TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 20

 

Cầu Tăng

(Phan)

 

 

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài viết mới của Phan là một hồi ức tưởng nhớ ba người lính, một ông là người và hai ông là hồn ma tử sĩ.

 

 

***

 

Mùa Xuân lại đến với đất trời, vạn vật nơi quê xa. Ở đây, thời tiết đất Mỹ se sắt lạnh làm tôi nhớ đến chứng phong thấp di truyền. Vậy mà đã mấy mươi năm nay không trở lại để hành hạ tôi trong tiết trời đất khách.

 

Sáng Xuân nay lại về rạng rỡ như gương mặt đứa con nhỏ được nghỉ Spring break. Tôi thắp nén nhang lòng tưởng nhớ cố hương và cố nhân. Cố hương thì còn lây lất đó, nhưng cố nhân thì đã thành thiên cổ. Tôi nhớ chú Thạch Sao. Hình như chú ấy là bà con của ca sĩ Chế Linh. Đến tận bây giờ, mỗi lần thấy Chế Linh trên màn ảnh là tôi nhớ ngay đến chú Thạch Sao. Tôi cũng nhớ chú Không, chú Có, hai người lính trực thăng xương đã vùi trong rừng từ lâu mà còn hiện  hồn cứu tôi. Cái mạng này còn  được đến nay là nhờ các chú.

 

. . .

 

Mùa hè năm 1976. Tôi đi làm rừng ở vùng kinh tế mới Phước Bình tỉnh Phước Long. Công việc của năm người đàn ông (hai thế hệ) là vào rừng chặt lồ ồ. Dùng dây mây kết lại thành bè, thả bè theo suối Rạc về cầu Phú Riềng. Cặp bến - bán cho con buôn (núp bóng Hợp Tác Xã) đưa về miền xuôi làm giấy và nhiều sản phẩm chế biến khác.

 

Hồi mới gia nhập nghề đi rừng, tôi thường bị chứng phong thấp mà mẹ tôi di truyền cho, cứ nóng-lạnh, trở trời là những khớp xương trên tay tôi xưng đỏ, đầu gối đau nhức. Chú Thạch Sao từng nhiều lần thấy tôi nhăn nhó khổ sở với cơn đau phong thấp.

 

Một sáng sớm khi gần đến chỗ làm, chúng tôi thấy một đàn voi lừng lững đi. Ông tượng đầu đàn làm xấu, để lại đống phân to như cái thúng úp xuống đất. Khói nóng bốc lên như chú Tàu mở nắp nồi bánh bao, chỉ có mùi vị - tương phản. Chú Thạch Sao bảo tôi cởi giày, đứng vào đống phân đó. Cha mẹ ơi ... Thấy tôi ngần ngại, chú dục lẹ lên mày rồi còn nói phần phước của tôi có Ơn trên độ mạng, mới gặp may như thế !

 

Đứng vào đống phân voi nóng mới đã điếu làm sao. Hai bàn chân đang lạnh mưa rừng nghe ấm lạ, có một loại kiến không cắn - bò vào lỗ chân lông ... bò dần lên cơ thể làm ấm dịu những mệt mỏi và đau nhức tiêu tan. Mọi người đợi tôi đứng đến khi đống phân voi nguội lạnh, chú Thạch Sao và chú Đông chúc mừng tôi đã vĩnh viễn thoát được căn bệnh phong thấp. Tới đó tôi mới hiểu cách trị phong thấp của người dân tộc. Tôi cám ơn chú Thạch Sao, còn hứa đến ngày lãnh tiền bán lồ ồ. Tôi sẽ đãi chú ấy một con gà rừng trộn măng le và lá chanh, chấm muối ớt. Mấy chú nhậu rượu, tôi với thằng bạn nhỏ, tên Mẫn, hứa chỉ ăn cháo gà thôi.

 

Mùa mưa lũ là mùa khốn đốn nhất cho dân đi rừng ở Phước Bình. Mùa lũ tháng bảy, kéo dài qua tháng tám. Suối Rạc nước chảy xiết vì nước mưa trên núi Bà Rá đổ xuống. Có những hôm, tôi cắm cây sào bảy thước còn chưa đụng đáy. Nhưng tôi thích cảm giác  phiêu lưu trên dòng suối đỏ ngầu. Những chiều về, trời không mưa thì đầy lý thú. Chiếc bè trôi phăng phăng trên dòng suối hung tợn. Lồ ồ và cây rừng hai bên bờ suối đan vào nhau, xanh ngát. Những con vượn đen hò hú với người. Tôi thích giỡn với chúng vì vui. Có khi chúng đuổi theo chiếc bè làm xào xạc rừng cây, sách nhiễu dân tình - chim chóc chí chóe.

 

Khổ nạn của con đường mưu sinh ấy là cây Cầu Tăng. Theo chú Thạch Sao, người lính VNCH từng lăn lộn với chiến trường ở Phước Long trước 75, cây cầu này có từ hồi  Bắc quân mở chiến dịch tổng tấn công miền Nam năm 75. Quân chính quy miền Bắc đã giật mìn cho ngã hai cây to (thuộc loại cây dầu) bắc ngang qua suối Rạc để cho xe tăng T54 vượt suối. Từ đó có tên Cầu Tăng. Hai thân cây to đùng, nằm song song vắt ngang con suối như  đôi đũa ăn cơm khổng lồ. Ác  nhơn là tất cả bè về đều phải chui qua Cầu Tăng. Hôm nào không mưa-nước thấp-cứ ngồi bình tĩnh ngắm mấy cô cậu vượn tình tứ. Hôm nào nước hơi cao, phải khum đầu mới qua lọt. Hôm nào cái bè nổi đã chí mí Cầu Tăng thì phải nhẩy xuống nước, qua cầu lại leo lên.

 

Kể nghe đơn giản chứ trong thực tế nguy hiểm lắm ! Giả sử. Trong làn nước đục ngầu và hung tợn  ấy, có một nhánh cây gẫy chịu đầu xuống hốc đá nào đó ... Đầu trên như  ngọn chông trong làn nước đục-chảy xiết. Bạn gieo thân vào đó thì còn gì sinh mạng. Tôi thì ỷ tài nhanh nhẹn, trẻ khỏe. Nên đợi đúng lúc bè đến cầu là nhẩy hai lần, qua hai cây gỗ dầu-rớt trở lại chiếc bè vừa chui qua hai thân gỗ to. Trong chớp mắt như thế, không phải ai cũng làm được. Tôi tự hào với thành tích đó lắm. Cho đến hôm mưa dầm thúi trời thúi đất. Nước suối chảy xiết, chiều về vừa đói vừa lạnh. Chú Đông trong đoàn là lơ xe be lâu năm ở rừng đã khuyên tôi đừng nhảy kiểu đó. Nhưng bạn biết mà: Tuổi mới lớn ... nếu biết nghe lời thì thành ông cụ non rồi. Phần đứng trước hiểm nguy-tôi phải chọn lựa nguy hiểm nào ít hơn. Kết quả là: Cá không ăn muối cá ươn. Tôi ở lại Cầu Tăng một mình, sau một cú trượt chân vì trời mưa trơn trợt.

 

Con đường sinh lộ-không có ! Tôi biết là cứ đi theo chiều nước chảy thì sẽ về cầu Phú Riềng. Nhưng rừng rậm và con suối nào chẳng quanh co ! Không một tấc sắt trong tay ... trước khi về đến đó thì sinh mạng đã giao cho cọp, beo. Một, hai con gấu ngựa cũng thường gặp lắm. (Loài thú đó mới dữ tợn, nó đã táng hai chị em cô Thoa ngoài rẫy khoai mì đến chết cô em. Cô chị cứ dùng rựa mà chém điên loạn trong cơn sợ hãi, chẳng kể em mình hay thú dữ. Cuối cùng một người chết không toàn thây, người sống hóa điên.) Nghĩ đến đó, tôi quyết định ở lại đây đêm nay. Cũng đúng với lời dặn dò của chú Thạch Sao: Lạc đồng đội ở đâu thì cứ ở yên đó. Dùng sống rựa gõ vào thân tre, lồ ồ, tiếng động sẽ vang xa ... Lắng nghe tiếng gõ hồi âm. Quan trọng là đừng di chuyển, thì chú đến cứu. Tôi cứ ở đây, thể nào chú cũng đến cứu tôi. Dẫu biết trước là không ai vào rừng cứu tôi giờ này, tôi chỉ hy vọng ở những chiếc bè về sau chúng tôi. Đến không thấy gì nữa thì tìm chỗ ngủ, chiều mai sẽ đón bất cứ bè nào về quá giang.

 

Hôm ấy trời mưa, nên những tay lì lắm mới dám đi rừng. Những tay lì vừa thì đi nhưng không về trong ngày. Họ ém quân trên đồi thượng nguồn, đốn lồ ồ thật nhiều. Sau đó, phóng lồ ồ xuống suối, kết bè sẵn-chờ nước êm thì về bến ba bốn bè một thể. Họ nấu cơm ăn và ngủ ngay trong rừng. (Có độ năm sáu người, vừa đốt lửa, vừa ồn ào thì không sợ thú dữ tấn công). Hoàn cảnh thực tại bắt buộc tôi phải có những quyết định mau lẹ trước khi trời tối. Tôi đứng trên Cầu Tăng nhìn bốn hướng âm u rừng lá thấp. Mưa rừng nhẹ như sương nhưng lạnh buốt. Cái lạnh đâu từ trong xương lạnh ra. Cảm giác đói, mệt.

 

Tôi đã hết hy vọng có bè về, vì trời mưa tối sớm. Cái ngại nhất là không có cây rựa trong tay. Tôi như người lính mất súng. Tôi cố bứt cọng dây chiều (loại này không dai bằng dây mây, nên dễ bứt hơn). Rừng tối dần đến không còn thấy gì nữa, tôi leo lên cây lớn, cách chân Cầu Tăng độ năm thước để có thể nghe ngóng tiếng bè ai về trong hy vọng ! Cây có góc ngã ba tương đối ấm vì lá rậm, có thể ngủ. Dùng sợi dây chiều buộc ngang người, sau đó buộc vào nhánh cây tương đối chắc, để nhỡ có ngủ quên bị té thì sợi dây sẽ giữ mình lại. Và phải ngủ trên cây để hạn chế nguy hiểm bởi thú dữ. Khi đâu đã vào đấy, tôi cố chống chỏi  với cái đói và lạnh, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh giấc, rừng đêm mưa, xòe bàn tay không thấy. Tôi không có khái niệm giờ giấc, nơi chốn, nhưng lơ mơ biết mình đang nóng hầm, rồi sau đó ngất đi trong cơn sốt mê man.

 

 

*

 

Có người lay tôi dậy. Đó là hai chú lính đang bị thương. Một chú băng ngang đầu và bắp đùi chú bị thương nặng, bê bết máu khô. Chú kia băng ngang bụng -chắc trầm trọng lắm ! Chú khom người đi trong đau đớn. Chú băng đầu nói với chú băng bụng: "Thằng nhỏ sốt quá, Có ơi! Mày ráng mở đường cho tao cõng nó." Vậy là hai chú đưa tôi vào một căn phòng chật chội nhưng ấm áp. Vết thương nơi chân chú băng đầu lại chảy máu ròng ròng ... Chú Có nói chú băng đầu: "Không ơi ! Mày nấu cho nó miếng cháo. Còn mấy viên thuốc nè ... cho nó ăn rồi hẵng cho uống thuốc. Bụng tao đau quá ! Ruột tao đâu rồi ...?!"

 

Tôi mê mê tỉnh tỉnh ... Thấy chú Có bò đến bên tôi, đắp lên mình tôi cái áo lính te tua của chú. Chú Không bắc cái nón sắt của lính ngày xưa lên mấy hòn sỏi đá gì đó. Chú nhóm lửa nấu gạo sấy thành cháo. Chú Có ngồi dựa vào vách phòng đánh đàn thùng rỉ rả theo tiếng mưa đêm. Chú ấy hát: "Ôi những con chim đêm... sao chưa vỗ cánh ... Ôi những anh nông dân ... sao chưa về làng ... Ôi những bà mẹ già ... hằng đêm mong con ... Còn nụ cười trên đôi môi, còn trái tim, dân ta còn tới ! Vì Độc lập, vì Dân tộc ... nước nhà ta tới ! Hãy vùng lên anh chị em ơi !!!..."

 

Chú Không đút cháo cho tôi ăn, cho tôi uống thuốc ... đặt tôi nằm ngang ngược trong căn phòng chật chội. Chú Không ngồi dựa vào vách-lim dim ngủ. Hình như chú đọc kinh ê a ... như con nít học bài học thuộc lòng. Tôi ngủ ngon ... giấc ngủ ngon nhất đời tôi. Từ ngày "giải phóng".

 

Có người lay tôi dậy ! Tôi cứ tưởng là chú Không hay chú Có. Nhưng không phải, tôi lờ mờ nhận ra chú Thạch Sao. Ngoài trời mưa âm u, nhưng đã nhìn thấy mặt người. Tôi hỏi: "Chú Không với chú Có đâu ?" Chú Thạch Sao nhìn tôi không nói ! Thời gian lắng đọng. Chỉ thấy nước mắt lăn dài xuống hai gò má ốm đến thương tâm của chú Thạch Sao. Chú móc túi lấy bịt thuốc rê, vấn điếu thuốc như thường làm. Đốt lên mà không hút. Chú dắt vào một góc cạnh, nói một mình: "Mấy người anh em, cảm ơn nha. Cho ở ké vài hôm ... tôi trị cái chân cho thằng nhỏ." Tôi chẳng hiểu gì hết. Cứ nhìn chú Thạch Sao-không bình thường.

Sự tỉnh táo đưa tôi về thực tại, tôi hỏi chú Thạch Sao:

"Ở đây là ở đâu vậy chú ?"

"Mình đang ở trong xác chiếc trực thăng rớt ngày xưa. Thôi đừng hỏi nữa. Mày bệnh rồi phải không ?"

Tôi cảm nhận được đôi chân mình chật cứng trong đôi giày. Đau nhức đến không còn chịu nổi. Tôi nói chú Thạch Sao:

"Hai chân cháu đau quá. Người rã rượi ... đau. Đau lắm chú ơi !"

Chú Thạch Sao cởi cho tôi đôi giàỵ Tôi đau đến ngất đị Chú bắt tôi phải tỉnh, nghe chú dặn dò:

"Hai cái chân mày mưng mủ vì hôm kia mày đứng vào phân voi. Voi ăn mây nên trong phân voi có gai mây-đâm vào chân. Bây giờ làm độc ... mày bị sốt, không có gì đâu. Bây giờ ăn uống đi, nằm nghỉ ở đây. Chú đi hái thuốc về đắp, là khỏi"

 

Chú cho tôi ăn miếng khô nai, uống nước mưa. Rồi chú biến đi trong mưa rừng âm u. Tôi nhờ miếng khô nai mà tỉnh lại phần nào. Đau nhức không ngăn được đầu óc nghĩ suy. Đêm qua tôi ngủ trên cây, sao giờ ở đây ? Chú Không, chú Có là ai ? Đêm qua chú Không nấu cháo trong phòng, sao giờ không thấy cái nón sắt nào cả ? Tôi nhìn quanh chỉ có cây đàn thùng, mục rữa trong xó xỉnh. Tôi biết chú Không, chú Có là ai rồi ! Tôi nói với hai chú: "Cảm ơn hai chú cứu mạng cháu đêm qua. Tôi không còn cảm giác sợ thú rừng vì niềm tin trong tôi lớn lắm! Tôi biết hai chú - dù không thấy, nhưng đang âm thầm bảo vệ cho tôi. Tôi ngủ chập chờn trong cơn mê.

 

Chú Thạch Sao đi bao lâu, tôi không biết. Chú ấy giã lá rừng trong nửa đốt lồ ồ, làm tôi thức giấc. Chú vắt nước lá từ ống lồ ồ cho tôi uống, chú cũng uống. Xác lá giập nát như bã trầu, chú đắp lên vết thương trên đùi chú, xé ống quần rịt lại. Tôi và chú Thạch Sao, mạnh ai nấy ngủ.

 

Khi màn đêm buông xuống, mưa cứ rơi như ngày tận thế. Trong căn phòng nhỏ ... mùi ẩm ướt, mùi dây leo dại ... Tôi tỉnh thức, mập mờ nhận ra chú Thạch Sao ngồi dựa lưng vào vách. Trông chú tiều tụy như người về từ địa ngục. Không biết chú thức hay ngủ. Tôi không giám kêu. Chú trở lại cứu tôi là đương nhiên. Lính không bao giờ bỏ bạn - nhất là trong hoạn nạn. Cha tôi nói thế. Các anh tôi cũng nói thế. Nhưng sao chú bị thương ? Tôi thấy thương chú quá ! Tôi đã hết sốt, đầu óc tỉnh táo trong mệt mỏi và đói khát. Hai bàn chân tôi sưng to, to lên mãi ... đau nhức. Tôi vói lấy nước uống đựng trong nửa lóng lồ ồ mà chú Thạch Sao để sẵn cho tôi. Sự vụng về, đổ tháo làm chú thức giấc.

 

Màn đêm đã bao trùm bên ngoài. Trong tiếng mưa đêm rỉ rả ... buồn đến thê lương. Tiếng chú Thạch Sao đều đều:

"... Ráng chịu đau đêm nay, sáng mai chú đi hơi xa mới có loại lá làm tiêu mủ. Mình phải ở đây vài ngày vì không về đường bộ được, đường suối thì đang lũ."

Tôi hỏi chú:

"Sao chú bị thương vậy ?"

"Mày kẹt lại Cầu Tăng. Chú sợ mày hoảng ... chạy bậy là chết - rừng đang mưa lũ. Chú bảo chú Đông ráng chèo chống một mình để đưa cha con thằng Mẫn về. Chú phải trở lại đây với mày. Vừa ùm xuống suối là mắc kẹt đám chà (rác rừng trôi trên suối). Hình như có ngọn lồ ồ lưỡi mác đâm vào đùi. Cũng còn hên, chứ nó đâm vào bụng thì Trời cứu !"

"Bây giờ chân chú đỡ chưa ?" Tôi hỏi.

"Nhằm nhò gì ! Chú sống ở rừng từ nhỏ đến lớn, bị thương ... tự cứu mình là chuyện thường. Mày với thằng Mẫn còn nhỏ quá, bay dân Sài Gòn mà chịu cực được như vầy là hay lắm rồi. Mày chắc đói lắm rồi phải không ?"

"Dạ. Nhưng cháu chịu được mà chú. Có nước uống là cầm cự được !"

"Lúc chú nhảy bè trở lại đây ... chỉ còn miếng khô nai của ông Đông. Bây giờ lại không cho mày ăn măng được vì mày đang sốt và chân làm độc. Ay dà ..."

"Kệ đi chú ơi ! Đói một hai ngày không chết đâu. Cháu chỉ lo cái chân không đi được thì tàn đời. Chú có cách gì làm cho bớt đau không ?"

"Sáng mai ... chắc chú phải đi cả ngày mới may ra tìm được loại lá tiêu độc. Phần trời mưa, rừng khó đi. Mày chờ chú ở đây ... không được làm bậy đó nghen !"

"Cháu biết rồi. Chú Thạch Sao à ! Làm sao chú biết cháu ở đây mà đến ?"

"Mày là đứa nhỏ ngoan đó. Chú biết mày biết nghe lời. Lạc đâu ở yên đó. Tại chú bị thương bất tử ... chứ không thì đã đến đây kịp tối qua."

"Vậy tối qua, chú ngủ đâu ?"

"Nhắm mắt lại chỗ nào là ngủ chỗ đó !"

"Rồi sao chú đến đây ? Sao biết cháu ở đây ?"

"Có một sợi dây chiều trên thân cây gần suối. Chú biết cháu lẩn quẩn đâu đây. Nhớ đến chiếc trực thăng này ... Chú chắc chắn cháu ở đây!"

"Chú nói cháu nghe về chiếc trực thăng này đi. Cháu không sợ đâu !"

"Bị rớt hồi nào ... chú không biết ! Khi mọi người kháo nhau: Ở Cầu Tăng có ma. Có người thấy hai ông lính Việt Nam chứ không phải Mỹ. Chắc hai người bị rớt máy bay. Chú đến đây thì hai người anh em chỉ còn xương vương vãi ... bị thú rừng xơi. Chú gom được một ít, chôn họ phía này. Mày có đi ngoài thì đi phía kia nha."

"Dạ chú."

"Đêm qua họ đưa mày vào đây phải không ?"

"Dạ."

Tôi kể chuyện đêm qua cho chú Thạch Sao nghe. Chú chẳng nói gì !

 

Sáng hôm sau, trời chưa tỏ mặt người, tôi thức giấc, bên ngoài vẫn mưa nhẹ. Không thấy chú Thạch Sao đâu. Tôi nằm yên nghe mưa rơi ... Không còn sốt nên đầu óc tỉnh táo, nhưng đói kinh khủng và đau nhức hai bàn chân. Nhìn xuống chân mình, tôi không còn hy vọng gì nữa ! Một bàn chân bây giờ đã bằng hai bàn chân trước lúc đứng vô đống phân voi. Nghĩ đến tương lai mà ngán ngẩm. Nếu hai bàn chân tôi mà phải cưa bỏ thì thà chết sướng hơn. Mới mười mấy tuổi đầu mà tàn phế thì sống làm gì nữa chứ ? Hình ảnh mấy chú thương binh ở Sài Gòn ám ảnh tôi đến điên loạn. Tôi quyết định: Nếu chú Thạch Sao không cứu được hai bàn chân tôi thì tôi tự sát.

 

Khi  đầu óc đã rõ ràng thì cơn đói lại hành hạ thể xác, còn nhiều hơn đau nhức. Tôi cố gặm miếng khô nai (chú Thạch Sao để lại), uống nước mưa trong nửa ống lồ ồ, chú ấy đã an bày sẵn cho tôi. Chú ấy ra đi với vết thương nơi đùi, không một chút gì ăn. Mưa rừng sẽ làm khó chú ấy nhiều đó. Tôi thấy thương chú như cha, anh mình. Mà cũng phải vì cha, anh tôi cũng là lính. Tôi con nhà lính chánh tông. Tôi không được chết. Lần này thoát chết thì tôi đi lính. Tôi nghe tin đồn: Còn lính trong rừng không chịu đầu hàng. Tôi sẽ rủ chú Thạch Sao vào rừng với lính. Tư tưởng con nít của tôi thay đổi soành soạch ... hồi muốn đi lính, hồi muốn chết.

 

Tôi nằm trên sàn máy bay, hai chân gác lên cao hơn cho đỡ nhức. Đầu óc bắt đầu mê man, cơn sốt mới lại đến đem tôi vào mơ hồ, giả tưởng... Chú Không, chú Có lại xoắn xuýt bên tôi-chăm lo cho miếng ăn, giấc ngủ. Chú Có bảo chú Không: "Chích hai gót chân nó, cho mủ chảy ra thì bớt nhức." Tôi thấy chú Không lấy cộng dây đàn đứt, cứ thế châm vào hai gót chân tôi. Cảm giác đã ngứa, cảm nhận hai bàn chân nhẹ đi ... dần dần, hết thấy đau nhức nữa. Tôi tỉnh lại thì không có ai ! Chỉ có đói ... đói đến lả người. Khô nai hết, nước hết. Chỉ có mùi tanh kinh khủng của mủ chảy lênh láng trên sàn, làm lợm giọng phát ói. Tôi nôn ói xót cả ruột, vì có gì trong bụng đâu mà ói. Một chút khô nai với nước mưa, cũng khủng khiếp như mủ. Hình như đó là lúc tôi ngất xỉu, không còn biết gì nữa.

 

*

 

Chú Thạch Sao lay tôi dậy ! Hai chân tôi đã bó thuốc, mùi lá thuốc nồng nặc trong gian phòng nhỏ. Ánh lửa bập bùng ... chú ấy đang nướng con vật gì trên lửa, mùi thịt cháy như người bị sét đánh. Chú cho tôi ăn, rồi uống nước lá vắt gọi là thuốc. Chú cũng làm như vậy. Chừng tiếng đồng hồ sau, cả người tôi nóng ran ... Mặt tôi phừng phừng nóng như ngồi sát đống lửa nấu bánh tét, bánh chưng. Khát. Khát nước vô cùng ... Tôi uống không biết bao nhiêu nước. Ngoài hiên lửa tàn, màn đêm bao phủ, âm u. Tôi và chú Thạch Sao qua đêm thứ hai nơi này.

 

Ngày thứ ba cũng vẫn đắp thuốc mới, nước lá vắt ra được bao nhiêu thì uống. Khi màn đêm lăm le nuốt chửng không gian, tôi đã khẩu phục tâm phục "thuốc lá rừng". Người tôi khỏe re như chưa hề bị gì. Chân cẳng ngon lành như cầu thủ chuẩn bị ra sân. Một sự kỳ diệu như thần thoại. Lá rừng là thuốc mầu nhiệm-vô song. Nhìn những vết kim châm dưới gan bàn chân-tôi lại thầm cảm ơn chú Không, chú Có. Tôi chỉ còn cảm giác đói như bò bắt nợ. Chú Thạch Sao săn được thỏ rừng và làm lại món nướng kinh dị cũ. Qua đêm thứ ba, tôi đã khỏe mạnh như voi. Mang được đôi giày vào chân mà lòng sung sướng như qua cơn mê. Chúng tôi tìm đường về.

 

Tôi với chú Thạch Sao lại chặt lồ ồ, đóng bè (chiếc bè chỉ cần làm nổi hai người chứ không cần bán lồ ồ, nên làm lẹ lắm. Chỉ độ trăm cây là đủ.) Mọi việc đâu vào đấy, chuẩn bị khởi hành. Tôi cố ghi khắc trong tâm khảm hình ảnh gốc cây tôi đã ngủ, có cọng dây chiều ủ rũ trong mưa. Chiếc trực thăng không xa gốc cây ấy, hôm đầu tôi không thấy vì bị khuất trong hàng vạn dây leo dại ở rừng. Tôi quỳ lạy bái biệt chú Không, chú Có. Nước mắt rưng rưng chảy, không ngăn được. Một thứ tình cảm mà đến giờ ... tôi vẫn không hiểu được. Nó chua chát đến tận cùng xương tủy. Nó là bằng chứng của bất lực. Đau xót cả đời. Không bao giờ tôi có được vô tư con nít nữa.

 

Chuyến về đầy mạo hiểm của tôi với chú Thạch Sao, bến bãi không bóng người. Mưa dầm như vầy thì ai ở ngoài bãi làm chi ? Còn chừng hai trăm mét nữa đến cầu Phú Riềng, chú Thạch Sao và tôi nhảy xuống suối, bỏ bè. Nương theo dòng nước hung tợn mà dạt vào bờ. Hai chú cháu mò lên được quán rừng duy nhất ở đây làm mọi người hú vía ! Mọi người tưởng chúng tôi là mạ Ai mà tin được chúng tôi còn sống ? Không ai biết những gì đã xảy ra trong mấy ngày qua. Họ cho chúng tôi ăn mì gói, uống trà nóng ...

 

Chú Thạch Sao nhờ cô Nhâm (chủ quán) đốt cái lò than nhỏ để dưới võng tôi nằm cho ấm đôi chân. Chú ngồi uống rượu với những người tò mò. Tôi ngủ một giấc bình an sau mấy ngày thập tử nhất sinh. Thức dậy, tôi trở về nhà. Chị tôi đã đưa tôi lên bàn thờ với nén nhang, bát cơm quý hiếm nơi vùng kinh tế mới. Căn chòi tranh không bao giờ đủ sáng-tôi cũng nhìn ra được sự hoang mang của chị tôi. Làm sao tôi có thể còn sống mà về đây ? Tội nghiệp chị tôi. Một người hiền lành bỗng cuộc đời trở nên trắc trở từ khi lấy anh tôi. Sau ngày 30/04/75, anh tôi cũng về như một linh hồn không còn gì để mất ... phất phưởng. Anh chị tôi dắt díu nhau lên vùng kinh tế mới này tạm lánh mặt địa phương cho qua những chuyện cũ. Chị tôi hoàn hồn mới nói được: Anh tôi với chú Đông đã vào rừng tìm tôi hai hôm nay. Họ đã về, đang tìm thêm người giúp - đi nữa ...

 

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo của mưa rừng và cuộc sống thâm sơn cùng cốc, bỗng mọi người trước đây không là gì của nhau - bây giờ thân thương lạ. Khi người ta không còn gì để mất thì lòng mới mở ra được ! Tôi sống và làm rừng tiếp sau cơn mưa tưởng không bao giờ dứt. Hết hè năm đó, tôi về lại Sài Gòn để đi học. Anh chị tôi cũng về Sài Gòn buôn bán chứ không sống nổi với vùng kinh tế mới.

 

Hôm từ giã chú Thạch Sao, nơi quán cô Nhâm, lần đầu đời tôi uống chung rượu lạt. Tôi nói với chú: "Không bao giờ tôi quên chú Không, chú Có và chú Thạch Sao". Tôi trở về trường học mới chán làm sao. Chẳng có gì để học. Về gia đình cũng buồn không kém, một ít tiền tôi đem về được cho mẹ cũng mau chóng tiêu tan vào sự đói nghèo. Ai cũng nói tôi không còn quậy phá như năm ngoái. Tôi cũng không buồn kể ai nghe -sau một lần thập tử nhất sinh. Giờ, tôi chỉ thích một mình-yên lặng ! Tôi mong cho đến hè để lên rừng với chú Thạch Sao. Mong mòn mỏi lắm !

 

Rồi hè cũng đến. Tôi khăn gói lên đường với tâm tư thầm kín lạ. Tôi ưa lén nhìn mẹ tôi như có thể con không về nữa. Tôi nói với thằng bạn thân nhất trong lớp học: "Nếu hết hè, không thấy tao về, là tao đã đi lính". Nó đưa tôi ra bến xe đò miền Đông, hai đứa chia tay không hẹn ngày tái ngộ như đưa Kinh Kha qua sông Dịch.

 

Tôi đem theo chai rượu quốc doanh (là tất cả tiền tôi có và mua được). Xe đò bỏ tôi xuống cầu Phú Riềng, tôi đến quán cô Nhâm tìm chú Thạch Sao. Cô Nhâm nói chú Thạch Sao đã chết ! Tôi bàng hoàng như chính mình đã chết. Tôi tìm chú Đông, chú ấy cho tôi biết: "Mùa nước cạn, chú Thạch Sao đi ra suối rà cá bằng đầu đạn 105 ly, tháo ngòi nổ ... đốt khói la đà trên mặt nước làm cho cá ngộp nổi lên. Chú Thạch Sao bị sụp chân xuống một lỗ sâu nào đó, trái đạn bí hơi nổ." Trời ơi ! 105 ly thì 105 người cũng chết gọn được. Huống chi một mình chú Thạch Sao ăn trọn trái. Tôi đau buồn đến tê tái tâm can. Tôi nhờ cô Nhâm làm dùm con gà xé trộn măng le với lá chanh. Tôi nhờ chú Đông đưa tôi đến nơi chú Thạch Sao mắc nạn. Tôi cúng chú ấy: "Chú đem rượu, thịt này đến nhậu với chú Không, chú Có. Bây giờ không còn chú-cháu không biết đường đến thăm chú Không, chú Có."

 

Nhang tàn. Tôi trở về ngủ nhờ nhà chú Đông một đêm. Sáng hôm sau về lại Sài Gòn. Từ đó, tôi không bao giờ trở lại vùng đất ấy nữa.

 

*

 

Hơn ba mươi năm qua, tôi chưa bao giờ quên ba người chú đã là thiên cổ. Cuộc đời cứ đưa đẩy tôi đi theo vòng quay nghiệt ngã của kiếp nhân sinh, mười mấy năm nay lại còn thêm nỗi lòng viễn xứ. Lương tâm tôi có thật: Lòng thương kính và tri ân người lính. Nhưng tri thức tôi chưa bao giờ đủ để hiểu được - dù đã là chuyện quá khứ. Chú Không, chú Có là ai ? Thế giới vô hình hiện hữu hay chỉ là tưởng tượng từ lòng yêu thương ? Tôi không giải thích nổi: Ai đưa tôi từ thân cây vào chiếc trực thăng? Ai tặng tôi nhiều dấu kim châm vào gan bàn chân để mủ có lối thoát ra ngoài.

 

Bài hát mà chú Có đã hát, tôi chưa bao giờ nghe suốt quãng đời thơ ấu. Ký ức trẻ thơ, tôi chỉ nhớ mấy chú Xây Dựng Nông Thôn mặc đồ đen. Tối thứ bảy hàng tuần, mấy chú chở bình điện đến sân Hội Đồng Xã, có cái tivi trên bệ xi-măng xây cao như đài liệt sĩ. Bao giờ mấy chú Xây dựng nông thôn cũng hào phóng cho bà con coi tới ... một là hết bình điện, hai là hết chương trình trên tivi. Tôi chỉ nhớ tuồng cải lương: "Tướng cướp Bạch Hải Đường". Và lờ mờ nhớ Hùng Cường-Mai Lệ Huyền hát bài: Túp lều lý tưởng của anh và của em... phông là cái lều tranh có cửa sổ hình trái tim.

 

Tôi chưa bao giờ biết bài hát: Ôi những con chim đêm ... Tôi thật sự có thể biết được một bài hát từ người đã khuất hay sao ?

 

Bao nhiêu năm nay coi ca nhạc không sót một chương trình nào của Thúy Nga và Asia, cũng không nghe ai hát bài hát đó. Bài hát đó có hay không trong dòng nhạc Việt Nam thời chiến loạn ? Hơn ba mươi năm sau, tôi không còn bầu nhiệt huyết phục thù như tuổi mới lớn, nhưng sự già không đủ để hiểu những điều huyền bí. Tôi chỉ còn lại tấm lòng không bao giờ thay đổi với những người đã thành thiên cổ. Mong cho các chú được siêu thoát qua một kiếp đọa đầy.

 

 

PHAN

 

(Bai Chuyen)

 

website counter