Hai Bà Trưng, Hai
Bà Triệu
(Hoàng Long Hải)
Khi về trại Suối Máu, mỗi tối
chúng tôi đều được xem TV. Đời
tù buồn tẻ, được xem TV, dù chỉ
là tuyên truyền, nhiều người cũng thấy
vui.
Cứ hai ba đội chung tiền nhau mua một
cái TV, dĩ nhiên TV cũ, giá rẻ. Tuy cũ,
nhưng TV cũng còn tốt, ít khi xảy ra
“sự cố” bất thường nên cũng
không đến nỗi bực mình. Nếu TV
có nổi chứng, chỉ lằn ngang lằn dọc
thì có “Hoàng chấm phết”,
chuyên viên của chúng tôi sửa chữa.
Qua bàn tay rành rọt của anh, TV lại hoạt
động bình thường. Gọi là
“Hoàng chấm phết” vì anh bị
thương ở một chân nên đi đứng
không bình thường.
Bộ đội dành một gian trong các gian
nhà tôn để làm nơi xem TV. Nhờ
đó, dù trời mưa, chương trình
xem TV cũng không có gì trở ngại.
Cái TV để ở đầu gian nhà,
trên một cái kệ cao, quay mặt về hướng
trống. Dĩ nhiên phòng xem TV không có ghế.
Mỗi người đi xem tự đem theo một
cái đòn hoặc một cái ghế xếp
tự mình đóng lấy hay của ai cho. Có
người khéo tay, đóng một cái ghế
xếp nhưng có lưng dựa, ngồi dựa ngửa
mà xem cũng thoải mái chán. Cơm chiều
xong, điểm danh xong, bảy giờ tối chương
trình TV bắt đầu thì anh em tụ lại
phòng TV để xem. Có khi vào đó
thì người ta ngồi dầy đặc, nhất
là ở những chỗ tốt, vừa tầm xem
và nghe được rõ. Có anh đến sớm
hơn nhưng nhiều khi người ta đã đặt
ghế, đặt đòn dày đặc để
xí phần.
Khoảng mùa hè năm 1976, sau khi “Hội
Nghị Hiệp Thương Thống Nhất” họp ở
rạp Rex Saigon xong màn trình diễn, đội
bóng tròn Tổng Cục Đường Sắt ở
Hà Nội vào Saigon
đá trận đầu tiên để “mừng
thắng lợi”. “Mừng thắng lợi”
là do quản giáo nói như thế, và trại
cho phép mở TV để xem đài truyền
hình Saigon trực tiếp chiếu
cho xem trận đấu. Dân ghiền bóng
đá bắt đầu bàn tán xôn xao,
nhiều ông làm thầy bàn, làm tham
mưu. Có người nói:
- “Xem làm mẹ gì ! Làm sao mà Saigon thắng được Hà Nội,
có chỉ thị rồi. Cái gì xã hội
chủ nghĩa cũng “ưu việt”. Đã
ưu việt thì miền Bắc không thể thua
miền Nam.
Coi làm gì cho bực mình.”
Lê Thành Công, bạn tôi, nói
đùa:
- “Cứ coi việc đi ỉa cũng
đã thấy ưu việt rồi. Ỉa xong
còn hốt đem bón rau. “Hiện đại”
lắm đó nhá.”
Tuy có người nói thế nhưng cũng
lắm người xem. Mới cơm trưa xong,
“Hoàng chấm phết” đã loay hoay dời
TV ra cửa giữa bên hông nhà, hướng TV
ra khoảng sân trống giữa hai gian nhà. Người
ta đoán chắc là trận nầy, anh em xem TV
đông lắm. Đưa TV ra cửa hông để
rộng chỗ anh em ngồi xem. Một số anh em
khác thấy chỗ đặt TV chói nắng
bèn lấy hai ba cái poncho nối lại với
nhau làm màn che cho tối bớt, dễ thấy
hình trên TV hơn.
Ba giờ chiều trận đấu mới bắt
đầu nhưng mới hơn 1 giờ, chỗ sân
bóng xem TV đã dày đặc người
và đòn, ghế. Có người đặt
ghế rồi, nhưng vẫn không yên tâm sợ
người ta dời mất chỗ bèn ra ngồi ngay
chỗ cho yên tâm. Người lui tới nói
cười xôn xaọ Ồn ào nhứt là
đại úy Trương Văn Tuyên. Ông nầy
người Bắc di cư, trước kia, khi còn
mang “lon” trung úy, đã có thời
làm quận trưởng một quận ở Quảng
Ngãi, đánh nhau với Việt Cộng khá dữ,
“nợ máu”, - nói theo theo kiểu Việt
Cộng -, cũng không ít; nói theo kiểu
người miền Nam thì anh ấy là “anh
hùng diệt Cộng”. Ông nầy thuộc loại
bạo phổi, học tập không chịu
“giác ngộ”, hễ nói tới Việt Cộng
thì anh ta đả kích ào ào, đếch
sợ thằng ăng-ten nào cả. Giữa sân xem
đông người, anh ta cứ oang oang.
- “Coi thì coi nhưng tao chắc chắn
là đội Quan Thuế không được thắng.
Có lệnh rồi đó, hễ thằng nào
đá lọt banh vào “gôn” tụi
Hà Nội là có giấy gọi đi học
tập cải tạo ngay. Đ.m. Ngu hay sao mà thắng
để rồi đi ở tù.”
Có người góp ý, giả bộ hỏi
để anh ta nói nghe cho vui:
- “Trận nầy có Tam Lang. Ông liệu
Tam Lang có dám đá hết mình như
thường lệ không ?”
Giọng Tuyên cứ oang oang:
- “Dám ! Thằng nầy đứng tiền
vệ hay lắm. Nhưng trận nầy, bọn Bắc Kỳ
đem banh xuống, nó đứng qua một bên
mà nói “Xin mời ông đá vào
“gôn” dùm chúng cháu.”
Có người nói:
- “Tụi nó
là Bắc Kỳ ! Còn mày là gì ! Bắc
kỳ cục chắc !”
Mọi người
cười ồ !
Tuyên cố giải
thích:
- “Tao đâu
có Bắc Kỳ mầy. Tao là… “Rân
Ri Cư”. Anh ta cười nói đùa.
Nguyễn Hoàng
Trương, dân Bình Định, cùng đội
với tôi, nói thật to cố ý cho mọi
người nghe:
- “Nó là cam
Bố Hạ thành bưởi Biên Hòa rồi.”
Thiên hạ lại cười.
Khi vào trận được ít phút,
đội Đường Sắt đem banh xuống, Tam
Lang ra chận, lại hỏng, Trương Văn Tuyên
la toáng lên:
- “Đ.m. thằng
Tam Lang. Thấy không ! Thấy không ! Nó
đâu có dám chận banh. Có chỉ thị
rồi !”
Bên đội Đuờng
Sắt, có Điểm, mang số 7, chạy biên
khá nhanh. Anh ta đem banh xuống nhanh bên cánh
trái, ai nấy hồi hộp, lại nghe Trương
Văn Tuyên la to lên:
- “Chặt giò thằng
ấy đi. Thằng đó nguy hiểm lắm.”
Vừa nghe, anh em vừa
cười vì những câu nhận xét của
“nhà bình luận bóng đá chống
Cộng Trương Văn Tuyên”. Đá
càng lâu, người xem càng thấy chán
vì trận đấu không cân sức, coi
như một bên thì đá thẳng cẳng,
đá bạo, ăn hiếp, đá kiểu
“chém đinh chặt sắt”, một bên
thì bị trói chân mà còn sợ gọi
đi “cải tạo”. Sự việc diễn ra lộ
liễu quá khiến người ta thấy khó chịu,
bất mãn. Số nhà bình luận gia
bóng đá kiểu Trương Văn Tuyên
càng lúc càng đông, khiến cho chỗ
ngồi xem càng thêm ồn ào như cái chợ.
Khi có một đường banh Saigon bị thua hay mất
banh một cách vô lý thì nhiều tiếng
ồ đồng loạt vang lên kèm theo những
tiếng chưởi tục.
Tới 5 giờ trận
đấu kết thúc, Saigon thua một bàn. Mọi
người chán nản ra về, uể oải, mệt
mỏi và buồn bực. Đâu đâu cũng
nghe những lời bình luận khách quan có,
chủ quan cũng có nhưng không thiếu
khôi hài. Xem một trận banh, sự dàn xếp
có tính chính trị hiện ra một
cách trắng trợn. Điều ấy chạm đến
lòng tự ái của người miền Nam, những
kẻ thua trận, cộng thêm với thân phận
tù, người ta thấy qua đó, ngày về
xa hơn, buồn hơn.
Cũng tại cái
sân đó, sau khi mọi người ra về hết,
trở thành nơi anh em đội tôi ngồi
ăn chiều mỗi ngàỵ Trong bữa ăn,
dư âm trận đấu bóng đá vẫn
còn, nhiều anh em lại bàn bạc sôi nổi.
Tôi đang ngồi ăn chung với Nguyễn Thụy
Hiền, nói to cho nhiều anh em cùng nghe:
- “Đ. m. Con tau sau nầy
nhứt định tau không cho nó làm cầu
thủ đá banh.”
Trần Phú Trắc,
ngồi cách tôi hơi xa, nói:
- “Bộ anh thấy
đá banh như hồi chiều nên anh chán chớ
gì ?”
Tôi cười:
- “Đâu phải
lý do chính trị. Ông coi có thằng cha
nào đá banh mà người ta gọi bằng
anh hay bằng ông không. Giữ “gôn” hay
là thằng Rạng, tiền vệ hay là thằng
Tam Lang, tiền đạo hay là thằng Đức,
thằng Vinh. Có ai gọi ông Tam Lang, ông Rạng
đâu. Tau đâu có muốn người ta gọi
con tau bằng thằng.”
Mọi người
cùng cười.
Họa sĩ Nguyễn
Uyên nói:
- “Ông không
đá bóng, người ta cũng gọi ông
là thằng điện chạm vậy !”
Mọi người lại
cười to.
Hiền nói:
- “Vậy nhưng mấy
ông ấy là thần tượng của
đám trẻ con đó. Mấy chả đi
đâu, bọn trẻ chạy theo rần rần. Đứa
nào nắm tay anh Rạng yêu mến của
chúng được một cái là tối ấy
nằm ngủ mơ.”
Tuyên cười, hỏi:
- “Ông cũng từng
nằm mơ hay sao mà ông rành vậy ?”
Một hôm, TV chiếu
vở tuồng “Cô gái và người
lái xe”, Tú Trinh đóng vai cô gái.
Xem phim, tôi dè chừng Trần Phú Trắc
chưa quên người cũ, bèn nói
đùa với Trắc:
- “Bữa nay
không có Khả Năng nên không có ai
ôm Tú Trinh mà run nữa nghe !” (1)
Trắc trả lời
tôi, cười mà như mếu:
- “Thôi mà anh
! Phận mình bây giờ là tù rồi
!”
Tự nhiên tôi thấy
buồn, nói với Trắc và Hiền:
- “Hai tiếng phận
tù làm người ta đau lòng lắm ! Bao
nhiêu tình đời tới một chữ tù
thì coi như 99 phần trăm “thuyền ra cửa
biển”.
Lại một hôm xem
vở tuồng “Gánh Cỏ Sông Hàn”.
Vốn không thích cải lương, nhưng
chúng tôi tối tối đi xem TV để giết
thì giờ. Hôm sau, đi cuốc đất
ngoài suối, phía trước cổng trại Suối
Máu để trồng rau muống, chúng tôi vừa
gom cỏ đem đốt, vừa nói đùa với
nhau: “Bữa nay “Gánh Cỏ Sông
Hàn” nha !”
Trung úy Đoan, quản
giáo, người dẫn chúng tôi đi cuốc
đất nói:
- “Các anh
nói “Gánh Cỏ Sông Hàn” là
nói con ngựa không quên chủ cũ chứ
gì ?!?”
Chúng tôi
nhìn nhau, không nói gì. Trên đường
về, Trắc đi bên cạnh tôi, lúc trung
úy Đoan ở xa xa, bèn nói:
- “Anh thấy
không ! Mình thì nói chơi mà tụi
cán bộ Cộng Sản thì sâu sắc vậy
đó.”
Chương rồng (2) cười cười ý nhị:
- “Thiếu sâu sắc
chính trị cũng là một lý do để
mất nước đó ông ơi !”
Sau khi hái rau đợt
1 (Cộng Sản gọi là thu hoạch), Chương
Rồng, tổ trưởng, biểu chúng tôi cuốc
vào bên hông gốc rau rồi cạy vừa cho
gốc rau vừa bị bứng nhẹ lên một
chút, xong hạ gốc xuống và tưới
nước lên. Quản giáo Đoan hỏi tại
sao làm như thế, Chương Rồng giải
thích:
- “Cuốc cho rễ
rau bị đứt một chút thôi. Vì đứt,
rễ rau sẽ mọc rễ mới, như cành
cây bị chặt nó sẽ nẩy ra chồi mới
vậy. Nhờ thêm rễ, rau sẽ mọc mạnh.”
Nghe giải thích, quản
giáo Đoan phải nói: “Các anh thông
minh thật ! Tôi làm nông nghiệp nhiều
nhưng chưa nghe ai lý luận như anh.”
Tới ngày hôm
sau nữa, đang tưới rau thì có lệnh tập
trung về sớm. Quản giáo Đoan phát hiện
anh Quang nhân khi đi tưới rau hôm nay,
đã trốn trại. Trong khi chúng tôi tập
trung chuẩn bị ra về, quản giáo Đoan
đi dọc bờ suối hy vọng Quang có núp
vào bờ suối nào đó không.
Chương Rồng thấy vậy, nói:
- “Thằng Quang
nó không ngốc như anh bộ đội nầy
đâu. Nó lên xe lam đi Biên Hòa
lâu lắm rồi, khi tụi mình còn cuốc
rau kia.”
Quang, dân Trinh Sát
Dù, đâu có trốn trại theo kiểu quản
giáo Đoan nghĩ. Anh ta chuẩn bị khá kỹ.
Sáng hôm nay, đi tưới rau, trời hơi lạnh,
Quang mặc hai áo. Trong là cái áo trắng,
ngoài áo trận. Vừa mới tản hàng,
Quang xin “đi ngoài” bên kia suối. Một
chốc, anh ta lại xin “đi ngoài” lần
thứ hai. Lúc nầy, ai cũng lo làm việc. Quản
giáo Đoan đang theo dõi chúng tôi cuốc
đất. Quang từ bên kia suối, đi thẳng ra
hướng Quốc lộ 1. Gần tới nơi, anh ta cởi
cái áo trận dấu dưới bụi lau rồi
bước ra bên đường, xe lam Hố
Nai-Biên Hòa trờ tới, anh ta nhảy vội
lên xe, như một người khách đi
đường. Xe chạy mất. Thế là xong.
Vài anh em thấy Quang trốn, chận xe, lên xe
rõ ràng nhưng không ai hô hoán, chờ
tới khi trên đường về trại mới kể
cho nhau nghe !
Gần tới trại,
khi quản giáo ở phía sau khá xa,
Chương giải thích:
- “Dân biệt
kích. Tụi nó học biết bao nhiêu
khóa, trải qua bao nhiêu trận, mấy bộ
đội lớ ngớ nầy, bị qua mặt dễ
như không !”
Có khi trên
chương trình TV mấy ông Việt kiều, phần
đông ở Pháp, về thăm quê
hương nói chuyện với đồng bào.
Ông nào giọng điệu cũng giống nhau, cũng
“nhân dân ta anh hùng”, “đảng
ta vinh quang”, “kiên cường đánh
Pháp, đuổi Mỹ”, v.v…
Hôm ấy, có
ông họa sĩ Lê Bá Đảng, quê ở
Quảng Trị, nghe nói rời đất nước
hồi còn trẻ, đi lính Tây, lính thợ
gì đấy; ngày xưa, khi tôi còn nhỏ
thấy người ta gọi là lính ONS
(Ouvrier-Non-Special). Ông họa sĩ Lê Bá Đảng
cũng lên TV, ca ngợi Cộng Sản, ca ngợi
nhân dân ta, v.v… Ông ta nói:
- “Nước ta
có nhiều anh hùng như Trần Hưng Đạo,
Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Hai Bà Triệu…”
Có lẽ ông ta lịu
miệng mà nói Hai Bà Triệu chớ
không đến nỗi dốt mà cho rằng lịch
sử có tới những Hai Bà Triệu.
Nguyễn Thụy Hiền
ngồi bên tôi thật thà hỏi:
- “Anh Hải, anh dạy
sử địa biết nước ta làm gì
có hai bà Triệu ?”
Thầy đồ Nho Trần
Hưng (3), dân “Bình
Định hay lo”, đại úy, nói
đùa:
- “Có chớ sao
không. Anh Hải dạy sử nhưng có biết
đâu. Nầy, hai bà Triệu thì một
là Bà Triệu Ẩu, hai là Bà Triệu
Tả…”
Thiên hạ lại
cười.
Tôi nói:
- “Mấy ông
đừng ghét họ. Ở Pháp vô đảng
Cộng Sản cũng như trong Nam hồi xưa vô
dân Tây vậy. Vô để khỏi bị
đàn áp. Vô dân Tây thì Tây
nó sợ. Vô đảng Cộng Sản Pháp
để được Cộng Sản nó bảo vệ.
Các đảng chính trị bên Pháp chẳng
có đảng nào bênh vực kiều dân.
Tụi Pháp kỳ thị quá cha tụi Mỹ.”
Lập xuân
HOÀNG
LONG HẢI
(1) Trước 1975, tờ
báo Sân Khấu in hình ngoài bìa Khả
Năng ôm Tú Trinh, dưới ghi chú: Khả
Năng run vì sợ ông cò quận Bình
Chánh. Hồi ấy Trần Phú Trắc làm
cò Bình Chánh, là bạn của Tú
Trinh.
(2) Lê Văn
Chương, khóa 17 Võ Bị, người chơi
đàn Guitar nổi tiếng ở Đà Lạt,
thường biểu diễn chơi đàn một tay
cho chúng tôi nghe. Trên đường di tản
Quốc Lộ 7, anh bị thương ở ngón
chân cái, không được điều trị
nên bị gân rút, ngón chân cái tự
nhiên ngóc cao đầu lên như đầu rồng.
Do đó, Trần Phú Trắc đặt cho anh ta
biệt danh là Chương Rồng.
(3) Anh em chúng
tôi gọi anh Trần Hưng là Thầy Đồ
Nho vì anh đang học thêm chữ Hán, viết
chữ Nho đẹp, trình độ Hán Học cũng
cao. Lúc ấy, tôi học chữ Nho với anh.
Tôi không gọi anh ta là Thầy Đồ Nho
mà gọi theo tiếng Tàu là Chi-Pụ (Sư
phụ).
(Bai Chuyen)