của thế sự. Nhưng hoàn cảnh những bà mẹ Việt Nam trong và sau cuộc chiến đã không cho phép các bà làm công việc mà các bà hằng ao ước ấy khi lìa bỏ con năm xưa. Cho nên, những đứa con Việt Nam lạc loài đã phải đi tìm kiếm người mẹ của mình. Đồng thời, làm cuộc hành trình trở về nguồn.

 

Không phải tất cả những đứa con lạc loài năm xưa vẫn nhớ đến nguồn gốc của mình. Không phải tất cả những đứa con trở về lại nơi sinh ra đều đã hưởng được niềm vui đoàn tụ. Nhưng , ít nhất, chảy trong huyết quản chúng, vẫn là dòng máu Việt và tình mẫu tử truyền thống.

 

Những câu chuyện được kể lại ở trên chỉ là vài mẩu chuyện trong hàng trăm mẩu chuyện con đi tìm mẹ xẩy ra sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Dẫu sao, sinh ly vẫn còn hơn là tử biệt. Bởi vì , còn sống là còn có ngày gặp nhau.

 

Xin cầu nguyện cho những đứa con chưa được gặp mẹ và những người mẹ đang mòn mỏi mong được nhìn lại đứa con lạc loài năm xưa trước khi nhắm mắt lìa đời.

 

 

T.Vấn

© T.Vấn 2009

 

 

(Bai Chuyen)

 

 

website counter