TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M [tt]

Home | HUY PHU'O'NG | HUY PHU'O'NG [tt] | HUY PHU'O'NG 1 | HUY PHU'O'NG 2 | HUY PHU'O'NG 3 | HUY PHU'O'NG 4 | HUY PHU'O'NG 5 | HUY PHU'O'NG 6 | HUY PHU'O'NG 7 | HUY PHU'O'NG 8 | HUY PHU'O'NG 9 | HUY PHU'O'NG 10 | HUY PHU'O'NG 11 | HUY PHU'O'NG 12 | HUY PHU'O'NG 13 | HUY PHU'O'NG 14 | HUY PHU'O'NG 15 | HUY PHU'O'NG 16 | HUY PHU'O'NG 17 | HUY PHU'O'NG 18 | HUY PHU'O'NG 19 | HUY PHU'O'NG 20 | HUY PHU'O'NG 21 | HUY PHU'O'NG 22 | HUY PHU'O'NG 23 | HUY PHU'O'NG 24 | HUY PHU'O'NG 25 | HUY PHU'O'NG 26 | HUY PHU'O'NG 27 | HUY PHU'O'NG 28 | HUY PHU'O'NG 29 | HUY PHU'O'NG 30 | HUY PHU'O'NG 31 | HUY PHU'O'NG 32 | HUY PHU'O'NG 33 | HUY PHU'O'NG 34 | HUY PHU'O'NG 35 | HUY PHU'O'NG 36 | HUY PHU'O'NG 37 | HUY PHU'O'NG 38 | HUY PHU'O'NG 39 | HUY PHU'O'NG 40 | HUY PHU'O'NG 41 | HUY PHU'O'NG 42 | HUY PHU'O'NG 43 | HUY PHU'O'NG 44 | HUY PHU'O'NG 45 | HUY PHU'O'NG 46 | HUY PHU'O'NG 47 | HUY PHU'O'NG 48 | HUY PHU'O'NG 49 | HUY PHU'O'NG 50 | HUY PHU'O'NG 51 | HUY PHU'O'NG 52 | HUY PHU'O'NG 53 | HUY PHU'O'NG 54 | HUY PHU'O'NG 55 | HUY PHU'O'NG 56 | HUY PHU'O'NG 57 | HUY PHU'O'NG 58 | HUY PHU'O'NG 59 | HUY PHU'O'NG 60 | HUY PHU'O'NG 61 | HUY PHU'O'NG 62 | HUY PHU'O'NG 63 | HUY PHU'O'NG 64 | HUY PHU'O'NG 65 | HUY PHU'O'NG 66 | HUY PHU'O'NG 67 | HOÀNG LONG HA?I | HOÀNG LONG HA?I [tt] | HOÀNG LONG HA?I 1 | HOÀNG LONG HA?I 2 | HOÀNG LONG HA?I 3 | TIÊ?U TU'? | TIÊ?U TU'? [tt] | TIÊ?U TU'? 1 | TIÊ?U TU'? 2 | TIÊ?U TU'? 3 | TIÊ?U TU'? 4 | TIÊ?U TU'? 5 | TIÊ?U TU'? 6 | TIÊ?U TU'? 7 | TIÊ?U TU'? 8 | TIÊ?U TU'? 9 | TIÊ?U TU'? 10 | TIÊ?U TU'? 11 | TIÊ?U TU'? 12 | TIÊ?U TU'? 13 | TIÊ?U TU'? 14 | TIÊ?U TU'? 15 | TIÊ?U TU'? 16 | TIÊ?U TU'? 17 | TIÊ?U TU'? 18 | TIÊ?U TU'? 19 | TIÊ?U TU'? 20 | TIÊ?U TU'? 21 | TIÊ?U TU'? 22 | TIÊ?U TU'? 23 | TIÊ?U TU'? 24 | TIÊ?U TU'? 25 | TIÊ?U TU'? 26 | TIÊ?U TU'? 27 | TRÂ`N NGUYÊN -DÁN | TRÂ`N NGUYÊN -DÁN [tt] | TRÂ`N NGUYÊN -DÁN 1 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N [tt] | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 1 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 2 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 3 | TU'O?NG NA(NG TIÊ'N 4 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 5 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 6 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 7 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 8 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 9 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 10 | TU'O'?NG NA(NG TIÊ'N 11 | TRÂ`N TRUNG -DA.O | TRÂ`N TRUNG -DA.O [tt] | TRÂ`N TRUNG -DA.O 1 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 2 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 3 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 4 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 5 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 6 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 7 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 8 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 9 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 10 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 11 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 12 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 13 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 14 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 15 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 16 | TRÂ`N TRUNG -DA.O 17

HOÀNG LONG HA?I 2

Đời Có Những Điều Vui

 

Đời Có Những Điều Vui !

(Hoàng Long Hải)

 

 

Tôi có “triết lý” sống của tôi. Nói triết lý là theo cách các triết gia. Nói theo giọng Bắc là “triết ra”, nên nó phải có “triết vào”. Còn nói theo cách nhà văn thì đó là quan điểm sống. Tôi không dùng cả hai tiếng đó. Tôi có cách nhìn cuộc sống theo con mắt của tôi.

 

Cách nhìn đó, bao giờ cũng có chút vui vui, khó quên nhất là năm tôi học đệ Tam, ở một lớp nam nữ học chung.

 

Trước mặt tôi là ba bàn con gái. Bàn thứ ba, ngay trước bàn tôi là năm đứa con gái, con nào cũng học giỏi, có đứa giỏi “toàn diện”. Ấy là nói theo cách “Việt Cộng”. Nói theo cách chúng tôi hồi đó là môn nào cũng giỏi, cũng xuất sắc.

 

Tôi là học trò học hành “ba lơi khơi”, ham vui, ham chơi. Ở lớp, tôi không bao giờ ngồi yên một chỗ, cứ ngọ nguậy, nhúc nhích, bị thầy cô rầy hoài; huống gì ở nhà, làm sao ngồi yên hằng giờ mà học bài. Dĩ nhiên, tôi ít thuộc bài. “Thảm cảnh” là bắt nguồn từ đó, với một ông thầy già, khó tánh, dạy sử.

 

Một hôm, ông gọi tôi, cho đứng tại chỗ, rồi hỏi:

- “Ông nào nối ngôi ông Mặc Đăng Dung ?”

Cái nầy là chết tôi ! Ông Mặc Đăng Dung làm vua hồi nào tôi còn không nhớ, nói chi tới con ông ! Tôi đứng im, giả bộ suy nghĩ. Một con nhỏ ngồi ngay bàn trước, nhắc chừng “Mạc Đăng Doanh”. Khổ nỗi ba tôi tên là Doanh. Bọn trong lớp, giống như các bậc “tiền bối” thường đem tên cha mẹ ra đùa, chưởi khéo nhau nên tôi tưởng lầm con nhỏ nầy cũng thuộc loài “hỗn láo” như vậy. Tôi trừng mắt nhìn nó. Ngồi bên cạnh con nhỏ lúc nãy là con Long, nhìn lui tôi. Thấy tôi trừng mắt, nó bèn nói với bạn: “Mặc kệ nó !” Tôi chỉ nghe được hai tiếng mặc kệ. Tưởng là nó nhắc mình vì xưa nay, con nhỏ nầy ít khi đùa bậy, nên tôi nói ngay:

- “Thưa thầy, nối ngôi Mặc Đăng Dung là Mặc Kệ !”

Bữa đó, cả lớp được một trận cười vỡ bụng, còn tôi thì muốn độn thổ cho rồi.

 

Chưa hết đâu. Để rửa mặt mình. Những tuần sau, tôi cố học lịch sử cho thuộc để thầy và bạn phục chơi. Thầy lại hỏi về việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn, tôi bèn trả bài làu làu về việc Bùi Thị Xuân, trước khi bị hành hình bằng cách cho voi chà, bà lấy vải vấn quanh mình thật chặt, sợ khi chết đi, thân thể lõa lồ. Khi con voi xông tới, hai con bà sợ khóc ré lên, bà an ủi và khuyên các con đừng sợ …

 

Cả lớp, ai ai cũng chỏng tai mà nghe một cách thích thú câu chuyện bà Bùi Thị Xuân bị hành hình. Bỗng thầy hỏi tôi:

- “Anh có biết hai con bà Bùi Thị Xuân tên gì không ?”

Chết ! Cái nầy thì chết! Tôi có thấy trong bài nói con bà Bùi Thị Xuân tên là gì đâu ?! Bỗng “con nhỏ Mặc Kệ” hôm trước, nhắc tôi:

- “Bùi Như Lạc.”

Tin tưởng tụi nó đàng hoàng, không như lần trước là do tôi lớp chớp. Vả lại, con nhỏ nầy thuộc loại giỏi toàn diện, cái gì nó cũng biết nên tôi rất tin nó, nói ngay:

- “Thưa thầy, một đứa tên là Bùi Như Lạc.”

Ông thầy già vẫn bình tĩnh:

- “Ai nói với anh tên Lạc ?” Một lúc, ông lại nói: “Tôi còn không biết tên là gì. Sao anh biết nó tên là lạc hay đậu phụ!”

Cả lớp lại thêm một trận cười.

 

Tới giờ nghỉ, tôi cự nự “con nhỏ Bùi Như Lạc”: “Long chơi mình đấy, đem mình ra làm trò cười cho cả lớp.” Mấy con bạn nó nói vô: “Có bùi thì phải có lạc chớ còn gì nữa ?” Con gái đanh đá thật !

 

Và rồi tôi bỏ học, đăng lính. Có phải vì những trận cười đó, vì mấy con nhỏ đó. Tôi không suy nghĩ rắc rối để trách cứ người nầy, người nọ. Đi lính là việc tôi chọn.

 

Lấy học bạ lớp đệ Nhị trường công của ông anh, tôi đi trung sĩ, có nghĩa là vào trường Hạ Sĩ quan. Ra trường, tôi được chọn về Hành Chánh-Tài Chánh. Có lẽ máy tính điện tử cũng có khi chạy lộn, tính sai, chớ một người học hành như tôi, tính tình như tôi mà về ngành Hành Chánh-Tài Chánh là máy chạy sai hoàn toàn chớ gì. Khi học chuyên ngành, tôi đã khổ mà ra đơn vị, tôi bực mình hơn.

 

Anh chàng thiếu úy xếp của tôi là một anh cà chớn. Trước hết là anh ta “Mục hạ vô nhơn.” Anh ta đang học cao học kinh tế thì bị động viên, nên khi vào quân đội, anh ta chẳng khen ai gỉỏi và cũng chẳng tôn trọng ai. Dĩ nhiên, trong các nạn nhân của anh ta, có tôi. Làm việc với một người mà mình bị coi khinh, cho là dốt thì vui thế nào được. Việc vào sở, đối với tôi là một cực hình. Hồi trước đi học, dù học dốt, ít khi thuộc bài, nhưng dù sao cũng có bạn, có đứa giỏi đứa dốt. Vả lại, hết giờ học, giỏi dốt đều như nhau, vui chơi với nhau. Còn đây thì hoàn toàn khác.

 

Một hôm, đến sở, tôi thấy anh thiếu úy xếp tôi đang cãi lộn với ông thiếu tá, xếp cao hơn. Thấy chuyện trái tai gai mắt, tôi vào trận. Kết quả là anh ta đánh sao lại tôi. Tôi cho một trận khiến anh ta phải vào bệnh viện. Nhưng anh ta có cái dù. Cái dù đó là ông đại tá chánh sở, mà vợ ông là chị ruột anh chàng nầy. Nhất vợ nhì trời. Tục ngữ nói vậy. Ông “đại tá nhất vợ nhì trời” nghe lời vợ bèn đưa tôi ra hội đồng kỷ luật, đuổi ra bộ binh, Sư Đoàn 1, vùng giới tuyến. Không phải sợ đi xa, không phải sợ vùng hỏa tuyến, nhưng quả thật là tôi bất mãn quân đội nên tôi “can tội đào ngũ.”

 

Về nhà được vài tuần, tôi thấy ở nhà là không xong. Ở đời, có ai ăn không ngồi rồi mà không sinh chuyện ? Thầy thì dạy “Nhàn cư vi bất thiện”. Rõ ràng tôi đang nhàn cư, tuy không làm gì bất thiện nhưng mọi việc coi như là không xong: Ăn xong không làm gì là không xong. Ngày ngày ngồi quán càphê và vào tiệm bi-da là không xong. Thanh niên tới tuổi “quân dịch quân gà” mà không đi lính là không xong. Không có công ăn việc làm là không xong. Ngày ngày xin má ít chục uống càphê để cà nhỏng là không xong. Chưa biết tính toán ra sao thì gặp thằng bạn cũ, hồi học tiểu học.

 

Anh bạn tôi trông oai lắm: Đầu đội mũ bê-rê màu xanh lá cây đậm, áo quần rằn ri màu rong cọp biển, giày “xô” láng bóng, ngực một hàng huy chương, vai đeo giây biểu chương, lon hạ sĩ nhứt; đi, ngồi đứng chững chạc, oai phong, đúng tác phong nhà binh. Hỏi đi đâu, anh ta bảo: “Bữa nay trình diện bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, tối vào dinh Độc Lập dự tiệc và lãnh quà “Chiến sĩ xuất sắc”. Ba tháng trước, thắng một trận lớn, vừa được huy chương vừa lên lon.

 

Ngồi uống càphê với bạn cũ, tôi thấy phiền cho số phận mình. Tại sao đời lính tôi buồn bực vậy, mặc dù chỗ tôi làm thì ai cũng ưa. Còn bạn tôi, với bộ áo quần đang mặc trên người thì đúng là vào sinh ra tử mà anh ta vẫn vui tươi như vậy. Tò mò, tôi hỏi bạn:

- “Tại sao mày đi ngành nầy ?”

- “Trai thời loạn”. Không đi ngành nầy thì đi ngành gì ?” Bạn tôi trả lời, “tỉnh bơ”.

- “Có nguy hiểm lắm không ?” Tôi hỏi.

- “Nguy thì có nguy, nhưng nghĩ cho cùng, láng cháng ở giữa Saigon nầy, xe đụng chết hằng ngày cũng dễ dàng vậy. Hơi đâu mà lo. Ở đó, mình có đồng đội. Lính tráng thương yêu nhau lắm.”

Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi tình nguyện đăng vào Thủy Quân Lục Chiến. Binh chủng, người miền Nam gọi là “Cọp Biển”, Việt Cộng gọi một cách buồn cười là “Lính thủy đánh bộ.”

 

Vào đây rồi, tôi thấy đời có nhiều cái hay lắm. Trước hết là anh em không bỏ nhau. Chúng tôi đi hành quân rất thường, có khi hàng tháng, nhưng rất lè phè. Tuy nhiên, đang hành quân, có súng địch nổ, không bao giờ chúng tôi bỏ chạy, lại càng không bao giờ bỏ đồng đội mà chạy. Phản ứng rất nhanh, tự mình phản ứng chống lại địch, tìm ngay một chỗ núp và phản công. Vừa nổ súng về phía địch, chúng tôi vừa tìm hướng súng của bạn mình mà tìm đến nhau; yểm trợ, bảo vệ cho nhau. Vì vậy, Việt Cộng không mấy khi ăn được chúng tôi, ngoại trừ khi chúng nó đông quá, tràn ngập đơn vị. Nhưng chuyện đó khó xảy ra vì hành quân ở đâu, chúng tôi biết rõ tình hình địch như thế nào ! Những người lính như chúng tôi, sống còn, phần lớn là nhờ vào tinh thần ấy.

 

Ra đơn vị hơn tuần lễ, tôi được thăng lên cấp chỉ huy. Chẳng có gì đâu. Lính tráng, phần đông tụi nó ở nhà quê, lanh lợi hay chậm lụt, khôn hay dại, thảy đều là dân quê, làm sao nhạy bén, lanh lẹ như tôi là dân Saigon. Vì vậy, sau tuần đầu tiên, tôi được chọn làm trưởng toán gồm ba đứa. Canh gác, phục kính, hành quân, ăn ngủ, chúng tôi chia phiên nhau, do tôi chỉ huy. Sau đó, nhờ lanh lợi và kinh nghiệm, “đời binh nghiệp” tôi lên nhanh: Tiểu đội phó, tiểu đội trưởng, trung đội phó và cũng từ “đơ dèm cùi bắp”, tôi lên binh nhứt, hạ sĩ, hạ sĩ nhứt rồi tôi bị thương.

 

Ngày đơn vị tan hàng ở miền Trung, tôi đang nằm bệnh viện ở Saigon. Tôi ức lòng lắm. Đánh giặc gì mà lạ kỳ vậy. Súng chưa nổ đã chạy. Mấy năm lính, đơn vị tôi có bao giờ vậy đâu. Súng nổ là phản ứng ngay, nếu như địch nổ súng trước. Có chạy là chạy đuổi theo chúng nó, đuổi riết khiến chúng nó phải quăng súng mà chạy, mình lượm về báo cáo, không lấy huy chương thì ít ra cũng bằng tưởng lệ. Làm gì mà bỏ súng để cho địch đuổi mình vô tới Saigon ?!

 

Ông Dương Văn Minh đầu hàng rồi, tôi từ quân y viện về nhà, vết thương đã lành hẳn. Một tháng sau, hai người bạn thân tới rủ tôi đi “phục quốc”. Chỉ huy chúng tôi là đại úy Dũng, Biệt Động Quân. Đi thì đi, sợ gì ! Nỗi ấm ức tháng Tư chưa đánh đã chạy còn nặng lòng tôi lắm. Tôi phải đi cho nhẹ lòng mình.

 

Vô tới rừng Long Khánh, vài tuần lễ, tôi thấy mọi việc đều không xong. Điều quan trọng nhất là không có ai tiếp tế. Súng thì do chúng tôi tìm lượm các súng cũ, nhưng đạn thì không đủ, không có ai tiếp tế, chuyển vận tới. Lương thực cũng không, nói chi tới quân trang, quân dụng. Tụ tập nhau trong rừng, chúng tôi tự tìm lấy cái ăn trong những nhà dân gần rừng. Nhưng dân cũng chẳng có gì để ăn, huống gì chúng tôi. Những gì đại úy Dũng nói đều sai hết, không có. Tôi đoán đại úy Dũng cũng vì tinh thần mà hứa hẹn vậy chớ ông ta cũng chỉ có một tấm lòng đối với đất nước như anh em chúng tôi vậy thôi. “Trai thời loạn” hồi chế độ cũ chưa sụp đổ xem ra dễ dàng hơn cái “Trai thời loạn” đời bây giờ nhiều lắm.

 

Dĩ nhiên, chúng tôi bị Việt Cộng đánh đuổi, một số bỏ về, còn lại bị bắt. Trong số bị bắt có tôi. Với chính quyền mới, gọi là “cách mạng”, tôi can tội: Phục quốc. Phục quốc là phục hồi tổ quốc của mình, sao gọi là can tội ? Nó cũng giống như các anh em cùng trại: Người can tội đại úy, người can tội thiếu úy, người can tội trung sĩ Cảnh Sát, người can tội cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, v.v… Nhìn chung, đó là những tội buồn cười.

 

Ở trong trại, bọn “can tội” như chúng tôi cũng không chịu ở yên. Phần đông chúng tôi có máu văn nghệ, ưa hát nhạc vàng, cũng có khi hát nhạc “cách mạng Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” và không ít đứa ưa ca cải lương.

 

Cũng bởi cái máu văn nghệ đó, chúng tôi tham gia đội văn nghệ để trình diễn nhân dịp tết năm 1978. Tối 30 tết, trình diễn xong, sáng mồng một tết, được nghỉ lao động, chúng tôi tự động tổ chức - Có nghĩa là không được phép của trại - chúng tôi tổ chức “Mẹ Việt Nam đi thăm các con đang bị tù”. Chuân, thanh niên đẹp trai, trắng trẻo, trông như con gái, người chúng tôi thường gọi đùa là “Người đẹp đái đứng” mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần lĩnh đen, giả làm “Mẹ Việt Nam” đi thăm từng nhà, hết nhà nầy qua nhà khác. Mỗi nhà chứa khoảng 150 tù nhân. Gần một chục nhà như vậy, “Mẹ Việt Nam” đi thăm từng nhà, có ban nhạc thổi kèn đánh trống rước mẹ đi. Tới nhà nào, mẹ cũng đứng trên ghế cao, chúc các con sức khỏe, chóng trở về sum họp với gia đình, sống cuộc đời dân chủ, tự do… Các con của mẹ đứng lên hò reo cám ơn mẹ, rồi hát lời chào mừng: “Mẹ Việt Nam ơi ! Mẹ Việt Nam, chúng con xin nguyền …”

 

Cả buổi sáng hôm đó chúng tôi vui lắm. Sau khi mẹ đi thăm các con về, chúng tôi mang quà gia đình thăm nuôi, đem ra nấu nướng ăn uống với nhau. Bọn Công An Việt Cộng chỉ đứng quanh ngoài hàng rào, chẳng tên nào động tĩnh gì, chẳng tên nào la mắng, hạch sách gì chúng tôi, ngay các tên công an quản giáo cũng vậy.

 

Ngày thứ ba, một số người được gọi lên văn phòng để “làm việc”. Những người được gọi đi làm việc nầy phần đông là những người hàng đầu trong việc tổ chức “Mẹ Việt Nam đi thăm và chúc tết các con”. Trước hết là ông bầu văn nghệ, tức là anh trưởng ban, rồi tới người đóng vai mẹ Việt Nam; ban nhạc thì gồm có người đánh trống và người thổi kèn clarinette rước mẹ đi, mấy anh lăng xăng chạy hiệu. Tất cả những người được gọi đi đều không về, vào cát-xô (cachot) hết cả.

 

Tên trại trưởng là một tay cáo già trong nghề giữ tù. Những ngày đầu, y bất động, không có thái độ gì hết, nhưng sau đó thì y bắn tỉa dần dần.

 

Sáng mồng năm đi lao động như thường lệ. Các đội tập họp ở tại sân, nhưng khi trên loa, cán bộ công an gọi từng đội đứng lên đi lao động thì Huề, nguyên là binh nhứt Nhảy Dù, cũng “can tội phục quốc” như tôi, đứng lên kêu gọi anh em không đi lao động hôm nay nếu trại không thả những người bị bắt mấy hôm vừa rồi ra khỏi cát-xô. Không khí căng thẳng ngay lúc đó.

 

Bọn Công An báo động, thổi còi, đánh kẻng, chạy lui chạy tới rần rần và cuối cùng, chúng dàn hàng ngàng trước mặt chúng tôi, súng đặt trên vai, sẵn sàng nhả đạn.

 

Bấy giờ thì tên trại trưởng vào, đứng khá xa chúng tôi, chung quanh nó có mấy tên Công An cầm súng đứng bảo vệ nó. Y cầm micro nói chuyện với chúng tôi, rằng việc mấy người bị bắt nhốt không dính líu gì tới việc vui chơi hôm tết cả. “Việc các anh vui xuân, chúng tôi rất hoan nghênh !” Sở dĩ họ bị giữ lại là vì có thư tố cáo họ có âm mưu trốn trại. Sự việc đang được điều tra. “Chúng tôi hứa sẽ điều tra rất nhanh, chỉ trong vài hôm là kết thúc. Nếu quả thật thư tố cáo là sai lầm, chúng tôi sẽ cho họ về ngay với các anh. Không có gì các anh phải lo lắng cho họ. Tôi nhân danh trại trưởng hứa với các anh như vậy. Bây giờ các anh phải đi lao động. Không thể có một ngày chúng ta ăn mà không làm. Đó là chế độ xã hội chủ nghĩa. Lao động là để trả lại công lao cho nhân dân đã chăm sóc nuôi nấng chúng ta …”

 

Anh em xôn xao, giao động, và rồi cán bộ gọi từng đội, lần lượt từng đội đứng lên đi lao động hết. Cuối cùng, ở giữa sân, chỉ còn lại một mình … Huề. Bốn tên Công An lực lưỡng đi vào, vây Huề lại, vật anh ta xuống, còng tay, dẫn đi … Một anh tù như Huề, đói ăn, ốm nhom, yếu sức, chống sao lại lũ côn đồ.

 

Cuộc đấu tranh coi như xong. Những người bị nhốt, thay vì được tha, đều bị chuyển trại hết, mỗi người một nơi khác nhau. Bây giờ thì ai cũng biết rõ ràng trại trưởng đúng là thằng đệ nhứt hạng nói láo.

 

Sau 5 năm “tù phục quốc”, tôi cùng được tha một lần với Huề, chúng tôi cùng về Saigon.

 

Trách nhiệm đối với tổ quốc, đồng bào, tôi coi như thế là xong, trả nợ rồi. Hơn bốn năm lính, năm năm tù, cộng chung gần mười năm. Mười năm mồ hôi nước mắt, gian khổ và xương máu. Còn gì nữa mà thắc mắc. “Em ơi sáu mươi năm cuộc đời …” tiêu pha hết mười năm gian khổ và nguy hiểm nhứt. Vậy là thôi nhé, tổ quốc đừng kêu gọi gì tôi nữa nhé ! Ông Kennedy bảo rằng đừng hỏi tổ quốc làm chi cho ta, hãy hỏi ta làm gì cho tổ quốc. Câu nói hay quá nhưng xem ra, so với câu ấy, tôi chưa đòi hỏi tổ quốc làm gì cho tôi cả; tổ quốc có hỏi tôi làm gì thì tôi đã làm rồi đấy: Mười năm, quá đủ !

 

Nói vậy chứ mỗi ngày ra đường, thấy đồng bào, thấy xã hội, đất nước, tôi cũng đau lòng lắm ! Việt Cộng đã biến tổ quốc thành ra tổ … cò. Dễ hiểu thôi. Chúng nó có gọi là tổ quốc đâu ! Chúng nó gọi theo giọng Bắc là tổ cuốc đấy. Ở Saigon làm sao thấy chim cuốc, nhưng từ nội thành ra ngoại thành, từ thành thị ra thôn quê, từ đồng bằng lên núi cao, đi đâu cũng thấy toàn là cuốc. Đi đâu người ta cũng thấy khẩu hiệu, biểu ngữ: “Lao động là vinh quang”. Người ta thêm vào một cái đuôi cho đủ lệ bộ, sổ sách: “Lao động là vinh quang, cuốc là số 1”.

 

Tôi từ trại tù về sống ở Saigon trong cái khung cảnh ấy đấy. Và làm gì để sống bây giờ ?

 

Ban đầu, ngày ngày tôi ra ngoại ô, tìm một chỗ đất hoang để trồng khoai mì, một nghề tôi học được trong cái gọi là “trại học tập cải tạo” mà không gọi là trại tù.

 

Sống dưới chế độ Việt Cộng, người dân có một kinh nghiệm rất vững chắc, để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” là phải biết trồng khoai mì, biết ăn khoai mì, và chế biến khoai mì … Công việc nầy, trong trại tù cải tạo, đã thành bài hát: “Tổ quốc ơi ! Ta yêu người mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta xây dựng bằng mười.” Bài hát ca ngợi “Mùa xuân đại thắng” và nhắc lại lời hứa của “Bác Hồ muôn vàn kính yêu của … Nông Thị Xuân” là “Thắng giặc Mỹ, ta xây dựng bằng mười ngày nay.” Đây là bài hát … nịnh. Người ta cải biến thành một bài hát với đầy đủ ý nghĩa và thực tế xã hội như sau: “Tổ quốc ơi ! Ăn khoai mì mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta ăn độn dài dài …”

 

Trồng, thu hoạch và ăn khoai mì, chuyện đó 30 giây. Nhưng chế biến khoai mì thì “phát huy sáng kiến”; ngoài luộc, nướng, chúng tôi mài, hấp để làm bánh khoai mì. Ăn mãi luộc hay bánh cũng chán, khi có thăm nuôi, có người cắt ít lát “con lạp xường” (1) bỏ lên mặt. Bánh chín, ăn chung với lạp xường. Một hôm, Đỗ Trọng Khiêm, người chuyên nấu nước và nấu ăn cho anh em khi ở ngoài bãi lao động, tuyên bố: “Khi làm bánh khoai mì với “con lạp xường”, bánh chín rồi, gắp con lạp xường mà ăn, ngon lắm.” Nghe kỹ lời phát biểu của Khiêm, có người nói: “Đ. m. nói trật lất không. Ăn lạp xường không ngon thì ăn cái gì ngon.”

 

Việc trồng mì của tôi hoàn toàn thất bại. Khi mới bắt đầu thu hoạch được, đã có củ thì một hôm, đạp xe lên tới rẫy, tôi thấy đã có người thu hoạch giúp mấy bụi. Tức mình, hôm sau, lên rẫy thật sớm thì tôi bắt gặp một thằng bé đang ăn trộm khoai mì của tôi. Bị nắm đầu, thằng bé khóc lóc, xin xỏ. Còn bực tức, tôi kéo thằng bé ra đầu con lộ nhỏ. Anh Công An đi ngang, hỏi tôi chuyện gì, tôi nói theo bài bản: “Thằng nầy cướp công cách mạng, phá hoại tàn sản xã hội chủ nghĩa !” Chưa hiểu hết ý tôi nói, anh Công An lại hỏi, tôi lại nói: “Nó ăn trộn khoai mì của tôi !”

- “Ăn trộm khoai mì của anh, sao anh gọi là cướp công cách mạng ?” Anh Công An lại hỏi. Tôi giải thích:

- “Nghe theo nghe lời kêu gọi của cách mạng, tôi lên đây tăng gia sản xuất. Nó ăn cắp thành phẩm của tôi, không cướp công cách mạng thì gọi là gì ?”

Anh Công An bỏ đi.

 

Tôi hỏi thằng bé:

- “Tại sao mày ăn cắp khoai mì của tao ?”

- “Tội nghiệp tui chú ơi ! Mấy đứa em tui đói quá, tui không có cách chi. Chú tha cho tui !”

Hỏi ra thì thằng bé có cha đi tù, mẹ đi bán buôn mấy ngày chưa về. Tới nhà thì thấy thằng bé có ba đứa em, đứa nào cũng như đứa nào, vừa đói, vừa ốm, vừa dơ dáy. Thấy cảnh mấy đứa bé, tôi nhớ tới cuốn phim “Người ăn cắp bánh mì” tôi đã xem hồi còn đi học. Tôi bèn nói với thằng bé: “Chú cho mầy hết. Giữ mà ăn dần dần, coi chừng người khác tới ăn trộm. Ba mày là bạn tao !”

 

Chắc chắn thằng bé không thể nào hiểu được câu cuối tôi nói. Nhưng tôi là tù mới được tha, ba nó là tù chưa được tha. Như vậy, tôi với ba nó là bạn chớ còn gì nữa. Tôi đạp xe ra về, lòng nửa vui nửa buồn, suy nghĩ lan man. Nếu nói ai là tù của chế độ nầy thảy đều là bạn tôi; như vậy thì bạn tôi đông lắm, kể tới hàng triệu người. Tôi có tới hàng triệu bạn. Đông quá ! Đông quá ! Không sao gặp hết, biết hết được, đâu đủ khoai mì để giúp họ.

 

Bây giờ tôi phải đạp xích lô chớ chẳng có con đường nào khác. Gia nhập đội ngũ “dân biểu” (2) là điều tôi không muốn, nhưng bất cứ trong hoàn cảnh nào, đời cũng có nhiều điều vui.

 

Chẳng có vợ con gì, tôi nhẹ gánh … tang bồng. Chiều chiều, xong khoảng mười cuốc xe, có đủ ít tiền tiêu, giúp mẹ một ít mua gạo, tôi đạp xe vào vườn hoa trước sân vận động Cộng Hòa tham gia cuộc tranh tài đạp xích lô … hai bánh.

 

Xe xích lô có ba bánh, chúng tôi tranh tài đạp xích lô hai bánh. Nghĩa là chúng tôi ngồi trên chiếc xe xích lô ba bánh, nhưng nghiêng cái xe, chỉ cho chạy có hai bánh: Một bánh trước và bánh sau. Ai đạp chậm mà đi được xa là … ăn tiền. Chuyện nầy tôi đã từng nghe trong trại tù, nhưng đó là chuyện đáp máy bay. Một ông thiếu tá lái Cô Lan 19, (L-19) tuổi, trước khi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, ông ta được đài kiểm soát không lưu báo cho biết là máy bay của ông đã bị bắn bay mất một bánh xe. Ông phi công bảo cứ yên tâm, ông ta đáp được. Hai bên phi đạo, xe cứu hỏa chực sẵn. Nếu máy bay đáp xuống, bị lật cháy, xe cứu hỏa can thiệp ngay. Tuy nhiên, phi công cho chiếc máy bay nghiêng cánh bên cao bên thấp khi đáp xuống phi đạo, giống như chúng tôi chạy xe xích lô hai bánh vậy. Khi máy bay hết đà, cái chân cụt không có bánh xe hạ xuống, đụng đất và chiếc máy bay ngừng hẳn, chỉ hơi xoay ngang một chút. Ông phi công ló đầu ra khỏi máy bay và cười.

 

Khi nghe chuyện đạp xích lô hai bánh, nhớ câu chuyện đáp máy bay bằng cái chân què, tôi tham gia cuộc vui. Tôi phải là người giỏi nhất bọn, và nhận giải dài dài. Có ngày tôi ăn nhiều cuộc đua, có khi tiền ăn nhiều hơn tiền chạy xe cả một ngày.

 

Bọn chạy xe đua chúng tôi, không ít tay có máu mê cờ bạc. Do đó, tiền xe chạy một ngày không đủ để nướng vào một cuộc đua xe. Đời có nhiều điều vui, nhưng tới đây, nhiều tay thua cháy túi, không có tiền đem về nuôi vợ con thì điều vui trở thành điều buồn. Vì nó là điều buồn nên tôi bỏ đi, không tham gia nữa.

 

Cũng may, trong thời gian chạy xe xích lô và đua xích lô hai bánh, tôi có được ít tiền, thỉnh thoảng đến thăm và giúp Huề, người đứng lên đấu tranh chống Việt Cộng trong vụ chúng bắt nhốt cachot những người chủ trương việc tổ chức “Mẹ Việt Nam đi thăm các con bị tù” hồi tết mấy năm trước.

 

Khi có chương trình định cư ở Mỹ dành cho các tù cải tạo, Huề và tôi cũng như một số anh em Phục Quốc cũng hy vọng được đi, nhưng cuối cùng chúng tôi bị Mỹ từ chối. Lý do khá buồn cười, chương trình nầy chỉ dành cho những ai “can tội” tướng tá, “can tội” đại úy, trung úy, giám đốc, trưởng ty, cảnh sát đặc biệt, hạ sĩ quan an ninh tình báo, còn như chúng tôi “can tội phục quốc” thì bị Mỹ cho ra rìa. Tôi không so sánh chúng tôi với những người được đi Mỹ theo chương trình H.O. nhưng chúng tôi cho rằng Mỹ kỳ cục, bởi vì chống Cộng mà bị tù thì chúng tôi là những người chiến đấu đến cùng, khi thế cùng lực kiệt, súng không còn đạn và bụng đói không có gì ăn.

 

Mẹ tôi vẫn buồn vì tôi tuổi đã lớn mà chưa có vợ. Tôi đã trên ba mươi tuổi rồi, trong khi mẹ tôi nói tôi lấy vợ trễ, sau nầy kẹt lắm: “Cha già con mượn”. Nhưng tôi lấy vợ ra làm sao nhỉ ? Lấy ai ? Biết ai yêu mình mà lấy. Và dù có ai yêu mình đi nữa thì chồng phải nuôi vợ, theo như tục lệ của người Việt. Tôi lấy gì nuôi vợ trong khi tôi chưa nuôi nổi tôi ? Còn như để vợ tự đi làm lấy, có khi phải thay cả tôi nuôi con thì tôi lại không vui ? Không vui thì lấy vợ làm gì ? Tôi yêu những điều vui. Vì vậy, người ta lấy vợ để vui thì tôi không lấy vợ là để vui. Giải thích điều đó với mẹ, mẹ tôi mắng tôi là ích kỷ đấy . Tôi có ích kỷ không nhỉ ?

 

Sau khi bỏ nghề “dân biểu”, tôi phải kiếm một nghề nuôi thân. Và tôi đi bán bánh chưng. Nghề nầy dần dần đưa tôi vào con đường … văn nghệ. Trước hết, mỗi khi dừng xe đạp bán bánh ở một xóm nào, tôi vừa bán vừa ca vài câu .. vọng cổ đã học lóm trong mấy năm tù cải tạo: “Chúc Anh Đài ơi ! Nếu một mai nương tử còn thương tôi thì hãy ra nơi Nam Sơn tiểu lộ …” Đó là câu trong tuồng “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài.” Hoặc: “Rừng chiều hiu quạnh trời đêm sương giá lạnh, chốn quê nghèo thêm chạnh nỗi niềm riêng …” là câu trong bài ruột của Út Trà Ôn, hoặc “Cái con nhỏ, đau làm sao, sau đít có cọng rau …”. Dĩ nhiên câu ca nầy không nên ca trong các xóm di cư, dễ bị ăn đòn. Nhờ biết ca mà khách hàng của tôi ngày càng đông, khiến tôi “phát triển thị trường” của tôi ra các vùng ngoại ô xa xôi.

 

Bây giờ tôi không còn đi xe đạp mà “tiến vững chắc một bước”. Tôi đi bán hàng bằng chiếc xe Honda mua lại của đứa em bà con đi Mỹ theo cha mẹ. Phía yên sau, tôi làm một cái giàn sắt, có thể cột lên đó ba thúng bánh chưng đầy nhóc, và “trong nắng sớm ban mai, đố ai biết có gì đổi khác ?” (3) Cũng con đường mỗi ngày quen thuộc, cũng những bụi cây, bãi cỏ bên lề, tôi dong ruổi trên con ngựa sắt già không biết mệt, cùng với tiếng máy nổ đều đều. Rồi tôi dừng lại ở một ngã ba đầu xóm và lên giọng lanh lãnh, rao bán bánh chưng:

“Ai có tiền, có quyền, bóc lột.”

Ngừng một chút. Tôi lại lên giọng rao hàng:

“Có tiền, có quyền, bóc lột.”

 

Rao hàng là phương cách kiếm sống của người bình dân lao động, nhưng không phải không có nghệ thuật. Ở Saigon, khi còn nhỏ, tôi nhớ lời rao hàng của nhiều người khá hay, lôi cuốn người nghe. Người rao hàng không rao hết các tiếng trong câu, họ chỉ nhấn mạnh tới những tiếng quan trọng. Ví dụ có ông già Tàu thường rao hàng ở đại lộ Đồng Khánh như vầy: “Tàu Lam Dang về chưa ? Tàu Lam Dang mắc kẹt.” Trong đêm khuya, nghe tiếng hỏi tàu về chưa hay chưa về, cũng buồn lắm đấy ! Viết thì rõ như vậy và chỉ là cách suy đoán, còn tiếng rao nghe liền hơn, rền hơn và không rõ. Chẳng có tàu Nam Vang nào về tới đường Đồng Khánh cả. Rõ ra, lời rao của ông già Tàu là: “Đậu phụng rang hột dưa, đậu phụng rang bánh kẹp.”

 

Hồi nhỏ rất thường ăn quà, nên tôi từng nghe và có kinh nghiệm về việc rao hàng. Nhờ đó, trong tiếng rao của tôi chỉ rõ ở những tiếng “quyền”, “tiền”, “bóc lột”. Nhưng tiếng bóc thì phát âm khá nhanh. Khách hàng chỉ cần nghe “Tiền, quyền, lột” là biết ngay tôi.

 

Cách rao hàng như thế làm cho nhiều người có cảm tình với tôi. Một hôm đang bán hàng thì có một ông già đến đứng bên tôi cười cười, hỏi nhỏ:

- “Này, có đi học tập chưa mà rao như vậy. Chưa thông suốt đường lối cách mạng đó nghen.”

Tôi lại hát đùa:

- “Chú ơi ! Mới năm năm mà đời chưa tơi tả, vừa tha ra thì đã hát … móc lò.”

Ông già cười, trả tiền, lấy bánh bỏ đi.

 

Cũng có chị đến mua bánh chưng, bảo tôi:

- “Tôi bóc lột là bóc lột cái bánh chưng chớ không bót lột nhân dân đâu chú !”

Và dĩ nhiên, một hôm Công An bắt tôi về trụ sở xã. Anh trung sĩ Công An còn trẻ, nhưng mặt mày khôn ngoan lắm, điều tra tôi, bằng giọng Bắc kỳ 75:

- “Anh lói ai bóc nột ?”

- “Thưa anh ! Tôi nói ai có tiền mua bánh chưng của tôi thì có quyền bóc lột.”

- “Anh lói bóc nột nà cái gì ?” Anh ta sừng sộ.

Đã từng đối đầu với Công An trong suốt năm năm tù cải tạo, tôi bình tĩnh:

- “Thì bóc lột cái bánh chưng. Không bóc lột làm sao ăn ?”

Tên Công An vẫn hậm hực:

- “Anh muốn lói móc nò cán bộ bóc nột chứ gì ?”

- “Đó là anh nói. Tôi không nói vậy. Cán bộ là người của cách mạng, phục vụ nhân dân. Anh không nên nói xấu cán bộ. Còn nói móc lò là không đúng. Người Nam như chúng tôi phổi bò, ruột để ngoài da. Cái gì không ưa thì nói thẳng, thẳng như ruột ngựa, nói huỵch toẹt. Nói móc lò là không ngay thẳng. Người xứ khác mới hay nói móc lò.”

- “Anh lói người xứ khác nà ai ?” Tên Công An vẫn hung dữ.

- “Người xứ khác là người không phải sinh đẻ ở Saigon như tôi, là người khác xứ … Nam Bộ.”

- “Anh chia rẽ dân tộc đấy nhá !” Tên Công An lại kết tội tôị

- “Tôi là người bán bánh chưng, sống nhờ vào đồng bào, nhân dân. Tôi đâu có cái quyền gì mà chia rẽ dân tộc. Ai có quyền mới lấy cái quyền đó mà chia rẽ nọ kia. Tôi có quyền gì đâu !” Tôi giải thích.

- “Thế tại nàm sao anh rao hàng như thế. “Có quyền, có tiền, bóc nột.” Tên Công An vẫn cố tìm cách kết tội tôi.

- “Anh nói sai rồi. Tôi nhắc lại câu tôi rao hàng nè: “Có tiền, có quyền bóc lột.” Có tiền mới có quyền bóc bánh tôi. Sao anh nói ngược lại: “Có quyền, có tiền.” Tôi lại giải thích.

Tên Công An vẫn chống chế:

- “Bán bánh chưng thì rao “Ai mua bánh chưng”. Anh bày đặt “có tiền, có quyền.”

- “Anh nói vậy là sai. Bây giờ là thời kỳ đất nước đổi mới. Cái gì cũng phải đổi mới cho đúng đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước nói phải đổi mới mới theo kịp các nước khác. Không đổi mới thì tụt hậu hoài. Tôi rao như thế là theo đúng đường lối chính sách. Rao “Ai mua bánh chưng” thì đổi mới cái gì ?”

Tên công An làm thinh.

Từ nãy giờ, tên đại úy trưởng Công An xã, tuy làm việc nhưng vẫn lắng nghe tôi đối đáp với anh Công An Bắc Kỳ. Tên trưởng người Nam Bộ xem ra cũng dễ tính hơn, bèn can thiệp:

- “Thôi. Tôi cho anh về. Nhớ là đừng có hành động gì quan hệ tới chính trị. Tới chính trị thì chúng tôi có muốn giúp anh cũng không giúp gì được. Phiền lắm !.”

 

Tôi cũng mệt với tên trung sĩ Công An. Tuy nó chịu thua lý tôi, nhưng kinh nghiệm trại tù cho thấy bọn Công An Bắc Kỳ nầy ghê lắm. Có lần anh Trịnh xuân Chính, tốt nghiệp đại học sư phạm, cử nhân Pháp văn, chuyên viên phủ tổng thống, chung đội với tôi, trốn trại bị bắt, bị điều tra; học hành như thế mà cũng phải nói: “Một anh thiếu úy chế độ cũ của mình ngày xưa thua một tên trung sĩ Công An Bắc Kỳ bây giờ. Chúng nó sâu sắc, lắc léo và thủ đoạn lắm.” Nhớ câu nói của anh Chính, tôi cũng hú hồn.

Nhưng tôi đâu có sợ. Nó không làm gì được tôi thì tôi cứ thế mà tiến hành.

 

Hồi nầy, nhờ cách rao hàng “đổi mới theo chính sách”, tôi bán được lắm. Thỉnh thoảng, tôi lại thăm Huề, cho anh ta ít tiền, anh bị bệnh bại liệt, nằm một chỗ, rất đáng thương.

 

Em của Huề bây giờ làm nghề sửa radio, TV. Thương tình tôi rao hàng khản cổ, anh ta ráp cho tôi một cái cassette cũ, có emplie, có loa. Cái loa tôi gắn trên cái giàn sắt. Có khi vừa chạy xe, tôi vừa phát loa, có khi dừng ở một ngã ba, ngã tư trong làng, tôi phát loa rao bánh. Em của Huề ghi vào băng cho tôi những bản nhạc của Vô Thường - nhạc vàng không lời - Sau bản nhạc là tới câu rao “Có tiền, có quyền, bóc lột.” Xong câu rao, nhạc Vô Thường lại vang lên thánh thót.

 

Tuy nhiên, bài đầu tiên của băng cassette, tôi biểu em của Huề ghi âm cho tôi bản “Biệt Kinh Kỳ” của Lam Phương. Tôi rất thích bài nầy, từ khi còn đi học. Chính bài hát nầy thúc đẩy tôi đăng vào Thủy Quân Lục Chiến, giúp tôi tìm lại nguồn vui trong trại tù cải tạo, và bây giờ trên con đường thiên lý … bán bánh chưng.

 

Tôi thấm thía với lời ca của bài hát: Hễ mỗi khi “dzô, dzô” với bạn bè là tôi nhớ câu “cạn chén ly bôi”. Hễ tới câu “Giã từ trường yêu …” là tôi nhớ tới các bạn học cũ. Hễ “Ngày mai đã đi xa rồi …” là tôi nhớ tới những ngày hành quân ở Vùng 2, Vùng 1. Và hễ “Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu” thì tôi nhớ trong trại tù chúng tôi hát đùa là “Có tôi đi đầu hàng” … và cũng nhớ đại tướng Dương Văn Minh.

 

Rồi trên con ngựa sắt già, tiếng máy xe nổ bành bạch, tôi bấm nút mở băng cassette, nghe những âm thanh đầu tiên của bản nhạc không lời “Biệt Kinh Kỳ”. Và trí tôi hát thầm theo lời nhạc. Tôi âm ư tiếng hát của tôi và nhớ những kỷ niệm cũ, lòng tôi vui lên và thấy hứng khởi với một bài hát cũ đã 50 năm: “Bạn ơi ! Quan hà xin cạn chén ly bôi …”

 

Quả thật, “cạn chén” thì đời vẫn còn nhiều điều vui.

 

 

Hoàng Long Hải

 

 

--------------------------------------------------------------------------------

(1) “Con lạp xường”:

 

Trong trại tù, thiếu thịt nên chúng tôi thường bắt cào cào, châu chấu, rắn, v.v… để ăn, thường là nướng ăn ngay tại bãi lao động. Đem về trại, bị xét ở cổng, dễ bị tịch thu. Thấy chúng tôi ăn như vậy, cán bộ thường tỏ vẻ kinh. Có cán bộ nói: “Con gì cũng nướng ăn !”

 

Một hôm, Đỗ Trọng Khiêm nấu nước giải khát cho toàn đội, có người bạn tù nhờ anh nướng giúp cái lạp xường vừa được gia đình thăm nuôi tiếp tế cho. Khiêm làm như nướng các con vật thường bắt được: xỏ qua một cái que, để trên lửa. Bỗng có anh cán bộ Công An đi tới, thấy vậy, hỏi:

- “Này, anh kia, anh nướng con gì đấy ?”

Khiêm làm bộ tỉnh, trả lời:

- “Thưa cán bộ, tôi nướng “con lạp xường” !

Anh cán bộ vừa bỏ đi, vừa cằn nhằn: “Con gì cũng nướng ăn. Con lạp xường mà cũng nướng ăn.” Từ đó, trong trại nảy sinh một danh từ mới: “Con lạp xường”

 

(2) Dân biểu: Dân biểu đạp xe đi đâu thì đi tới đó. Tiếng gọi đùa nghề đạp xích lô, một nghề phổ biến cho tù cải tạo, sau khi được tha.

 

(3) Một câu trong bài “Nhành Lúa Mới” (Sách Việt Văn Đệ Thất, Đệ Lục của Nguyễn xuân Hiếu và Trần mộng Chu)

 

 

(Bai Chuyen)

 

 

website counter