KHÓC ÔNG NGUYỄN CAO KỲ!
(Tạp ghi HUY PHƯƠNG)
Nghe tin ông Nguyễn
Cao Kỳ qua đời, bắt chước người
xưa, tôi là tên lính già qua đường,
đứng lại khóc ba tiếng, sau đó lại
cười ba tiếng.
Nếu có ai lấy
làm lạ, hỏi lý do làm sao mà
khóc, tôi xin thưa rằng: “Ba tiếng
khóc dành cho nửa đời trước của
ông, một thời liệt oanh, được kể
như anh hùng gặp vận, danh tiếng lẫy lừng,
mà nay cuối cùng, theo quy luật của tạo
hóa, cũng mồ chôn ba thước đất (nếu
ông không chịu thiêu!). Nghĩ chuyện đời
“sắc sắc không không”, buồn mà
khóc thương ông!”
Có người
lại hỏi vì sao sau khóc lại cười,
xin đáp: “Ba tiếng cười dành cho nửa
đời sau của ông, nửa đời nặng nề
lưu lạc, chia ly, chán chường, thất bại.
Nửa đời tiếng bấc tiếng chì,
ông chịu bao nhiêu búa rìu dư luận,
mỉa mai, cay đắng, nguyền rủa. Ông nằm
xuống, đi vào cõi tĩnh lặng, gác hết
mọi sự, từ nay không còn nghe, không
còn thấy những điều bất như ý,
không còn vận dụng trí óc để
đua chen, không còn vận dụng thể xác
để rày đây mai đó. Sinh ký tử
quy, mừng ông đã về (không biết về
đâu?) mà cười ba tiếng là vậy!”
Ông Cao Tần
ngày bỏ đất nước ra đi, lưu lạc
đến xứ người đã than rằng:“Ta
làm gì cho hết nửa đời sau?”. Cao Tần
tự hỏi vậy mà không làm gì,
nên ông sống cuộc đời bình an. Nhiều
người cũng tự hỏi như Cao Tần mà
loay hoay chuyện này đến chuyện nọ,
rút cuộc rồi chẳng ra chi.
Có người
bất như ý về nửa đời sau của
ông để gọi những thăng tiến tột
cùng và may mắn của ông ở nửa
đời trước là những may mắn của
“Xuân Tóc Đỏ”. Ví von như vậy
là không công bằng và nặng lời,
vì trong khi nhân vật “ma cà bông”
của Vũ Trọng Phụng là trẻ mồ
côi, sống ngoài lề, nhặt banh quần vợt,
lớn lên dù có mang danh “cứu nước”
thì cũng là danh hão, thì nhân vật
Nguyễn Cao Kỳ, xuất thân không phải
là danh gia thì cũng vọng tộc. Ông nội
của ông làm tới chức thương tá
(tức thương biện hay thương tá tỉnh
vụ), thân phụ của ông là nghề thầy
giáo, đương nhiên thường phải dạy
con “giấy rách phải giữ lấy lề”.
Di cư vào Nam, giữa tình thế đất
nước nghiêng ngửa, ông cũng làm nhiệm
vụ người trai tòng quân nhập ngũ.
Xưa nay thời thế vẫn tạo nên anh
hùng, nhất là buổi loạn lạc. Nói
cho công bằng, ông Nguyễn Văn Thiệu xuất
thân thế nào, gia thế ra sao, mà làm
đến chức Tổng Thống, sao không nghe ai
nói lời cay đắng, mà ông Nguyễn Cao
Kỳ lên đến Thủ Tướng, rồi
Phó Tổng Thống lại có kẻ dèm pha?
Phải chăng một chuyện không nên, thì
mười chuyện cũng bỏ. Người xưa
đã có câu "cờ đến tay ai,
người đó phất", chỉ sợ cờ
đến tay rồi mà không biết phất, hay
phất không nổi đó thôi.
Thời trước,
đã có lúc tưởng như ông Nguyễn
Cao Kỳ lên tuyệt đỉnh, như Tết Mậu
Thân, ông Tổng Thống “an tâm, tin tưởng”
hưu chiến, về quê vợ ăn Tết (!) để
Cộng Sản bất thần tiến công vào 6
thành phố lớn, 44 thị xã và nhiều
quân lỵ, khiến ông Phó phải tả xung
hữu đột, hay thời biến động miền
Trung, nếu không có ông Kỳ chơi
đòn quyết liệt xả láng thì
Quân Khu I có thể đã tách rời miền
Nam thành vùng đất trung lập.
Trong cuộc tranh
chấp ai là người lãnh đạo miền
Nam, nếu ông Kỳ cầm đầu một liên
danh tranh cử Tổng Thống và đắc cử
thì việc gì đã xẩy ra cho miền Nam?
Đó là câu hỏi tôi đã từng
đặt ra cho một ông bộ trưởng, dân
biểu thân cận với ông Nguyễn Cao Kỳ.
Câu trả lời là: “Chúng ta sẽ chịu
nhục nhiều lần hơn!” Nghĩa là nếu
một ông cựu Phó Tổng Thống quay về với
Việt Cộng thì chúng ta đỡ nhục
hơn là một ông Cựu Tổng Thống của
chúng ta đi làm việc ấy. Nhân vật
này hiểu tính nết của ông Nguyễn
Cao Kỳ!
Sự lỗi lầm
của ông Kỳ theo quan điểm của đồng
bào tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại
là ông đã từng khẳng định,
“muốn làm sứ giả cho sự hoà giải
và kết hợp đại đoàn kết
dân tộc” khi ông và bà vợ sau
cùng về Việt Nam năm 2004, khen ngợi chế
độ Cộng Sản và lên án những
người chống Cộng ở hải ngoại là
thiểu số và muốn quay về với quá khứ.
Ông về Việt Nam, trong va li, lập trường
chính trị nằm chung với dự án môi
giới làm ăn mở sân golf và khách sạn
tại một khu du lịch ăn chơi tại Hạ Long
trị giá 4.5 tỷ đô la. Tiếc rằng
ông đã qua đời quá sớm và
đột ngột, có lẽ chưa được
hưởng những lợi lộc mà ông hy vọng
kiếm được qua vai trò trung gian, môi giới
và hòa hợp, hòa giải, đổi bằng
tất cả danh dự của đời ông.
Ngoài những
lời nói đãi bôi, thù tiếp có
tính cách tuyên truyền, mà ông Nguyễn
Cao Kỳ đứng về thế “hạ phong”
(dưới gió) như trường hợp khi Nguyễn
Minh Triết đến Dana Point năm 2007, dù không
được mời, ông cũng từ Việt Nam bay
về để có dịp cụng ly và nói
đôi lời tâng bốc, như ông thực sự
là đại diện cho tất cả chúng
tôi, kể cả những người đang đứng
la hét phẫn nộ ngoài đường. Hầu
hết hội đoàn cựu quân nhân, là
những người đã từng là chiến hữu
của ông, đã đồng loạt lên
án và gọi ông là “tên phản bội”.
Ở trong nước, ngoài những cựu quân
nhân VNCH, thương binh đã đổ máu
vì ông, coi rẻ ông, mà ngay cả những
cựu thù, cũng không đánh giá cao về
ông, một người của “thời
cơ” và “phản bội”. Những
đãi ngộ của chính phủ này
dành cho ông, nếu có, cũng chẳng là
bao, không xứng với danh phận và những
gì ông đã làm lợi cho họ. Khi chết,
ông cũng chỉ được gọi là
“nhân vật của chính quyền Saigon”
mà thôi!
Gần đây
vợ cũ của ông đã về Saigon mở tiệm
phở, rồi con gái ông chọn Đà Nẵng
mở quán cà phê cao cấp theo sự khuyến
khích của ông, làm cho tên tuổi ông
càng xấu thêm ở hải ngoại. Giá
như ông thuộc một gia đình dân giả
tầm thường, hay là một người
lính dưới quyền ông, dư luận có
lẽ không mấy chú ý, nhưng 36 năm
trước đây, gia đình này hưởng
“ơn Vua lộc Nước” đã nhiều,
sợ rằng những việc như thế nó
không phải, với lòng tự trọng và nề
nếp “giấy rách phải giữ lấy lề”
theo đạo lý Việt Nam.
Tôi mừng khi
nghe tin ông Nguyễn Cao Kỳ chết ở quê
người rồi đem về Việt Nam, dù
chôn hay thiêu, như vậy là đúng theo ý nguyện của
ông, và tôi không chắc sẽ có Nguyễn
Minh Triết đến viếng ông, vì ông
chưa đủ thời gian và cơ hội để
trở thành hàng “quốc táng”. Nếu
ở Mỹ này, không khéo lại có
người quý mến, hăm hở đem quốc kỳ
đến phủ quan tài cho ông cũng nên!
Tàu có
câu “Cái quan định luận” có
nghĩa là khi người chết đã nằm
trong quan tài, nắp hòm đậy lại thì
mới định công luận tội. Tôi là
kẻ hậu sinh, một tên lính quèn thời
ông lên cao ngất ngưởng, đâu dám
định công luận tội, chỉ dám có
đôi lời bộc bạch lần đầu
tiên cũng là lần cuối cùng về
ông. Nhưng Tây lại có câu “Laissez
les morts tranquille” nghĩa là xin để yên
cho những người đã chết.
Khóc
ông, nhưng cũng cười, mừng ông
được yên nghỉ.
HUY PHƯƠNG
-
7/22/11 -
(Bùi Mạnh Hùng sưu
tầm và chuyển)