TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 5

Người nô lệ da vàng

 

Người nô lệ da vàng

(Phan)

 

Anh Tâm nói với người yêu là chị Nga, anh tính đi lính vài năm rồi mới về cưới vợ, vì quê anh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa ! Trốn lính Quốc gia thì Việt cộng cũng không để yên cho cầy ruộng. Chị Nga hiểu hơn ai hết về quyết định của anh. Hiểu hơn ai hết về chuyện-hai-người của mình. Dù chưa trao nhau lời hẹn ước sông cạn đá mòn nào, nhưng lời trái tim muốn nói khi đã yêu nhau thì không thể khác được ! “Em sẽ đợi anh về…” Nhưng ý nguyện của anh Tâm cũng không thành vì biến cố lịch sử xảy ra sớm hơn cái ngày chia ly đó. Hòa bình theo từng ý nghĩ cá nhân thì anh Tâm chọn việc làm đám cưới với chị Nga và sống với ruộng vườn do ba má khai hoang từ thời trước.

 

Còn gì vui hơn đất nước thanh bình sau chiến tranh nên một căn hộ mới mọc lên sau hòa bình. Nhưng chỉ được vài năm thì chiến tranh lại bùng nổ ở Tây nam với Kampuchia; phía Bắc với Trung Quốc. Anh Tâm bị gọi Nghĩa vụ quân sự vì những người lãnh đạo địa phương là dân nằm vùng thời trước, họ không ưa anh đã từ chối theo họ vô bưng. Càng không ưa anh chiếm được người con gái đẹp nhất xóm là chị Nga. Không ưa nhất là sau khi hòa bình lập lại, anh chớp lẹ người đẹp trước mũi họ còn đang bận chia nhau quyền chức ở địa phương. Anh cũng biết an phận làm ruộng theo hiểu biết của người chịu học hỏi. Nhưng trâu buộc ghét trâu ăn, ruộng Hợp tác xã cứ ngập phèn vì thủy lợi-thủy hại, không có hột lúa để giữ giống mà họ cứ phải nhìn anh chị cắt lúa, giỡ khoai… gánh nặng vai đôi vợ chồng trẻ, thì cán bộ nào chịu được ?! Thế là anh chị phải xa nhau vì tội làm quê cán bộ.

 

Hôm tiễn anh lên đường thi hành Nghĩa vụ, chị Nga bồng con theo để tiễn cha lên đường. Chị thỏ thẻ với anh một niềm hy vọng… đêm qua ! Anh nhìn người vợ trẻ, con thơ mà đi không đành. Nhưng trốn thì chính quyền địa phương lại làm khó cho cả hai gia đình. Thật khó tính. Và phút tiễn đưa nào không tràn trề nước mắt, trong giòng lệ nóng chứa chan của vợ, anh nghe được tiếng thì thầm hết sức chị Nga: Qua Kampuchia, anh coi trốn được sang Thái Lan thì cứ đi. Em với con đợi anh. Em lo được cho con mình…

 

***

 

Vậy là năm 1981 , anh Tâm đã có mặt ở Trại tỵ nạn Thái Lan. Năm 1983, anh được đi định cư ở Mỹ. Lá thơ đầu tiên sau 5 năm vợ chồng xa cách, anh gởi về địa chỉ ngoài Thị xã để thăm dò trước. Anh chờ đợi hồi âm đến mất ăn mất ngủ. Thơ hồi âm tới Mỹ từ ngày bặt tin nhau, anh nắn nót lá thơ có viền xanh đỏ cả buổi chiều trong xúc động tới quên ăn, quên mệt sau một ngày vất vả trong xưởng mổ bò bên Kansas. Cuối cùng, anh mở ra để thấy lại giòng chữ thân yêu của vợ hiền, giòng chữ con anh vừa học viết mới làm bật ra nước mắt người cha thương nhớ vợ con đến tận lòng. Tin, anh có con trai như nguyện ước của vợ chồng, làm anh nhớ lại lời thì thầm hôm tiễn anh đi. Ước gì có tấm hình vợ con để nhìn mặt cho đỡ nhớ.

 

Anh Tâm lấy công việc làm vui và quên đi bớt nỗi buồn cô đơn trên đất Mỹ một mình. Ngày tháng triền miên trong xưởng đến nổi tiếng là người làm overtime nhiều nhất từ năm này qua năm khác. Không ai hiểu anh về tấm ảnh gia đình mà anh đã nhận được trong lá thơ sau - là nguyên do anh vùi đầu trong xưởng. Gương mặt mỹ miều của chị Nga không còn xinh đẹp như xưa, lại có nét gì phảng phất như thiếu thủy chung ! Thằng con trai sao giống thằng anh ghét nhất trong xóm cũ. Bây giờ, nó lại làm tới Trưởng công an Xã. Đứa con gái giống mẹ nó thì đã đành… Từ đó, anh lười thơ từ cho vợ con thì càng làm việc nhiều hơn để quên đi. Anh quên luôn tiền trong trương mục nhà băng của anh đã qua số trăm ngàn đô la vào đầu thập niên ’90. Anh tự an ủi mình không may trong chuyện vợ chồng nhưng được trời bù lại cho giàu có hơn đồng hương xa lắc. Anh không từ chối thẳng thừng lá thơ của hai con xin cha bảo lãnh qua Mỹ, nhưng không xúc tiến hồ sơ bảo lãnh với nhiều lý do khó nói nên lời ! Tình nghĩa vợ chồng đã xa mặt cách lòng rồi hay sao ? Anh ngồi nhớ tới những lá thơ đã từng hạch hỏi chị Nga về đứa con trai ! Thơ hồi âm của chị không thỏa đáng cho lòng ngờ vực trong anh.

 

Có người bạn thân nhất ở bên này mà anh đã một lần tâm sự đời tôi thì bạn khuyên anh nên về một lần để mắt thấy tai nghe chứ đừng nghi kỵ cho người vợ trẻ, có nhan sắc mà đã ở vậy nuôi con cho anh …

 

Anh Tâm vốn siêng năng chịu khó làm việc và tích lũy như để bù lại cho tính tốt đó là tính xấu - lợi dụng bạn bè - nên tất cả xa anh. Những người bạn đã từng cho anh share phòng không lấy tiền để anh tích lũy mà bảo lãnh vợ con anh sang đây. Vợ những người bạn tốt cũng không tính tiền cơm anh đã ăn ở nhà họ. Người Việt tha hương nên tình đồng bào càng thêm thắm thiết ! Nhà thêm một miệng ăn cũng coi như chỉ thêm đôi đũa, cái chén. Ai cũng thương cảm cho cảnh đi về một mình của anh Tâm đến ngày mọi người cùng hiểu ra anh Tâm đã lợi dụng lòng tốt của bạn bè để tích lũy đô la chứ không hề làm Hồ sơ bảo lãnh vợ con như anh nói dối với bạn bè.

 

Chuyện anh Tâm Xưởng bò đã nằm trên đầu lưỡi đồng hương bên đó nên anh muốn ra đi nhưng chưa biết đi đâu ? Trong cáo rủi nào cũng có cái may và ngược lại như chuyện may-rủi, anh bị tai nạn trong xưởng. (Con bò được móc trên dây chuyền sản xuất. Không dưng rớt xuống trúng anh, làm anh bị gãy xương vai. Hãng trả tiền bệnh viện 100%, còn bồi thường tai nạn cho anh tới suốt đời.) Sau lần tai nạn đó, anh Tâm nhận thức được mọi người (bạn bè) không còn thương mến anh như những ngày xưa. Thay vì anh nên sửa đổi mình để bạn bè gần gũi lại như xưa, thì anh tạm biệt Kansas để về Dallas sinh sống với cộng đồng người Việt chưa biết về anh.

 

Người đàn ông mang nhiều đặc tính dễ thương của người miền Tây xuất hiện trong hãng điện tử ở Plano. Anh ta vui vẻ, hiền lành. Đàn ông độc thân mà không cờ bạc. Rượu chè, chỉ uống chút đỉnh khi được mời. Thuốc lá không hút thì phụ nữ nào không thích ! Những người đàn bà đã từng dang dở nhưng tự tin ở nhan sắc còn lại của mình đã tấn công anh dữ dội để cuối cùng dội dữ với thằng cha đàn ông gì mà Sư tính kỹ ! Kỹ sư chưa chắc tính lại anh Tâm. Có tin rằng anh Tâm giàu lắm vì ăn tiền bồi thường tai nạn lao động hàng tháng mà lại còn đi làm fulltime ở Hãng điện tử, thì tiền để đâu cho hết với hoàn cảnh không vợ con, không ăn chơi. Có lẽ anh chờ mối trẻ trung hơn chứ dại gì mua trâu lời nghé ! Đến lượt, những cô gái trẻ hơn đã giăng lưới tình, mỹ nhân kế theo từng bước chân anh chàng coi bộ dễ ăn nhưng cuối cùng đều hiểu ra khó nuốt. Anh Tâm bình chân như vại, không bắt mối này buông mối nọ mà giữ hòa khí với phụ nữ trẻ già như nhau, là điều mà chính cánh đàn ông còn nể mặt.

 

Từ hôm anh Tâm mua căn nhà nửa triệu đô la trong khi khối gia đình người Việt chỉ mơ căn nhà sáu, bảy chục ngàn cho có chỗ đi về là mãn nguyện ! Anh đã dư điều kiện để có người xinh xắn trẻ trung - nâng khăn sửa túi. Nhưng anh Tâm không phải loại háo sắc như đàn ông thường tình. Những người đàn bà cố trang sức để trở thành bà chủ lâu đài tình ái đều ngậm ngùi ôm mớ tuổi đời không thuận lợi giang ra; những cô gái sẵn lòng buông thả để nắm lấy gia tài cũng không qua nổi sự cứng lòng của người đàn ông đã đứng tuổi và từng trải. Riêng anh vẫn sống hòa nhã trong cộng đồng nên ai mới quen anh cũng bị vài vố… rồi tỉnh hồn thương đau thì lánh mặt.

 

Có người bạn trẻ kể chuyện về anh trong uất ức. “Anh Tâm mời em thứ bảy, ghé nhà anh Tâm chơi. Em ghé cho biết thì anh nói em có xe truck nên nhờ em ra Home Depot chở hai cái cây xanh 10 gallons mà anh đã mua hết bốn trăm đô la, nhưng xe anh không chở được. Em hỏi sao không nói họ đưa đến cho anh ? Anh trả lời: Họ tính tới bốn mươi lăm đồng delivery, mà tụi Mỹ quỷ quyệt là cái quỷ gì cũng tính thêm thuế, chạy ra năm chục chứ ít sao ! Thì ra, anh Tâm mời em tới nhà để đỡ năm chục tiền xe chở cây về trồng.

 

Chưa hết. Em theo anh Tâm đi chở cây về, xong. Anh nhờ em đào hai cái hố trước nhà để trồng cây. Anh mượn xe truck của em để đi xin bã đậu hũ về bón cây. (Xe anh không chở được bã đậu hũ vì sợ nước đậu hũ sẽ làm dơ và hôi cái xe mắc tiền của anh). Anh chở được bã đậu hũ về đến nhà thì trách em chậm chạp quá vậy ! Mới đào được có một hố mà cũng chưa đủ sâu. Ráng giúp anh cho xong trong ngày để thôi cây chết hết tiền - hai cái cây bốm trăm đô la. Chả biết cây ra quả vàng hay trái kim cương. Anh đi nấu mì, anh em mình ăn cho ấm bụng rồi làm. Vậy là em ăn được một gói mì gói của anh Tâm mà thành ra ăn khế phải trả vàng. Em đi vô nhà thì anh hỏi đi đâu vậy ? Em nói đi toilet, anh chỉ ra góc vườn ! Anh Tâm cất cái chòi ngoài góc sân sau mà ai đứng ở ngoài nhìn vào đều nghĩ là cái kho đồ cũ. Không ai biết anh ăn ở ở đó. Mùa hè ngủ đó, mùa đông lạnh quá, anh mới vô nhà ngủ ở sàn bếp với cái Sleepingbag-Marlboro mà anh xin bao thuốc lá của hết mọi người hút thuốc trong hãng để cắt tem thuốc ra và gởi đi Marlboro - đổi lấy quà lưu niệm.

 

Để em tả cái lâu đài tình ái của anh Tâm cho các anh chị nghe: Tòa lâu đài có bốn phòng ngủ trên lầu, hai phòng ngủ dưới đất. Hai phòng ăn, hai phòng khách, phòng game room, phòng coi phim, luôn. Nhà bếp thênh thang, hồ bơi, vườn tược mênh mông… Anh nói, anh order toàn bộ màn cửa tới hơn hai chục ngàn đô la (nhưng toàn bộ được trùm ny-lon kín mít vì sợ bụi. Mấy bộ bàn ghế sang trọng mà nhìn thôi đã biết là đồ mắc tiền, dĩ nhiên là bao bọc ny-lon rất kỹ. Tivi, máy nhạc cũng toàn Sony chính gốc Japan, nhưng toàn bộ trùm ny-lon. Trên sàn nhà là những lối đi như sidework bằng ny-lon dày trải trên thảm cho đừng bị dơ và làm cũ thảm. Ngay cầu thang lên lầu có hai đôi dép giấy như đi vô phòng mổ trong bệnh viện. Tóm lại là khó tìm thấy hạt bụi trong nhà anh Tâm. Nguyên cái nhà bếp-hết hồn với đủ thứ máy móc, dụng cụ bóng loáng và chưa bao giờ xài. (Em biết được trên lầu vì anh Tâm dẫn em lên để xem tranh là phụ; xem giùm anh sao cái toilet trên lầu bị rỉ nước - không lẽ đồ mới nguyên, chưa xài mà hư ?) Anh khoe hàng loạt giấy khen: “Nhà trồng hoa đẹp nhất trong khu phố” từ năm anh mua nhà và liên tục tới nay, mới dễ nể.

 

Em phải ra Home Depot lần nữa để mua parts về sửa toilet cho anh Tâm. Nghĩ đến ơn nghĩa dù gì anh Tâm cũng là người đã chỉ dạy cho em làm được công việc em đang làm trong Hãng nên em mời anh đi Nhà hàng ăn tối để coi như trả ơn Sư phụ một lần. Anh Tâm biết uống bia chứ sao không ! Anh em làm mấy chai bia tâm sự. Anh buồn lòng về sự kỳ thị của người Mỹ dữ lắm ! Anh nói: Muốn vô khu nhà anh ở, phải qua cổng bằng Remote control. Khách viếng, phải ghé chuồng cu của Security để báo là tôi vô đây thăm ai ? Security sẽ gọi nhà đó trước - có bằng lòng cho khách viếng thăm thì họ mới mở cổng. Họ lái cái xe gofl hướng dẫn khách tới nhà ông bác sĩ này; ông luật sư nọ; ông giáo sư kia… Nhưng khách viếng nhà anh thì tụi Security không hướng dẫn khách tới đúng nhà vì những người Việt bạn anh thường không cho chút lì xì theo kiểu cho người xách va li cho mình ở những khách sạn. Anh cũng không thích những người đồng hương, đồng nghiệp ti tiện đó ưa đòi được đến coi nhà anh để anh mất thời giờ hướng dẫn, giải thích đủ thứ mà còn bị hàng xóm trông qua vì người mình ưa nói cười lớn tiếng trong xóm nhà không ưa tiếng động. Security cũng không thích thấy những gương mặt chưa nói đã cười lai vãng vô đây - dù họ chỉ là Security, sau giờ làm thì trở về nơi ở còn tệ hơn những người bị họ coi thường.

 

Thỉnh thoảng, khu phố có ngày hội khu phố để bình bầu nhà ai đẹp nhất về cỏ và hoa, theo mùa. Thì mấy bà mệnh phụ khoe nhau sự giàu có của họ bằng đủ thứ hình thức, họ giới thiệu người này với người kia đến chơi là ông; là bà… toàn địa vị xã hội. Họ giới thiệu anh là ông nhà vườn. Chỉ thế thôi. Anh buồn lắm! Trước mặt ông nọ bà kia mà người hàng xóm mở miệng mướn anh săn sóc cho cỏ và hoa nhà bà ta vì tụi Mễ không có kinh nghiệm bằng anh. Bà ta chịu trả hơn tiền để đoạt lấy danh hiệu “Nhà đẹp nhất phố”.

 

Anh đem những ngậm ngùi vào trong giấc mơ ở căn chòi cô quạnh: Trong mơ anh thường thấy mình bỏ được căn nhà này vô vali, xách qua Cali và mở ra ở lưng chừng đồi, căn nhà anh nhìn ra biển rạt rào sóng vỗ thì thiếu gì người năn nỉ anh bán lại vài triệu đô la…” Anh Tâm triệu phú trong mơ nên càng không ưng ý cuộc sống thực là anh phải dành toàn bộ tiền lương để trả tiền nhà. Anh mới làm chủ nửa căn nhà mà nắm đằng lưỡi - Nhà băng nắm cán, mới hết ăn hết ngủ với nhà băng.

 

***

 

Hết những người tò mò ngồi nghe anh bạn trẻ kể chuyện anh Tâm cho thỏa lòng tọc mạch. Họ nâng anh Tâm lên huyền thoại không chừng ! Thật ra anh Tâm rất dễ thương dù thương không dễ bởi sự thầm lặng và chịu khó của anh buổi đầu là tạo dựng cơ sở vật chất căn bản để rước vợ con qua. Anh chưa bao giờ lăng nhăng với người phụ nữ nào ở đây vì lòng chung thủy với chị Nga trước sau như một. Anh chẳng dại gì sa vào cạm bẫy của những cô gái trẻ trung nhưng thiếu tự trọng bản thân, dùng nhan sắc để đánh vào trống vắng của người đàn ông độc thân.

 

Anh gặp được một đồng hương gần gũi mà chính xác là cô bạn học của anh thuở nhỏ cũng định cư ở Dallas này. Cô bạn về quê ăn tết trở qua, đã giải tỏa được cho anh những nghi kỵ nhiều năm về chị Nga, về thằng con trai vì chị bạn nhìn nó giống anh như đúc ! Nhìn nó, nhớ anh hồi còn đi học chung với nhau ở trường làng…

 

Anh ngồi nghe người bạn học thuở nhỏ nói về chính gia đình mình sau nhiều năm không liên lạc. Chị Nga vẫn ở vậy nuôi hai đứa con ngoan, học hành tấn tới. Căn nhà anh xưa kia trên đất gia đình đã trả lại cho người em trai anh. Chị Nga đưa hai con về sống bên ngoại và ông bà ngoại tụi nhỏ cũng đã qua đời… Chị lại đưa con ra Thị xã làm nghề bán buôn và sống trong căn nhà trước đây ông bà ngoại tụi nhỏ đã buôn bán than củi để nuôi sống gia đình. Bây giờ, chị mở quán bán Bánh canh giò heo. Ngon có tiếng Thị xã. (Anh Tâm ngồi nghe để nhiều đêm nhớ lại hương vị tô bánh canh giò heo khác hết mọi nơi vì chị Nga thật sự có tài nấu bánh canh. Anh nhớ những món ăn bình dị đậm đà khác nữa… cuối cùng là nhớ chị Nga cũng đậm đà như những món chị đã nấu cho anh ăn. Anh hối hận).

 

Những tin tức thèm được nghe về gia đình mình thì cô bạn học đã rót vào tai anh Tâm làm quặn thắt cõi lòng người đàn ông không phụ bạc, nhưng trốn chạy quá khứ. Anh muốn nối lại liên lạc với vợ con, bù đắp cho gia đình những thiệt thòi nhiều năm vắng chồng, vắng cha mà anh đâu phải chìm xuồng vượt biên hay mất xác trong rừng rậm Thái Lan. Anh lặng lẽ về Sài gòn du lịch rồi đột nhập về quê xem tình hình.

 

Căn nhà ngoài Thị xã mà xưa kia cha mẹ vợ anh đã buôn bán than củi để nuôi sống gia đình bên vợ. Nay là quán Bánh canh giò heo với bà chủ đã từng là người đẹp có tiếng trong vùng. Vợ anh đó sao ? Người con gái đẹp nhất địa phương này đã đáng mặt cho kẻ khác gọi bằng bà với mái tóc bạc sớm. Gương mặt củi lửa đã ám khói hết những gì còn giữ mãi trong mơ về người vợ mà anh thương nhớ suốt đời. Anh ngồi bên quán nước bên đường để nhìn vợ con mình tất bật bán buôn. Đứa con gái mang hình hài của vợ anh ngày trước. Nó không đẹp bằng mẹ nó vì lớn lên, cái mũi giống anh, hơi thô, không thon gọn, thanh tú như mũi vợ anh… Và kìa ! Thằng con trai. Nó là anh của thời hò hẹn với chị Nga. Cao ráo, săn chắc với nụ cười hiền lành luôn nở trên môi…

 

Anh Tâm ngồi thả hồn về thời trai trẻ. Anh muốn bước sang đường để ôm hôn vợ con. Để nói với họ rằng: Anh đã về. Nhưng hình ảnh căn nhà đẹp nhất khu nhà giàu bên Mỹ đã hình dung ra trong đầu óc anh là bừa bộn với thói quen quê mùa của vợ con. Cứ tưởng tượng ra đôi chân trần của thằng con giẫm đạp bụi bặm ngoài sân rồi xông xổng chạy lên lầu thì còn gì là thảm trong nhà. Đứa con gái dấu mặt trong phòng để nói điện thoại với bạn bè thâu đêm thì tiền đâu anh trả bill điện thoại. Chị Nga bắc nồi lên cái bếp mấy ngàn đô la chỉ để nấu nồi bánh canh ! Bọt tràn ra, mùi tràn lan căn nhà hoàn chỉnh nhất trong những căn nhà… Rồi, bà bán bánh canh mặc gì ? Nói gì ? Đi đứng làm sao, khi xung quanh hàng xóm là những bà mệnh phụ cả đời chỉ biết ăn diện và nói chuyện tào lao…

 

 

Anh Tâm đứng lên, trả tiền ly cà phê. Anh trở về Thành phố để về Mỹ và sống với căn nhà mà hết đời anh đã đắm say. Thề. Quên ý định bảo lãnh vợ con sau lần về quê thầm lặng. Anh Tâm trở về Mỹ để dồn hết tinh thần, sức lực vô căn nhà yêu quý hơn tất cả trên đời. Một vết cứt chim trên xi măng cũng làm anh xót xa… anh chăm sóc căn nhà nhiều thời gian hơn cả đi làm ở Hãng. Nhưng điện tử có thời thôi vì tụi Tàu, Ấn độ đã lấy job của công nhân Mỹ-trong đó có hơi nhiều đầu đen. Anh Tâm bị luật đào thải tự nhiên ở Mỹ ném ra đường với chín tháng tiền thất nghiệp vì tuổi đời và không bằng cấp. Anh hết đường xoay sở tiền nhà dù đã tận dụng hết tiền thất nghiệp, tiền bồi thường tai nạn lao động xưa kia. Anh bán xe xịn đổi xe tàn cũng chỉ cứu vãn được vài tháng tiền nhà, anh bán tới máy móc thì đã lỗi thời nên chẳng được bao nhiêu-dù chưa xài. Bán tới tủ, bàn ghế… thì cũng qua model ! Những đồ điện gia dụng mà anh đã mua nhiều tiền trước đây cũng chỉ còn giá garage sale vì thô kệch, không technology như đồ mới bây giờ… Anh. Anh nhận lời cắt cỏ, tỉa cây cho những nhà hàng xóm để chính thức hoá tên gọi “Ông nhà vườn” trong cái xóm dễ coi mà khó ở này. Anh Tâm tự an ủi mình với sự tin cẩn của hàng xóm nên anh có thêm bộ đồ nghề lau chùi nội thất. Công việc có vẻ hạ tiện, đầu tắt mặt tối từ mở mắt tới đi ngủ nhưng tạm đủ cho anh trả tiền nhà hàng tháng.

 

Đông tàn trên nhánh khô đã bao lần qua đây ? Lần đầu tiên anh Tâm thèm nghe tiếng người trong căn nhà vô trùng như phòng mổ trong bệnh viện của mình, nhưng chỉ có bốn bức tường im lặng và những trang báo chạy tít lớn về giá nhà thê thảm đến mất ăn mất ngủ. Anh ngã bệnh vì giá nhà chứ sức khoẻ cũng chưa đến nỗi. Anh thèm tô bánh canh tới mê sảng… Nga ơi !

 

***

 

Ông nhà vườn về quê ăn tết nên hàng xóm thiếu người quét lá thu bay. Khu nhà cao cửa rộng vẫn âm thầm kiêu ngạo. Căn nhà hoa đông đẹp nhất im ỉm đóng một mùa nhưng lòng ông mở ra với mai xuân, nắng ấm quê nhà. Ông được ăn bánh canh trong tiệm vàng chứ không phải là Quán bánh canh như lần trước ông về lén lút nhìn vợ con rồi đi. Con gái, con rể ông đã mở tiệm vàng để mẹ nghỉ ngơi sau nhiều năm nấu bánh canh mờ mắt. Con trai ông đang đi công tác nước ngoài, nghe cha về nó cũng vội về để biết mặt cha dù đã ba mươi tuổi đầu. Ông Tâm sống trong mơ nơi quê nhà - nửa tháng. Không ai trách khứ ông một lời, không ai hỏi vì sao ?!

 

Mai ông lại đi. Tối nay ông muốn nói với Nga nhiều điều thì Nga đi ngủ sớm. Bà ngoại với đứa cháu cưng cứ như hình với bóng từ hôm ông về. Phòng bà ngoại có giường bà ngoại nhưng chỉ gối đơn. Cái gối bé xíu đi cặp với cái gối ôm như đòn bánh tét của con bé Nhi đã chiếm chỗ ông ngoại. Ông Tâm cũng không muốn đòi lại chỗ nằm vì nằm ngoài bộ ván đêm đêm đèn mờ mà nhìn hình cha mẹ mình trên bàn thờ đã đủ xấu hổ để quên hết chuyện gối chăn.

 

Ông trở về Mỹ với nỗi lòng ân hận và buồn không ai hỏi ông một lần là ông có vợ con gì bên đó không ? Điều ông muốn nói với Nga của ông là ông vẫn một mình nhưng hình như đã muộn nên ông đem về lại đem đi căn nhà đẹp nhất. Căn nhà có tên đường mà không tới được vì cách biệt thế gian cái cổng rào sắt đen đủi, nặng nề. Ông đã sống tự do như mục đích mà ông đi tìm ba mươi năm trước hay ở tù nhiều năm nay khi ai tới thăm ông phải qua người gác cổng. Ông tự hỏi mình rồi gọi Realtor. Bán nhà lúc này thật là không phải ! Nhưng đôi mắt bồ câu của con bé Nhi cứ dõi theo ông từ trong giấc ngủ này qua cơn mơ khác. Đôi mắt của ngoại nó đã nhìn theo dáng ông đi… về đâu ?

 

Ông Tâm còn lại ba trăm ngàn đô la, sau ba mươi năm biền biệt quê nhà. Ông dọn ra aparterment sinh sống. Tối nay, ông ngồi cầm miếng giấy xác nhận của người chuyển tiền. Con gái ông thay mẹ ký nhận ba trăm ngàn đô la vì Nga không cần trong khi ông chỉ cần có Nga.

 

Ông Tâm sẽ cắt cỏ, tỉa cây để sống tới ngày vùi nắm xương di dân cho hoa cỏ nơi này thêm khoe sắc. Người nô lệ da vàng nhìn nắng tháng ba… tới mùa cỏ rồi đây.

 

 

Phan

 

(Bai Chuyen)

 

website counter