TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 16

Những ngày vui qua mau …

 

Những ngày vui qua mau …

(Phan)

 

 

Bây giờ là 6 giờ sáng thứ hai, ngày 05 tháng 10 năm 2008, ngoài trời đang mưa và nhiệt độ thành Đà thật lý tưởng ở 67 độ F, tôi ngồi xuống cái ghế quen của mình ngoài patio và ly cà phê đầu ngày với cái laptop. Nhìn những trang chữ trên màn hình về vụ Thái Hà là vấn đề mà báo giới đang theo sát để đưa tin, những ai có quan tâm đều theo sát báo chí để tính cách cho mình phải có một hành động tiếp tay đồng bào trong nước, cụm từ “khúc ruột ngàn dặm” do người khác áp đặt cho mình không đánh thức được lương tri nhưng tự nghĩ mình là “khúc ruột ngàn dặm” của đồng bào trong nước thì người Việt hải ngoại sẽ làm được việc, nhiều nơi có người Việt sinh sống trên thế giới gần như đồng loạt thắp nến nguyện cầu trong dịp cuối tuần qua, quyên góp ủng hộ cho Thái Hà trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ giữa thiện và ác trong nước. Tôi chỉ nhìn theo con mắt truyền thống của người Việt từ ngàn xưa là thiện bao giờ cũng thắng ác; công lý luôn thuộc về lẽ phải … những câu nói xưa rích nhưng đúng hoài để lập lại cho đôi bên giữa vững lập trường thì thắng bại chỉ là thời gian chứ kết cuộc có sẵn ! Rời mắt khỏi màn hình để nghĩ suy về thời cuộc, tìm ra phương hướng cho bản thân hòa vào không khí đấu tranh nội ứng ngoại hợp của cả dân tộc mình trước cái ác đang giãy chết nên vô cùng xảo quyệt diễn ra trong nước mà bất kể người làm báo nào ở hải ngoại cũng tự thấy trách nhiệm góp vài con chữ của mình trong công cuộc đấu tranh chung.

 

Nhìn ra ngoài trời đầy gợi cảm với những giọt mưa thu se se lạnh và man mác buồn cố hữu của mưa thu nhưng không buồn nhiều bằng những ngày vui đã qua, những ngày Đại Hội Cựu Tù Nhân chính Trị ở Dallas đã qua như cuộc vui nào cũng tàn để mọi người còn ra về ! Hai chữ “ra về” đối với lớp đầu xanh tuổi trẻ cũng tương đương với hai từ “gặp lại” trong một ngày gần đây nhưng hai chữ “ra về” với những cựu TNCT thì bạn có chứng kiến mới nghẹn ngào khi thấy những mái đầu đã bạc vì chiến tranh, tù đày và lưu vong … “gặp nhau đây … rồi chia tay …” không biết anh Khúc Thừa Nhân đã hát câu ấy bao nhiêu lần với chất giọng Quảng Nam Đà Nẵng của anh trong suốt những ngày qua ! Riêng tôi bù khú từ tối thứ năm khi những anh em báo chí bên Cali qua để hợp sức với cánh báo chí địa phương làm nhiệm vụ. Cá nhân tôi bình tâm suy xét thì thật lòng thấy mình vô tích sự vì những giờ giấc mà anh em cần tiếp tay thì tôi lại kéo cao cổ áo lên đường kiếm cơm, không xin nghỉ được. Tới tôi có mặt thường đúng vào giờ ăn nhậu mà nhà thơ Phan Xuân Sinh làm chủ xị đã tạo ra những những bàn tiệc hoành tráng nhất trong lịch sử ăn nhậu ở thành Đà. Nhiều khi tôi nghĩ hay bởi mình có cung ăn nhậu trong lá số tử vi nên trước sau cũng bị cao cholesterol.

 

Ngoài niềm vui tái ngộ, những cư dân địa phương tất bật ngược xuôi với công tác đưa đón chú bác đến từ xa. Tôi không tìm thấy sự phân biệt đối xử nào trong tình quân dân cá nước ở khung trời Dallas hiếu khách này. Nói chung là một Đại Hội thành công hơn mong muốn của Ban tổ chức là điều nhiều vị khách nói ra còn chủ nhà thì tôi báo cáo sau. Những mẩu chuyện vặt lại nói lên những điều rất lớn, xin tường thuật vô tư để thấy hết chân tình của người đón và lưu tình của người đến trong tình đồng hương nơi xứ xa. Hai anh bạn trẻ bên Báo Trẻ là Quân SỹNhật Hoàng chạy taxi thấy thương, họ đến những Hotel mà chú bác cựu tù cư ngụ, xin nhân viên Hotel số điện thoại các phòng có người Việt ở, Quân Sỹ gọi từng phòng xem chú bác đi dự Đại Hội chưa, xe đưa đón đã tới giờ lăn bánh. Không thể trách những người lớn tuổi chậm trễ vì tuổi tác, tất cả những chú bác chậm trễ đều có rất nhiều những chiến hữu, con em cựu tù ở Dallas tự nguyện xách xe nhà ra chạy taxi để đưa đón khách phương xa về đây Đại Hội. Trong suốt ba ngày thì các chú bác phương xa đi về từ nơi diễn ra Đại Hội với nơi nghỉ ngơi ở Hotel không biết bao nhiêu bận vì chú bác về Dallas để họp mặt chứ không phải về đây để ngủ Hotel, nhưng sức già phi mã lực nên đến nơi hội tụ đồng đội, đồng bào được một chập thì đã mệt, cần về Hoterl để tắm cái cho tỉnh, ngả lưng chút cho giãn bộ xương già … lại muốn trở lại chốn xôn xao để hàn huyên với đồng đội cũ, được thấy đồng hương trong tình thương mến thương những người bảo quốc an dân xưa kia. Với lượng người đổ về thành Đà lên tới con số hết phòng khách sạn thì có thể nói cộng đồng người Việt Dallas đã dốc hết sức mình để lo tròn nhiệm vụ đưa đón các chú bác từ xa đến đây. Tôi thật lòng nói lên cảm khái sau 15 năm sống ở thành Đà, chưa bao giờ tôi tự hào, sung sướng là cư dân thành Đà bằng khi nghe một người trẻ (có thể tôi biết danh tánh, có thể không) hỏi một người già mà tôi không thể nào biết là ai ? “Thưa bác, bác cần đi đâu ? Cháu đưa bác đi”. Cứ như những anh bạn chạy xe ôm ở Xa cảng miền Đông, miền Tây bên nhà nhưng ở đây miễn phí. Cái tình làm rơi nước mắt chú bác phương xa là thằng nhỏ vừa hỏi mình muốn đi đâu ? Đi chợ hay đi chơi, hay đi về Hotel nghỉ ngơi … chỉ biết nó là một con em cựu tù, con em người Việt ở thành Đà chứ cũng không biết nó là ai. Cứ như thế, tình đồng hương Việt Nam lai láng chảy trên khắp các ngả đường Dallas. Đưa đón không biết bao nhiêu vị khách danh dự của thành Đà đến dự Đại Hội trong ba ngày mà chú bác phương xa vui lòng, đã là một thành công hơn mong muốn của ban tổ chức, một tự hào, niềm vui vô biên trong tâm tưởng những cư dân thành Đà đã hoàn thành nhiệm vụ tự mình giao phó cho mình, vì rất nhiều những chuyến xe nhà và người tài xế tự móc tiền túi đổ xăng mà ban tổ chức cũng không biết họ là ai để hoàn trả tiền xăng. Chỉ nhìn thấy mái đầu đen thì đàn anh ở địa phương sai đàn em, chú bác sai con cháu … “chở những chú bác này về Hotel hay chở những chú bác này đến nơi hội ngộ…” Tôi nhìn ra nhỏ bạn quen thân ở thành Đà tự ẻm là má của mấy thằng con tôi cũng chạy taxi. Nhỏ chạy chở bác Ngô Nhật Thăng đến từ Phoenix, nhưng tới Hội trường thì anh Đặng Hiếu Sinh thấy mặt đặt tên: "Em chở giùm anh một xe về Hotel … Anh em ơi! Ai về Hotel thì lên xe van này." Thế thôi, anh ĐHS là người trong ban tổ chức thì có quyền huy động nhân lực địa phương. Khi nhỏ bạn thân của tôi đổ một xe xuống khách sạn Hamtom thì gặp anh Hướng cũng là một đàn anh ở địa phương, chịu trách điều động xe và anh đóng chốt ở Hotel, anh thấy mặt đặt tên, “Nhỏ ơi ! Mày chở giùm anh một xe tới Hội trường. Anh em ơi ! Ai tới Hội trường thì lên xe van này.” Mỗi cái xe của người Việt ở thành Đà đều vinh hạnh được chở quá khứ về với tương lai. Cứ như thế, những chuyến xe chở tình quân dân không còn tổ quốc lăn bánh trên khắp các nẻo đường Dallas thân thương trong gió sớm thu về và niềm vui vô tận của thế hệ sau được vinh hạnh phục vụ chú bác thế hệ trước một đôi ngày như trả ơn chú bác ngày xưa. Những mái đầu đã bạc vì chiến tranh, tù đày và lưu vong như trẻ lại, tạm quên đi những căn bệnh đang mang trong người vì tuổi tác vì chiến tranh không phải hoà bình đã ấm lòng với thế hệ thứ hai, những đứa bé mà ngày xưa chú bác đã từng sống chết để cho tụi nhỏ có hậu phương an bình. Nay, nước có thể mất theo bàn cờ chính trị thế giới nhưng tình quân dân Việt Nam Cộng Hoà rõ ràng bất tử là món quà lưu niệm của người Việt Dallas gởi cựu tù.

 

Tôi biết tường thuật làm sao cho hết những gì ghi nhận được từ những ngày qua với quá nhiều cảm xúc xen lẫn thực tế trong sổ tay người làm báo. Chỉ biết buồi ca nhạc tối thứ bảy ngày 03 tháng 10 năm 2008 đã kết thúc lúc 11giờ 26 phút là coi như Đại Hội bế mạc, hơn 5000 người trong Hội trường Special Event Center hả hê với tiếng hát con em cựu tù như Nguyên Khang, Thế Sơn, Diễm Liên … nói làm sao đây khi tai nghe âm thanh nhạc điệu quen thuộc của dòng nhạc lính từ nhỏ, hôm nay tôi nghe thêm được trong chất giọng tuyệt vời của những ca sỹ con em cựu tù này chuyên chở thêm cảm xúc hàm ơn của họ bay theo cung bậc âm thanh để chuyên chở tới “Cựu Tù” tấm lòng biết ơn và luôn mong đền đáp của con em. (May mắn cho tôi sang chiều Chủ nhật còn gặp Thế Sơn trong buổi họp tổng kết nên lẹ làng gởi lời cảm ơn người ca sỹ con em của lính.)

 

Sau khi ca nhạc chấm dứt, tôi về nhà hàng Việt Nam với anh em, chú bác báo chí tới 1 giờ đêm, chưa hết mấy thùng bia tôi đưa đến nên bưng sang bàn anh Nam Lộc nhờ uống phụ tới 2 giờ để sơ kết tình hình đại thắng của quân ta ! Những mỏi mệt của ban tổ chức trong những ngày qua tan theo nụ cười mãn nguyện. Tôi ra về trong đêm đầu thu nghe mát tới trong lòng.

 

Sáng chủ nhật bận rộn với chú bác xa xôi lần lượt ra về. Những đôi mắt già nua ngấn lệ cho một lần gặp lại nhau đây rồi chia tay như anh Khúc Thừa Nhân hát suốt mấy ngày qua ! Không biết độc giả có biết anh này không? Anh tự giới thiệu là ba tui tên Khúc Thừa Dụ, nhờ có cái “khúc thừa” đó nên mới dụ được má tui để đẻ ra tui !... Anh đi bắt quàng làm họ với bà Khúc Minh Thơ làm Má Bảy lên tăng-xông ! Tôi cứ thấy anh là tôi cười, mà theo những đàn anh Quảng Đà thì Khúc Thừa Nhân là một cây cười Quảng Đà đã thành danh, có tiếng… (Xin giới thiệu với Trung tâm Vân Sơn).

 

Sau những ly bia cười sảng khoái ngoài nhà hàng, phải mở ngoặc chỗ này là những nhà hàng Việt Nam ở Garland (thuộc Dallas) mở cửa tới 2 giờ đêm chứ không đóng như thường lệ là 11 giờ mà theo nhận xét của tôi là phục vụ Cựu Tù Nhân Chính Trị ở xa về chứ bà con Dallas không có ý kinh doanh bởi tôi ghi nhận những tiếng hỏi câu chào trong tình quân dân cá nước như sống lại một thuở xa xưa vô cùng xúc động. Xin gởi lời cảm ơn đến những nhà hàng của người đồng hương. (Không nêu tên thương mại của nhà hàng vì người viết bài báo này không có ý quảng cáo cho riêng ai, chỉ ghi nhận tấm lòng người địa phương thành Đà với lính).

 

Trên đường về gió đầu thu đêm khuya, tôi nghĩ đến những lần chia tay đồng đội ở phố núi cao phố núi đầy sương, ở những địa danh tên vẫn chưa quen người dân thị thành … của chú bác ngày xưa đã mằn mặn giọt nước mắt khô vì hôm trở lại thì bạn đã không về ! Những người lính không may trong chiến tranh vì súng đạn vô tình có cái bình an của người đi trước; những người đi qua khói lửa mịt mùng tưởng là may mắn thì lại xui hơn trong ngục tù lao lung, trở ra tị nạn ngay trên quê hương mình trong tị hiềm chế độ. Họ bước vào một nhà tù lớn hơn là xã hội bỉ ổi bản chất. Những người lính bạc màu áo trận rồi bạc màu áo cơm để cứu vớt gia đình, bạc lòng vì thế thái tha phương tới sức cùng lực kiệt … Họ gặp nhau đây rồi chia tay nhưng lần gặp này không mong lần nữa vì tuổi tác và sức khoẻ của chú bác nhìn chung rất hom hem. Nước mắt tôi không gì nên cứ chảy theo xa lộ về đêm. Tôi hài lòng là mình rất nặng lòng với lính dù cha anh ruột của tôi không có mặt nơi đây. Tôi linh cảm được lần họp mặt này của chú bác là lần cuối cùng của đời lính, tôi không muốn viết ra những ý nghĩ hồ đồ vì chưa có thời gian kiểm chứng để viết sao cho chú bác yên lòng về thế hệ thứ hai dù còn nhiều chuyện mà đám trẻ chúng tôi quyết phanh phui sau Đại Hội.

 

Xin viết đôi dòng về buổi họp tổng kết vào chiều chủ nhật ngày 05 tháng 10 năm 2008. Chị Angie Hồ Quang thay mặt ban tổ chức ngỏ lời cảm ơn những bạn bè gần xa đã về hợp lực cùng ban tổ chức để làm nghĩa vụ với người lính VNCH nói chung, người cựu tù của chúng ta trên đất Mỹ, tiếng chị thân mật trong tình thân hữu gọi mời mấy bác tài taxi vô họp mà tôi nhận diện được anh Lâm-Biệt Kích Dù, anh Trí, anh… Không Nhớ Tên nhưng biết các anh cũng là cựu tù đi đón đi đưa cựu tù mà anh Đức là người trong bóng tối, một Thủy Quân Lục Chiến xa xưa, đi tu nghiệp ở Mỹ vào tháng 03 năm 1975, tháng 04 năm 1975 được uống rượu với đồng đội tới hết biết khi nghe tin mất nước, anh Đức năm nào cũng mướn xe đi Missouri nên âm thầm đi mướn mớ xe van với giá member cho rẻ để đưa đón anh em về Dallas họp mặt. Còn rất nhiều những gương mặt đằng sau hội trường của kỳ Đại hội này mà tôi sẽ tường trình sau, cũng như rất nhiều những trang viết tiếp nối về kỳ Đại Hội này mà tôi ý thức được là nhiệm vụ của con em phải làm.

 

Xin ghi nhận ở đây sự đóng góp tự nguyện của chị Hoàng Oanh đến từ Hawai và thân hữu của chị ở San Jose trong Hội Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt đã đến Dallas để bỏ Hotel đi theo các chị Gia Long lo việc chung trong tình em gái hậu phương. Chị phát biểu ngắn gọn trong bữa họp tổng kết nhưng lời ít mà ý nhiều như tình anh lính chiến, “Nghe lời kêu gọi của chị Khúc Minh Thơ, HO không thể từ chối góp một bàn tay nên đến đây …” Tôi là ai trong buồi họp này cũng xúc động với chân tình của chị. Đặc biệt là những phát biểu của Cựu tù nhân phu nhơn (ai cũng nói trong nước mắt) tôi ghi nhận được những lời đi thẳng vào tim óc đời sau như sau: “… Cảm ơn bà Khúc Minh Thơ đã giúp gia đình tôi làm lại từ đầu từ không còn manh giáp, cảm ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được gặp bà KMT hôm nay để nói lời cảm ơn mà tôi ấp ủ trong lòng đã lâu. Xin đừng nhắc gì tới những đóng góp của tôi trong Đại Hội này …” Những tiếng lòng của thế hệ trước vang lên đến đâu thì tôi nghẹn ngào đến đó … Tôi sẽ viết tiếp khi bình tâm. Xin lỗi.

 

 

Phan

 

(Bai Chuyen)

 

website counter