Tự do và trách
nhiệm
(T.Vấn)
1.
Nếu Chúa Giê-su, Thánh Mohammed và
Đức Phật lại xuất hiện trên trần
gian và làm người một lần nữa,
thì liệu các vị ấy sẽ chọn
là người theo chủ nghĩa tư bản, chủ
nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản ?
Đó là đầu đề một bài tiểu
luận mà người thầy giáo phụ
trách môn kinh tế xã hội học một
trường trung học ở thành phố nơi
tôi ở đã đưa ra cho những học
trò lớp 12 của mình. Một nam sinh đề
nghị xin được thảo luận đề
tài ấy dưới hình thức những bức
vẽ có minh họa, thay vì chỉ dùng chữ
viết như thông thường. Ông thầy ngạc
nhiên, nhưng vẫn đồng ý, vì muốn
được xem anh học trò vốn được
xem là có khả năng vẽ ấy sẽ
trình bày đề tài mang nặng tính chất
kinh tế bằng cây bút vẽ như thế
nào. Đến ngày nộp bài, thích
thú với cách trình bày của anh học
trò họa sĩ, ông thấy giáo yêu cầu
anh thực hiện bài tiểu luận bằng
hình vẽ ấy trên dãy tuờng bao chung quanh
lớp học, đủ lớn để nhiều người
cùng xem và thảo luận. Hơn một tuần
lễ sau, công trình hoàn thành. Người
ta thấy 3 vị giáo chủ của 3 tôn
giáo lớn nhất hoàn cầu cùng đứng
băn khoăn trước một lối vào có 3
cánh cửa. Một cánh cửa thì viết
đầy những phương châm làm nên chủ
nghĩa tư bản như : quyền tư hữu, kinh tế
thị trường, cạnh tranh, lấy lợi nhuận
làm động cơ tăng trưởng v…v. Một
cánh cửa khác có những khẩu hiệu
biểu trưng cho chủ nghĩa xã hội : kinh tế
chỉ huy, quyền sở hữu tập thể. Cánh
cửa còn lại ghi nguyên văn câu nói nổi
tiếng của Karl Marx, ông tổ chủ nghĩa cộng
sản : làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
Trước 3 cánh cửa ấy là một mũi
tên chỉ lối vào to tướng, với
câu hỏi : Họ chọn cánh cửa nào ?
ám chỉ 3 khuôn mặt trầm tư suy nghĩ với
đầy những dấu hỏi của 3 vị giáo
chủ.
Một cách khá bất ngờ, lối
trình bày độc đáo của cậu học
trò lớp 12 đã lôi cuốn được
sự chú ý của nhiều người cả
trong lẫn ngoài trường học. Tờ báo
địa phương lớn nhất thành phố
đã cử phóng viên đến lấy tin
và đăng bài giới thiệu, với mục
đích cổ vũ cho sự sáng tạo trong việc
dậy và học các đề tài khô
khan như môn kinh tế xã hội học ở
trường trung học.
Lẽ tất nhiên, bức hình vẽ 3 vị
giáo chủ với những góc cạnh quen thuộc
khiến người xem dễ nhận ra cũng được
chụp và đăng kèm theo với bài viết
của phóng viên.
2.
Giáo chủ Hồi Giáo Mohammed lập ra
tôn giáo với tôn chỉ không thờ
phượng các ngẫu tượng cổ sơ, do
đó, việc vẽ hình người được
coi là có tội. Trong các đền thờ Hồi
giáo không có hình vẽ hay tượng
người, chỉ có những nét vẽ
hình học và chữ viết. Việc trưng
bày hình vẽ giáo chủ Mohammed, dù
dưới bất cứ hình thức nào, đều
bị những người theo Hồi gíao cho là
phạm thượng, báng bổ. Hồi tháng 1
năm 2006, sự kiện một tờ báo ở
Đan Mạch đăng hình biếm họa vị
giáo chủ Mohammed, rồi một số báo
chí ở Âu châu đã cho đăng lại
những bức hình ấy, đã gây nên
một biến cố nghiêm trọng. Quốc gia Hồi
giáo Saudi Arabia triệu hồi đại sứ ở
Đan Mạch về nước. Các tòa đại
sứ của Đan Mạch, Na Uy ở Damacus, Beirut bị
những người Hồi giáo cực đoan tấn
công, đập phá, gây nhiều thiệt hại
về vật chất. Không khí bạo động
lan tràn sang cả Phi Luật tân, A Phú
Hãn, Nam Dương. Hàng chục người chết
và hàng chục người khác bị
thương trong những ngày sôi động ấy
chỉ vì những bức vẽ biếm họa vị
giáo chủ Hồi giáo. Nhiều vị lãnh
đạo quốc gia và tôn giáo trên thế
giới phải lên tiếng kêu gọi mọi
người tự chế để tránh những hậu
quả khó lường.
Cái tiền lệ đáng sợ ấy hẳn
là đã ám ảnh tâm trí các
người hữu trách của tờ báo lớn
nhất thành phố Wichita, Kansas, nên hai ngày
sau khi cho đăng bài và hình vẽ có
các vị giáo chủ tôn giáo, nhất
là vị giáo chủ Mohammed của Hồi
giáo, viên tổng biên tập tờ báo
đã lên tiếng trình bày những
căn nguyên khiến ông đã quyết định
cho đăng bài viết và bức hình
nói trên. Theo ông, quyết định ấy, dựa
trên việc xem xét sự kiện nhiều người
Hồi giáo cho rằng miêu tả giáo chủ
của họ bằng hình ảnh là một
hành vi báng bổ tôn giáo. Sau khi tham khảo
ý kiến với nhiều cộng sự viên,
ông quyết định cho chạy nguyên vẹn bức
hình. Trước hết, theo ông, bức hình ấy
là thích hợp (germane), không hàm ý
nào khác ngoài nội dung như đầu
đề bài tiểu luận đã gợi đến.
Mặt khác, bài tường thuật rất gọn
ghẽ, sâu sắc, không đơn giản chỉ
là khen ngợi tài vẽ của một học
sinh mà còn cùng với bức hình vẽ,
giúp độc giả hiểu rõ mục
đích của câu chuyện được kể
lại. Kế đến, cũng theo lời vị tổng
biên tập, có những bài báo hay
hình ảnh xuất hiện trên tờ báo
mà nhiều độc giả cho rằng không
nên cho đăng tải, hay đơn giản hơn,
họ không thích xem hay không thích đọc.
Và một quyết định dựa trên nỗi
sợ hãi vì đi ngược lại ý
thích của độc giả là một quyết
định không thể coi là phù hợp. Cuối
cùng, vị tổng biên tập hỏi ý kiến
độc giả, nếu họ là người
có quyền cho đăng hay không cho đăng bức
hình ấy, họ sẽ quyết định như thế
nào ?
3.
Tự do ngôn luận.
Có lẽ đó là điều vị tổng
biên tập tờ báo nói trên muốn nhấn
mạnh trong việc thừa hành chức năng
biên tập của mình, dù cho có những
áp lực vô hình của độc giả.
Đó là sức mạnh của nền báo
chí tây phương, khiến họ trở nên
một lực lượng đối trọng với
chính quyền và là người dẫn
đường cho quần chúng. Nhưng trong thế
giới toàn cầu hóa ngày nay, cùng với
sự đan ghép các nền văn hóa
và thể chế chính trị, khái niệm tự
do ngôn luận của tây phương đang bị
thách thức. Khái niệm ấy đã phải
tự điều chỉnh lại chính nó khi xảy
ra vụ bạo động hai tháng đầu năm
2006 tại châu Âu với sự việc các bức
tranh biếm họa giáo chủ Mohammed. Nước Mỹ,
vốn quen với một tinh thần tự do phóng
khoáng từ mấy trăm năm nay, cũng
đã phải xét lại khái niệm tự
do gọi là tuyệt đối của mình,
trước hết là ở các cơ quan truyền
thông báo chí. Mỗi nền văn hóa, mỗi
tôn giáo, mỗi quốc gia với lịch sử
riêng biệt của mình, đều có một
giới hạn riêng cho quyền tự do ngôn luận,
tự do tư tưởng. Vấn đề là tinh thần
trách nhiệm trong việc thực thi quyền tự
do ấy, để không xúc phạm đến bất
cứ một người nào, một tổ chức
nào, một tôn giáo nào, dù là
vô tình hay cố ý.
Mặt khác, cần phân biệt một sự
phẫn nộ chính đáng (nếu bị
xúc phạm) và thái độ quá
khích, hễ không thích hay không đồng
ý là phản đối, thậm chí, sử dụng
đến cả các phương thức bạo lực
để đối phó với người được
coi là có hành vi xúc phạm. Thế giới
đã đầy dẫy những hành động
nhân danh kẻ bị xúc phạm đi xúc phạm
người khác, nhân danh kẻ bị áp bức,
bị đối xử bất công để đi
áp bức, đè nén người khác,
nhân danh hòa bình để đi gây chiến
tranh chết chóc cho quốc gia khác. Người
ta đã quá chú trọng đến biểu
tượng, đến độ không hiểu
được rằng biểu tượng dù có
đặc thù đến thế nào, thì biểu
tượng vẫn không thể thay thế hoàn
toàn cho lý tưởng, cho niềm tin, cho sự tồn
tại vật chất một khái niệm linh
thiêng. Và các thế hệ
nối tiếp nhau chiến đấu và hy sinh
là chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng
chứ không phải biểu tượng của
lý tưởng, cho niềm tin tôn giáo chứ
không phải cho biểu tượng của tôn
giáo, cho sự tồn tại vật chất của những
khái niệm linh thiêng (như quốc gia, dân tộc)
chứ không phải những biểu tượng của
sự tồn tại vật chất ấy.
4.
Gần đây, trong các tranh luận về vấn
đề tự do trong sáng tạo văn hóa ở
trong nước và hải ngoại, đã có
dư luận đặt vấn đề những người
làm văn hóa ở hải ngọai bị sức
ép của cộng đồng khiến họ không
hoàn toàn được tự do như lẽ ra họ
phải được hưởng vì họ đang
sinh sống ở những xứ sở tự do dân chủ.
Quả đúng là trước khi đặt
bút xuống viết một điều gì, người
viết phải cân nhắc, suy nghĩ chín chắn.
Trước hết là do thái độ trách
nhiệm với cộng đồng những người
phải bỏ nước ra đi, họ có những
niềm đau và những nỗi lòng cần
được tôn trọng, không nên xúc phạm
tới, không nên khơi dậy. Một người
viết có trách nhiệm, phải nhìn thấy
rõ điều đó để cẩn trọng
hơn trong việc hành xử quyền tự do
ngôn luận của mình. Đó không phải
là sự sợ hãi, như nỗi sợ hãi
của một người dân sống dưới chế
độ độc tài trước bàn tay sắt
của nhà cầm quyền, vì thực ra, ở hải
ngọai không ai có thể làm được
điều gì tổn hại đến ai, vì luật
pháp nước sở tại sẽ mạnh tay can thiệp
nếu có sự vi phạm. Một người viết
có trách nhiệm còn cần phải có
đảm lược để nói đúng
điều cần nói, không để cho những
cảm tính yêu ghét nhất thời chi phối.
Và nhất là sự công bằng trong phán
xét, vì tính cách đại chúng của
các phương tiện truyền thông báo
chí, nó sẽ đóng vai trò dẫn
đường cho người đọc, người
xem, người nghe. Người dẫn đường sai vì chủ
quan, vì thiên lệch, sẽ dẫn cả một
đám đông vào ngõ cụt, không lối
thoát.
Nói thì dễ, nhưng thật không dễ
dàng gì cho người trong cuộc khi phải lựa
chọn.
Ngay đến viên tổng biên tập một
tờ báo Mỹ, cũng đã phải đắn
đo suy nghĩ, tham khảo ý kiến nhiều cộng
sự trước khi quyết định cho đăng tải
một bức hình. Chắc hẳn không phải
vì quán tính tự kiểm duyệt, mà phần
lớn đến từ sự quan tâm tới một cộng
đồng tôn giáo, tuy chỉ là một
nhóm nhỏ nếu so sánh với các cộng
đồng khác ở địa phương.
Đó chính là biểu hiện của tinh thần
trách nhiệm, và ý thức
về tác động của việc mình làm
đối với những người khác.
Và đó cũng chính là cốt
lõi của mọi quyền tự do cho con người.
T.Vấn
(Bai Chuyen)