NHỮNG “BA
ĐEN” CỦA NƯỚC MỸ
(HUY PHƯƠNG)
Tôi biết Ba Đen, một đứa con lai
Tây Đen, tù hình sự trong thời gian ở
trại 4, Tân Kỳ Nghệ Tĩnh. Ba Đen, năm ấy
có lẽ đã trên ba mươi tuổi
nhưng trông có vẻ thật thà ngờ nghệch.
Anh được phân công chăn hai con trâu của
đội nông nghiệp, ngoài ra còn có
nhiệm vụ chạy việc vặt, nấu nước,
đào sắn hoặc “mua bán đổi
chác” cho những tên quản giáo, vệ
binh thường tụ tập ngoài nhà lô. Ba
Đen dễ tính, lúc nào cũng cười
hềnh hệch khoe hai hàm răng đều đặn
trắng nhỡn, chắc cũng chẳng giận hờn
ai hay biết buồn bã là gì.
Ba Đen sinh ra trong một góc làng biển
miền Bắc nào đó, nhưng sống
còn và lớn lên nhờ khoai sắn nhà
tù và trôi giạt trong các trại “cải
tạo” miền Bắc. Hỏi anh quê quán ở
đâu, anh cũng không hay biết, hỏi mẹ
anh nơi nào, anh lắc đầu, hỏi hạn
tù của anh, anh cũng chỉ cười. Số phận
anh chỉ là một mảnh đời lai Tây
Đen, nghĩa là một thứ cặn bã phải
khai trừ trong xã hội miền Bắc, khi nhà
nước không thể giết thả trôi
sông thì phải khoan hồng cho vào trại
“cải tạo” suốt đời. Tôi
không hiểu nổi vì sao Cộng Sản miền
Bắc sợ một ngày Tây trở lại
nên phải gom những đứa con lai vào
nhà tù, tôi cũng không hiểu rằng
vì sao chính quyền Cộng Sản lại có
lối trả
thù bần tiện
như thế đối với những đứa con lai.
Khi chúng tôi lên xe chuyển trại, Ba
Đen vẫn còn đó. Những sự đến,
đi, chắc không làm cho tâm hồn Ba Đen
vướng bận điều gì. Anh sống một
cuộc đời an phận, lấy nhà tù
khép, mở ấy làm nhà, những con
trâu đen lầm lũi gặm cỏ làm bạn.
Không có một quê quán, không có một
nơi chốn để về; không cha không mẹ,
không vợ không con, không có lấy một
người thân thuộc; trong túi không có
một mảnh giấy lộn, làm sao một người
như Ba Đen lại hy vọng một ngày kia cầm
một tờ giấy ra trại, dù sau đó phải
bị “quản chế” năm, mười năm
hay suốt cả cuộc đời.
Rời Tân Kỳ đã 28 năm, thỉnh
thoảng tôi còn nhớ đến hình ảnh
Ba Đen, chiếc nón lá, bộ áo quần
tù, chiếc roi tre phe phẩy trên tay và nụ
cười rộng mở của anh. Anh em tù
chính trị về Nam
cả rồi, nhưng trại tù ở miền Bắc
thì không thiếu, thôi thì đâu cũng
là nhà. Mai kia khi chết, anh sẽ được
đưa lên đồi sắn như mọi tên
tù khác, không bận chút lòng
thương tiếc cho ai. Đó là số phận
của những đứa con lai của miền Bắc
Xã Hội Chủ Nghĩa.
Trong Nam,
những ngày đó xã hội phong kiến cũng
không cho những đứa con lai một chỗ đứng
như những đứa trẻ bình thường.
Trong giai cấp giàu có, trưởng giả, phần
lớn những đứa trẻ ra đời không
chuẩn bị, đều bị bà con láng giềng
ném những cái nhìn thiếu thiện cảm,
nếu không nói là pha chút khinh khi, dè
bỉu. Những danh từ “me tây”, “me Mỹ”
dành cho mẹ chúng nó, thì những đứa
con lai là lũ không cha. Vào thời Hoa Kỳ
tham chiến ở miền Nam, những người
lính viễn chinh đã tạo cho xã hội
miền Nam những thành phần “bán ba”,
“làm sở Mỹ, “me Mỹ” đến
“con lai Mỹ”. Lối xóm, gia đình
có thể mang một bộ mặt hòa hoãn
bên ngoài nhưng bên trong vẫn có ý
nghĩ xem thường, giàu có, sang trọng bị
ganh ghét, nghèo khổ bị khinh khi.
Những người mẹ con lai Mỹ thuộc giai
cấp nghèo khó thì con cái thất học,
không ít trẻ vướng cảnh bụi đời
lang thang, làm những nghề đơn giản,
ít tiền như đánh giày, bán
báo. Những đứa trẻ con lai bị bỏ
bê không ai ngó ngàng tới, thường tụ
tập với nhau ở góc phố, vườn hoa,
không ít đứa lâm vào cảnh nghiện
hút, trộm cắp. Cộng Sản vào được
tới miền Nam
thì chúng ta lại có thêm nhiều Ba
Đen, tuy không bị đưa vào trại tập
trung, nhưng cuộc sống dành cho các em
càng ngày càng tồi tệ. Chính trong
lúc đó, chính sách cho con lai Mỹ về
với quê cha đã cho các em lai ra khỏi tuyệt
lộ, đưa các em về đến nơi
có tự do, cơm no, áo ấm. Đây cũng
là lúc các em, một phần nào
được phục hồi danh dự. Trong thời gian
này, nhiều trẻ em lai là tấm giấy
thông hành xuất ngoại bị nhiều gia
đình lợi dụng, sau đó khi đến
nơi, đã bị vất bỏ một cách
không thương tiếc.
Vì ở Việt Nam ít được
học hành, sang đến quê cha, các trẻ
em lai gia nhập vào đời sống Mỹ một
cách khó khăn. Phần lớn đều sớm
lăn lưng ra đời kiếm sống. Người Mỹ
không xem các em là người của họ,
trong khi Việt vẫn xem chúng là những đứa
con lai. Trừ một ít cá nhân thành
công trên một vài địa hạt trong cộng
đồng người Việt, còn phần lớn phải
nói vẫn sống cuộc sống bình thường
và không khỏi bị đối xử kỳ thị.
Trên văn bản, các em vì có cha là
dân Mỹ nên các em mới được
chính phủ Hoa Kỳ cho đến định cư
tại đây, nhưng các em lại không
được coi là công dân Hoa Kỳ mặc
dầu cha các em đã là công dân Mỹ.
Đó là sự nghịch lý, mà nhiều em con lai mặc dầu
đã đến Hoa Kỳ từ lâu vẫn
chưa có quốc tịch. Vì sao những đứa con của công
dân Mỹ sinh tại Hoa Kỳ được công
nhận quốc tịch mà những đứa
khác sinh lạc loài ở ngoại quốc lại
mang một số phận hẩm hiu khác.
Gần đây, tôi không nhớ là
đã nghe một thông báo đâu
đó mời anh chị em con lai đến dự một
buổi họp tranh đấu cho việc vận động
với các vị dân cử để có
được một dự luật cho phép con lai Mỹ
được miễn thi nhập tịch Hoa Kỳ.
Vào thời điểm này, lúc mà
các em con lai đã đến đây hơn
mười năm rồi, có em vẫn chưa
được vào quốc tịch, vì Anh ngữ
kém, không ai hướng dẫn, hay sống những
vùng ít người Việt cư ngụ ? Con số
này có thể không lớn lắm nhưng
rõ ràng là một vết thương chưa
được săn sóc. Chỉ là một
thường trú nhân, các em không được
bảo vệ và có thể bị trục xuất
khi gặp phải rắc rối với luật pháp tại
nước này. Đã có một thời gian
dài các em
sống gần như bên lề xã hội trên
quê mẹ, bây giờ lại không được
dung nạp ở quê cha.
Chiến tranh đã chấm dứt gần bốn
mươi năm nhưng hậu quả của nó vẫn
còn dai dẳng. Sau cuộc chiến, nước Mỹ
cũng đã can đảm, trong tinh thần nhân
đạo, cứu vớt bao nhiêu người khốn
khổ trong chế độ mới, như chương
trình định cư cho người tù
chính trị, con lai, vượt biển ... Tuy vậy
trong phần còn lại, chúng ta còn cần cố
gắng để thích nghi với cuộc sống mới,
và nếu cần, phải tự tranh đấu cho
chúng ta.
Điều đòi hỏi cho con lai Mỹ
đương nhiên là công dân Mỹ,
là một đòi hỏi rất chính
đáng của những đứa con đã
tìm về đất cha. Xin hỗ trợ cho các
em, những người đã “lạc loài
trên đất mẹ”, nay lại gặp sự
“lạnh lùng ở quê cha”.
Huy Phương
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)