TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 1

 

 

Chuyện tình của tôi…

(Phan)

 

“…”

“Tui nói mấy ông nghe nè ! Sang xuân rồi xuân sang … hè đến ! Ở đây, ai cũng có mấy chục lần xuân đến; xuân đi, hết rồi ! Nói ba cái chuyện xuân xuân hoài chán lắm ! Tui kể mấy ông nghe ‘Chuyện tình tự kể’ mà tui đọc trên báo sáng nay ! Nó không hay mấy đâu, nhưng dễ thương lắm lận ! Người ta yêu nhau vô cớ như trời chợt nắng chợt mưa vậy đó ! Tui tính… nếu ngồi nhớ lại vì sao ?! Thì mình cũng không hiểu mình vì sao … đã ! Người ta yêu thương nhau, nên vợ chồng trong tâm đắc dữ lắm ! Nhưng thiệt ra có sắp đặt từ cao xanh rồi đó ! Không tin, ông nào cứ kể chuyện gặp bà xã, rồi quen nhau, rồi…! Hì hì hì…

 

Có người lên tiếng: “Thì anh kể trước đi. Hồi anh dụ chị nhà bằng cách nào, cứ thành thật khai báo…”

Kẻ sanh sự trả lời gọn bân: “Bả dụ tui chứ tui đâu quởn !...”

Cả bàn tiệc cuối năm cười rần ! Người ghi chép “Chuyện vỉa hè” nghĩ riêng: Nếu không quen biết mấy ông này thì những ngày tết đến … thiệt là buồn vô vọng ! Trong cái được nào chả có cái mất; và trong cái mất - không được ăn tết quê nhà mà có mấy ông bạn quên tuổi tác này thì đến phải tạ ơn trên đã không quên những người phiêu bạt.

 

Bà chị bị “dzố” một hèo cuối năm là “Bả dụ tui…”, tức mình lên tiếng: “Anh dám khai thiệt thì hãy nói ! Nói thiệt đi… coi ai dụ ai mà đổ hô cho em hoài hà.”

Sanh sự trả lời … hết sức Vỉa hè: “Anh ngu gì khai cho mấy cha Vỉa hè này chọc quê anh nguyên năm…”

Đến ông trùm cá cược, lên tiếng:

“Vậy bây giờ chơi quay đầu vịt. Trúng ai nấy phải kể, là công bằng.”

 

Mọi người đồng ý khi tiệc đã tàn. Có nhà chị kia đã chuẩn bị áo lạnh, chìa khoá xe để đưa một nửa của mình về tổ ấm. Thời buổi cảnh sát lên giá ticket này, chỉ làm khổ thêm cho liền bà ! Còn đàn ông thì muôn đời… vô tư ! Nhưng chị bị lôi cuốn bởi chuyện tình tự kể nên chị ngồi lại. Phụ nữ và chuyện tình, ít chịu bỏ qua cho nhau lắm !

 

Cánh đàn ông thì hào hứng dọn bàn trống ra một chỗ để chơi trò quay đầu vịt. Khi luật đã được thoả thuận xong vì dân chơi ba miền: Nam, Trung, Bắc mà lại gặp nhau ở Mỹ nên luật mỗi miền có địa phương tính khác nhau chút đỉnh thì cũng dễ thương lượng - nhất là không khí tết thì ai chấp nhất làm chi !

 

Không ngờ, Sanh sự lại trở thành nạn nhân của trò quay đầu vịt ! Hắn méo mặt vô đề bằng ly Cognac … quên khà ! Bị phát hiện là nước trà. Đúng là họa vô đơn chí. Bị phạt cái đã rồi mới cho vô chuyện. Hắn cầu vợ, “Cưa với anh đi em ! Mấy cha này ác quá !”

 

Hai vợ chồng chung ly mới tình tứ làm sao ! Chị nhà không uống chứ đã uống thì đám đàn ông đi chỗ khác chơi ! Nhà chị đã từng là lò rượu từ khi chị chưa ra đời. Họ ngồi bên nhau - quên thời gian và tuổi tác, ngày xuân đang về mà ngồi dựa vào nhau để kể chuyện tình đôi ta thì thật là tiên cảnh.

 

Sanh sự trả lại thời gian mấy mươi năm để làm sĩ tử lên thành: “… tui là thằng nhỏ nhà quê lên thành học chữ. Tới hồi được ngồi trong lớp đàng hoàng như ai ! Tui mới biết là mình không có khiếu. Nhưng ngồi quán cà phê thì tui như con sáo sảnh, chuyện gì cũng thông ! Mấy thằng bạn ráng cua con bà chủ quán để xin bình trà cho dễ, chứ ai dại gì đi cua con nhỏ vừa dữ vừa dơ … Tui tính lỡ công cua thì sao không cua bà chủ ? Tui cua luôn bà chủ, cho bạn bè nể mặt dân quê. Tui nói hen: Mèng ơi ! Thấy dì Tư ngồi ăn cơm, tóm tém rau đắng chấm cá kho… làm con nhớ má con thì thôi. Mặt tui buồn như bể bánh xe mà không tiền vá. Dì Tư xúc động ! "Tội nghiệp hôn, gặp bữa… ăn chén cho đỡ nhớ nhà đi con." Tui làm ba chén với miếng cơm cháy… làm luôn !”

“Ê, cái đó là xin ăn, dụ khị … đâu phải chuyện tình ! Đừng chơi ăn gian à nha !...”

“Từ từ, mấy ông già hết rồi mà nóng nảy quá ! Hổng phải thì tui kể lại… Mấy thằng bạn nhà giàu thì tụi nó ăn, chơi riêng. Đám nghèo lum xum, một cụm. Hôm, má tui gởi tiền lên hàng tháng cho tui, bữa đó có lon gô mắm ruốc xào sả ớt, lon cá kèo kho khô tới không cần tủ lạnh cũng không hư tại nó mặn lè lưỡi. Tui mở ra mời anh em cùng ăn, hổng ai ăn. Tui buồn không hiểu vì sao tui buồn, ngồi ngó nắng tết Sài thành mà tưởng tượng ra cái nắng đồng khô cỏ cháy dưới quê tui. Nghĩ tới con cá, con ruốc là mồ hôi nước mắt má tui… Tui cầm lòng sao đặng mà đem quăng ! Đang tập làm người biết nghĩ, thì hai con nhỏ dân thành phố, tụi nó tới nhà trọ tìm thằng bạn tui. Bước vô nhà, đứa này nói đứa kia: "Cái gì mà hôi dữ vậy ?". Đứa kia trả lời: "Thúi chứ hôi gì mà hôi !" Hai đứa nó bịt mũi… đâu biết tui ngồi rướm nước mắt. Tui nghĩ, con cá kèo khó bắt chứ dễ đâu ! Má tui lặn lội bờ mương này qua bờ ruộng nọ, bao nắng mưa mới được lon đầy, gởi gấm trong đây bao tình thương đứa con xa nhà. Ba tui, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, mặt trời chưa mọc đã ra đồng tới tối mù tối mịt mới về để có tiền gởi đứa con xa…” (Sanh sự hào hùng vậy mà xuống sáu câu thì ngậm ngùi chi lạ ! Bị trùm cá cược kê tủ đứng mới tức chết người ta.)

“Ê, ông tính hát cải lương để vui xuân hả ông kia ?!...”

"Đó. Đâu phải tui không biết nghĩ ! Tui còn nghĩ xa hơn vậy nữa !... Còn nhỏ mà không ham chơi thì già ngồi ngó chứ chơi gì nổi nữa ! Vậy là, mấy thằng bạn cặp bồ. Cuối tuần chở con bồ chạy lỏng nhỏng ngoài đường chứ tiền đâu mà ghé quán này, tiệm nọ. Tụi nó bỏ tui ở quán dì Tư, con dì Tư bỏ quên tui không thèm hỏi chuyện cho mình đỡ buồn. Nó dư biết nó vừa dữ vừa dơ mà còn làm giá, nên tui cho nó ở giá luôn ! Dì Tư thì ái ngại mời tui ăn cơm nên ngồi quay lưng ra phía tui mà động đũa. Người ta che được lương thực chứ sao che được lương tâm - lòng người nhỏ mọn. Tui buồn thế thái nhân tình ở đất Sài thành dễ sợ. Không như quê tui, nghe mùi cá nướng thì cứ tự nhiên… "ai kiu tui đó" ? Rồi vô với anh Hai, chú Ba, dượng Bảy …

 

Trong cơn buồn mênh mông như nắng … con nhỏ bán vé số ghé bàn - hỏi thăm tui: "Hôm nay nghỉ mà anh không đi chơi đâu hả ? Em thèm được đi chơi mà cứ phải đi bán hoài …" Công nhận con gái Sài gòn, dù bán vé số thì vẫn da trắng tóc dài, dáng điệu dễ thương … con nhỏ này quen mặt, nhưng nào giờ tui chưa nhìn kỹ nó bao giờ ! Hôm nay, nó bỏ quên gương mặt ‘té giếng’ ở nhà hay sao mà đẹp lạ lùng. Xuân về, mắt sáng môi tươi, má hồng hồng mới lớn … Nó đẹp hơn hôm qua gấp bội, đẹp hơn ca sĩ đang nổi tiếng ở Sài gòn. (Tui ngủ nhà thằng bạn lần đó biết hôn ? Sáng, nó dựng đầu tui dậy, biểu ngó sang nhà bên. Bà ma da tưới cây thì có gì nhìn ! Vậy mà nó nói tui: Ca sĩ số một Sài gòn đó mày. Trời ơi ! Não nùng.) Tui nói với em vé số: Bán hết vé số rồi đi chơi với anh. Nó bẻn lẻn như … con gái, thương quá đi thôi !

 

Đúng hẹn, mặt trời bỏ đi chơi riêng, để Sài gòn chợt nắng chợt mưa, để hai đứa tính tình mưa nắng lang thang xuống phố. Tui không ngờ nó nghèo qua mặt tui cái rột. Đi chơi với kép mà quần áo không ra quần áo, đôi dép nhựa trên từng cây số của nó cũng y thinh lớp bụi giang hồ. Tóc tai có gọn gàng hơn chút xíu, dĩ nhiên là không son phấn gì rồi …

 

Tui chở đi lăng quăng trong thành phố bon chen hết cỡ mới thấy tình nghèo tới tội nghiệp. Gởi xe, bát phố, càng lộ ra hai đứa nhà quê tới động lòng trời đổ cơn mưa. Đứng trú mưa trong gian nhà chọn đại chứ trú mưa không lẽ còn lựa nhà sang mới trú. Ai dè, căn nhà bán quần áo siđa. (Mấy ông nhớ hôn ? Đồ siđa bán ngoài lề đường giá khác; bán trong nhà giá khác ! Bởi có phòng cho thử đồ, là siđa cao cấp thời bao cấp. Tui thấy nó mân mê hoài … tội nghiệp quá chừng đi. Bà bán hàng còn dụ miết là trời mưa bán rẻ, cho. Nó tần ngần sờ mó giấc mơ hoang… Tui động lòng hào hiệp. Nói rồi mà, thương cha cực mẹ khổ là đột xuất; dại gái mới thường xuyên. Tui mua cho nó bộ đồ, nó cảm động làm dứt cơn mưa, luôn. Lỡ rồi, tui dẫn qua tiệm giày, sắm cho em một đôi nhỏng nhỏng cho ngang tầm thời đại !

 

Trời mẹ ơi ! Tui nhìn không ra con nhỏ bán vé số nữa vậy đó ! Tui tưởng tiên giáng trần cho Sài gòn lé mắt. Nó vui như tết. Hai đứa lang thang trên hè chợt nắng chợt mưa … đi xem phim cho hết mưa rồi tính.

 

Ra khỏi rạp hát thì tối sớm tại mưa, tui dẫn đi ăn, bình dân thôi. Tui đâu có nhiều tiền mà ăn sang ở nhà hàng. Ra khỏi hàng ăn, tui đưa em về, chứ còn tiền đâu mà đi chơi tiếp. Nó ăn ve kêu luôn vậy đó ! Con nhỏ này chịu chơi hơn tui tưởng ! Nó mời tui đi uống cà phê, "còn sớm mà anh". Tui đâu biết quán nào tình tứ vì tình tứ với ai bao giờ ? Tui biết quán dì Tư, thôi. Nhưng nó không chịu về quán dì Tư, nó chỉ đường - tui đạp đi vô động thiên thai là Quán bờ sông, đèn mờ, dập dìu tài tử giai nhân … từng đôi từng cặp ngồi rù rì rồi ôm nhau. Tui ngồi như ghế có keo, không biết nghiêng qua, ngả lại gì hết ! Nói chuyện thì thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, học lực tới đâu ? Vì sao phải đi bán vé số mà không đi học…? Cuối cùng, nó nói: Đi chơi với anh chán quá ! Hổng biết ôm em gì hết !

 

Trời đất qủy thần ơi ! Mới 16 tuổi đầu mà đòi ôm, đòi ấp… Tui về nằm chèo queo mà thấm thía - đi đứt một tháng tiền má gởi cho con. Hôm sau, nó gặp lại tui ở quán dì Tư như người xa lạ ! Tui biết sợ con gái Sài gòn mà còn phải ngậm miệng chứ nói ra bạn cười. Hôm sau nữa, tui thấy nó ngồi yên sau xe đạp, mặc bộ đồ tui mua, nhưng ôm xà nẹo thằng bán bong bóng bên trường tiểu học. Thiệt là thời buổi không biết bơm thì bồ bỏ ! Tui tự ái dân quê, không chơi với con gái Sài gòn nữa đâu.

 

Sang năm thứ hai, tự dặn lòng mình là một chuyện nhưng hồi ghiền gái thì cứ đi. Con nhỏ chung lớp, làm cán bộ lớp nên đặc biệt quan tâm tới tui - nhà xa, học dở. Hai bên tâm sự không nhiều nên hiểu nhau cũng hổng bao nhiêu ! Tui suy nghĩ dữ dội, nhất quyết không để sa vào cạm bẫy. Nhưng tới giờ hẹn thì cầm lòng không đặng ! Tui đạp xe tới nhà theo địa chỉ. Cũng lại dân nghèo, hình như dân giàu không ngó tới mặt tui. Tui tự an ủi, tình nghèo sẽ đỡ tự ái cho con trai. Tui bước vô nhà chứ không bỏ về khi đã tìm ra địa chỉ xẹt / xẹt/ xẹt… mấy bận trong hẻm sâu hun hút.

 

Cả nhà vui vẻ đón tui như khách quý, làm tui cảm động quá trời ! "Gặp bữa… ăn cơm với gia đình dì đi con. Nghe con Hồng nói nhà con dưới quê… lặn lội lên đây đi học một mình, cực dữ hả con ?..."

 

Trời ơi ! Sao tui may mắn dữ vầy nè ? Tui rút kinh nghiệm ăn cơm dì Tư - lần trước ! Lần này tui từ tốn hơn. Ăn coi nồi, ngồi coi hướng. Nồi cơm nấu cho cả nhà mà ngó bộ không đủ mình tui ăn. Tui ngồi cù cưa với ông già xị Cây lý, không dám gắp gì ráo bởi có gì nhiều đâu mà gắp. Hết xị, ổng kêu Tèo anh đi đong xị nữa. Hết xị Tèo anh đi đong, ổng kêu Tèo em … Bạn Hồng nhìn tui ! Tui nhìn lên nóc nhà lỗ chỗ … như cái rổ. Xin phép ra về để giữ trọn lòng tin. Tai ách, ông già nháy mắt tui nên tui ra đầu hẻm. Đứng đợi !

 

Tui dân quê mà, đừng uống thì thôi, vòng vo một xị, nó ngứa ngáy trong mình dữ lắm ! Tui biết. Mình về đi là tốt hơn, nhưng ma men nhập xác tui rồi nên tình em xin quên. Tui sáng mắt khi thấy ông già từ trong hẻm đẩy xích lô ra, thay vì đi đạp cữ chiều thì ổng cười toe toét. "Theo tao, tao dẫn mày đi lẩu dê chỗ này không bá chấy nữa thôi !" Vậy là tứ hải giai huynh đệ. Ông mời thì lo lẩu đưa cay, tui lo cay cho ổng có cái đưa. Xị đầu ngoài quán lẩu dê, ổng nói về thế sự thăng trầm; sang xị thứ hai, ổng nói về chuyện tàn chiến cuộc…; sang xị thứ ba, ổng nói về Phục quốc ! Tui tỉnh hồn thương đau. Chốn ba-xi-đế này ! Biết ai là ai ? Công an chìm, công an nổi lềnh khênh mà nói chi những chuyện dễ ở tù ! "Thôi, tui dzìa nghe tía !"

 

Hôm sau, Hồng gặp tui trong lớp ! Cũng y chang như con nhỏ bán vé số - năm rồi ! Ngoảnh mặt làm ngơ vậy hà ! Tui buồn thê thiết lắm ! Hồng dễ thương nhờ hiền chứ không đẹp mấy. Nhưng tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà. Tui không tin là Hồng biết chuyện tui đi nhậu chui với ông già ! Sao mặt lạnh tanh vậy trời ? Tới hồi nghe mấy đứa bạn nói chuyện: "Ba con Hồng bị xe tông gãy cẳng, hôm qua". Thôi rồi ! Tình thù rực lửa với tui là phải ! Tui đâu dám hỏi thăm Hồng, nữa ! Hỏi mấy đứa bạn chỗ ổng nằm, tới tối mới dám mò mặt vô thăm bạn nhậu.

 

Ổng thấy tui là cười toe toét, cái giò bó bột trắng phau phau … không đủ làm nản lòng chiến sĩ. "Ê, mày ra ngoài kiếm mấy cái hột vịt lộn với xị Cây lý, vô đây nói chuyện chơi ! Ba cái thuốc tây này, uống vô thêm nhức…" Tui từ chối sao đặng với thương binh. Tui lận hột vịt lộn trong túi quần, rau răm gói trong túi áo, tay xách hai bịt Cây lý có cục đá bên trong, có ống hút đàng hoàng thì bảo vệ nào không nói là xá xị ! Tui đi hai bận như vậy chứ đâu phải một. Tới hồi bảo vệ nói tui phải về, không thì ngủ lại chứ Bệnh viện đóng cửa. Tui sợ ổng muốn đi tiểu thì sao, với cái giò băng bột ? Sợ ổng hát tiếng hò sông Hậu - cho chó ăn chè, thì ai dọn dẹp chiến trường … tui ngủ lại cho trọn nghĩa thủy chung. Đúng là đêm đó, tui cực với ổng vô phương.

 

Sáng ra, tui ngủ mê vì đêm qua mệt quá ! Hồng xách cháo thịt bằm vô Bệnh viện cho ba trước khi đi học. Bạn lòng để mên cháo xuống đầu giường, không chào ba, chào tui gì ráo ! Quay ra, đi luôn một nước. Ông già suy tư… tui tưởng ổng thương mình ! Ai dè, "Con Hồng nấu cháo thịt bò bằm ngon lắm mày ơi ! Có một xị mà đưa cay với món này thì hết nói !..." Tui cũng hết nói với ổng luôn ! Tui lo cho ổng làm vệ sinh buổi sáng, cho ăn cháo chay (không Cây lý, cây gì hết !) Tui đi học.

 

Đâu ngờ, không bao giờ Hồng nói tới tui nữa ! Không thèm nhìn mặt tui luôn. Hè, năm thứ 2. Tui về quê mà mang theo nỗi buồn gác trọ là những đêm thui thủi một mình, bạn bè đi chơi hết ráo. Mình không tiền thì nằm nhà chèo queo, ước gì được em đến thăm anh. Nhưng điều đó… chưa và sẽ không bao giờ xảy ra. Buồn thê thiết. Đến nhập học lại, Hồng có người chờ ngoài cổng trường. Tui chỉ mong trong lớp coi nhau như bạn bè mà cũng không được. Không bao giờ nói tới mặt tui.

 

Mà hồi trẻ công nhận mình mau buồn để mau quên. Tết năm thứ 3, tui khăn gói về quê ăn tết. Gặp xe đò mắc dịch thời "giải phóng" chạy như rùa, muốn chạy thì chạy; muốn không thì không. Ngừng thở dọc đường dọc xá như mắc dịch. Xuống được xe đò đã chạng vạng, tui lội vô xóm chứ đường đê thì xe nào vô được ngoài xe bò. Ngang qua nhà ông hai Cao, bà con trong xóm đang mót đìa. (Chủ đìa tát, bắt từ sáng tới chiều thì cho bà con bắt hôi, vậy mà.) Con nhỏ em tui kêu anh Hai ơi ới ! Tui lột đồ nhào xuống luôn với nó cho vui. Anh em tui được bộn, đem về tới nhà vừa lúc ba tui đi ruộng về. Ông già bắt con cá lóc nướng rơm. Sai nhỏ em đi mua lít rượu về cho ba nhậu với anh Hai con. Tui thấy nó lớn rồi, hồi nãy ngoài đìa, mình mảy ướt nhem nên lồ lộ thân mình con gái, đám thanh niên nhìn ngó nó dữ. Tui tính về nói với má tui phải may mặc cho nó khá hơn một chút. Đừng bắt nó đi những chỗ đông người như vậy nữa … Tui nói tiá tui: Để con đi mua cho, kêu nhỏ em đi tắm rửa đi, thôi lạnh.

 

Tui xách chai ra quán đầu ngõ, dì Năm chủ quán nói tui: Hết rượu rồị Hôm nay tát đìa nhà ông hai Cao nên ai cũng mua rượu về nhậu tôm cá bắt được. Mày qua nhà bà Chín Dường, may ra có. Tui qua nhà bà Chín là nhà nấu rượu lâu đời trong xóm tui. Trời tối lẹ ghê, nhà bà Chín chưa thắp đèn, cửa rào hé mở nên tui vô luôn. Nhìn vô cửa sổ không thấy ai ở nhà trước. Tui men theo hè đặng xuống sau, mua rượu. Hàng lu nước mưa nhà bà Chín chạy dài suốt hông nhà, cây ăn trái xum xuê … tui nghe tiếng dội nước tắm nên dừng lại. Con Xuyến, cháu ngoại bà Chín đang vừa tắm vừa ca. Nó là bạn học với con em tui, hai đứa thân như chị em từ nhỏ. Tội nghiệp, hồi nó mười hai, mười ba tuổi, sang chơi nhà tui hà rầm. Hôm hai đứa ngồi chơi ngoài sân trước, thấy tui về. Con em tui kêu: Anh Hai, đưa bàn chân anh cho em coi. Nó nói con Xuyến, "Chân tao với anh Hai tao giống nhau. Ngón kế dài hơn ngón cái, là ba tao chết trước má tao. Nghe nói, ai có ngón cái dài hơn ngón kế là má chết trước ba. Sao chân mày, ngón cái với ngón kế bằng nhau ?!..."

 

Con Xuyến lo ra mặt ! Nó hỏi tui: "Vậy là sao anh Thà ?" Tui đâu phải thầy bói mà biết nên tui nói đại, "…Thì ba má mày chết một lúc !" Nó đánh tui rồi khóc. Đâu ngờ, cái miệng tui ăm mắm ăn muối, nói tầm bậy mà trúng tầm bạ. Ba má nó đi ruộng, cuốc trúng đầu đạn pháo kích hồi xưa, hai người chết một lúc thiệt tình vậy đó ! Nó về ở với ngoại chứ ai nuôi. Mấy đứa em nó về ở với dì ruột, đứa ở với chú bác… Nó giận tui tới xương tới tủy, trù ba má nó chết một lúc. Nó không qua nhà tui chơi nữa, tới tui đi học trên thành phố thì nó mới qua chơi với em tui. Hồi chiều, tui mê ngó nó ngoài đìa ông hai Cao nên mới biết đám thanh niên ngó con em mình cũng vậy ! Xuyến đẹp ngất ngây, tánh trầm chứ không ồn ào như con em tui.

 

Tui đứng nhìn Xuyến tắm bên lu nước tới há họng. Con gái dưới quê tui ưa chờ tối trời rồi ra lu nước, tắm. Không có gì đẹp hơn hình ảnh thiếu nữ tắm lu dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo … Tối nay, hăm tám tết nên không có trăng, nhưng ánh nước cũng bàng bạc theo ánh đèn trong nhà hắt ra chập choạng. Tui như bị thôi miên, hết nhúc nhích. Tới khó kỳ nên cởi vài cúc áo cho tiện. Tui rớt cái chai đi mua rượu mà không hay ! Xuyến nhìn tui trân trân. Nhớ ra. Á ! Một tiếng kinh thiên động địa.

 

Bà Chín bưng đèn ra từ cửa sau hông nhà. "Gì, mà la om xòm vậy Xuyến ?" Trời ơi ! Có vậy cũng xỉu ! Tui nói lẹ với bà Chín, "Con đi mua rượu …" bà Chín hoảng hồn, xốc Xuyến đứng lên. Làm sao nổi ! Bà Chín ra lệnh chứ tui đâu dám: "Mày đỡ con Xuyến vô nhà coi Thà. Nó trúng gió nữa rồi ! Tao nói, đừng có tắm đêm mà không nghe …"

 

Ra giêng, tui lên trường rồi. Tâm thần không thể nào yên vì cứ nhắm mắt lại là nghe nước dội; thấy Xuyến trắng ngần hết giấc mơ này qua giấc mơ khác. Tui định bụng về nhà lần tới thì nói má tui sang hỏi. Má tui nhắm mối cho tui ở xóm trên, con nhỏ cũng đi thành phố học làm cô giáo, cho vừa với kỹ sư. Nhưng tui không ưng, tui không thích kiểu học đòi theo thành phố, phấn son … nên có lỡ gặp nhau trên xe đò thì tui chào hỏi rồi đọc báo, chứ không mặn mòi cho người ta hiểu ý giang ra ! Ai dè, một bữa đang ăn cơm thì con em tui nhào vô nhà trọ của tui, nó khóc lóc thảm thương… "Tại anh Hai đó ! Ai biểu đi coi người ta tắm làm chi ! Thấy hết trơn rồi  … bỏ người ta đi biệt ! Con Xuyến nó uống thuốc rầy tự tử rồi kìa!... Tại anh Hai hết trơn rồi !... hu hu hu…" Tui chết điếng như trúng gió. Tui theo em tui vô bệnh viện, bà Chín ngồi ảo não tâm can … Tui đến giường Xuyến đang nằm thoi thóp… tui nắm bàn tay mơ ước của mình, rồi nói: "Em đừng có chết nghe Xuyến. Anh học xong là về quê… cưới em."

Xuyến mở mắt ra … cười.

 

Đó, mấy ông nói đi ! Vậy là ai dụ ai ?..."

 

 

… Cả bàn im lặng ! Không ai ngờ bữa tiệc cuối năm mà được nghe ông Thà rút ruột cho nghe thiên chuyện tình của ông … quá sức ly kỳ ! Phe đàn ông hết dám bênh vực cánh đàn ông. Cánh đàn bà cũng không lên tiếng ! Hình như ai cũng bận nghĩ, nhớ lại chuyện tình của mình khi mùa xuân đến. Chị kia, tay áo lạnh; tay chìa khoá đã đòi về từ ban nãy. Nhưng giờ thì thả hồn về tới Long An. Chị là em ông Thà. Lần lên nhà trọ của anh Hai để khóc sướt mướt … đổ thừa cho anh hai Thà đã giết bạn Xuyến của em. Đâu ngờ bạn hai Thà nói với anh Hai: "Con nhỏ em mày khóc, thấy thương quá Thà ơi !" Vậy là từ đó, hai Thà không cho bạn về nhà mình chơi. Nhưng mỗi lần lên xe đò về Long An thì mười lần như một ! Cứ quay đầu lại đằng sau thì đã thấy thằng bạn lỗi nhịp tim vì tiếng khóc em tôi. Nó lì hơn trâu, cứ xông vô nhà hai Thà ! Thưa tía, thưa má… tới hai Thà nổi giận thưa công an là "xâm nhập gia cư bất hợp pháp" thì em gái hai Thà xách cơm cho nó ăn ngoài công an Xã. Khóc lóc thảm thương… "anh Hai đuổi bạn anh Hai đi thì em uống thuốc rầy tự tử cho anh Hai coi !". Thôi thì… anh em. Vậy hỏi lại mình rồi tự trả lời đi ! Ai dụ ai trong cuộc đời này ?! Còn không mau quỳ xuống mà tạ ơn trên đã cho vợ là chồng; cho anh là em; cho bạn là tôi. Xuân về, ngồi nhớ thuở tóc xanh bên bạn bè, anh em, vợ chồng… cũng vui đấy chứ !

 

 

Phan

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

 

website counter