Que Diêm
(Phan)
Tác giả là một nhà
báo tại Dallas. Ông từng phụ trách mục
"Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine, và
hiện trong nhóm chủ biên của báo Trẻ,
đã góp nhiều bài viết đặc biệt
và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước
Mỹ 2007. Sau đây là bài viết mới nhất.
***
Những
khi bỗng rảnh, tôi ưa lái về những
nơi bỗng nhớ, gặp những người bỗng
dưng … Có khi thấy lòng lâng lâng hối
hận là sao lâu quá mình không ghé
thăm người này. Cũng có bực bội
khi gặp lại người không ưa từ trước,
bây giờ càng khó ưa hơn. Lấn cấn
trong lòng là mình thay đổi.
Hôm
nay tôi gặp lại anh Than. Tên đúng của
anh thì quên rồi. Hồi làm chung đã
lâu, anh ưa “than” nên mọi người
gọi anh là anh Than. Tôi với anh tay bắt mặt
mừng. Sau xe còn xách bia uống dở, tiếc của
mang về từ hôm gặp anh Thuần làm
Phòng thương mại, ngoài nhà hàng
Năm Hứa. Tôi mời anh Than quá bước qua
nhà hàng Tàu lai rai chơi. Anh từ chối
như anh chưa bao giờ nhận lời vì tai nạn
ham vui lần đó. Câu chuyện cũ lại
lù lù tái hiện trong đầu. Anh chị
đến dự tiệc tân gia của một người
bạn làm chung với chúng tôi. Ai nấy
đóng tiền cho người đại diện mua
quà chung, gọi là của anh chị em trong
hãng. Đóng tiền ngay tại tư gia tân
gia khi chưa vô tiệc. Chị nhà đi dự tiệc,
nhưng dứt khoát không đóng tiền khi
thủ quỹ truy thu. Mọi người bỏ qua
thôi. Nhưng anh lỡ trớn đã đưa vợ
đi tiệc, anh mượn anh em vài chục để
hùn hạp với đồng nghiệp. Chị
nhà làm lớn chuyện như anh thua bạc thua
bài tán gia bại sản. Anh xin lỗi mọi
người, mỗi ngày, tới làm không ai
quên được chuyện bé xé ra to. Cũng
từ đó về sau, anh từ chối mọi sinh hoạt
cuối tuần của đồng nghiệp cho tới
ngày hãng đóng cửa.
Chiều
gặp lại này cũng đành ngồi
ngoài bãi đậu xe, uống bia, nghe anh than
…
“Ông
ạ ! Người ta bảo là sông có
khúc, người có lúc. Sao cái khúc
của tôi nó dài … cái lúc của
tôi nó buồn ghê lắm.”
“Khúc
dài, lúc càng vui. Sao anh buồn ghê vậy
?”
“Tôi
làm không biết bao nhiêu việc, từ khi
hãng đóng cửa. Có nghe bạn bè thỉnh
thoảng gặp, có nói chuyện về anh. Mừng
cho mọi người, buồn cho tôi. Mất việc
là mất hết. Mất hết …”
“Cũng
còn vợ cũ chứ hả ?”
“Giá
không còn hay hơn !”
“Buồn
thiệt. Dzô.”
“Bây
giờ anh làm gì ?”
“Làm
người ở ở nhà mình.”
“Tối
ngủ bà chủ ?”
“Hết
hứng thú.”
“Hết
pin hay hết thuốc chữa ?”
“Cứ
như anh, có khổ mấy cũng vui. Sao tôi buồn
hoài.”
“Ai
cấm anh vui !”
“Không
có gì vui. Chả lẽ ra đường cười
một mình, cho người ta nói mình rồ
à !”
“Thì
anh đi kiếm việc gì làm đỡ.
Không dư giả cũng hơn ngồi nhà nghĩ
quẫn.”
“Tôi
có nghỉ ngày nào đâu, cũng đi
làm đấy chứ. Gặp buổi khó khăn,
người ta mướn mình vài tháng, lại
hết việc.”
“Hiện
anh đang làm gì ?”
“Tôi
làm cablẹ Ngày năm chục bạc. Họ sai
mình như chó, mắng như con…”
“Đời
bây giờ, người ta xem mình như cứt, muốn
ăn lúc nào ăn. Cơm cha áo mẹ
công thầy của mình bỏ cả anh ạ !
Tôi cũng oải lắm rồi, nhưng đi loanh
quanh chỉ thêm đời mỏi mệt. Đi
đâu cũng chỉ gặp những người
nô lệ da vàng, những người chuẩn bị
sống bằng cách kiếm tiền tới chết chứ
chưa sống ngày nào …”
“Anh
đang làm gì ?”
“Bán
ít chữ nhặt nhạnh từ vũng lầy của
chúng ta.”
“Tạm
ổn chứ ?”
“Tùy
mình, nhắm hay mở mắt …”
“…”
“Anh
làm cable, công việc có đều không
?”
“Không.
Tháng, vài trăm bạc. Cầm cái check chẳng
vào đâu. Còn phải đợi chủ gọi
mới được đi nhà bank. Họ cũng
đâu có tiền trong bank đâu.”
“Tìm
việc khác. Đưa số điện thoại
đây, tôi tìm việc phụ cho.”
“Tôi
có điện thoại đâu, cắt rồi.
Chán cable, nhưng lẩn quẩn mãi …”
“Bắc
được cable với con mụ nào rồi phải
không ?”
“Nói
ra, anh lại cười tôi lẩm cẩm. Thân lo
chưa xong còn đèo bồng …”
“Rồi,
mắc dịch cúm chim. Mỹ, Việt… khai mau. Cỡ
anh không dám đụng Mễ đâu, đừng
nói dóc nha cha.”
“Tôi
… có ăn gan cóc tía cũng không
dám. Đàn bà họ dân chủ, dân
quyền dữ lắm. Vợ tôi thôi dọn dẹp
nhà cửa đã lâu. Tôi ít việc
hơn thì phụ hợ cũng phải. Bà ấy
thôi giặt giũ, rồi thôi luôn cơm
nước …”
“Thảo
nào anh ốm như que diêm.”
“Tôi
thì nói làm gì. Mấy đứa con
trông vào ông bố không tiền, mới khốn
nạn.”
“Rồi
anh lo nổi cho mấy đứa nhỏ không ? Sao
không la làng lên, anh em biết đâu
mà giúp …”
“Chưa
đến nỗi đó. Tôi có tiền
thì mua sẵn mấy thùng mì gói làm
căn bản cho mấy cha con. Hôm khá việc
thì đi chợ cho con cái có miếng ăn.
Mấy đứa nhỏ cũng ngoan. Con nít bên
đây khôn sớm, chả dại như mình
thuở nhỏ. Chúng nó có ý lắm.”
“Thế
chị lên bàn thờ từ bao giờ ?”
“Được
thế đã phúc. Hôm nào tôi có
đi chợ thì bà ấy về ăn cơm
nhà. Hôm cha con tôi mì gói thì
bà ấy tan sở, ghé ăn gì đấy, rồi
về. Thỉnh thoảng thèm, mua về ăn một
mình. Con cái không đụng tới thì chửi
đổng. Hôm có bạn bè ghé chơi,
order nhà hàng về ăn, vui. Chả kể
gì chồng con. Vợ chồng đến thế
đã cùng chưa ?”
“Chưa.
Trước khi cùng, đàn ông nó
khùng. Đàn bà bây giờ họ dân
chủ lắm, đến thằng chồng nổi
khùng, nó bằm cho vịt ăn. Họ mới cam
lòng.”
“Một
dạo, bà ấy đòi ly dị. Nhưng cuống
lên vì con không ai lo, đời nào lại
đi dặn con: Có sốt cũng ráng chịu
đến hết buổi học. Đừng bảo
cô giáo gọi mẹ … Tôi thôi đi
làm xa để lo con, nhưng làm gần thì
không có việc. Cha không việc làm
thì ông toà phải giao con cho mẹ thôi. Thế
là tính tới tính lui, tự cất
đơn ly dị để đi làm overtime miệt
mài. Cái gì thay đổi cũng qua được,
lòng người đổi thay nó khốn khổ
cho gia đình …”
“Anh
cũng có tuổi rồi, cũng cần tinh thần ổn
định mà lo tuổi già. Nhà cửa xe cộ
xong hết chưa ?”
“Cũng
vì có tuổi rồi, sức tôi đã
đuối từ khi mình còn làm chung
hãng. Toàn anh em đỡ đần cho. Bây giờ,
nhà xe đã xong. Điện nước chung nhau
trả. Cứ như người share phòng. Tôi
thương con anh ạ. Chả biết Chúa gọi
khi nào …”
“Hay
anh gọi ổng trước đi, coi Ngài giúp
được gì không ? Hình như lúc
này Văn phòng Chúa Cứu Thế đang bị
Sở thuế truy thu, không thấy ngài nhận
đơn kêu khổ !”
“Đừng
nói bậy.”
“Sorry.”
“…”
“Bia
ngon thật đấy, lâu không uống…”
“Thôi,
nói chuyện đèo bồng nghe đi. Anh vừa
già, vừa nghèo, vừa không job. Chỉ
được cái hiền. Ai cho anh câu cable cũng
kể là có hai con mắt khóc người một
con …”
“Ba
cái vừa của anh đúng cả. Ma nào
nhìn tới tôi.”
“Vậy
đèo bồng cái quái gì, anh lúc
này úp mở dữ nghen !”
“Chuyện
thằng nhóc. Chả họ hàng. Nhưng người
cùng khổ thì thương nhau …”
“Anh
nhận con nuôi ?”
“Bố
bảo không dám. Tôi đi làm cable, bữa
đực bữa cái. Người ta gọi mới
đi. Gặp thằng nhóc Mỹ trắng hẳn hoi,
lễ phép ra phết. Nó đến xin tôi ly
nước trong cái thùng nước uống của
anh em thợ. Hôm đó chúng tôi đang
làm bên hông khách sạn. Anh em đuổi
nó đi, tôi thấy bất nhẫn quá. Trời
thì nóng đổ đom đóm mắt,
thùng nước, hôm nào cũng đổ bỏ
mỗi chiều về. Cho người ta một ly, sá
gì. Tôi gọi lại cho. Thấy tội nghiệp
nó quá. Nó biết mọi người nghĩ
nó giả xin nước để ăn cắp đồ
nghề của chúng tôi. Nó cảm ơn
và xin lỗi tử tế, rồi đi.
Tôi
ám ảnh thằng nhỏ dễ thương, mặt
mày sáng sủa, lễ phép. Chắc lại
chuyện gia đình ! Hôm sau, tôi thấy
nó cũng còn lảng vảng quanh khách sạn.
Công việc thì nhiều, tôi nói ông xếp:
Mướn nó đi, mướn nó phụ việc.
Nó không phải dân ăn cắp đâu.
Ông xếp mướn nó, nhưng giao cho tôi
coi chừng. Thế là tôi với nó bằng
nhau. Ngày năm chục bạc. Nó ít nói
lạ thường, tôi giúp nó việc
đưa rước đi làm. Làm tiền mặt
nên cũng chẳng ai quan tâm lý lịch. Gia
đình nó có vẻ khá giả, nhưng
không hiểu sao để cho thằng bé lang thang.
Hôm ăn trưa xong, ai cũng ngả lưng tí rồi
làm, nó ngồi một mình dưới
tàn cây, mân mê cái quẹt ga. Cuối
cùng vứt vô thùng rác. Tôi nhớ ra
ban sáng, sau khi rước nó, tôi ghé đổ
xăng. Tôi thích cái quẹt nhựa
đó vì người ta dán bên ngoài
hình tờ trăm đô la. Tính mua lấy
hên, nhưng hà tiện, lại thôi. Không
ngờ thằng nhóc táy máy của cây
xăng. Lạ là nó không hút thuốc
thì lấy cắp cái quẹt làm gì ? Lạ
hơn là lấy được rồi vứt bỏ.
Tôi nhặt lại cái quẹt mới tinh trong
thùng rác. Chiều đó, tôi hỏi
nó. Thằng bé khóc thút thít. Nó
bị bệnh ăn cắp, không cưỡng lại
được. Từ năm lớp 10 đã bị cảnh
sát bắt, tù tội. Bỏ học. Ra tù, lại
ăn cắp, vứt bỏ … bị bắt, vô
tù.”
“Gia
đình nó không can thiệp gì à
?”
“Cha
nó chết trận bên Trung đông. Mẹ
đi bước nữa. Người cha kế không
quan tâm đến nó. Thậm chí đuổi
đi. Mẹ nó can thiệp cho nó được
ngủ nhà đã là ân huệ. Tội
quá.”
“Tôi
có biết về căn bệnh đó. Người
bệnh chỉ cốt sao lấy bằng được
cái họ thích. Sau đó vứt bỏ. Một
căn bệnh tâm lý, cần gặp bác sĩ
tâm lý thì khỏi thôi.”
“Miếng
ăn không có thì tiền đâu đi
bác sĩ …”
“Bây
giờ, thằng bé đó ở đâu ?
Có còn làm chung với anh không ?”
“Trong
tù.”
“…”
“…
Nó hai mươi tuổi rồi chứ nhỏ
nhít gì nữa. Chừng nửa năm trước.
Tôi với nó có việc đều cả
tháng nên cũng đỡ. Chiều về, thấy
cái xe bán có tám trăm đô la, coi
được lắm. Tôi tính mua cho nó để
nó có thể đi làm nhiều hơn, kiếm
tiền. Những hôm cần làm đến khuya,
người ta trả thêm tiền, nhưng tôi chiều
phải về lo con cái. Nó phải về theo
tôi vì nó không có xe. Ai mà ngờ
được nó nhón cái kính lão của
ông già chủ xe. Ông già cũng độc
địa kinh hồn. Để im đến hôm sau,
chúng tôi trở lại giao tiền, lấy xe.
Bà vợ ông trong phòng gọi cảnh
sát. Thế là thằng nhỏ đi tù
vì cái kính lão còn trong túi
nó. Tôi van lạy hết lời, trình bày
hết lẽ … ông già không tha, cảnh
sát không tha được vì nó đang
probation. Họ đuổi tôi đi, lằng nhằng họ
bắt bắt luôn cả lũ. Chả biết sao lại
quên vứt cái kính mấy đồng bạc
ấy đi. Số thằng nhỏ ở tù.”
Hết
bia, trời cũng tối và lạnh. Tôi tạm
biệt anh không đành. Giúp anh không xong
vì thân mình cũng lo chưa xong. Những
dây đèn giáng sinh đã lập loè
xanh đỏ gọi mời. Chút tiền tiện tặn
trong bóp cũng chưa chắc có mua được
gì cho vợ con để gọi là quà.
“Những người khốn khổ thì
thương nhau…” anh nói ban nãy
đó ! Anh nuôi con bữa cơm, bữa mì.
Còn vô tù thăm thằng nhỏ bơ vơ
… Chúa ở trước mặt, Chúa ở
cùng anh chị em, chừa thằng nhỏ.
Thôi…
“Anh
Than ơi! Tôi có vài trăm, dành dụm
mua quà giáng sinh cho gia đình. Tôi chia
đôi với anh, để tất cả những
đứa trẻ được vui. Hôm nay, anh chịu
ngồi uống bia là tôi vui lắm rồi. Đừng
từ chối sự chia sẻ của tôi. Sông
có khúc người lúc nhúc, loài
động vật hoang tưởng này ngày
càng đông ... Hy vọng anh bỏ thói ăn
nói dễ hiểu lầm. Giáng sinh vui nha.”
“Mọi
sự rồi thay đổi. Tôi tin Chúa lòng
lành. Tôi xin anh một trăm cho thằng nhỏ Mỹ.
Không mượn khi không có khả năng trả.
Ngày mai, tôi đi thăm nó trong tù.
Tù bây giờ cũng đói anh ạ ! Ăn
không no, nói gì tới quà giáng sinh
…”
“Tôi
cũng tin anh. Tạm biệt.”
Chúa
đi về hướng gió. Người gầy
như que diêm.
Phan
(Bai
Chuyen)