ĐẠI HÁN, ĐẠI
GIAN
(Nhân vụ Trung Cộng sát nhập
Tam Sa thành một huyện, trực thuộc tỉnh Hải
Nam
tháng 12-2007)
-HUY PHƯƠNG-
Thời Xuân Thu bên Tàu, nước Việt
bị nước Ngô đánh bại, vua nước
Việt là Câu Tiễn bị vua nước
Ngô là Ngô Phù Sai bắt làm tù
binh, dẫn về Ngô, nhận đủ mọi sự
nhục nhã. Trong thời gian này Câu Tiễn nằm
gai nếm mật không quên ý chí trả
thù, chịu nhục để lấy lòng vua
Ngô, nếm phân để chẩn bệnh khi vua
Ngô lâm trọng bệnh. Sau ba năm “cải tạo”,
Câu Tiễn được phóng thích cho về
nước. Ông cùng với Phạm Lãi
nuôi ý chí trả thù, dùng mỹ
nhân kế dâng Tây Thi cho Ngô Phù Sai, giả
vờ kêu mất mùa mượn thóc lúa
của nước Ngô.
Năm sau, Phạm Lãi cho lệnh chọn mua
thóc tốt để hoàn trả cho nước
Ngô, nhưng trước khi trả, ngầm đem luộc
tất cả mấy trăm nghìn hộc thóc
này. Vua Ngô trúng kế, thấy thóc
quá tốt đem cất vào kho. Năm ấy, lại
chịu cảnh mất mùa, Ngô ra lệnh cho
đem thóc tốt của nước Việt trả
ra gieo. Kết quả là nước Ngô bị
đói thê thảm, quân lính cũng như
dân không có gạo mà ăn, trong khi
Ngô Phù Sai đắm mê tửu sắc, nhờ
đó, Câu Tiễn nước Việt, trả
được mối thù xưa, đã
đánh bại nước Ngô.
Tất cả công lao này đều do Phạm
Lãi, một mưu sĩ lừng danh lập kế cứu
nước Việt. Vào thời Tề - Sở
phân tranh thì có Tướng quốc Quản Trọng
dùng mưu mà đánh bại nước Sở.
Nguyên Tề Hoàn Công xưng bá Trung
Nguyên, muốn chinh phục nước Sở. Quản
Trọng hiến kế giúp vua Tề, sang Sở đi
đâu cũng loan tin vua Tề rất quí
hươu, đắt bao nhiêu cũng mua. Vua quan nước
Sở lấy làm mừng vì cách đó
mười năm, Vệ Ý Công vì yêu
quý hạc cảnh mà mất nước, nay Tề
Hoàn Công mê hươu tất phải đi
theo vết xe đổ. Thương nhân nước Sở
thấy lợi, nô nức đi buôn hươu,
giá hươu từ ba đồng lên đến
năm đồng một con, vài tháng sau lên
đến bốn mươi đồng. Người
nước Sở thấy giá hươu tương
đương với nghìn cân thóc, vứt bỏ
nông cụ, vào sâu trong rừng săn
hươu.
Binh lính, sĩ quan nước Sở cũng bỏ
huấn luyện, lén đổi vũ khí lấy
dụng cụ để tìm săn hươu đem
bán cho Tề. Năm ấy, Sở mất mùa
nhưng tiền chất như núi. Quản Trọng
phát lệnh cấm các nước chư hầu
bán lương thực cho Sở. Quân dân
nước Sở thiếu lương thực, người
ngựa không còn đủ sức chiến đấu.
Thấy thời cơ đã đến, Quản Trọng
bèn cất quân đánh Sở. Đương
nhiên Sở phải thua.
Xem chuyện Tàu, thấy Tàu có rất nhiều
mưu sĩ, có mưu thâm độc, nhiều khi
không tốn một mũi tên mà phá
được thành, thôn tính được
cả một nước.
Trong lịch sử, ngay cả sau khi thắng Tàu, Việt
Nam cũng phải cầu hòa, thần phục để
giữ yên bờ cõi.
Ngày nay, Việt Nam sống sát nách anh
Tàu, một anh đàn anh dân đông,
nước lớn, mưu kế thâm sâu, độc
địa không bao giờ muốn cho em út ngẩng
đầu lên hay tiến nhanh bằng mình và
tìm mọi cách để chèn ép. Khi em
út yếu thế, có thể đem quân cụ,
lương thực và kể cả quan binh giúp
đỡ, nhưng khi thấy đàn em xấc
láo, trở mặt không ngần ngại mà cho
nó một bài học như vụ CSVN tiến quân
qua Kampuchia đánh Khờ Me đỏ. Sống với
một anh Đại Hán, mưu sâu, gian ác, hiểm
độc, theo như truyền thống của nước
Tàu, Việt Nam
vừa run mà vừa sợ, chưa bao giờ dám
mạnh miệng lếu láo hoặc khoa trương thế
lực. Nông Đức Mạnh ngày nay muốn
chơi với Mỹ, nhưng vẫn lấm lét sợ
anh Tàu một mực. Còn anh Tàu thì
luôn luôn tìm cách “chơi” em
út sát ván, không chơi chuyện lớn
được thì chơi chuyện nhỏ, rất tiểu
nhân, không bao giờ có trò quân tử,
nếu có thì nhân gian ta đã không gọi
là “quân tử Tàu”.
Trước hiệp định Genève và cả
“đêm trước” trận Điện
Biên Phủ, cố vấn, quân cụ, hàng
hóa, thuốc men và cả hàng hóa
tiêu dùng của Tàu đã đổ
vào miền Bắc ồ ạt. Chuyên viên,
công nhân, thương gia Tàu vào thời
đó đã vào miền Bắc lên tới
cả trăm nghìn người, vẫn được
CSVN hô hào là độc lập tự do,
trên đất nước không có bóng
người ngoại bang. Rồi văn hóa, chữ nghĩa
“các chú” tràn ngập, người Việt
lệ thuộc vào Tàu một cách quái
đản, như ngày nay còn rơi rớt lại
với những danh từ trong thời đó,
“rèn cán chỉnh cơ”, “tọa
đàm”, “tự kiểm”, “phản tỉnh”,
“nhất trí”, ”nghiêm túc”...
Đau đớn nhất cho dân tộc Việt
Nam là vụ đấu tố địa chủ do cố
vấn Tàu chủ trương, phát động,
chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đã giết
chết hàng nghìn nông dân vô tội,
trong khi hoàn cảnh của miền Bắc Việt Nam
hoàn toàn khác xa với Tàu Cộng. Ngay Hồ
Chí Minh cũng biết sai lầm mà không
dám hé răng vì tình hình Bắc Việt
lúc bấy giờ đã hoàn toàn lệ
thuộc phương Bắc từ miếng cơm, manh
áo đến súng đạn. Tàu Cộng với
CSBV tuy gọi là huynh đệ nhưng vẫn
“chơi cha”, ngay cả khi chiếm được
miền Bắc, Bộ Chính Trị CS vẫn sang chầu
Thiên Quốc mỗi năm, nhưng chẳng có
ông lớn nào của Trung Quốc bước
chân qua thăm đàn em.
Ở Kampuchia, thời CSVN, chiếm đóng, cố
vấn mưu sĩ Tàu lại chơi đòn ly
gián cho “ta” và “bạn” giết
nhau, để Hà Nội thịt rất nhiều
người của Hunsen cho bõ ghét. Sau vụ
này, Lê Đức Anh sang chầu, chỉ được
tiếp kiến ở một tỉnh nhỏ mà
không cho tới Bắc Kinh, làm cho đàn em bỉ
mặt để trả thù ...
Noi gương thời Xuân Thu, theo gương
gian ác của ông cha trong vụ mua hươu và
luộc lúa, mấy năm gần đây CSVN
đã thôn tính miền Nam, Tàu Cộng cũng
làm cho đàn em thất điên bát đảo,
mắc mưu và chịu nhiều đòn khá
đau.
Trận chiến “ốc bưu
vàng” là một
thí dụ. Tàu tung tin ốc bưu vàng
là thứ ốc quí, chẳng những nhậu
ngon mà còn bổ dưỡng, nếu biết kinh
doanh nuôi loại ốc này thì chẳng mấy
chốc mà giàu có. Lẽ cố nhiên
Tàu cũng chuồi qua đường biên giới
loại ốc quí này cho nhân dân anh em
làm vốn.
Cách đây khoảng mười năm quả
nhiên ốc vàng sản xuất có lời, nhiều
người trở nên giàu to và loại ốc
này sinh sản quá nhanh, chẳng mấy chốc
mà tràn lan khắp ruộng đồng, nhậu
không làm sao hết, nhưng chính ốc
vàng lại có khả năng “nhậu”
lúa, làm tan hoang mùa màng. Những người
có trách nhiệm về nông nghiệp không
có đầu óc nhìn xa thấy rộng, bị
đàn anh lừa mà không biết.
Thấy đàn em còn khả năng xuất
cảng gạo lúa (mặc dầu dân đang
còn thiếu gạo ăn), nghe đâu đứng
hạng nhì, hạng ba thế giới, Tàu Cộng
mở chiến dịch
ăn thịt mèo và thịt rắn nhập cảng
từ Việt Nam qua với
giá cao. Đây không phải là chiến dịch
“mèo trắng, mèo đen mèo nào cũng
là mèo” trong thời mở cửa thị
trường của Đặng Tiểu Bình, mà
là chiến dịch tiêu diệt mèo, diệt rắn
để cho chuột lộng hành, phá hại
mùa màng của Việt Nam.
Dân ta lại mắc mưu - kiểu bỏ tay cầy
tay cấy đi bắt hươu thời Xuân Thu -
đem mèo, đem rắn xuất cảng sang Trung Cộng
để kiếm đồng tiền tốt, tưởng
rằng các ông anh thích nhậu rắn, nhậu
mèo, trong khi chuột lại hoành hành phá
hại ruộng vườn của nông gia. Tàu Cộng
một khi đã ra chiêu thì đàn em Việt
Nam không làm sao đỡ nỗi, nói gì việc
dùng mưu mà chọi lại.
Tàu Cộng trong mấy năm gần đây
lại cho nhập cảng đủ loại hàng giả sang Việt Nam, từ
các loại băng dĩa cho đến các thiết
bị máy móc, hàng hóa tiêu dùng rẻ
và tốt hơn hàng Việt Nam làm cho nền
công nghiệp VN đi xuống thê thảm.
Ở Việt Nam hiện nay mưa acid mỗi
ngày một nhiều và nồng độ acid mỗi
ngày một cao hơn, đến độ có thể
làm chết cá ở ao hồ. Bà Nguyễn Kim
Lan, Trung Tâm Khí Tượng Phía Nam VN
đã nói rằng hiện tượng này phần
lớn là do khí thải của các nhà
máy lân bang (lân bang này có ai khác
hơn là ông anh vĩ đại thân yêu
ngày trước), và Việt Nam trở thành cái hố
rác chứa chất thải, khí độc của
Tàu.
CSVN chưa bao giờ độc lập với
đàn anh Trung Quốc, khi vui thì nói rằng
thế đoàn kết keo sơn, núi liền
núi, sông liền sông, thế gắn bó
như răng với miệng, nhưng lúc khác cũng
coi nhau như thù địch là chuyện thường
tình. Các nhà ly khai trong nước đã
tố cáo ngày 14-9-1958, Phạm Văn Đồng
ký thảo ước dâng hai đảo Trường
Sa và Hoàng Sa cho Trung Cộng, đến nay nước
Việt bị đoạt ít nhất là 11
nghìn cây số vuông đất biên giới,
hải đảo.
Tình “huynh đệ như thủ
túc” trong xã hội CS không ngang bằng
mà lúc nào đàn anh cũng nắm phần
hơn. Đàn anh Tàu Cộng hiếp đáp
CSVN ra sao, thì CSVN đối với đàn em
Kampuchia cũng như thế, đòi sang giải
phóng con người ta rồi ở lại luôn
nhà người suốt mười năm, với vai
trò trịch thượng.
Anh Tàu vốn “đa mưu túc kế”
hay tìm mưu mô làm hại, hay làm nhục
người ta nhưng vừa rồi cũng bị cao thủ
Nhật Bản chơi lại một vố đau khôn
tả. Đó là một nhóm người Nhật
lên đến vài trăm người sắp xếp
một chuyến du lịch sex với một công ty du lịch
sang Trung Cộng, được cung cấp đầy
đủ món hàng son phấn, mà cả
chính quyền nước chủ nhà không hay
biết gì cả, mồm vẫn bô bô là
nước mình không có nạn mãi
dâm. Trong khi Tàu chưa trả được mối
nhục Nhật chiếm đóng và bắt
gái Tàu phục vụ, thì con cháu thời
nay của quân phiệt Nhật đã lanh chân
trở lại làm nhục Tàu thêm lần nữa.
Thôi thì “cao nhân tất hữu cao nhân
trị”, quí vị Đại Hán tiên sinh
chẳng đã nói như thế sao?
(trích “Đi Lấy Chồng
Xa” tạp ghi của Huy Phương -2006)
- Bai Chuyen -