TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [1]

Home | PHAN | PHAN [tt] | PHAN 1 | PHAN 2 | PHAN 3 | PHAN 4 | PHAN 5 | PHAN 6 | PHAN 7 | PHAN 8 | PHAN 9 | PHAN 10 | PHAN 11 | PHAN 12 | PHAN 13 | PHAN 14 | PHAN 15 | PHAN 16 | PHAN 17 | PHAN 18 | PHAN 19 | PHAN 20 | PHAN 21 | PHAN 22 | PHAN 23 | PHAN 24 | PHAN 25 | PHAN 26 | PHAN 27 | PHAN 28 | PHAN 29 | PHAN 30 | PHAN 31 | PHAN 32 | PHAN 33 | PHAN 34 | PHAN 35 | PHAN 36 | PHAN 37 | PHAN 38 | PHAN 39 | PHAN 40 | PHAN 41 | PHAN 42 | PHAN 43 | PHAN 44 | PHAN 45 | PHAN 46 | PHAN 47 | PHAN 48 | PHAN 49 | PHAN 50 | PHAN 51 | PHAN 52 | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | PHA.M TÍN AN NINH 1 | PHA.M TÍN AN NINH 2 | PHA.M TÍN AN NINH 3 | PHA.M TÍN AN NINH 4 | PHA.M TÍN AN NINH 5 | PHA.M TÍN AN NINH 6 | PHA.M TÍN AN NINH 7 | PHA.M TÍN AN NINH 8 | PHA.M TÍN AN NINH 9 | PHA.M TÍN AN NINH 10 | PHA.M TÍN AN NINH 11 | PHA.M TÍN AN NINH 12 | PHA.M TÍN AN NINH 13 | PHA.M TÍN AN NINH 14 | PHA.M TÍN AN NINH 15 | PHA.M TÍN AN NINH 16 | PHA.M TÍN AN NINH 17 | PHA.M TÍN AN NINH 18 | PHA.M TÍN AN NINH 19 | T. VÂ'N | T. VÂ'N [tt] | T. VÂ'N 1 | T. VÂ'N 2 | T. VÂ'N 3 | T. VÂ'N 4 | T. VÂ'N 5 | T. VÂ'N 6 | T. VÂ'N 7 | T. VÂ'N 8 | T. VÂ'N 9 | T. VÂ'N 10 | T. VÂ'N 11 | T. VÂ'N 12 | T. VÂ'N 13 | T. VÂ'N 14 | T. VÂ'N 15 | T. VÂ'N 16 | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M [tt] | VO~ THI. -DIÊ`M -DA.M 1

PHAN 13

Vợ đi vắng

 

Vợ đi vắng

(Phan)

 

 

Cả tuần nay muốn viết đôi điều về chuyện được nghe từ một người bạn hiếm hoi, hiếm hoi từ con người tới câu chuyện lạ lùng của anh ta. Nhưng không biết bắt đầu từ đâu thì sáng Chủ nhật, cụ Tầm Xuân ở thành Đà ném cho hai câu hết ý ! “Vợ là mì gói của ta/ là hàng đặc sản của cha láng giềng.” Ông hàng xóm quý hiếm nào mà ác nhơn thất đức không thua gì ông mì gói tại gia. Toàn những ông trời … thần quỷ lở đáng đem xử bắn. Có lẻ loi chăng “ông” vợ vắng nhà sau đây.

 

* huýt gió

 

Hắn lật đật từ giã vợ con ở phi trường để đi làm cho kịp giờ. Hai đứa con bé bỏng vui vui với một chuyến đi xa, nhất là lần đầu tiên chúng được đi Việt Nam mà cha mẹ chúng cứ bảo là về ! “Trong sự ra đi đã có sẵn mầm mống của sự trở về” (*). Đi hay về thì điểm đến trên bản đồ Thế giới cũng là dải đất hình cong chữ S mà đối với người lớn là hệ lụy; đối với trẻ con sinh ở Mỹ là vương quốc hoang đường vì ở đó cái gì cũng nhất hành tinh ! Miếng ăn cái uống đều ngon hơn bên này, trái ổi Việt Nam ngon hơn trái táo Mỹ mới mắc cười mà cười là mắc … nạn. Nhưng nghe ba mẹ chúng nói chuyện thì không có cái gì mà Việt Nam không nhất - nhất trong nhất là người ta chạy ra khỏi nước nhiều nhất thì con nít sống lâu năm còn không hiểu, con nít sinh ra ở Mỹ làm sao hiểu nổi ! Việt Nam. Việt Nam. Hai từ ngữ mà chúng đã nghe đi nghe lại từ khi lọt lòng mẹ là quê hương chúng, quê hương thế nào đây ! Chúng sinh đẻ ở Texas thì xứ bò tót mới là quê hương chúng, người lớn nói sai nhưng ngoan cố, cứ bắt chúng phải nhớ quê hương mình là Việt Nam. Thế từ “Quê tôi - My Country” mà chúng học trong trường là nơi mình chào đời thì phải hiểu sao đây ?! Còn Việt Namđâu ? Bà ngoại là aỉ Chú Bảy ưa gởi sách Thiếu nhi qua Mỹ cho chúng có nghiêm khắc bất ngờ và vui không báo trước như ba mình không ? Dì Út thích gởi đồ chơi, quần áo đẹp sang cho hai đứa cháu có đẹp như mẹ mình không ? - Người hiền như bà tiên khi chúng bệnh và dữ như bà chằng khi chúng chìa ra bài kiểm tra trong lớp mà điểm số dưới 90 ! Sơ sơ, chúng chỉ đoán được chú Bảy thuộc thành phần phải cảnh giác như ba; dì giống mẹ ở chỗ dì nói đi nói lại là thương chúng nhất vì chúng dễ thương quá ! Nói y như mẹ - không sai một lời. Nhưng mẹ nói xong lại rầy, còn dứ dứ cây roi nữa chứ ! Dì có nói một đằng làm một nẻo không đây ? Chúng nghi ngờ hội chứng mưa-nắng của bên nội; nói một đằng làm một nẻo của bên ngoại. Hệ quả là nghi ngờ sự dễ thương của bản thân vì làm sao tin được những người mưa-nắng; những người nói một đằng làm một nẻo ! Chúng tính toán, so đo … Chẳng thà đừng về gặp mặt chú Bảy - vừa dễ thương vừa khó ưa như ba; đừng về gặp mặt dì Út thì còn được thương chứ gặp rồi lại bị rầy, dứ dứ cây roi như mẹ thì xứ sở hoang đường hết thần tiên như trong mơ.

 

Nghe anh bạn kể lể thật thà thì ai không trộm nghĩ … Người ta đổ mồ hôi trên da thơm đồng loại, sau đó vất vả muôn chiều chỉ để được nghe những tâm sự thật thà con trẻ, nhưng lại thiếu tôn trọng những công dân tí hon của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ở đây, bất phân tuổi tác, già-trẻ đều được tôn trọng như nhau chứ đừng như xứ miệng quan trôn trẻ - quan nói như con nít phẹt không có báo trước. Làm cha làm mẹ đừng ăn nói tùy tiện dù lòng yêu quê hương thì ai cũng có nhưng truyền lại cho đời sau bằng cách bóp méo sự thật thì hơn gì cộng sản - là lý do vì sao ta có mặt nơi đây. Con nít dễ hoang mang, ưu tư kiểu con nít mà người lớn thường trách chúng là ưa bắt bẻ. Chúng bắt bẻ người lớn đến một ngày kia tự thấy mình giống họ là đã trở thành một người lớn ngoan cố và thương xa chứ gần lại không thương như dì Út thương chúng vậy! Thì thôi, gọi chung là bệnh thần tiên cho rồi. Hết giòng giống nhà chúng là con rồng cháu tiên nên hai đứa trẻ vui trong hoang mang để trở thành những người lớn muôn đời sầu khổ vì nói dối thét ghiền! Đủ gan vượt biên mà không đủ gan nhìn nhận sự thật trước lịch sử.

 

Ngàn vạn câu hỏi trong đầu hai đứa trẻ 11 tuổi và 8 tuổi làm hắn điên đầu cả tháng nay nhưng thương con sắp đi xa nên không rầy la ỏm tỏi. Thương chúng hoang mang với lần đầu rời xa người cha mưa - nắng trong một tháng trời. Một tháng với thằng anh có lẽ vui vì nó hy vọng không bị ba rầy la này nọ, nhưng con em coi bộ thương ba không nhiều hơn thằng anh, chỉ tại nó thương ba theo kiểu của mẹ là nắm tay hoài không rứt, mặt buồn, mắt âu lo … Cuối cùng là nó khóc và đổi ý ! “Con không muốn đi Việt Nam, con muốn ở nhà với ba. Mẹ với anh hai đi đi …”

 

Không không không … còn kịp nữa rồi ! Chưa bao giờ ba người thân của hắn tranh nhau ôm cổ hắn tha thiết như bây giờ, làm hắn cũng hoang mang vì đây là lần đầu gia đình hắn đi chơi xa - đến một nơi nguy hiểm nhất trong tâm tư hắn là Việt Nam mà hắn không đi theo để bảo vệ họ được. Còn ai rành Việt Nam hơn hắn vì chính hắn còn không biết được sao mình còn sống để ra đi khỏi vùng oan nghiệt đó. Hắn lo tự nhiên sau nhiều năm lo miễn cưỡng theo mệnh lệnh … “Anh phải lo cho xong chuyện này, chuyện nọ, cho em.” Hắn chán lắm rồi, nhưng đâu phải dễ nói ra. Hắn nghĩ lảng sang chuyện khác để giữ hòa khí lúc lâm ly ! Hắn nghĩ. Ở Mỹ không có gì bực mình hơn là sự lệ thuộc vô công ăn việc làm. Ông Mỹ già làm xếp trực tiếp của hắn đã từ chối đơn xin phép đi nghỉ hè (vacation) của hắn làm hắn giận ông ta. Nhưng về nhà nghĩ lại câu ông ấy nói thì lại thấy thương một ông già Mỹ - cựu quân nhân luôn nghiêm khắc, đúng giờ như cái đồng hồ và đúng đắn như đang hành quân trong một hãng xưởng dân sự. Thói quen quân đội của ông ấy đã làm cho nhiều người ghét nhưng tình cảm của người Thủy quân lục chiến Mỹ khá thâm sâu: “Tao đã thu xếp để giữ mày lại sau bao đợt lay-off. Mày còn muốn đi một tháng trời trong tình hình hãng lúc này, thì mày đi luôn đi…”. Có lẽ ông ấy là lính nên tình cảm khô khan nhưng sâu đậm với nạn nhân chiến tranh của cuộc chiến mà ông ấy đã tham gia. - Ông già bí hiểm như cuộc chiến Việt Nam còn nhiều hệ lụy.

 

Vợ con hắn khuất dần vào trong khu vực cách ly người đưa tiễn. Hắn muốn nán lại đôi giây vì chưa bao giờ tiễn vợ con đi đâu mà không có mình xách giỏ, kéo va-li, lo trình giấy tờ với nhân viên hữu trách ở phi trường … lại còn phải coi ai có gương mặt dễ nhờ để nhờ chụp giùm cho tấm ảnh gia đình tôi nơi đây ! Hắn thích đi chơi xa với gia đình nhưng lại không thích kiểu màu mè của vợ chốn đông người, càng bực bội khi nói ra là y như có cãi vả làm mất vui. Hôm nay không đi cùng vợ con lại buồn buồn kiểu khác ! Hắn nhìn đồng hồ chỉ còn đủ thời gian lái xe đến hãng đúng giờ. Hắn nhìn vô trong lớp kính trong veo, lưng con gái hắn nhỏ nhoi ẩn hiện trong dòng người to lớn những tấm lưng. “Nếu không có ba che chở thì bầy người to lớn kia sẽ giẫm nát con tôi. Con ơi ! Đừng đưa tay lên quẹt nước mắt, con làm ba cũng khóc bây giờ !” Hắn quay đi mạnh dạn để phút yếu lòng đừng làm khó người đàn ông đã từng lăn lóc từ thuở thiếu thời ở cái xứ nguy hiểm hơn Iraq, Iran … nguy hiểm nhất trong bốn nước xã hội chủ nghĩa còn rơi rớt lại cho ô nhiễm địa cầu. Có tính riêng trong thế giới cộng sản thì Việt Nam vẫn là nơi nguy hiểm nhất trong trục tứ quỷ còn lại vì nhà cầm quyền của ba xứ cộng sản Bắc Hàn, Trung Quốc, Cu Ba, nói một đằng làm một nẻo không bằng nhà cầm quyền Việt Nam đương đại.

 

Hắn đứng ngậm ngùi giữa chốn ta bà thì đứa bé gái lớn hơn con hắn, chừng 14 tuổi ở đâu trờ tới. Nó đưa hắn miếng khăn giấy làm hắn quê. Nó đã theo dõi và thấy hắn rớt nước mắt nên mới làm thế !...

 

Hắn nói:

“Cảm ơn cháu.”

“Dạ, không có chi. Chú là người Việt Nam hả chú ?”

“Đúng vậy ! Cháu …”

“Cháu đáp máy bay cả tiếng rồi. Cháu chờ bà ngoại ra đón mà không thấy ! Cháu có thể nhờ chú gọi điện thoại cho ngoại cháu được không ? Cháu không có tiền để gọi điện thoại của phi trường …”

“Được được được… cháu đọc số đi, chú gọi liền. Hay cháu xài điện thoại của chú đi.” - Hắn đưa luôn điện thoại cho con bé mượn.

“…”

“Chú ơi ! Số điện thoại của ngoại cháu cho là số điện thoại nhà nên không ai bắt. Chắc ngoại cháu trên đường ra phi trường. Thôi. Cháu cảm ơn chú”.

 

Nó ngập ngừng giây lát như muốn nói điều gì mà ngại nên hắn tò mò, hỏi. Nó nói luôn như để biết nó thật thà.

“Chú đưa gia đình đi đâu mà chú không đi ?!...”

“Vợ con chú đi Việt Nam nhưng chú không xin nghỉ vacation được để đi với họ.”

“À …!”

“Có gì không cháu ?...”

“Nãy giờ cháu sợ cho gia đình chú, sợ cho hai đứa con chú…!”

“Cháu nói gì ? Chú không hiểu ý cháu !”

“Dạ … không có gì !”

 

Sự im lặng đỏ hoe trong mắt con bé làm hắn thấy thương con bé vơ nơi phi trường lạ lại không xu teng trong túi. Phần con nhỏ kháu khỉnh nhưng bí hiểm này cũng gợi trí tò mò của hắn. Hắn nghĩ đến ông Mỹ già mặt mày móp méo như miếng cau khô sẽ cằn nhằn hắn đi làm trễ. Nhưng lý do thời đại là ra phi trường bị xét tới xét lui thì ai không thông cảm được không phải người Mỹ ! À hà. Già Robert ơi! Ta sẽ lo cho con bé đồng hương của ta xong, ta mới đi làm. Tới đâu ta cóc sợ ! Quyết định xong. Hắn bảo ban con bé.

 

“Cháu theo chú vô quán này, cháu ăn cái gì đi vì chắc cháu đói bụng. Chú cũng cần uống ly cà phê. Chú cháu mình ngồi chờ bà ngoại cháu ra đón …”

 

Con bé ăn miếng pizza ngon lành, uống ly sữa tươi như hắn uống bia làm hắn cố ém nước mắt chỉ trực trào ra. Tội nghiệp quá ! Sao cha mẹ nào lại để con đói khát đến thế này ! Hắn nhìn đồng hồ đã thêm một tiếng mà ngoại con bé vẫn chưa thấy đâu. Mình chở cho nó về nhà ngoại không biết có phạm luật dụ dỗ trẻ vị thành niên không đây ? Mà cho tiền nó đi taxi thì một con bé khờ khạo mà lại dễ thương như thế này có đến được nhà ngoại hay gặp thằng lưu manh nào đó chở đi đâu thì tội nghiệp nó … Đến phải báo với an ninh phi trường cho họ chở dùm con bé về nhà ngoại hay họ cho phép mình chở dùm theo yêu cầu của nó thì chắc được.

 

Hắn nghĩ ngợi mông lung trong đầu thì già Robert gọi hắn … “À hà!... Tao gọi để biết mày còn ở dưới đất chứ không bay trên trời là ô-kê rồi ! Mày cứ lo xong hành lý cho vợ con rồi trở lại làm sau giờ ăn trưa cũng được !” Hắn vui vui với ông già ó đâm mà ưa vỗ ngực đại bàng (linh vật của quê hương ông ấy).

 

Con bé ăn uống xong có vẻ tỉnh người thì sốt ruột nên lại mượn điện thoạị Bây giờ đã rõ: Bà ngoại lái xe ra phi trường đón cháu nhưng không biết đường, đi lạc chán lại được người ta chỉ lối cho quay về nhà. Cháu ngoại gọi làm bà mừng quýnh lên nhưng không biết làm sao … “Hay cháu cứ đi taxi về nhà ngoại rồi ngoại trả tiền taxi cho cháu.”

 

Hắn dắt con bé đi gặp an ninh phi trường để trình bày. Con bé yêu cầu được hắn chở về nhà ngoại. Họ ghi địa chỉ, số bằng lái của hắn, dặn con nhỏ về tới nhà ngoại thì gọi cho họ biết với số điện thoại này …

 

Hai chú cháu ra khỏi phi trường, hắn hỏi con bé:

“Cha mẹ cháu đâu mà cháu phải đi một mình sang thăm ngoại ?”

“Ly dị rồi.”

 

Chỉ hai từ “ly dị” bình thường mà sao nghe con bé này nói ra thì hắn nổi da gà ! Còn tọc mạch chi vô vết thương lòng của nó. Hắn xin lỗi, chăm chú lái xe vì đã đi vào những con đường lạ hoắc. Tự con bé nói:

 

“… Năm cháu 6 tuổi, em cháu 4 tuổi. Ba mẹ cháu dẫn chúng cháu ra phi trường Dallas này… Nó nấc lên như cơn suyễn làm hắn sợ. Hắn bỏ tay qua nắm bàn tay lạnh ngắt non mềm của con bé cho nó bớt đau xót với kỷ niệm. Nó nói nhanh cho xong những gì cố quên mà không được … Nhưng chỉ có cháu đi với ba. Từ đó đến nay, cháu không gặp mẹ và em cháu … Nó khóc ngất ngất lên như chưa bao giờ được khóc. Hắn sợ thật sự - sợ ai trông thấy thì nguy ! May là xe hắn kiếng đen.”

“… Chú biết rồi ! Thế cháu đã về đây với ngoại lần nào chưa ?”

“Dạ chưa. Lần đầu tiên cháu về lại Dallas vì ông ngoại cháu sắp chết. Mẹ cháu đã có gia đình mới ở Florida. Chắc mẹ cháu không về được nên mua vé máy bay cho cháu về.”

“Còn ba cháu ?”

“Ba cũng có gia đình ở Portland. Cháu sống với mẹ kế và em mới …”

 

Khoảng lặng trong câu chuyện nhưng tâm tư hắn vô cùng xao động với những diễn biến bất ngờ. Con bé là thiên thần hay ác qủy hiện ra đây để vỗ về hay trừng phạt một mưu toan đã nhen nhúm trong lòng hắn và lớn dậy từng ngày.

 

Dù sao cũng đã đến nơi con bé cần đến, dù sao hắn cũng phải suy nghĩ lại cho con hắn.

 

“Đến rồi ! Cháu có còn nhớ nhà ngoại không ?”

“Dạ không.”

“Cháu vào bấm chuông xem sao ! Nếu đúng là nhà ngoại và cháu nhận ra đúng là bà ngoại thì chú … đi làm. Chú tin là đã đúng địa chỉ.”

“Dạ.”

 

Con bé trở ra cùng bà ngoại, hai người cảm ơn rối rít mà quên lau nước mắt. Tiếng nó dễ thương như con gái hắn vậy chỉ có những gì nó nói ra, sao cứ như kim chích vào da non: “Cảm ơn chú nhiều lắm ! Chú đừng đưa con chú ra phi trường rồi không bao giờ thấy nó nữa nha chú ! Cháu sợ cho con chú hồi nãy lắm !...”

 

Hắn đạp ga phóng xe đi để người phụ nữ già nua và con bé kháu khỉnh đừng thấy hắn khóc. Chỉ hai block đường thì hắn dừng xe, gọi số điện thoại của an ninh phi trường để báo cho họ biết là hắn đã hoàn thành công tác tự nguyện. Cô nhân viên an ninh phi trường ban nãy cảm ơn và cho hay là con bé cũng đang gọi báo cáo. Hắn hết việc tào lao ở một thành phố nguy nga tráng lệ nhưng cũng vô tình lừng lững như những tòa nhà chọc trời kiêu hãnh dưới nắng hè. Cảm giác làm người của hắn nở vội như hoa hè trước cửa nhà ai bên đường. Ý nghĩ làm nô lệ vật chất và đồng tiền nhiều năm sao mà ti tiện và bủn xỉn đến phát ói ! Hắn đạp ga phóng đi trên những con đường nhựa láng bóng của thành phố Dallas, của Mỹ quốc thì không có gì lạ nhưng hình như lâu lắm rồi hắn mới huýt gió một bản tình ca …

 

* độc thân tại chỗ

 

Tuần đầu được tự do, hắn tan sở là chạy thẳng ra hồ câu cá tới tối mịt mới về tắm rửa, lên giường làm một giấc tới sáng. Sướng ơi là sướng ! Không ai cự nự cằn nhằn … tanh như cá. Thức dậy đi làm đã là thói quen nên chẳng có gì bàn. Hắn rút ra kinh nghiệm của một tuần trôi qua là hôm nào được cá thì cực hơn không được con cá nào vì còn phải gọi điện thoại cho bạn bè để ai sẵn sàng nhận cá thì ghé cho. Sau một tuần ngư ông và biển cả, hắn ngộ ra đi câu không quá ghiền như hắn nghĩ trước đây ! Có lẽ bởi mỗi khi linh tính sắp được cá là nàng tiên cá vẫy vùng trong điện thoại làm hắn bực tức ra về. Nay được đi câu thoả thích, nàng tiên cá mẹ; nàng tiên cá con đi Việt Nam rồi thì câu cũng chán ! Người ta thường bực mình khi không được như ý nhưng khi toại nguyện thì cũng bực mình vì không ai làm phiền nên gọi là người ta chứ không đã gọi là con này con nọ.

 

Hắn chợt nhớ ra không ai mời hắn ăn cơm tối sau khi họ nhận cá hắn câu được, dù ai cũng biết đầu bếp của hắn đã đi Việt Nam. Thì ra ở đời thân nhau chưa chắc đã thương nhau. Vợ chồng hắn có qua có lại với bạn bè nên quan hệ hai chiều tốt đẹp. Mời qua mời lại như thiếu nhau một tuần là chết vì nhớ bạn ! Nhớ mấy năm trước có một cặp vợ chồng trong bạn bè đi tới ly dị vì điều gì không rõ, chỉ rõ không gia đình bạn bè nào còn mời mọc người vợ hay người chồng solo vì sợ huông cho gia đình mình hay sao ? Ngay cả cô nàng chồng chết sớm vì tai nạn cũng lu mờ dần trong quan hệ bạn bè tới hôm không ai biết mẹ con cô ta ở đâu nữa - họ trở thành quá khứ trên bàn tiệc tiếp diễn của nhân gian. Mà thôi, nghĩ làm chi những chuyện dòng đời đâu vui bằng cá cắn câu. Đã nhất là đi câu không bị ai gọi về bất tử mà về cũng không phải thấy mặt ai chù bụ như mụ rong kinh làm người mạnh khoẻ như hắn đi đứng cũng mất tự nhiên thì lại bị chụp mũ sinh sự… “Sao đi câu thì anh nhanh như sóc, như thỏ, về nhà, nhờ anh chuyện gì thì đi hết nổi như đau dây chằng.” Nghe xong muốn giộng cho nàng tiên cá mẹ một giộng. Thiệt là ứa gan. Bây giờ cách nhau nửa trái địa cầu, xa nhau một tuần thì thấy thương thương nhớ nhớ …

 

Nhưng một tuần qua hắn sống ra sao kìa ?! À! Sáng vô hãng làm ly cà phê Mỹ như nước đái mèo vì không ai pha cho ly cà phê Trung Nguyên để bưng lên xe, vừa uống cà phê “khơi nguồn sáng tạo” vừa nghe nhạc Việt Nam trên đường tới hãng. Đã một tuần trôi qua với thói quen mới. Mười giờ sáng, có xe lunch ghé bán cho công nhân, hắn ra mua một phần ăn hơi nặng tay như Mỹ đen vì đó là bữa sáng cộng cả bữa trưa của hắn. Chiều, ghé nhà hàng Việt Nam làm dĩa cơm sườn hay tô phở xe lửa rồi đi câu. Thế mà cũng đã qua một tuần. Hắn phấn khởi hẳn ra vì nào giờ hắn tin là không có vợ thì mình chết đói. Thiệt là ngu ngốc để cho mẹ xấp nhỏ làm tàng với hắn hoài ! “Em đố anh ăn được ở đâu mà anh khen ngon …”

 

Hắn cố quên đi những món … làm tàng. Đừng tưởng bở ! Hắn ngồi nhớ con khi cuối tuần ở nhà một mình. Hai đứa bé phiền nhiễu đến chóng mặt nhưng sao không có tiếng chúng thì căn nhà như nhà nguyện mà người ta đâu muốn tiếp xúc với bề trên khi không có nhu cầu ! Khi tứ thất - tiền-tình-tù-tội bao vây thì người ta mới cam lòng bỏ chỗ xôn xao mà tìm vô nhà nguyện khóc lóc ỉ ôi với bề trên. Lúc bình thường né Chúa tránh Phật như tránh voi có hổ mặt nào ! Con người khôn thiệt mà thần thánh khôn hơn là ai cầu nấy nghe, quởn đâu cho chúng cầu gì được nấy ! Cầu giai làm ta nhức đầu thì cầu mưa cho nắng … Chúa, Phật bây giờ cũng khó chơi hơn xưa ! Khen thay cho kẻ… ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ người khôn người đến chốn lao xao … đi câu tiếp là quên hết ngày dài tới vợ con, về là hết cơ hội ngủ gục với cây cần câu.

 

Lâu lắm rồi, hắn mới có thời gian để nghĩ ngợi mông lung như hồi tay trắng mộng đầy. Nghĩ gì cũng không qua cái bao tử biểu tình dữ dội. Hắn nghĩ tới dĩa cơm sườn ngoài nhà hàng, chán. Nghĩ tới tô phở nóng hổi, chán. Nhà hàng Mỹ... Sorry ! Hắn lên xe đi câu với cõi lòng trống huơ thực phẩm để rồi mụ mị vì đói. Hắn ăn khúc xúc xích mua theo làm mồi câu vừa lạnh, vừa nhợn làm hắn đau bụng nên về sớm. Không lẽ mình phải đầu hàng nàng tiên cá mẹ. “Em đố anh ăn được ở đâu mà anh khen ngon …”

 

Đến ngày thứ 10 vợ đi vắng mà hắn không sang chơi nhà bà … hàng xóm. Bỗng đâu bài hát… “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng… Em sang chơi nhà bà - Em cầm cây đàn em hát - hát cho mẹ về với em.” Mà bạn nhậu của hắn sửa lời thành: “Vợ đi vắng, vợ đi vắng… Em sang chơi nhà bà… hàng xóm - Em về đến nhà hôm ấy - còn say rêm mùi mỹ nhân !” Hắn mở tủ lạnh sau 10 ngày cơm đường cháo chợ, quanh đi quẩn lại hương vị nhà hàng thiếu thiếu hơi tay vợ hiền nên dễ ngán. “Em đố anh ăn được ở đâu mà anh khen ngon.” Hắn mở tủ lạnh đứng nhìn nồi thịt kho trứng, nồi cá kho tiêu, nồi canh chua hấp dẫn, hộp nhựa cá ướp cà-ri sả ớt chiên thật lớn, hộp sườn sả nướng cũng không nhỏ hơn, lạp xưởng tươi hắn thích cũng ê hề. Trái cây, xà lách, cà chua … Hắn đứng đọc hết tờ giấy hướng dẫn sử dụng món nào trước, món nào sau. Hàng chữ màu đỏ: “Xớt ra hâm chứ đừng hâm hết một lần” làm hắn tưởng mình là con trai lớn trong căn nhà mẹ đi vắng ! Đọc đến đoạn ngày nào phải ghé chợ Mỹ để mua thêm xà lách, cà chua vì vợ không dám mua đủ tháng cho hắn, sợ bị hư. Tính nhẩm ra, nếu ăn cơm nhà theo thực đơn có sẵn thì vợ về cũng chưa hết thức ăn làm sẵn trong tủ lạnh. Hắn hét vô tủ lạnh: “Anh đố em nghĩ ra được món nào thêm cho anh hết cớ đi ăn ngoài.” Hùng hổ một mình trong gian bếp không người đối thoại. Hắn ước gì vợ đang rửa chén ở sink bên cạnh thì thể nào hắn cũng sinh sự !...

 

Sang ngày thứ 14 vợ vắng nhà. Hắn hết đồ mặc nên mới mò tới máy giặt, máy sấy, đúng ra là hết đồ đẹp chứ đồ mặc đi làm thì một tháng đã được chuẩn bị chu đáo lắm rồi ! Lại đứng đọc tờ giấy hướng dẫn cách xử dụng máy… bỏ bao nhiêu xà bông vô đâu, phân loại quần áo thế nào, loại nào thì bấm nút nào … Khi nào cho sang máy sấy, bấm nút nào… máy sấy báo xong bằng tiếng tít tít thì cái nào phải máng liền lên móc áo, cái nào có thể giũ sơ sơ rồi máng lên thành ghế cũng được … Câu cuối cùng đã giặt sạch những vết bẩn trong tâm tư hắn. “Xin lỗi anh, em không lo được cho anh cơm ăn, áo mặc vì trước sau gì em cũng phải về Việt Nam một chuyến để thăm cha mẹ em một lần. Em không hy vọng được gặp lại ba em trong năm tới vì bệnh của ba nên đành nhắm mắt dẫn con đi Việt Nam mà không có anh đi cùng, em cũng lo lắm. Lo nhất là sức khoẻ của anh cả tháng trời không có em ở nhà … Xin anh thông cảm cho hoàn cảnh của em …”

 

Hắn đọc đi đọc lại chữ nghĩa của vợ mình mà tưởng ai đâu ! 13 năm sống trong hôn nhân chỉ có những miếng giấy nhỏ trên bàn bếp ghi vội lời dặn dò đón con, ghé Bưu điện bỏ thơ hàng tháng để trả tiền điện, tiền nhà …, ghé mua Băng nhạc mới về coi nha anh. Em đọc báo thấy … ra rồi ! Nàng tiên bủn xỉn thích coi băng gốc nhưng chỉ nhờ mua, lại còn lắm mồm với bạn bè như người tốt. “Tôi không coi băng sao chép vì làm như thế là giết chết những trung tâm ca nhạc hải ngoại.” Thiệt là miệng lưỡi bề trên.

 

Cuộc sống lập đi lập lại tới nhàm chán với những điệp khúc muôn thuở. Hắn chìm vô dung nhan người ngày mai gặp với những âu lo. Bồ cũ không rủ cũng tới. Tại sao mình lại tới chứ không phải đối tượng của mình tới. Trâu đi tìm cọc chứ cọc nào đi tìm trâu … có lý ! Người trong mộng một thời mà hắn đã phải “ứa lệ nhìn theo một chuyến xe hoa…” Hắn không sính thơ văn nhưng nhớ kỹ trong lòng câu huyết lệ: “Lấy chồng anh có lời mừng/ mai này ly dị nhớ đừng quên anh”. Bây giờ ly dị rồi nhưng không biết có còn đẹp như xưa ? “Người ấy và tôi - bây chừ - đã xa mút mùa.” Tự nhiên mắc hát câu vỉa hè vì nó y chang tâm địa của mình. Hắn chọn vài bộ đồ coi được một chút, bỏ vô máy giặt, làm theo hướng dẫn cách sử dụng máy vì từ hồi có em về nhà mình hết tiếng chửi thề quen thuộc thuở độc thân: “Con bà nó ! Sao bộ nào cũng hôi rình vầy nè !” Nếu tính tiền công 13 năm giặt đồ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa thì mình đã nợ ngập đầu. Riêng chuyện hai mặt con thì cơ man. Máy tính 8 số chắc không xuể, máy tính 12 số thì Bill Gate cũng trả không nổi. Hắn nhớ lời con bé bơ vơ lạc loài… “Chú đừng đưa con chú ra phi trường rồi không bao giờ thấy nó nữa nha chú.” Con bé lạc loài mà nào phải mẹ bỏ con đi - đường xa vạn dặm ! Con hắn tội tình gì mà phải ăn miếng pizza, uống ly sữa của người dưng. Vợ hắn không như ý nhiều chuyện bên lề nhưng chánh đạo vợ thì có lỗi gì đâu mà hắn quay lưng bỏ hình bắt bóng ! Người ngày mai gặp là người ngày xưa bỏ rơi mình chỉ vì nghèo, bây giờ nghèo hơn ta thì dài hơi …

 

Hắn cóc thèm giặt đồ để có đồ mai đi Cali. Bỏ lên phòng khách ngồi nghe nhạc nhẹ, uống bia một mình mà suy nghĩ miên man. Điện thoại reo không bắt nhưng nó cứ cắt đứt dòng suy tư nên hắn nhấc ống nghe.

 

“Trời ơi ! Anh có sao không mà em gọi hoài không bắt điện thoại. Anh có sao không ?...”

“Có sao đâu ! Anh ít ở nhà, đi câu hoài cho hết thời gian.”

“Cho biết nhớ vợ con thì mai mốt đừng la om xòm trong nhà… Anh nè, ăn không hết xà lách, cà chua cũng bỏ vì nửa tháng rồi. Ngày mai đi làm về, anh chịu khó ghé chợ Mỹ mua thêm. Nhớ ăn rau nha anh …”

“Biết rồi ! Biết rồi !... Gọi điện thoại từ Việt Nam về Mỹ chỉ để nhắc mua xà lách, cà chua, đúng là cà … chớn !”

“Thôi mà, hai tuần nữa mẹ con em về cho anh tha hồ la lối. Em gọi nhắc anh để thôi anh quên. Ngày mai anh đi Cali thì nhớ coi cửa nẻo cẩn thận trước khi đi nha anh …”

 

Nghe đến đây, hắn xám hồn không thể ngờ làm sao em biết ! Nhưng lỡ phóng lao thì phải theo, leo lưng cọp rồi thì cỡi luôn chứ còn sao …

 

“Anh đi làm chứ đi Cali làm chi ? Ai nói em, anh đi Cali ?”

“Anh nói chứ ai ! Vợ vắng nhà, người ta có mua vé đi thăm bồ cũ thì nhờ bạn bè mua rồi trả tiền mặt cho bạn bè, ai lại đi trả bằng Visa của mình thì bill về là tự khai rồi còn gì !”

 

Cũng may là nói điện thoại chứ vợ chồng đối mặt thì hết đường độn thổ. Hắn ấp úng như ngày xưa tỏ tình … “Em không ghen hả ?”

 

“Hỏi gì kỳ vậy anh. Không ghen sao là đàn bà được ! Em chỉ buồn thôi.”

“Nói thiệt, anh đang phân vân không biết có nên đi không ? Không phải là em đã biết thì anh nói vậy !...”

“Anh cứ đi, cứ làm những gì anh cho là đúng đắn. Em biết anh không đi Việt Nam với vợ con là có khổ tâm chứ tính tình anh thì em rõ mà. Anh từng nói với xếp trước đây khi anh muốn đi chơi với em mà xếp không cho, anh nhớ nói với xếp sao không ? ‘Tôi xin phép đàng hoàng thì ông muốn vui vẻ cho để tôi cảm ơn hay ông muốn vừa khóc vừa cho’. Anh là người dám làm những gì anh nghĩ thì em có cản cũng bằng không. Chuyến này, em dẫn con đi Việt Nam để anh dễ quyết định những u uẩn trong lòng cho dứt khoát một lần. Thà em nuôi con một mình chứ nhất định không sống chung khi hồn vía anh đâu đâu … Về chuyện hôn nhân của mình thì em đã từng suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định rồi nên không ân hận gì đâu.”

“Anh định đi thăm nhau một lần cho hết thắc mắc chứ anh thay lòng đổi dạ với vợ con gì đâu mà em trách sớm !”

“Cháy nhà mà chờ thấy lửa ngọn rồi mới kêu cứu hỏa thì chỉ còn tro thôi anh. Em không đùa đâu, anh cứ làm những gì anh muốn. Em chỉ nói trước là anh có trở về nhà sau vài tháng, vài năm chứ một tuần thì không có chi đâu ! Em không cấm cửa anh về nhưng đừng đòi hỏi gì hơn hai bữa ăn, quần áo sạch sẽ tươm tất để ra đường mà em đã hứa với anh là em lo tới chết cho anh. Chuyện con cái thì tùy chúng có thái độ với anh - em sẽ không can thiệp …”

 

Hai người họ im lặng chờ nhau, cuối cùng hắn nói vì công ty điện thoại không bỏ qua những phút im lặng trong điện đàm.

 

“Em nói chuyện mấy đứa nhỏ bên đó ra sao cho anh nghe.”

“Thằng Bi theo chú Bảy ngày đêm, tối ngủ chú Bảy luôn. Con Ti theo dì Út cũng ngày đêm, tối ngủ dì Út. Em với má trực trong bệnh viện vì không biết ba đi lúc nào. Hôm mẹ con em về thì ba vui và tỉnh táo mà em nghĩ là hồi dương đó thôi.”

“Em giữ gìn sức khoẻ, có cần tiền thì gọi anh chuyển về thêm …”

 

Cúp điện thoại cả tiếng đồng hồ mà hắn vẫn ngồi lì trên sofa với cái bao tử biểu tình dữ dội ! Mấy lần hắn bấm số điện thoại Cali nhưng không bấm “call” vì con bé lạc loài ngoài phi trường cứ chờn vờn trong tâm trí hắn… “Chú đừng đưa con chú ra phi trường rồi không bao giờ thấy nó nữa nha chú.”

 

Hắn nhớ rõ những khát khao xưa cũ còn hừng hực trong lòng mình nhưng không hiểu được mong cầu gặp lại để thỏa mãn tự ái bị gạt bỏ xưa kia hay một sự trả thù người bội bạc ! Nếu thế thì càng hèn vì ai đi trả thù đàn bà mà lại đang yếm thế ! Hóa ra tình yêu đã chết trong quan hệ này, có gặp lại nhau cũng chỉ vì những nỗi niềm xưa cũ chưa thỏa mãn chứ không phải tình yêu. Tình yêu ở trong lòng người đàn bà ngồi chờ cha chết mà đầu hồn nghĩ qua nửa trái đất tìm cách bảo vệ con mình hơn bảo vệ hạnh phúc cá nhân mình.

 

Hắn uể oải đứng lên, mặc đồ, lái xe đi tìm một người bạn để uống bia chơi. Người bạn hắn chọn cho trường hợp hắn có tâm sự đang đầu bù tóc rối với miếng cơm manh áo ! Hắn bơ vơ thật sự giữa thành phố thân quen với rất nhiều bạn bè mà khi hữu sự thì vẫn bơ vơ một mình. Con bé cù bơ cù bất với nước mắt, nụ cười … ám ảnh hắn khôn nguôi ! Hắn lái đến nhà ngoại nó, xin phép đưa nó đi chơi, đi ăn tối với hắn. Hắn được toại nguyện, được một buổi tối vui vẻ với con bé mà hắn sẽ nhớ nó suốt đời vì nó xui hắn gọi cô Cali đừng ra phi trường đón chú nữa ! Chú đổi vé đi Cali lấy vé đi Việt Nam đi chú. Chú về Việt Nam một tuần thôi mà cô sẽ thương chú hoài … Cháu cũng thương chú hoài.

 

Người bạn chỉ giúp được hắn mỗi việc chở hắn ra phi trường để đi Việt Nam chứ không phải đi Cali.

 

 

 

Phan

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)


website counter