30
Tháng Tư:
Phút Cuối Của Vị
Tướng
(Phan)
Tác giả
là một nhà báo tại Dallas. Ông từng
phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè"
trong Ca Dao Magazine, và hiện trong nhóm chủ
biên của báo Trẻ. Ông đã góp
nhiều bài viết đặc biệt và nhận
Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007.
Bài mới nhất của ông kể về “Nỗi
Buồn Tháng Tư” và một đoạn hồi
ký đã làm ông “tối sầm mặt
mũi”: giờ phút cuối của vị Tướng
tuẫn tiết chiều 30 Tháng Tư, Chuẩn Tướng
Lê Văn Hưng.
***
Ly Cà Phê Đã Lạnh!
Lâu lắm rồi, tôi mới
tử tế với mình một bữa. Pha ly cà
phê phin đúng điệu thuở nào.
Có chén nước nóng bên ngoài ly,
cho cà phê đừng nguội. Chế nước
nóng vô phin cũng phải đúng cách mới
ngon. Đừng đổ lấy đầy như mọi
hôm vì châm phin cà phê xong là đi
đánh răng, rửa mặt, trở ra vừa xong.
Tiết kiệm được thời gian, nhưng ngon
thì không. Đúng điệu là chế
chút nước nóng vô phin cà phê
thôi, nước đủ để nở cà
phê mà coi như chưa pha. Cùng lắm, chỉ
cho cà phê nhỏ xuống ly đôi ba giọt. Cà phê rơi từng giọt/
từng giọt buồn rơi rơi/ nhìn đời
qua khói thuốc/ mấy ai là tri âm.
Không biết thời đi học, thằng mắc dịch
nào sên sắc … sến ra mấy câu hời
tình. Vái ông trời: không phải
mình, đã đủ hên.
Thế đó, có một thời
như thế ở quê tôi. Người ta không
biết làm gì cho hết thời gian nên
chôn đời vào những thú vui ru đời
quên lãng. Giả sử một tên bạn
làm quản lý thị trường, được
con buôn dúi cho nhúm cà phê. Im miệng
cho họ đi hàng lậu là đồng
loã. Nhưng bắt họ sao được, họ
là ai ? Cô, dì, mẹ của mấy thằng
mình. Vì sao họ đi buôn lậu cà
phê? Để kiếm tiền tiếp tế cho
chú, cậu, cha, anh trong trại tù cải tạo.
Nhúm cà phê ăn hối
lộ mang về, ăn năn hối hận thoáng qua
mau với mùi thơm của quỷ. Mấy mái
đầu xanh tuổi trẻ ngồi nhâm nhi khổ nhục
của cha mẹ, cậu mợ, dì dượng,
chú thím … mới vỡ lẽ ra rằng:
Trước hoà bình, cà phê như bắp,
như khoai. Ai chở đi đâu thì chở,
đừng chở vô rừng cho Việt cộng
là được. Sau hoà bình rồi, cà
phê trở thành mặt hàng quốc cấm. Cả
nước không được uống cà phê
. Cà phê là mặt hàng chiến lược,
mặt hàng xuất khẩu… Nếu một ngày trái đất thiếu
cà phê/ thành phố Paris sẽ biến
thành thành-phố chết/ dòng sông Seine
ngưng chảy/ và chiến tranh/ sẽ làm nổ
tung nước Mỹ… Đúng là không
có việc gì làm thì người ta
làm thơ cho hết thời gian. Thơ chẳng ăn
nhậu gì với thế sự càng siêu.
Làm thơ không ai hiểu là thượng thừa!
Ghê thật.
Ngồi nhìn lá mới,
gió mới về, lá mới xanh. Từng giợn
lá như sóng xô theo gió, mơn man, mịn
màng. Không khô khốc xạc xào như
lá mùa thu, gió mùa thu vừa buồn vừa
ảm đạm với màu lá, màu trời.
Còn gì nữa mà không châm nước
nóng vô phin cà phê. Sẽ thấy cà
phê không chảy tong tong, hối hả vì
cà phê trong phin đã nở đủ rồi.
Những giọt cà phê sánh giọt sẽ
rơi nhẹ hều xuống lớp đường trắng,
mỏng dưới đáy ly tinh khiết diệu kỳ.
Nhưng từ khi có xâm lăng, từng giọt, từng
giọt đen thấm dần, loang dầu tới hết
thơ ngây của lớp đường trinh bạch.
Ngồi nhìn cà phê rơi đã đủ
sướng, thú tính hưng phấn bội phần.
Đen xâm thực trắng tới toàn phần y
Trung Cộng với Việt Nam. Tía má ơi!
Không ngờ có ngày mình cũng để
an nguy tổ quốc trong lòng như một nhà
yêu nước vô danh.
Thả lỏng tư tưởng
đi hoang cho đã, nhìn lại phin cà
phê đã nhỏ giọt cuối cùng từ
bao giờ. Hello người thôn tính, kết cục
của xâm chiếm là cạn kiệt. Ngươi
đồng hoá được đường trắng
thành đen thì cà phê ngươi cũng
đâu còn nguyên chất đắng, vị ngọt
của đường đã tan loãng vào
ngươi. Không bao lâu nữa, Trung Cộng
tràn xuống Việt Nam như cà phê xâm
thực lớp đường. Tùy nồng độ
ngọt, người ta gọi là ly nước
đường có mùi cà phê hay ly cà
phê có đường! Đằng nào, hai
bên cũng không còn thuần chủng. Ngày
xưa, vó ngựa Thành Cát đánh qua
châu Á-Âu. Để lại dân tộc
Bungari là dân tộc da vàng duy nhất ở
châu Á-Âu. (Không nhớ đọc ở
đâu, ai quởn, kiểm chứng giùm. Đa tạ)
Ít nhiều, chiến tranh
đã kết thúc 35 năm. Hai cuộc chiến
tây bắc với Trung Cộng; tây nam với Campuchia
năn 1979 không đáng kể. 35 năm thôi thấy
hoả châu đêm đêm thắp sáng một
vùng trời. Sáng ra thôi thấy mặt người
hớt hải chạy tang. Nhưng cuộc chiến sắp
tới không tránh khỏi. Máu lại chảy
thành dòng ra biển lớn. Có hay không?
Có chiến tranh thì chắc có, nhưng đổ
máu thì không tin. Chả ai thích đổ
máu, nhưng chẳng đặng đừng, thà
đổ máu giữ nước, tướng chết
theo thành khi không giữ được còn
hơn. Nhưng “Hệ đầu hàng”
đang nắm quyền bính trong tay, trong nước. Một
chuyến bay trốn chui trốn nhủi ra ngoại quốc,
họ bỏ lại toàn dân nô khổ cho
Tàu, là điều hiển hiện.
Nghĩ tới thôi đã buồn.
Nãy giờ gõ liên miên mà có biết
là mình gõ gì đâu! Thì ra
là: Nỗi buồn tháng tư. Ly cà phê cầu
kỳ đã lạnh. Cái háo hức chờ hớp
cà phê đầu tiên thời tuổi trẻ
đã mất tự bao giờ. Sự hưởng thụ
tới hồi không cần thiết bằng nghĩ
cách đóng góp, làm cho con nít
thành con nít sống lâu năm. “Nhiệt tình cộng với sự ngu dốt,
tạo thành một sức phá hoại khủng
khiếp”, là ta.
Nỗi buồn tháng tư đậm
đà như muối muối. Muối đem muối hồi
nào, ăn thời bụi phấn trắng vai, tới
nay còn mặn. Ngồi uống ly cà chớn, đọc
mớ email cà khịa. Bỗng tối sầm mắt mũi,
rời rã tay chân với hồi ký của
ông Nghĩa. Do báo Trẻ Florida gởi về.
Đọc mà tức tác giả, người chi
tiếc viết tới cái họ với chữ
lót. Nghĩ cho cùng, một cái tên ở
đời có nghĩa gì. Người sống
đúng tên như ông Nghĩa thì một
chữ “Nghĩa” đã có nghĩa.
Đọc đi đọc lại
như không tin mình hân hạnh được
đọc hồi ký về vị tướng chết
theo thành đã lừng danh thiên cổ. Đa
tạ ông Nghĩa trước khi xin trích đoạn.
Cầu xin Ơn trên cho ông được bình
an tới lúc lâm chung vì những đau khổ
trần gian ông đã gánh chịu hơn đời.
Đa tạ.
Trích đoạn Hồi
Ký:
“Lúc đó khoảng
8h30 tối ngày 30-4-75. Bộ quân phục nghiêm
chỉnh vẫn còn trên người Chuẩn
Tướng và tôi. Bên trong phòng ngủ Chuẩn
Tướng, ngay sát đầu cầu thang trên lầu,
sau nụ hôn vĩnh biệt của phu nhân vừa
kịp đặt trên má chồng, ông Tướng
đã vội vã đẩy bà ra phía
ngoài và đóng nhanh cánh cửa. Lúc
quay người lại, thấy tôi còn đứng
lại trong phòng, giọng ông thảng thốt:
- Nghĩa! Mầy đi ra ...
Vừa nói ông vừa nắm
lấy tay tôi lôi về phía cửa. Tôi bệu
bạo:
- Tôi ở lại cùng Thiếu
Tướng!?
Sự dứt khoát của
nghiêm lệnh hằng ngày trong giây phút
xúc động mãnh liệt làm giọng Chuẩn
Tướng lạc đi. Cái níu đẩy
tôi ra ngoài, sự cọ xát ngắn ngủi
đầy bi thương ấy khiến tôi có cảm
giác mình như là thỏi sắt đang bị
rút ra khỏi cục nam châm. Ôi! Cái chết
hoàn toàn được sắp đặt trước,
lần đầu tiên trong đời tôi mới chứng
kiến. Tôi chợt oà khóc!
Đứng bên ngoài,
tôi và phu nhân tai còn vọng nghe tiếng
rít cài then khô khốc từ bên trong. Bất
giác, tôi và bà Tướng mọp người
xuống nền gạch, cố đưa mắt nhìn
vào khe hở dưới cửa. Mọi sự diễn
ra không đầy 1 phút sau đó. Một tiếng
nổ chát chúa vang lên bên trong cánh cửa.
Tôi hoảng hốt ngưng khóc, đứng bật
dậy. Với tiếng nổ đó, tôi đau
đớn nhận rõ chắc chắn chuyện
gì đã xảy ra rồi! Trong phòng không
còn tiếng động nào. Tôi đưa tay
thử lay động cánh cửa. Vô hiệu!
Tôi lùi lại nhìn xuống phía chân cầu
thang kêu lớn khi thấy có 3-4 cái đầu
đang nhớn nhác nhìn lên (hình như
có cả Thiếu Tá Phương):
- Kiếm một con dao ... cạy cửa
mau. ..
Người tài xế tên
Giêng cầm con dao to, nhọn, chạy nhanh lên
và đích thân nạy cánh cửa bật
ra. Mọi người cùng ùa vào phòng.
Tôi bàng hoàng khóc ngất. Tất cả cũng
khóc và chạy đến chỗ giường ngủ
của Chuẩn Tướng. Ông đang ngửa người,
nửa thân trên nằm trên tấm nệm trải
drap trắng, 2 cánh tay buông ngang, khuy cổ và
ngực áo bung ra, màu máu tươi nhuộm
thắm phần ngực trái chiếc áo thun trắng
bên trong. Cả phần chân Chuẩn Tướng
buông thõng bên ngoài, 2 gót giày chấm
đất. Có lẽ Chuẩn Tướng đã
ngồi cạnh thành giường, 1 tay cởi 2 khuy
áo trên, tay kia đưa nòng colt 45 ấn
vào chỗ trái tim ...
Chúng tôi đặt Chuẩn
Tướng ngay ngắn lại trên giường,
gương mặt ông xanh tái, lấm tấm mồ
hôi, miệng há, đôi mắt chưa
khép, biểu lộ sự đau đớn cực
độ. Vừa đặt đầu ông lên gối,
bà Tướng vuốt mắt cho chồng ... Chuẩn
Tướng đã yên nghỉ! Viên đạn
oan nghiệt đã xuyên thật chính xác
quả tim người anh hùng.
Đứa con đầu lòng,
Lê Uy Hải, lúc đó vừa tròn 6 tuổi,
đã nhặt được đầu đạn
đưa cho mọi người xem, rồi mím
môi khép 5 ngón tay giữ chặt "kỷ vật".
Nhìn cử chỉ ấy, tôi nghĩ tuổi
thơ ngây dại của cháu đã trôi
qua mất kể từ buổi tối hôm nay rồi.
Khoảng một tiếng đồng hồ trước
đó hai anh em (em gái 3 tuổi) còn
đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt
dưới nền gạch cạnh phòng cha, hai đứa
bé không hề hay biết lát nữa
đây vành khăn tang trắng sẽ phủ
lên tuổi ấu thơ hồn nhiên của
mình.”
*
Ông Nghĩa, chắc là sĩ
quan tùy viên của Chuẩn Tướng Lê
Văn Hưng, Tư lệnh phó Vùng IV chiến
thuật, phó tướng của Tư lệnh
Vùng IV Nguyễn Khoa Nam. Hai vị tướng tự
sát ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi đọc
hết hồi ký này, kính phục phu nhân
tướng Hưng còn hơn kính phục vị
tướng chết theo thành. Chuyện quá
đương nhiên. Tướng đu trực
thăng sao gọi là tướng được.
Và đau lòng vô hạn với diễn tả
của ông Nghĩa về thi thể Thiếu tướng
Nguyễn Khoa Nam nằm trong Quân y viện Cần
Thơ.
35 năm thời gian trôi qua
đời đứa trẻ lon ton đi lượm đạn
về chơi ngày 30 tháng 4 năm nào. 35
năm sau, ngồi khóc thời gian, lặng lẽ
nơi này.
Phan
(Sưu
Tầm Liên Mạng chuyển)