TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [tt]

Home | HUY PHU'O'NG | HUY PHU'O'NG [tt] | HUY PHU'O'NG 1 | HUY PHU'O'NG 2 | HUY PHU'O'NG 3 | HUY PHU'O'NG 4 | HUY PHU'O'NG 5 | HUY PHU'O'NG 6 | HUY PHU'O'NG 7 | HUY PHU'O'NG 8 | HUY PHU'O'NG 9 | HUY PHU'O'NG 10 | HUY PHU'O'NG 11 | HUY PHU'O'NG 12 | HUY PHU'O'NG 13 | HUY PHU'O'NG 14 | HUY PHU'O'NG 15 | HUY PHU'O'NG 16 | HUY PHU'O'NG 17 | HUY PHU'O'NG 18 | HUY PHU'O'NG 19 | HUY PHU'O'NG 20 | HUY PHU'O'NG 21 | HUY PHU'O'NG 22 | HUY PHU'O'NG 23 | HUY PHU'O'NG 24 | HUY PHU'O'NG 25 | HUY PHU'O'NG 26 | HUY PHU'O'NG 27 | HUY PHU'O'NG 28 | HUY PHU'O'NG 29 | HUY PHU'O'NG 30 | HUY PHU'O'NG 31 | HUY PHU'O'NG 32 | HUY PHU'O'NG 33 | HUY PHU'O'NG 34 | HUY PHU'O'NG 35 | HUY PHU'O'NG 36 | HUY PHU'O'NG 37 | HUY PHU'O'NG 38 | HUY PHU'O'NG 39 | HUY PHU'O'NG 40 | HUY PHU'O'NG 41 | HUY PHU'O'NG 42 | HUY PHU'O'NG 43 | HUY PHU'O'NG 44 | HUY PHU'O'NG 45 | HUY PHU'O'NG 46 | HUY PHU'O'NG 47 | HUY PHU'O'NG 48 | HUY PHU'O'NG 49 | HUY PHU'O'NG 50 | HUY PHU'O'NG 51 | HUY PHU'O'NG 52 | HUY PHU'O'NG 53 | HUY PHU'O'NG 54 | HUY PHU'O'NG 55 | HUY PHU'O'NG 56 | HUY PHU'O'NG 57 | HUY PHU'O'NG 58 | HUY PHU'O'NG 59 | HUY PHU'O'NG 60 | HUY PHU'O'NG 61 | HUY PHU'O'NG 62 | HUY PHU'O'NG 63 | HUY PHU'O'NG 64 | HUY PHU'O'NG 65 | HUY PHU'O'NG 66 | HUY PHU'O'NG 67 | HOÀNG LONG HA?I | HOÀNG LONG HA?I [tt] | HOÀNG LONG HA?I 1 | HOÀNG LONG HA?I 2 | HOÀNG LONG HA?I 3 | TIÊ?U TU'? | TIÊ?U TU'? [tt] | TIÊ?U TU'? 1 | TIÊ?U TU'? 2 | TIÊ?U TU'? 3 | TIÊ?U TU'? 4 | TIÊ?U TU'? 5 | TIÊ?U TU'? 6 | TIÊ?U TU'? 7 | TIÊ?U TU'? 8 | TIÊ?U TU'? 9 | TIÊ?U TU'? 10 | TIÊ?U TU'? 11 | TIÊ?U TU'? 12 | TIÊ?U TU'? 13 | TIÊ?U TU'? 14 | TIÊ?U TU'? 15 | TIÊ?U TU'? 16 | TIÊ?U TU'? 17 | TIÊ?U TU'? 18 | TIÊ?U TU'? 19 | TIÊ?U TU'? 20 | TIÊ?U TU'? 21 | TIÊ?U TU'? 22 | TIÊ?U TU'? 23 | TIÊ?U TU'? 24 | TIÊ?U TU'? 25 | TIÊ?U TU'? 26 | TIÊ?U TU'? 27 | TRÂ`N NGUYÊN -DÁN | TRÂ`N NGUYÊN -DÁN [tt] | TRÂ`N NGUYÊN -DÁN 1 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N [tt] | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 1 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 2 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 3 | TU'O?NG NA(NG TIÊ'N 4 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 5 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 6 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 7 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 8 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 9 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 10 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 11 | TRÂ`N TRUNG -DA.O | TRÂ`N TRUNG -DA.O [tt] | TRÂ`N TRUNG -DA.O 1 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 2 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 3 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 4 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 5 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 6 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 7 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 8 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 9 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 10 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 11 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 12 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 13 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 14 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 15 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 16 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 17

TRÂ`N TRUNG -DA.O 2

Hai Gánh Quê Hương

 

Hai Gánh Quê Hương

(Tâm bút Trần Trung Ðạo)

 

 

Trong cuộc sống đa đoan và nhiều thăng trầm, trắc trở của tôi, biết bao nhiêu kỷ niệm, biến cố đã trôi qua trong đời kể từ ngày tôi bám vào chiếc xe ba bánh, xa ngôi làng Mã Châu, xã Xuyên Châu, Quận Duy Xuyên thân thuộc vào năm 13 tuổi.

 

Những vui, buồn, hy vọng, tuyệt vọng đã đến và đi trong đời sống nhiều đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết. Những chiều mưa trên một căn gác bỏ hoang ở gần bến xe Hùng Vương Đà Nẵng. Những trưa hè vắng lặng dưới bóng cây đa già ở chùa Viên Giác, Hội An. Những đêm khuya nằm nghe bà chị dâu khó tính, nguyền rủa, đay nghiến ở Sơn Chà. Tất cả được tôi xem như là Nghiệp. Tôi làm quen với bất trắc từ khi còn rất nhỏ. Nhờ thế, tôi đón nhận những gì mà nhiều người khác gọi là hố thẳm của tuyệt vọng, một cách vô tư, không một lời thở than, oán trách. Hơn ba mươi năm qua, những vết sẹo của thời niên thiếu vẫn còn đó nhưng nếu không ai hỏi đến, không bị động chạm đến, chính tôi nhiều khi cũng đã quên đi. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.

 

Trong trí nhớ của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh chiếc Boeing của hãng Northeast bay ngược chiều kim đồng hồ đưa chúng tôi từ Manila đến phi trường Chicago vào một ngày cuối tháng 11 năm 1981. Giọng người nữ tiếp viên hàng không êm ái cất lên lời tạm biệt. Tôi không hiểu hết nhưng đại khái biết rằng cô ta vừa chào mừng chúng tôi sắp đặt chân lên đất Mỹ. Tôi tự nhủ, “quãng đời lưu vong thật sự sắp bắt đầu”. Bên ngoài trời đẹp nhưng xa lạ. Quang cảnh ấm áp. Những tia nắng vàng dội vào khung cửa kính phi trường. Vài cụm mây trắng bay lang thang trên nền trời xanh nhạt.

 

Như lời bà hướng dẫn viên người Phi dặn dò trước khi lên máy bay, chúng tôi, tay cầm chặt chiếc túi đựng hồ sơ tỵ nạn có chữ ICM thật lớn, sắp một hàng dài dọc theo hành lang phòng đợi để khỏi bị lạc. Người đầu tiên ra đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt trẻ đẹp, có lẽ còn là sinh viên và đang làm việc cho cơ quan thiện nguyện. Một ông Mỹ già đẩy đến cho cô ta một thùng áo quần và lặng lẽ bỏ đi. Theo lịch trình đã được ấn định trước, tại Chicago chúng tôi sẽ được cấp phát áo ấm mùa đông trước khi chuyển máy bay về địa điểm định cư cuối cùng trong hành trình tỵ nạn. Trạm cuối của tôi là Boston.

 

Tôi biết và kính trọng thành phố Boston văn hóa lịch sử, qua nhiều môn học, nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ là nơi tôi gửi gấm phần đời còn lại của mình. Người con gái đẹp mà tôi không dám hỏi tên, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tất cả đều cùng một cỡ như nhau. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc áo ấm dày cộm rộng thùng thình hoàn toàn tương phản với bầu trời nắng chang chang bên ngoài. Hiểu ý, với giọng Huế nhẹ nhàng, người đẹp dạy cho chúng tôi, những lưu dân đến từ vùng nhiệt đới, bài học đầu tiên về thời tiết nước Mỹ: “Ngó vậy mà không phải vậy đâu. Trời gạt mấy anh đấy. Ra ngoài không áo ấm vài phút là chết cóng”. Ngừng một chút, nàng cười tinh nghịch: “Ai không tin bước ra thử thì biết”. Nghe cô ta nói vui vui, tôi cũng định đáp lại bằng vài lời tán tỉnh nhưng chợt nhớ ra đây không phải là quán cà-phê trên đường Duy Tân bóng mát mà là thân phận hẩm hiu của một người tỵ nạn chân vừa chạm đất quê người, nên đành im lặng.

 

Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông dài rét buốt. Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ, không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ. Người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa. Tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách hay không. Không có tiếng khóc trong đêm giao thừa đầu tiên nhưng lòng ai cũng ngậm ngùi nặng trĩu. Cúng xong, chúng tôi không ai muốn đi ngủ lại. Không nói ra, nhưng hình như người nào cũng sợ phải đối diện với nỗi cô đơn, lạc lõng và thất vọng trong đêm giao thừa. Chúng tôi ngồi quây quần nhau chung quanh chiếc bàn dài. Vài đĩa cánh gà chiên. Vài lon bia. Một bình trà. Những bầu tâm sự.

 

Những câu chuyện vượt biên. Mẹ già. Người yêu. Bạn bè. Em gái. Và như thế, tôi đón cái Tết đầu tiên với những người xa lạ nhưng vô cùng cần thiết trong đời sống mới, những người đã gọi nhau là đồng hương và tôi cũng được hưởng thêm một tình cảm mới mà chúng tôi gọi là tình đồng hương.

 

Cảm giác lo sợ, bất an đó, trùm kín lòng tôi trong đêm giao thừa đầu tiên ngồi nhìn tuyết rơi trắng xóa ngoài cửa sổ. Tất cả đều xa lạ. Từ con người đến cảnh vật mùa đông, không ai và không có một ngoại cảnh nào có thể gọi là cảm thông, chia xẻ dùm tôi. Trên vai tôi, một gánh quê hương và gia đình nặng trĩu bên kia bờ đại dương. Gánh quê hương và tương lai của đời tôi, hòa nhập vào nhau thành một. Tôi biết mình đang đứng trước ngọn núi cuộc đời đầy chông gai thử thách. Nếu tôi vượt không qua được, đời tôi sẽ coi như bỏ đi.

 

Những tâm sự tôi mang theo trong lòng mỗi ngày một lớn hơn thêm và trở thành một mối ám ảnh triền miên, đeo đuổi tôi trong suốt những năm đầu trên đất Mỹ. Khi ngồi đăm chiêu trên bàn viết, bàn học, bận bịu trong sở làm, lúc lái xe trên xa lộ và ngay cả khi chập chờn trong giấc ngủ, tôi vẫn nghĩ về Việt Nam cùng với những vấn nạn mà quê hương tôi đang chịu đựng.

 

Tôi không khoe khoang lòng yêu nước. Lòng yêu nước vốn là một tình cảm tự nhiên, chẳng có gì để gọi là khoe khoang hay cường điệụ Dải đất hình chữ S mà Chế Lan Viên ví như “một con tàu xẻ sóng”, đã chịu đựng quá nhiều đau thương bất hạnh trong suốt hàng thế kỷ chiến tranh. Với tôi, dải đất hình chữ S kia là hình ảnh của một giọt nước mắt chảy dài trong đêm tối, là bóng dáng co ro của mẹ Việt Nam đang chờ những đứa con đi xa, xa tít bên kia bờ biển rộng.

 

Tôi nghe lòng đau nhói khi được tin quê nhà bị lụt và xốn xang khi thêm một người bị bắt giam. Bao nhiêu người đã và đang chết, trong thiên tai, trong nghèo đói và trong ngục tù. Đọc bản tổng kết kinh tế thế giới hàng năm của Liên Hiệp Quốc mà tủi thẹn là một người Việt Nam. Viet Nam, Uganda, Etheopia, New Guinea và nhiều quốc gia Phi Châu còn sống trong thời kỳ bộ lạc khác, được sắp ngang hàng nhau về kinh tế. Bốn ngàn năm văn hiến, hào khí Đông A, truyền thống Diên Hồng đang ẩn khuất ở nơi đâu ?

 

Tôi thường gọi đất Mỹ nầy là đất tạm dung, trạm dừng chân của tôi và hàng triệu đồng bào tôi, trên quãng đường dài lưu lạc. Tôi đi học vì đó là chọn lựa duy nhất để có thể tồn tại và vươn lên trong xã hội Hoa Kỳ. Giống như truyền thống Quảng Nam chúng tôi ngày trước, sự chọn lựa giữa đi học và không đi học quan trọng không khác gì chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Tôi không kế thừa được hết truyền thống của tổ tiên xứ Quảng. Tôi đi học chỉ đủ để đi làm và tôi đi làm chỉ để sống, để nuôi vợ nuôi con. Tôi trả thuế cho nước Mỹ căn cứ vào những lợi tức mà tôi thu nhập được. Đó không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng theo kiểu “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã đóng góp được gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country) của cố TT Kenedy. Nước Mỹ không phải là “country” của tôi. Tôi trả thuế nhưng đó không thể gọi là đóng góp. Đóng góp hàm ý nghĩa thiêng liêng, tự nguyện trong lúc trả thuế là một điều luật pháp bắt buộc tôi phải làm nhằm trang trải cho các khoản chi dùng công cộng.

 

Ngày xưa tôi say mê kính mến Thomas Paine, Thomas Jefferson, John Adams, những người cha tư tưởng của cách mạng Mỹ. Các tác phẩm, các diễn văn của họ từng là niềm thôi thúc của thế hệ trẻ Việt Nam chúng tôi trên đường mưu tìm một giải pháp hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ thật sự về cho dân tộc Việt Nam. Những chiều nằm nghe bụng đói cào trong cư xá hay giữa bữa cơm xã hội rẻ tiền ở góc đường Triệu Đà, chúng tôi vẫn cùng nhau mơ về một đất nước Việt Nam tự do, ấm no, dân chủ. Dù đang đi giữa mùa bão lửa của quê hương, chúng tôi vẫn cố nuôi hy vọng sẽ có một Thomas Paine, một Thomas Jefferson, một John Adams Việt Nam xuất hiện. Nhưng khi đến đây và trở thành người Mỹ tôi lại cảm thấy xa cách với họ hơn khi còn ở Việt Nam. Trong suốt gần mười năm đầu sống trên đất Mỹ, tôi cảm thấy mình là người khách lạ tạm dừng chân, dửng dưng với những biến cố lớn nhỏ quanh đời sống.

 

Tôi có cảm tưởng một ngày không xa, tôi sẽ từ giã nơi đây mà không một chút gì lưu luyến. Tôi vẫn nghĩ một ngày không xa, tôi sẽ mang khăn gói về lại với rừng núi Quế Sơn, nơi tôi đã cất lên tiếng khóc chào đời. Tôi sẽ sống những ngày còn lại của đời mình dưới rặng tre già Nghi Hạ, nơi cha mẹ tôi đã gặp nhau trong một đêm huyền diệu. Ở đó, những chén nước vối Quảng Nam đã được dùng để thay cho chén rượu tân hôn của đôi trai gái thời loạn lạc.

 

Tôi có cảm tưởng một ngày không xa tôi sẽ ôm đàn về lại sân trường cũ, nơi tôi đã từng say sưa đứng hát trong những chiều Chủ Nhật của một thời tuổi trẻ xôn xao và nhiệt tình còn nóng bỏng. Ngày xưa, mỗi lần cất tiếng hát “sống với quê hương tôi, chết với quê hương tôi” của nhạc sĩ Bùi Công Thuấn, là mỗi lần tôi rưng rưng nước mắt. Đêm nằm nghe tiếng súng xa xa vọng về, tôi xót thương cho số phận một dân tộc hiền hòa phải bị chìm đắm trong chiến tranh, hận thù, tang tóc.

 

Ngày tôi đưa tay tuyên thệ làm một người Mỹ vừa được công dân hóa sau năm năm thường trú, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui, tủi thẹn nhiều hơn tự hào. Một tên Mỹ da vàng không quê hương, không tổ quốc, ngơ ngơ ngác ngác giữa quê người, có gì đáng để mừng vui. Viên thư ký sở nhập tịch hỏi tôi theo thủ tục, có muốn thay cái tên cúng cơm của tôi bằng tên Mỹ. Tôi lắc đầu. Nhiều người đã chọn đổi tên. Một số người làm như thế chỉ để dễ kiếm công ăn việc làm, nhưng cũng một số khác để chứng tỏ mình biết hội nhập vào đời sống Mỹ. Việt Nam, với nhóm người sau, đã đồng nghĩa với một thời quá vãng.

 

Với tôi, quá khứ không những còn sống hiển nhiên trong hiện tại mà sống mạnh hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy tên tôi xuất hiện trong mọi trang báo Mỹ nói về cuộc chiến Việt Nam. Tôi cảm thấy đời tôi có mặt trong mọi câu chuyện nói về sự nghèo đói và nỗi bất hạnh Việt Nam. Việt Nam của tôi không phải chỉ là những mảnh đời vụn vặt mà là cả cuộc đời, dù tôi chỉ sống ở đó hơn 20 năm. Vì vậy, khi được hỏi cần thay đổi gì về tên họ, tôi nhanh nhẹn trả lời viên thư ký là cứ để nguyên tên tiếng Việt Nam của tôi như thế.

 

Tự do không bao giờ đủ nghĩa nếu đó không phải là tự do trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn nếu đó không phải là một niềm hạnh phúc chung, cùng chia ngọt xẻ bùi với đồng bào ruột thịt của mình. Dân tộc tôi chưa có tự do, đồng bào tôi chưa có hạnh phúc, thì tự do và hạnh phúc của cá nhân tôi chỉ là một thứ tự do hạnh phúc riêng tư và ích kỷ. Có người sẽ cho rằng tôi là kẻ đạo đức giả, cường điệu, khoe khoang. Không, tôi có thể không làm được hết những điều tôi mơ ước, có thể tôi không đủ can đảm theo đuổi đến cùng những điều tôi cho là đúng, nhưng tôi yêu đất nước và thao thức về đất nước từ tận đáy lòng.

 

Tôi có cảm tưởng tự do mà tôi có trên đất nước tạm dung nầy chỉ là thứ tự do được người ta bố thí. Ngồi trên thềm tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau giờ tuyên thệ tôi làm bốn câu thơ lục bát để kỷ niệm Ngày Vô Quốc Tịch:

 

Mặt mày hớn hở vui tươi

Sao lòng nghe thẹn làm người tự do

Của nầy là của trời cho

Của ta đánh mất không lo đi tìm.

 

Boston, thành phố nơi tôi ở, chiếc nôi của cách mạng Hoa Kỳ, được dân Hoa Kỳ xem gần như là thánh địa. Nơi đây, từ bốn trăm năm trước đã có những di dân đầu tiên trên chiếc tàu Mayflower giong buồm tiến vào vịnh Provincetown, Cape Cod. Nơi đây, mỗi con đường, mỗi khu phố, mỗi căn nhà gạch ngói rêu phong là một di tích lịch sử. Tên tuổi và địa danh của những quận như Concord, Lexington, Bunker Hill đã đi vào lịch sử vẻ vang của cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay đế quốc Anh.

 

Người Mỹ không có một lịch sử dài cả mấy nghìn năm như Việt Nam và nhiều quốc gia khác nên họ rất trân quý những gì họ có. Cách nhà tôi vài con đường có một căn nhà gỗ rất sơ sài, cũ kỹ được xây từ lâu lắm. Căn nhà không có gì đặc biệt. Nếu ở Việt Nam, chắc người ta đã xô sập xuống làm củi chụm từ lâu nhưng ở Mỹ đó là tài sản quý. Căn nhà được chính phủ bỏ tiền bảo trì và săn sóc chu đáo. Mỗi năm hàng triệu người Mỹ từ khắp nơi đổ về Boston chỉ để được đi dọc theo con đường vào ngày 18 tháng 4 năm 1775, ông Paul Revere đã từng cỡi ngựa đi qua từ Charlestown Neck đến Concord, Lincoln, Lexington để báo động “Quân Anh đang đến. Quân Anh đang đến !” hay được đi dọc theo Freedom Trail, nối liền những di tích lịch sử của thành phố Boston cách mạng. Với tôi, những con đường đó cũng chẳng khác gì hàng trăm con đường chật chội khác ở Boston. Những con đường đó không thể nào so sánh được với con đường Duy Tân có hai hàng me xanh tình tự ở Sài Gòn hay đường Bạch Đằng đầy hoa phượng đỏ bên bờ sông Hàn Đà Nẵng.

 

Boston có Harvard Square, nổi tiếng với đại học Harvard và các quán cà-phê đông đúc. Trên đoạn đường chưa đến một cây số vuông đã có đến hai mươi tiệm sách, cả trăm nhà hàng và hàng chục tiệm cà-phê. Khách đêm nào cũng đông nghẹt. Đa số là sinh viên Harvard. Những thanh niên tóc tai bù xù kia biết đâu một ngày sẽ là những kiến trúc sư chính của nền văn minh nước Mỹ, những tổng thống triển vọng của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, những nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ lớn của nhân loại sau nầy. Tôi cũng ghé một đôi lần cho biết nhưng không chịu được cái không khí ồn ào ở đó. Với tôi, cà-phê ở Boston không thể nào ngon bằng cà-phê Thạch Thảo một thời ở Đà Nẵng và dĩ nhiên kém xa so với cà-phê của bà Vú ở hẻm 220 Trương Minh Giảng, Sài Gòn mà ngày xưa tôi thường thiếu nợ.

 

Như nhiều người Việt Nam khác, tôi lớn lên với một tâm bịnh mang theo từ cuộc chiến tranh Việt Nam tương tàn đẫm máu. Quá khứ đã trở thành một nỗi ám ảnh triền miên. Ngay cả căn nhà ở Dorchester, dù tôi đã mua với giá đắt, dường như cũng không phải là nhà của tôi. Nhiều lúc lái xe về ngang qua nhà mình mà vẫn quên dừng lại. Căn nhà thật sự và phần đời thân yêu nhất của tôi đã cháy trong một đêm kinh hoàng ở làng Mã Châu 30 năm trước. Hình ảnh một cậu bé 13 tuổi đứng trước ngọn lửa rực trời đang đốt cháy một phần đời đẹp nhất của cậu, đã trở thành một ám ảnh không quên được trong ký ức tôi.

 

Năm 1999, vợ chồng tôi quyết định dời sang một thành phố khác và có thể tiểu bang khác nếu công ăn việc làm thuận tiện hơn. Tôi được một hãng điện toán ở miền Tây Nam phỏng vấn bằng điện thoại. Kết quả rất khả quan. Họ hứa hẹn rất nhiều, từ việc giúp chúng tôi di chuyển cho đến việc tạm cư trong thời gian đầu. Lương bổng bằng với lương tôi đang được trả tại Boston nhưng so sánh vật giá và giá nhà cửa giữa hai vùng, đó là một mức tăng cao. Tôi mãi chần chờ. Quyết định rời khỏi tiểu bang Massachusetts, về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, là một quyết định lớn của gia đình tôi.

 

Dù sao tôi cũng đã bán căn nhà tôi đã sở hữu 12 năm cho một người quen và thuê một căn phòng ở phía Nam tiểu bang tạm sống trong khi chọn một hướng đi mới cho gia đình tôi.

 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi không thể nào ngủ được. Tôi biết rằng ngày mai gia đình tôi sẽ dời ra khỏi căn nhà nầy, nơi chúng tôi đã sống suốt 12 năm đầy ắp kỷ niệm. Tôi biết rằng ngày mai tôi sẽ xa xóm Dorchester nhỏ hẹp và chật chội nầy, nơi tôi đã sống suốt 17 năm dài đầy khó khăn, vui buồn, thử thách.

 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên tôi khám phá ra rằng nước Mỹ với tôi không còn là đất tạm dung. Cái cảm giác đêm cuối cùng, cách đây gần 20 năm khi tôi xa Sài Gòn, đã trở lại với tôi lần nữa. Căn nhà tại số 6 Thornley Street là nhà của tôi, Dorchester là thôn xóm của tôi và Boston là thành phố của tôi. Nước Mỹ đã cho tôi nhiều hơn tôi trả lại cho nước Mỹ.

 

Ân huệ mà đất nước nầy đã cho tôi không phải chỉ là tự do nhưng còn là cơ hội và hy vọng, những điều tôi đã không tìm thấy trên quê hương ruột thịt của tôi. Hy vọng không phải là giấc mơ huyền ảo mà là một điều có thực và là chất sống cần thiết để nuôi dưỡng một con người phải không ngừng tranh đấu để sống còn như tôi. Nước Mỹ gắn bó với cuộc đời tôi nhiều hơn tôi gắn bó với nước Mỹ.

 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên, tôi nghĩ về đất nước đã cưu mang tôi trong suốt gần 20 năm nhiều thay đổi của đời tôi với một tấm lòng biết ơn và trân trọng chân thành.

 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi nằm nhớ lại bàn tay người lính hải quân Mỹ của chiến hạm USS White Plains vói xuống để nhấc thân hình ốm o, đói khát của tôi lên khỏi chiếc cầu dây đong đưa bên thành tàu. Đêm đó là đêm 13 tháng 6 năm 1981. Chiếc ghe chiều dài vỏn vẹn mười thước rưỡi và chiều ngang chỉ một thước tư, sửa lại từ một chiếc ghe bầu nhỏ, đưa chúng tôi trong suốt cuộc hải hành sinh tử bắt đầu từ ấp Hải Sơn, ngoài Bà Rịa. Sau 39 giờ lênh đênh bì bõm trên biển Đông, ghe chúng tôi chết máy. Một người nào đó đã sơ ý đổ một thùng nước vào máy thay vì đổ một thùng dầu. Trời mưa lớn. Biển bắt đầu động mạnh. Một em bé bịnh nặng và đang hấp hối trong vòng tay mẹ. Em bé đã chết khi vừa lên tàu Mỹ. Nhiều người khóc thút thít. Tiếng niệm Phật hòa lẫn tiếng cầu kinh Chúa yếu ớt vọng lên từ lòng ghe. Chiếc neo nhỏ bằng một nửa chiếc niềng xe đạp trẻ em, tưởng như có thể nổi lên trên mặt nước, không làm ghe giữ được thăng bằng. Chiếc ghe lao chao trên sóng, mong manh như những chiếc ghe giấy tôi thường xếp chơi bên những vũng nước mưa hồi nhỏ, tưởng như có thể lật sấp bất cứ lúc nào. Tiếng người ói mửa, nôn ọe, khóc than. Những người còn sức khỏe đang lui cui xả nước từ trong máy. Tôi không giúp gì được. Ngồi trên sàn ghe nhìn về phía chân trời, tôi tự hỏi quê hương bây giờ đang ở hướng nào. Trên nền trời xám đen vài con chim lạc đàn đang cất tiếng kêu thê thảm. Số phận chúng cũng giống như tôi, trời đất rộng muôn phương nhưng không còn chỗ quay về.

 

Vài giờ sau, tôi nghe tiếng máy nổ và tiếng những người đàn ông trong phòng máy vui mừng la lớn. Ghe chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Tôi mệt quá nên thiếp đi.

 

Một người bạn lay tôi dậy. Ba giờ sáng. Những ngọn đèn pha cực sáng rọi vào mắt tôi. Tôi có cảm giác ghe vừa cặp vào một hải cảng. Nhưng không, bạn tôi nói có một chiếc tàu, có vẻ là tàu Mỹ, dừng lại chờ chúng tôi. Những người lính hải quân Mỹ sắp hàng trên boong tàu. Họ vói tay ẵm từng em bé, dìu lấy chúng tôi trong vòng tay trong xót thương và chan chứa tình người. Tự do mà chúng tôi có, đã đổi bằng một giá đắt như thế đó.

 

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi mới sực nhớ ra rằng, tôi chưa bao giờ nói một tiếng cảm ơn những thủy thủ đã cứu vớt tôi trong đêm hãi hùng trên biển Đông năm ấy. Lẽ ra, ít nhất mỗi năm một lần, tôi nên gởi một tấm thiệp Giáng Sinh kèm theo lời cảm ơn về địa chỉ của chiến hạm USS White Plains ở bộ Hải Quân Mỹ. Tôi tệ đến nỗi một việc làm đơn giản như thế mà 20 năm qua tôi vẫn chưa làm được.

 

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi nhớ đến bà già Mỹ ở phi trường Chicago. Bà cụ cho tôi và vài người bạn tỵ nạn đang đứng sắp hàng chờ máy bay, mỗi người một đô-la. Đồng bạc màu xanh là vốn liếng đầu tiên của tôi trên đất nước nầy. Chúng tôi ấp úng mãi mới nói được một tiếng “thank you” vụng về. Một người bạn đi cùng chuyến dùng đồng đô-la đó để mua gói thuốc lá. Chúng tôi chia nhau hút. Bà cụ nhìn chúng tôi có vẻ không vui. Tôi nhìn theo bóng bà cụ khuất dưới hành lang phi trường và cúi nhìn tờ giấy bạc như không thể nào tin trên đời nầy có một người rộng lòng như thế. Đối với cụ, vài đô-la có lẽ không quá lớn và có lẽ cụ đã cho những kẻ khó khăn khác nhiều lần hơn thế. Nhưng với những người tỵ nạn hai bàn tay trắng, đi sang Mỹ bằng đôi dép như tôi, đồng bạc đầu tiên có ý nghĩa vô cùng. Tôi biết ơn cụ. Từ nhiều năm nay, tôi không giàu có để có thể làm những việc từ thiện lớn, nhưng mỗi khi bước vào tiệm cà-phê, tiệm ăn có hộp lạc quyên của các cơ sở từ thiện, tôi thường bỏ vào đó một đô-la như một cách riêng để cảm ơn và tưởng nhớ đến cụ. Tôi kể lại câu chuyện nầy với các con tôi và dặn chúng, mỗi khi có dịp, cũng nên làm như thế.

 

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ tôi nằm ôn lại một khoảng đời 20 năm, từ hai bàn tay trắng đến khi có được một gia đình êm ấm. Hẳn nhiên nỗ lực của chính tôi không thể nào thành đạt nếu không có những cơ hội đã được mở ra từ xã hội Mỹ. Nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và mọi người đều có quyền có một American Dream (Giấc Mơ Người Mỹ).

 

Phần lớn bạn bè cùng lớp tuổi tôi đều đi học và hầu hết đã ra trường. Học ở Mỹ không khó khăn như ở Việt Nam. Học ở Mỹ không cần lý lịch, không cần phải đút lót. Học ở Mỹ cũng không cần phải vào Harvard, MIT mới gọi là vào đại học. Ông bà chúng ta thường nói “có chí thì nên”. Chí ở đây không phải dời sông lấp biển, trị quốc an dân mà là sự quyết tâm, một quyết tâm rất nhỏ. Điều đó không có nghĩa người Mỹ nào cũng có bằng đại học. Rất đông người Mỹ, dù da đen hay da trắng vẫn phải còng lưng đi làm với đồng lương tối thiểu bởi vì họ khác với chúng ta một điều: họ không có quyết tâm. Họ sinh ra giữa một xã hội quá dư thừa phương tiện nên không cần phải chọn lựa. Vì không chọn lựa nên nhiều trong số họ không có gì cả.

 

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi nghĩ về cả con đường Dorchester mà tôi mỗi ngày mấy bận đi qua. Giống như đường Santa Clara ở San Jose, Bolsa ở Nam California, Colonial ở Orlando, đường Dorchester là xương sống của xóm Dorchester chúng tôi. Bao nhiêu người đã ăn nên làm ra cũng nhờ vào con đường nầy, mặc dù không phải ai cũng biết ơn nó, không phải ai cũng nhớ tới nguồn gốc của chính mình, không phải ai cũng nhớ đến những ngày đầu tiên đi sắp hàng mua từng vỉ cánh gà, từng gói mì ăn liền bằng Food Stamps trong cái rét căm căm của miền Đông Bắc.

 

Trên con đường đó tôi đã gặp và làm quen với một bác HO già. Bác thường hay đứng trước cổng nhà tôi để đón xe đi làm tiền mặt. Chủ đưa bác đi đâu thì bác đi đó. Một hai tuần đi làm cho hãng giấy, dăm ba tuần đi làm hãng nhựa. Bác vất vả nhưng tôi chưa hề nghe bác than van. Năm nay, bác đã trên 60 tuổi. Mái tóc đã bạc phơ và bao nhiêu vết nhăn đã hằn trên khuôn mặt già nua, kết quả của những năm dài lo âu và tù tội. Tôi chợt nhớ bài thơ Người Lính Già ở San Jose tôi viết cách đây mấy năm khi chương trình HO đang trong cao điểm. Có lần tôi hỏi bác mơ ước gì nhất bây giờ, bác trả lời rất gọn: “Về nhà”, nhưng rồi bác lại nói: “Dĩ nhiên khi đất nước tự do”. Tôi tin rằng đại đa số người Việt đều nghĩ và mong muốn như bác. Tôi cũng tin rằng chúng ta dù có hàng trăm điều khác nhau, mâu thuẫn nhau, không đồng ý với nhau, thậm chí còn cằn cựa lẫn nhau nhưng trong tận đáy lòng của mỗi người Việt Nam tỵ nạn cũng đã chia xẻ một mẫu số chung quan trọng đó.

 

Khác với nhiều người khác, bác không thích nói về chuyện riêng đời mình. Khi hỏi bác về chức vụ, bác cười: “Tôi cũng như người lính già trong thơ anh thôi”.

 

Trong diễn văn nổi tiếng đọc trước quốc hội Hoa Kỳ, danh tướng Douglas McArthur đã kết luận bằng một câu danh ngôn: “Người lính không bao giờ chết họ chỉ tan dần đi mà thôi”. Người lính già ở Boston đang tan dần vào lịch sử Việt Nam trong những cách khác nhau như thế đó. Năm, mười năm sau, một trăm năm sau, hai trăm năm sau, các nhà sử học Việt Nam biết đâu lại chẳng đến con đường Dorchester đầy bụi bặm để tìm lại dấu vết của những người lính già VNCH đã tan đi như thế nào trên đất khách.

 

Trên con đường đó mỗi buổi sáng tôi đã gặp hàng trăm em bé Việt Nam sắp hàng ở góc đường chờ xe bus đưa đến trường. Những chiếc xe bus màu vàng nối đuôi nhau đưa các em đến tương lai huy hoàng của nước Mỹ. Nói như cựu tổng thống Bill Clinton, các em là chiếc cầu của tương lai hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Các em may mắn quá. May mắn lớn nhất không phải chỉ vì các em được làm công dân của một cường quốc nhưng quan trọng hơn, các em không phải sống trong những ngày cháo rau khoai sắn như hàng triệu đứa trẻ cùng thế hệ các em bên kia bờ trái đất. Các em sẽ không bao giờ hiểu thế nào về những cụm từ “kinh tế mới”, “trại cải tạo”, “kế hoạch nhỏ”, “trồng cây, trồng người”. Các em sẽ lớn tự nhiên như cỏ dại, hoa rừng, vươn lên trong cuộc đời một cách hiên ngang, không sợ hãi. Các em đâu biết rằng giờ nầy, trong cơn mưa nầy, giữa mùa đông rét mướt nầy, ở An Giang, Mộc Hóa, Cần Thơ, Rạch Giá, hàng ngàn đứa bé như các em không có một chiếc quần đùi để mặc. Các em sẽ không bao giờ thấy hình ảnh một bà mẹ dang đôi tay ốm yếu che ấm cho bốn đứa con không quần áo trong một chòi tranh ngập nước ở miền Tây. Các em sẽ không bao giờ thấy hình ảnh những bà mẹ sắp hàng chờ bán máu để kiếm tiền mua sữa nuôi con ở các ngân hàng máu Sài Gòn, Đà Nẵng.

 

Các em sẽ cố gắng học để trở nên những Eugene Trịnh, những David Ho, những thiên tài gốc Á Châu đã làm rạng danh nước Mỹ. Tôi chỉ muốn nói với các em một điều mà cách đây không lâu, một nữ học sinh đã nói trong một hội nghị về nhân quyền ở Châu Âu: “Em không bao giờ quên rằng em là người Việt Nam”. Chừng đó đủ rồi, và chừng đó cũng can đảm lắm rồi. Biết bao nhiêu người không nói lên được ngay cả những lời đơn giản đó.

 

Ngày tổ tiên chúng ta vượt sông Dương Tử cho đến bây giờ đã hơn bốn ngàn năm rồi. Em có biết rằng thân hình nhỏ nhoi, mái tóc đen, chiếc mũi tẹt, màu da vàng mà em đang có là sự tích lũy của bao nhiêu máu xương, mồ hôi, nước mắt trong suốt bốn ngàn năm di truyền của giòng giống Lạc Long. Thế hệ của tôi, của cha mẹ các em, và nhiều trong số các em, đã không chỉ vượt qua sông mà còn vượt qua cả một Thái Bình Dương bao la sóng gió để tìm đất sống. Nhưng chúng ta cũng sẽ trở về với sông Dương Tử, về với quê hương Việt Nam thân yêu các em ạ. Đất nước ta dù còn đang bị che khuất bởi đám mây đen nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ đen như thế mãi.

 

Chúng ta hãy cùng hy vọng một ngày không xa những giòng sông quê hương sẽ không còn bị những cặn bã rẽ chia, hận thù làm vẩn đục. Các thế hệ trẻ Việt Nam như các em sẽ được lớn lên trong tự do, no ấm, biết yêu thương nhau và che chở cho nhau. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, là “lá lành đùm lá rách”, là “một giọt máu đào hơn ao nước lã” chứ không phải độc tài hay thù hận.

 

Trên con đường Dorchester, tôi đã gặp những quán ăn thanh lịch, những tiệm quán dễ thương, những cơ sở thương mại tiện nghi và đa dụng. Nhưng quan trọng nhất Dorchester vẫn là nơi gặp gỡ của những người quen thân đầy ắp chân tình. Buổi sáng đi ra đường là nghe tiếng nói Việt Nam, nghe tiếng cười Việt Nam, tiếng chào hỏi Việt Nam vang lên ríu rít. Nụ cười đâu mất tiền mua nhưng tặng nhau nụ cười là món quà tinh thần quý giá nhất, làm ấm lòng nhau trong những mùa đông nơi đất khách như thế nầy. Trong những chiếc áo còn dính đầy sơn, những chiếc quần còn đóng bụi, các chị các anh đã quây quần, quấn quít lấy nhau. Cần gì phải biết tên, biết họ. Trên thế giới nầy người ta có thể giả mạo nhiều thứ, tiền bạc, máy móc, dung mạo nhưng tôi tin không ai có thể giả mạo được tiếng cười và tiếng khóc Việt Nam. Cái đẹp và chiều sâu của thành phố Boston, của con đường Dorchester không thể hiện ở chỗ nguy nga, tráng lệ, sang trọng nhưng là ở những tấm lòng của mỗi người Việt Nam đang định cư trên thành phố nhỏ nầy.

 

Nhà văn Trần Hoài Thư, một trong những nhà văn nổi tiếng trong sinh hoạt văn học Việt Nam trước và sau 1975 cũng đã yêu mến một cách say mê con đường Dorchester như chính tôi đã và đang yêu mến. Anh chị Trần Hoài Thư nhiều lần đã ghé đến đây, đã yêu và đã viết về con đường mà chúng tôi đang sống: “Mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa làm xong bài thơ nói về một thành phố đã cho tôi những cơn say rất ngọt và những đêm thức trắng trong mỗi lần tôi ghé lại. Bởi tôi đã bất lực trong việc diễn tả nỗi kỳ diệu này. Những bạn hữu đã quen rất lâu hay những người mới gặp một lần. Những tấm lòng tri âm và tri kỷ, v.v…Không phải ở Boston có MIT hay Harvard. Chúng dành cho người bản xứ, từng một thời là nơi dành riêng cho giai cấp giàu có và địa vị của Mỹ. Không phải Boston có thư viện rất nổi tiếng nằm bên bờ Đại Tây Dương, với lối kiến trúc rất tân kỳ. Cũng không phải Boston có một mùa thu tuyệt vời ở những cánh rừng ngoại ô. Cũng không phải Boston có một truyền thống văn hóa rất đặc thù từ những người tiền phong theo chiếc tàu Mayflower. Đó là chuyện của người bản xứ. Còn đối với người Việt xa xứ này, nó cũng vẫn như mọi thành phố khác. Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hóa Việt Nam. Và một khu Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn bão bùng. Bạn hữu mấy thằng trôi thất tán. Mấy thằng đợi một chuyến đò ngang…Cái mẫu số chung ấy là mẫu số của bất cứ người tị nạn nào trong chúng ta…Cám ơn Boston với những con tim kỳ diệụ Nếu không có những con tim này, tôi nghĩ, chắc chắn sẽ không có Trần Trung Đạo”.

 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.

 

 

Trần Trung Đạo

 

(Bai Chuyen)

 

website counter